Hành Trình Giành Giật Sự Sống Cho Người đàn ông Bị Rắn Hổ Mang ...

Ngày 11/9, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM cho biết, người đàn ông 38 tuổi ở Tây Ninh bị rắn hổ mang chúa cắn đã hồi phục hoàn toàn, bệnh nhân giao tiếp, ăn uống tốt và có thể xuất viện.

Nhìn lại hành trình cứu chữa cho bệnh nhân, các bác sĩ vẫn chưa hết hồi hộp khi có những lúc gần như bế tắc, sự sống của bệnh nhân bị uy hiếp bởi nọc độc của rắn hổ mang chúa quá mạnh.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, đã 16 năm từ khi thành lập Đơn vị chống độc khoa Bệnh Nhiệt đới đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 15.000 trường hợp bị rắn cắn, trong đó chỉ 8 người bị rắn hổ mang chúa cắn và chỉ 2 người được cứu sống.

Hành trình giành giật sự sống cho người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn ảnh 1 Bác sĩ Hùng chia sẻ về hành trình cứu sống bệnh nhân.

Bệnh nhân đầu tiên được cứu sống cách đây khoảng 7 năm là nhờ chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy rất nhanh, chỉ khoảng 25 phút sau khi bị rắn cắn, nọc độc chưa kịp phát tán rộng. Còn trường hợp này, sau nhiều tiếng bị rắn cắn thì bệnh nhân mới được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, nọc độc đã lan rộng và tình trạng diễn biến xấu rất nhanh.

"Nọc rắn hổ mang chúa gần như độc nhất trong các loại rắn trên cạn. Tùy trạng thái con rắn khi cắn và nhiều yếu tố liên quan nên đôi khi sự sống cả con ngời sau khi bị cắn chỉ được tính bằng phút. Vì vậy, số lượng người về được Chợ Rẫy sau khi bị cắn rất hiếm", bác sĩ Hùng nói.

Chính vì nọc độc của rắn hổ mang chúa quá mạnh phần lớn trường hợp diễn biến nặng nhanh khiến bác sĩ không kịp trở tay để cứ chữa nên kinh nghiệm điều trị phải chắt chiu qua từng ca bệnh.

Hành trình giành giật sự sống cho người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn ảnh 2 Những ngày đầu tưởng chừng không thể cứu được bệnh nhân.

Trong trường hợp này, các bác sĩ đã có sự chủ động, tiến hành chuẩn đoán và can thiệp sớm, đi trước diễn tiến bệnh một bước. Dù vậy, sau khi nhập viện ngày thứ 2, tình trạng của bệnh nhân vẫn xấu đi. Các bác sĩ đã liên tục can thiệp nhiều biện pháp từ đặt máy thở, lọc máu, huyết tương.

"Trong đêm thứ 2 ngày thứ 3 sau khi nhập viện, tình trạng của bệnh nhân rất xấu, nhiều lúc chúng tôi cũng lo lắng không thể cứu chữa được. Tuy nhiên, với kinh nghiệm những ca trước đó, mọi thứ đều đi trước, đoán trước, xử lý trước kèm theo sự hỗ trợ của máy móc hiện đại thì mới cứu được bệnh nhân chứ nếu đi theo diễn biến bệnh thì khả năng cao là bệnh nhân sẽ tử vong", bác sĩ Hùng chia sẻ.

Hành trình giành giật sự sống cho người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn ảnh 3 Bác sĩ Nguyễn Lý Minh Duy chia sẻ về những khó khăn trong thời gian chữa trị cho bệnh nhân.

Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân từ khi nhập viện, bác sĩ Nguyễn Lý Minh Duy, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chở Rẫy, thấm thía sự gian nan và khó khăn trong hành trình giành giật sự sống cho bệnh nhân. "Các vùng da bị hoại tử nhanh, lan rộng trên cơ thể bệnh nhân. Chúng tôi phải thường xuyên cắt lọc mô hoại tử, giảm nhiễm độc, điều trị rối loạn nhịp tim, suy tạng, ghép da… Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân đã vượt qua những nguy hiểm, có thể trở về cuộc sống bình thường là sự cố gắng và hợp sức của nhiều chuyên khoa", bác sĩ Duy nói.

Hồi phục kỳ diệu sau gần 1 tháng điều trị tích cực, có thể nói chuyện, ăn uống bình thường, nam bệnh nhân bày tỏ lòng biết ơn đến các bác sĩ đã tận tình cứu chữa cho mình cũng như những nhà hảo tâm đã ủng hộ tiền để trang trải viện phí. "Không biết nói gì hơn, tôi xin chân thành cảm ơn các bác sĩ, họ đã đưa tôi từ cõi chết trở về. Xin cảm ơn các nhà hảo tâm đã quyên góp cho gia đình số tiền lớn để trang trải viện phí suốt thời gian qua", người đàn ông chia sẻ.

Hành trình giành giật sự sống cho người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn ảnh 4 Bệnh nhân đã hồi phục và có thể xuất viện.

Nhắc lại lúc bị rắn cắn, người này cho biết, thấy con rắn to quá nên đã nhảy vào dùng cả hai chân đè lên để bắt thì bất ngờ bị nó quay lại cắn vào đùi. "Lúc đó tôi mới biết là rắn độc nên cố gắng giữ bằng được con rắn mang vào bệnh viện. Đây là bài học cực kỳ lớn, từ nay tôi không dám bắt rắn nữa và cũng khuyên mọi người thấy rắn độc thì nên tránh xa, không nên liều mình bắt nó như tôi", bệnh nhân nói.

Trước đó, ngày 19/9, người đàn ông 38 tuổi ở Tây Ninh thấy con rắn hổ mang chúa lớn nên vây bắt với ý định bán lấy tiền đóng học cho con. Tuy nhiên, trong lúc bắt, người này bị con rắn quay lại cắn vào đùi nên đem cả rắn đến bệnh viện địa phương, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

Ngô Bình

Từ khóa » Hình ảnh Rắn Cắn ở Tây Ninh