Hành Trình Bullet Journal Và Review 3 Loại Sổ Dotgrid
Có thể bạn quan tâm
Mình là một người yêu thích công nghệ, công việc cũng thuộc lĩnh vực công nghệ nốt, nhưng với chuyện ghi chép, viết lách thì lại trung thành với bút giấy cổ điển. Từ bé đến lớn mình đã dùng qua nhiều loại sổ cho nhiều mục đích khác nhau, nhưng cũng vì sự “lăng nhăng” này nên hầu như chưa có cuốn sổ nào mình có thể dùng được đến trang cuối cùng.
Hành trình bullet journal
Năm 2017 là lần đầu tiên mình biết đến khái niệm “bullet journal”, một phương pháp ghi chép giúp người dùng quản lý được cuộc sống một cách rõ ràng và khoa học hơn. Bị choáng ngợp bởi những bài viết và video chia sẻ đầy màu sắc về bullet journal trên mạng, mình cũng đã dấn thân vào “hành trình” với bullet journal một cách đầy mơ màng. Không biết vẽ, không có khiếu thẩm mỹ, chữ xấu,… tưởng chừng là những chướng ngại vật ngăn mình đến với một cuốn bullet journal hoàn hảo, nhưng hóa ra chướng ngại vật lớn nhất lại là sự thiếu khoa học và thiếu trân trọng của bản thân mình.
Cuốn thứ nhất, vì lười vẽ layout nên mình bỏ khi mới dùng được một phần ba.
Cuốn thứ hai, mình mua loại có sẵn layout lịch thì dùng được một nửa cũng bỏ mất do cảm thấy không có sự linh hoạt đúng chuẩn của bullet journal.
Vậy là mình bỏ cuộc.
Đến cuối năm 2018, trong một cơn bốc đồng xem hàng loạt video sắp xếp cuộc sống, mình đã quay lại con đường bullet journal này. Mình cũng đã trằn trọc, ao ước việc mua những cây bút, những bộ bút màu thật đẹp để tô màu cho cuốn sổ, nhưng rồi mình đã kiềm chế được và đầu tư vào thứ cần thiết nhất – sổ. Vì chỉ khi cầm trên tay một cuốn sổ có kích thước vừa phải, chất giấy mịn màng, bìa sổ chắc chắn mình mới cảm thấy trân trọng và muốn được viết lên. Nói một cách “trần trụi” hơn, đó là buộc phải viết vì nếu không sẽ… tiếc tiền.
Về lý thuyết, để làm bullet journal bạn có thể dùng bất kỳ loại giấy nào, từ loại trắng cho đến kẻ ngang, kẻ ô, giấy chấm. Mình chọn sổ giấy chấm từ lúc bắt đầu làm bullet journal đến giờ, vì giấy chấm là loại có thể “chịu” được tất cả các loại layout, khi viết/vẽ lên sẽ không để lại cảm giác khó chịu vì những dòng kẻ hay ô vuông đậm màu, nhưng đồng thời cũng giúp mình canh chỉnh được chữ viết, đường kẻ thẳng hàng chứ không bị xéo. (Vì chẳng hiểu sao cứ viết trên giấy trắng là đến nửa cuối trang chữ của mình sẽ bắt đầu… đi lên.) Một quyển sổ dotgrid có thể dùng để làm bullet journal, nhật ký hoặc đơn giản là sổ ghi chép hàng ngày.
Hôm nay mình sẽ so sánh về 3 loại sổ giấy chấm (dotgird) mà mình đã dùng qua để giúp mọi người có thêm lựa chọn khi mua sổ nhé.
Một số từ hay dùng khi nói về chất lượng giấy:
- Gsm: đơn vị khối lượng của giấy, viết tắt của Gram per square meter – khối lượng theo đơn vị gram tính trên mỗi mét vuông. 100 gsm nghĩa là 1 mét vuông của loại giấy đó nặng 100 gram. Thường thì giấy có số gsm càng cao thì sẽ càng dày và chống lem nhòe càng tốt.
- Bleeding: chỉ hiện tượng mực thấm qua giấy, lem đến mặt sau của tờ giấy đó.
- Ghosting: chỉ hiện tượng mực để lại bóng trên mặt sau của tờ giấy đó – nghĩa là lật sang trang sau vẫn thấy được chữ viết từ khác trước, nhưng không bị lem hẳn ra giấy gây ảnh hưởng thẩm mỹ như bleeding.
Sổ tay Dotgrid Stationery
Mình đã dùng qua 3 dòng sổ của Dotgrid Stationery là sổ dưa hấu, sổ planner và sổ buckram để làm bullet journal. Theo mình biết thì hiện tại dòng bìa họa tiết (dưa hấu,…) đã không còn được bán rộng rãi nữa, dòng planner thì có vẻ mỗi năm mỗi khác, nên mình sẽ tập trung vào dòng buckram thôi.
Sổ buckram có giá 95,000 VND với 2 lựa chọn màu là đen và xanh, gồm 180 trang giấy 100 gsm, 1 bookmark và quai đóng sổ.
Kích thước sổ nhỏ hơn size A5 chuẩn một chút, thon dài và cầm vừa tay, trọng lượng cũng nhẹ nhàng nên rất tiện để mang theo trong túi xách khi đi ra ngoài.
Chất lượng bìa thì mình không đánh giá cao lắm. Cuốn mình chụp dùng để thỉnh thoảng viết nhật ký nên không mang đi đâu bao giờ, sau gần 1 năm vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng cuốn planner 2017-2018 có cùng chất bìa được mang theo người nhiều thì sau một thời gian bìa có khuynh hướng bị bạc và rã dần, nhất là phần gáy. Bìa của dòng sổ bìa họa tiết còn kinh khủng hơn, gáy và bìa bong tróc nặng sau một thời gian ngắn sử dụng. Quai đóng số mềm và khá linh hoạt, thuận tiện để vắt chéo quai thành cắm bút.
Chất lượng giấy của sổ dotgrid khá ổn, mình thử với các loại bút mình đang có thì không hề có hiện tượng bleeding, có ghosting nhưng rất mờ, với một số loại bút mảnh hay nhạt màu thì không hề để lại dấu vết ở mặt sau. Giấy màu trắng ngà khá êm mắt, các dòng chấm không quá đậm màu và có khoảng cách vừa đủ để viết, tuy nhiên nếu có thói quen viết chữ to như mình thì vẫn cứ phải cách một dòng để tránh chữ va vào nhau hoặc gây rối mắt. Với dòng planner 2017-2018 thì giấy chất lượng kém hơn một chút nên mình thường dùng bút chì và bút bi để viết, chứ không dùng fineliner như các dòng sổ sau này.
Sổ có thể mở phẳng được, tuy nhiên phải chịu khó đè góc một chút. Đây cũng là nguyên nhân làm gáy sổ dễ bị bung nếu người viết đè thẳng sổ nhiều.
Ngoài 3 loại mình đã trực tiếp trải nghiệm thì mình cũng có mua một cuốn buckram giấy trơn tặng cho cháu gái mình làm sổ vẽ kí họa. Với mục đích vẽ đơn giản bằng bút chì thì sổ hoàn thành khá tốt nhiệm vụ, tuy nhiên điểm yếu vẫn ở phần phải đè kĩ mới mở được thẳng sổ.
Đánh giá: 3.5/5
Mua lại: Mình đã mua tới 4 cuốn của Dotgrid rồi nên chắc sẽ không mua lại cho mục đích làm bullet journal. Có thể mua để dùng làm sổ ghi chép hoặc nhật ký nếu cần thêm.
Sổ của Dotgrid thì lúc đầu mình mua ở Nomad Café, sau khi họ đóng quầy văn phòng phẩm thì mình mua trên trang shopee của Dotgrid để được freeship. Ngoài ra hãng cũng có cửa hàng ở Hà Nội và TPHCM, cũng như bán hàng trên trang chủ www.dotgrid.vn nữa.
Sổ tay Threedots
Dotgraph khổ A5 của Threedots có giá 155,000 VND với 5 lựa chọn màu là đen, đỏ, vàng, xanh dương, xanh cỏ. Sổ gồm 160 trang giấy 90 gsm, quai đóng sổ cùng màu, một bìa giấy đính kèm phía sau và không có bookmark đi kèm. Threedots còn một số dòng sổ với nhiều kích thước và loại giấy khác nhau.
Khác với Dotgrid thì sổ Threedots có khổ A5 chuẩn, bìa được làm giả da nên nhìn to và nặng hơn và không phù hợp với việc mang theo hàng ngày cho lắm. Sổ cũng không có bookmark dẫn đến việc phải lật trang khá nhiều để tìm kiếm, bất tiện cho việc ghi chép liền mạch. Về chất lượng bìa thì ình thấy khá ổn, tuy nhiên mình dùng sổ Threedots để ghi chép ở văn phòng nên không mang ra ngoài nên chưa đánh giá được độ bền thật sự. Quai sổ mềm và linh hoạt, nhưng cũng nhanh bị giãn dù mình chỉ dùng để đóng sổ chứ không móc chéo như cuốn Buckram của dotgrit.
Giấy của sổ Threedots màu off-white, chất giấy khá mịn và trơn nên mực chạy rất thích, phù hợp khi viết bằng bút bi đầu to hoặc bút fineliner nét đậm. Giấy dày vừa phải và không bị bleeding, tuy nhiên các loại bút đều bị ghosting sang mặt sau, nhất là các loại bút màu đậm.
Nhược điểm lớn nhất có lẽ nằm ở phần chấm khi màu của các chấm đậm và hàng khá sát nhau. Mình thường phải cách đến 2 dòng khi viết, hoặc là bỏ qua luôn các chấm để viết chéo khi cần ghi chú nhanh trong cuộc họp.
Mình thích khổ sổ lớn vì vừa đủ để kê tay khi viết chứ bề ngang không bị bó hẹp như Dotgrit, tuy nhiên sổ Threedots lại không mở phẳng ra hoàn toàn được, đây là một nhược điểm lớn nếu dùng để làm bullet journal vì sẽ có nhiều lúc bạn muốn vẽ layout tràn cả 2 trang giấy.
Đánh giá: 3/5
Mua lại: Không chắc, có thể sẽ mua để làm sổ ghi chép trên văn phòng nếu tính chất công việc hiện tại không có quá nhiều thay đổi.
Mình mua sổ Threedots ở trang http://www.taipoz.com . Tuy được chị đồng nghiệp (là bạn của chủ thương hiệu Threedots) giới thiệu sổ, nhưng cũng tìm bở hơi tai mới ra được chỗ bán. Lúc mua cuốn sổ này thì công ty mình nằm gần Taipoz nên họ giao hàng qua ngay, mất tầm 1 tiếng từ lúc mình gọi điện đặt hàng đến lúc nhận được sổ, trả thêm 20,000 VND tiền giao hàng nữa.
Sổ tay Scribbles that matter
Ta ta da! Xin giới thiệu vedette của bài viết này, sổ Dotted Journal của Scribbles That Matter.
Sổ của mình là dòng Iconic có các icon in chìm khắp hai mặt sổ, ngoài ra Scribbles That Matter còn có dòng sổ Pro giống hệt bên trong nhưng là bìa trơn. Hai phiên bản đều có 201 trang giấy chấm 100 gsm được đánh số, 2 bookmark, bìa giả da kèm theo bìa giấy phía sau, quai sổ và kẹp bút. Scribbles That Matter sản xuất khá nhiều màu cho các dòng sổ, và mỗi trang bán lại chỉ đăng những màu còn hàng nên mình cũng không đếm được chính xác là bao nhiêu màu. Ngoài 2 dòng khác bìa cho khổ A5 thì Scribbles That Matter còn một số size để dùng cho nhiều mục đích khác nữa, nhưng khổ A5 vẫn là nổi tiếng nhất và cũng là dòng chuyên dụng cho bullet journal.
Sổ của mình là màu Mint, có quai và kẹp bút màu hồng mận được mua từ Amazon của Anh. Mình nhờ bạn đặt hàng giúp, về đến tay có giá 808,000 VND. Ban đầu mình định đặt trên Amazon Mỹ nhưng lại không có màu Mint này, chứ nghe bảo đặt ở Mỹ thì chuyển về sẽ rẻ hơn một chút.
Dùng quyển sổ này thì mình chỉ có thể nhận xét là: Tiền nào của nấy.
Bìa được đóng chắc chắn, sau gần 4 tháng đi cùng mình khắp mọi nẻo đường thì chỉ hơi bẩn một chút chứ chưa hề có dấu hiệu bong tróc hay sờn rách gì. Quai sổ được làm vừa vặn, hơi cứng nhưng không hề thiếu độ co giãn, cũng như không bị lỏng đi dù mình tháo ra tháo vào khá nhiều. Khi mua về thì trong hộp có kèm theo một miếng cắm bút rời, chỉ cần tháo lớp keo ra dán vào bìa sau là dùng được, nhờ vậy nên mình có thể canh được vị trí phù hợp nhất cho tầm tay và kíchthước bút.
Giấy bên trong có màu trắng sữa vừa phải, giấy mịn nên viết bằng bút fineliner có đầu từ 0.2 trở lên là thích nhất, mực trượt đi mịn và không bị nhòe. Chấm nhạt màu hơn của Dotgrid và Threedots nên khá dễ chịu cho mắt, khoảng cách giữa các hàng vừa phải cho cả người viết chữ to, nhưng thỉnh thoảng mình vẫn phải viết cách ra một chút cho thoáng. Mình cũng thử một số bút ở nhà và thấy cũng như 2 cuốn sổ trên, giấy của Scribbles That Matter hoàn toàn không bị bleeding, chỉ ghosting nhẹ.
Đây là sổ chuyên cho bullet journal nên Scribbles That Matter cũng dành sẵn 1 trang viết key, 3 trang cho Mục lục và 2 trang ở cuối dùng làm Pen test (thử bút). Trang cuối cùng dành riêng để “tổng kết” lại cả cuốn sổ. Mỗi trang thường bên trong đều có đánh dấu nhẹ ở các chấm giữa trang, chấm giữa hàng ngang và dọc nên khá tiện cho việc chia layout. Sổ có thể được mở phẳng khá dễ dàng, gần như mở ra là phẳng ngay lập tức chứ không phải đè hay miết, cực tiện cho việc kẻ layout ngang mà cũng không sợ gãy gáy sổ.
Đánh giá: 5/5
Mua lại: CHẮC CHẮN. Nhưng mình định thử một số thương hiệu khác cùng tầm giá như Dingbat* hoặc Leuchtturm 1917 trước đã để có nhiều so sánh hơn. Chứ so một cuốn sổ chuyên bullet journal giá 800,000 VND với 2 cuốn sổ nội địa giá 95,000 VND và 155,000 VND thì oan cho 2 cuốn kia quá…
Saukhi quay lại với bullet journal, mình đã dành được nhiều thời gian hơn cho bản thân mỗi tối khi ngồi ghi lại một số sự kiện chính, bớt nhớ nhớ quên quên hơn vì lúc ngồi ghi chép cũng là lúc mình nhớ lại được những suy nghĩ linh tinh trong ngày. Mình mong rằng với một cuốn sổ đẹp (và đắt), hành trình bullet journal của mình sẽ dài thêm và có nhiềutrải nghiệm khác nữa. Và hy vọng sẽ có lúc làm được layout đẹp đẽ để chụp lên đây khoe với mọi người, chứ không còn “em giấu cho riêng em biết” như bây giờ vì chữ xấu mà layout lại còn đơn điệu, hì hì.
Share this:
Related
Từ khóa » Sổ Dot Grid Dùng để Làm Gì
-
Sổ Ruột Chấm Dot Grid Klong Nhiều Kích Cỡ | Mua Tại
-
Sổ Dot Grid Là Gì? Tại Sao Bạn Nên Sử Dụng Sổ Dot Grid
-
Dot Grid Là Gì ? Tại Sao Bạn Nên Sử Dụng Sổ Tay Dot Grid
-
Sổ Ruột Dot Là Gì ? Tại Sao Bạn Nên Sử Dụng Sổ Dot Grid Crabit ...
-
Hướng Dẫn Sử Dụng Sổ Planner 2020 Của Dot Grid
-
Bullet Journal Cho Người Mới Bắt đầu - Dot Grid Stationery
-
Dot Grid Là Gì ? Tại Sao Bạn Nên... - Gôm Gôm Shop - Facebook
-
Dot Grid Là Gì ? Tại Sao Bạn Nên... - Gôm Gôm Shop - Đà Nẵng
-
Sổ Ruột Dot Là Gì ? Tại Sao Bạn Nên Sử Dụng Sổ Dot Grid Sổ Dot ...
-
Sổ Tay Dot Grid Lò Xo đơn Thông điệp Tiếng Anh A5-200 Trang
-
7 Cuốn Sổ Làm Bullet Journal Tốt Nhất Hiện Nay, Bạn Chọn Loại ...
-
Sổ Giấy Dot Grid 026 Midori - Taipoz
-
Milk Collection - Sổ Tay Ruột Chấm Dotgrid, Ghi Chép, Làm Bullet Journal
-
Sổ Tay Ruột Dot/Grid/Line/Plank-Sổ Ghi Chép A6/A5/B5-Làm Bullet ...