Hành động Vì Một Môi Trường Không Khí Trong Lành
Có thể bạn quan tâm
PV: Thưa ông, vì sao Ngày Môi trường thế giới năm nay lại có Chủ đề “Ô nhiễm không khí”?
Ông Nguyễn Văn Tài: Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới, có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ô zôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Để từng bước giải quyết những vấn đề nêu trên, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã đưa ra Chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2019 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.
Đối với Việt Nam, đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) thời gian qua cho thấy, phần lớn thời gian, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo ở mức tốt và trung bình. Một số trạm đo tại khu vực Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai của TP. Hà Nội có chất lượng không khí kém hơn. Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường.
Kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số thành phố lớn trong những năm gần đây cho thấy chất lượng không khí đã được cải thiện. Các thông số môi trường trong không khí (như NOx, SOx, CO...) có giá trị khá thấp, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng không khí xung quanh (theo QCVN 05:2013/BTNMT) và không có nhiều biến động so với những năm trước. Tuy vậy, nồng độ bụi cục bộ tại một số khu vực trong một số đô thị, đặc biệt, tại các khu vực đô thị lớn có giá trị vượt QCVN… Tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở khu vực miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật, ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1 - 2 và có thể kéo dài sang tháng 3 năm sau.
PV: Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm không khí đang có chiều hướng gia tăng. Vậy các cơ quan chức năng đã có những hành động cụ thể nào để hạn chế, kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí?
Ông Nguyễn Văn Tài: Để hạn chế sự gia tăng ô nhiễm không khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí; Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức phi Chính phủ triển khai các hoạt động cụ thể nhằm ngăn ngừa tình trạng gia tăng ô nhiễm.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 985a/QĐ -TTg phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát là hướng tới tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí (CLKK) thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; giám sát CLKK xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Theo đó, cơ quan quản lý phải tập trung kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; đầu tư, thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm hạn chế phát sinh khí thải; tiếp tục đầu tư xây dựng, lắp đặt, vận hành các hệ thống thiết bị xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường không khí. Phải hoàn thành thực hiện quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Tăng cường năng lực quốc gia về kiểm soát khí nhà kính (KNK), góp phần thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải KNK của Việt Nam. Tăng cường công tác giám sát CLKK xung quanh thông qua việc tăng số lượng trạm quan trắc không khí xung quanh tự động liên tục tại các đô thị so với năm 2015 theo đúng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, giám sát thường xuyên các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thông số VOCs, HC,...
Ngoài ra, căn cứ vào Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế hiệu, Nghị định số 40/2019/ND-CP ngày 13/5/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2019, chủ nguồn thải khí thải công nghiệp có phát sinh khí thải lưu lượng lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT để kiểm soát. Đồng thời, các dự án có phát sinh chất thải công nghiệp lớn đều phải có giấy phép xả khí thải công nghiệp.
Bộ TN&MT đã xây dựng Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí; đồng thời, hoàn thiện các văn bản pháp luật. Cụ thể, Bộ đã triển khai thực hiện các quy định về BVMT không khí theo Luật BVMT năm 2014, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Trong đó, tập trung vào công tác quản lý, giám sát các nguồn thải và trách nhiệm của chủ nguồn thải; xây dựng đồng bộ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải các ngành công nghiệp… Đặc biệt, Bộ đã tăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí, đặc biệt là hình thành hệ thống công cụ kinh tế như phí BVMT đối với khí thải, xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải khí thải giữa các doanh nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các KCN. Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực thực hiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên, môi trường quốc gia đến năm 2020, trong đó quan tâm đến các hệ thống quan trắc không khí, giám sát các nguồn khí thải công nghiệp lớn…
Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác kỹ thuật với các nước có kinh nghiệm và hỗ trợ nguồn lực trong BVMT không khí; ưu tiên mở rộng quan hệ quốc tế về BVMT không khí dưới hình thức thiết lập các chương trình, dự án đa phương và song phương, hỗ trợ kỹ thuật; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và sử dụng hiệu quả hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: Chương trình Phát triển với Liên Hợp Quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Tổ chức Sáng kiến Không khí sạch châu Á (CAI-ASIA)…
PV: Chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý, cải thiện chất lượng không khí, nhưng để thực hiện được cần phải có thời gian. Còn trước mắt, để thông điệp của Ngày Môi trường thế giới 2019 lan tỏa, Bộ TN&MT sẽ có những hoạt động gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tài: Để huy động các hệ thống chính trị, cộng đồng, nhân dân hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Bộ TN&MT đã phát động “Tháng Hành động vì môi trường”. Hưởng ứng Chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay lan tỏa rộng khắp, Bộ TN&MT phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các địa phương, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp cảu cộng đồng như chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải; phát động phong trào đi bộ, đi xe đạp, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm không khí; phong trào trồng cây xanh trong các khu đô thị, khu dân cư; hạn chế đốt chất thải nông nghiệp sau thu hoạch tại các khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người và môi trường. Đồng thời, tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt nguồn khí thải gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn do giao thông, hoạt động xây dựng; nghiên cứu, sử dụng vật liệu chống ồn để xây dựng đường sá, tường cách âm, chống ồn tại các công trình xây dựng. Kết hợp trồng thêm cây xanh trong các khu vực đô thị; thực hiện việc đầu tư, lắp đặt, vận hành, kết nối hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ các đô thị, cơ sở sản xuất có nguồn khí thải lớn thông suốt từ Trung ương đến địa phương để phục vụ công tác quản lý, dự báo, cảnh báo chất lượng không khí.
Ngày Môi trường thế giới năm nay mang đến cơ hội cho mỗi chúng ta chống lại ô nhiễm không khí trên toàn thế giới. Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm: từ đạp xe hoặc đi bộ đến làm việc và trở lại, tái chế rác không hữu cơ của bạn, trồng cây, cải thiện không gian xanh trong môi trường sống của bạn. Hoặc hãy tắt đèn và thiết bị điện tử không sử dụng, sử dụng các thiết bị ít phát thải; không bao giờ đốt rác, chất thải nông nghiệp sau thu hoạch nhằm góp phần trực tiếp vào giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm không khí, chung tay cải thiện chất lượng không khí.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Từ khóa » Trinh Chiến Trong Lành
-
Nhóm Từ Nào Sau đây Gồm Các Từ Viết đúng Chính Tả? Trinh Chiến ...
-
Từ điển Chính Tả... Sai Chính Tả - Giáo Dục Việt Nam
-
Để Từng Nhịp Thở Có Không Khí Trong Lành | UNICEF Việt Nam
-
Mục Sư: Trịnh Chiến. Chủ đề: (Phước Lành Thứ 6 ... - YouTube
-
Chiến Lược Với đường để ăn Uống Lành Mạnh Trong Ngày Lễ | Vinmec
-
Cùng Hành động Vì Bầu Không Khí Trong Lành - PLO
-
Hành Trình Về Những Chiến Khu Trên Vùng Đất Tổ
-
Cần đảm Bảo Không Khí Trong Lành Khi Sửa đường Bộ
-
Chiến Dịch Truyền Thông Kêu Gọi “Hãy Tôn Trọng” Sức Khỏe Và Quy ...
-
'Phố Trong Làng': Chuyến đi định Mệnh Của Chàng Chiến Sĩ Cảnh Sát
-
Nhóm Hội Những Người Thích Sự Trong Lành - Không Khí Sạch
-
Thúc đẩy Quá Trình Tự Chữa Lành Trong Mỗi Cá Nhân - USSH
-
Carl Thayer: 'Vết Thương Vẫn Chưa Lành Sau 45 Năm Cuộc Chiến VN'