Hành Trình Thám Hiểm Hang Cống Nước: Thử Thách Còn Bỏ Ngỏ
Có thể bạn quan tâm
Trên diễn đàn OTOFUN, các thành viên không còn lạ lẫm với cái tên KhoanLang với những chuyến thám hiểm tại các hang sâu nổi tiếng trên dải đất Việt. Trong hành trìnhchinh phục hang Cống Nước, nhà thám hiểm này không may gặp nạn nhưng sau hành trình còn bỏ ngỏ ấy là cả một niềm đam mê và quyết tâm chinh phục không hề bị dập tắt.
Đỉnh núi nào cao nhất Việt Nam, cao bao nhiêu, chắc nhiều người biết. Nhưng hang nào sâu nhất Việt Nam, sâu bao nhiêu thì chắc không mấy người biết. Tình cờ tiếp cận được thông tin hang sâu nhất Việt Nam thời điểm hiện tại là hang Cống Nước, ở bản Chu Sải Phìn, xã Lan Nhị Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu với độ sâu -600m (sâu theo chiều thẳng đứng chứ không phải sâu theo chiều ngang, chiều dài). Chúng em quyết tâm tìm hiểu và chinh phục hang này.
Hang Cống Nước do 3 nhà thám hiểm người Bỉ chinh phục vào năm 2002 và xác định độ sâu là -600m, họ đã vẽ lại bản đồ hang. Thời đó còn hạn chế các thiết bị ghi hình chụp ảnh trong hang nên chưa có hình ảnh nào của hang được công bố.
Hiện chưa có người Việt nào chinh phục được hang này.
Chúng em lên kế hoạch tập luyện và chuẩn bị đồ để chinh phục hang này trong 6 tháng (sau khi đã chinh phục thành công hang Địa Ngục tại Hà Giang, sâu 300m, đứng thứ 6 các hang sâu nhất Việt Nam)
Một buổi tập luyện đu dây của nhóm tại cầu Long Biên
Đồ đạc chinh phục hang đã được chúng em chuẩn bị rất kỹ, được đặt mua và vận chuyển về từ Mỹ. Rất may là em đã có dịp trao đổi trực tiếp với David Lagrue - 1 nhà thám hiểm người Bỉ, người đã chinh phục hang Cống Nước để hỏi thêm về kinh nghiệm và trang thiết bị mang theo.
Bao gồm:
800m dây leo núi (static rope)
50m đai leo núi (webbing)
50 carabiner
40 khoen đóng đá
17 stopper + hexa chèn đá
10 ma lý inox304
6 đèn pin đeo trán chống nước ( dùng: 1, dự phòng và setup ánh sáng chụp ảnh: 5 )
1 đèn rọi siêu sáng Fenix TK75
1 đèn rọi siêu sáng Fenix TK35
1 đèn rọi siêu sáng góc rộng 5000 lumen
1 Led tán sáng
19 pin Lithium công nghiệp 18650
1 sạc dự phòng 12.000 mAh
3 bộ đàm + 5 pin dự phòng
2 camera hành trình Gopro Hero4 + 5 pin dự phòng
1 máy ảnh chịu nước Lumix TS3 + 1 pin dự phòng
1 Máy ảnh Canon DSLR 6D + lens siêu rộng 16-35mm 2.8
3 ipod shuffle
1 iphone
1 sony xperia z
1 máy laze đo độ sâu bosch
1 pháo sáng cầm tay
2 bật lửa
1 chai Sâm panh khui ở đáy hang
Hương và lễ tiền vàng
Quần áo rét và túi ngủ
Đồ ăn và nước uống cho 3-4 ngày dưới hang, bếp tự chế, cồn khô, đồ hộp, hoa quả sấy khô (giàu năng lượng), nước tăng lực Monsters, bò húc.
Tổng cộng trang thiết bị và đồ ăn chúng em mang theo khoảng 80kg, (trị giá khoảng 200 triệu đồng, nếu bạn tò mò)
Chúng em quyết định khởi hàng vào ngày 7/1/2016 vì đã tham khảo lịch trình của đoàn Bỉ (họ chinh phục vào đợt Giáng Sinh năm 2002), chọn thời điểm rất quan trọng vì thám hiểm những hang "khủng" như thế này phải hội đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa), không có 1 trong 3 thứ thì không đi được. Thời gian này là mùa khô, thời tiết mùa đông khá rét nhưng là thời điểm duy nhất xuống được hang, mùa mưa thì hang là nơi nước đổ vào, không thể vào được.
3h chiều ngày 7/1/2016 chúng em được truyền hình kỹ thuật số kênh 14 phỏng vấn trước khi lên đường.
7h tối 7/1/2016: chúng em tập trung tại bến xe Mỹ Đình, đi xe khách giường nằm lên tỉnh Lai Châu. Các anh chị phóng viên tiễn chúng em ra tận bến xe.
Trên xe khách Hà Nội - Lai Châu: xe chạy từ 9h tối, 5h sáng đến Lai Châu, chúng em ngủ trên xe để tiết kiệm sức.
5h sáng 8/1/2016: Đến thành phố Lai Châu, thành phố vẫn đang say giấc nên chúng em chưa thể cảm nhận được vẻ đẹp của thành phố vùng cao. Được sự giúp đỡ chỉ đường tận tình của 1 bạn Lai Châu, nhưng do sớm quá nên không cafe với bạn được.
Chúng em thuê 1 xe Innova 7 chỗ để tới huyện Phong Thổ, cách thành phố Lai Châu 30km. Tất cả đồ đạc được chất lên nóc xe.
6h sáng, chúng em tới huyện Phong Thổ, bắt gặp biển mây đẹp quá.
Xe đi tiếp xuống bản Chu Sai Phìn, đến gần bản thì xe không thể vào được, chúng em phải khuân đồ vào bản.
Bản Chu Sai Phìn - rất yên bình. Bản là nơi sinh sống của dân tộc Dao.
Trời còn khá sớm, chúng em đến nhà bác trưởng thôn để xin phép vào hang. Bác trưởng thôn dẫn chúng em tới gặp bác Thành, người dẫn chúng em vào hang. Bác Thành đang mài dao đi rừng. Vì rừng rất rậm rạp, phải dùng dao này để phát quang.
Để tiết kiệm sức, chúng em thuê mấy người bản địa dẫn đường và bê hành lý vào hang.
Anh em chúng em mang 1 túi đồ mà leo dốc cũng thấy thấm mệt. Túi màu vàng là túi chống nước, nổi như phao. Mũ đội đầu có gắn đèn chịu nước, chiếu góc rộng.
Bạn nữ xinh gái nhất của đoàn - đi theo chúng em làm nhiệm vụ hậu cần ở cửa hang.
Đoàn đi qua 1 thung lũng rất rộng và đẹp.
Đi được 30 phút,em bị anh dẫn đường gọi dừng lại. Hóa ra công an xã gọi điện thoại cho họ yêu cầu không cho chúng em đi tiếp.
Em bảo anh chị em dừng lại nghỉ, em quay lại bản gặp công an xã để xin phép.
Một mình em quay lại bản Chu Sai Phìn, tới bản gặp chú trưởng công an xã, chú bảo đoàn muốn vào hang phải xin phép chủ tịch xã. Em nhờ chú Nhuần trưởng thôn đèo xe máy lên ủy ban nhân dân xã để xin phép.
8h sáng, em đến ủy ban nhân dân xã Lan Nhị Thàng, vào hỏi thì chủ tịch xã đi vắng, em ngồi chờ.
Khoảng 10h sáng em sốt ruột, gõ cửa phòng của Bí thư xã, đồng chí hỏi em 1 số câu hỏi đại khái như "vào hang làm gì?" , "tìm vàng à"... em trả lời đại ý là chúng em vào thám hiểm, quay phim khảo sát để mang lại nguồn thu du lịch cho xã ... abc...xyz... Ông ấy gật gù rồi mở cửa phòng đi xuống (lúc đó trong phòng đang có nhiều người ). Đồng chí cười tít mắt bảo "được rồi", em hớn hở cùng chú trưởng thôn phóng xe luôn về bản, nhìn đồng hồ là 12h trưa.
Em lại băng rừng vào hang, đi được nửa tiếng thì đã gặp mọi người. Anh em chờ lâu quá người thì ngủ, người thì đi dạo quanh đó.
Cả đoàn hớn hở đi, được khoảng 45 phút thì lại có điện thoại của trưởng công an xã gọi yêu cầu cả đoàn trở ra, bảo là xã đồng ý cho đi nhưng huyện không cho đi, vì hang sâu, nguy hiểm.
Họ nói rõ là cả đoàn phải quay lại, nếu không sẽ cho công an xã vào bắt. Em quyết định bảo mấy người dân tộc cứ dẫn đường anh em vào hang trước, em quay ra bản 1 mình.
Tới bản chú công an xã yêu cầu em lên huyện xin phép, chú bảo: "Tốt nhất mày gọi bọn nó ra đi, về Hà Nội đi, không đi được đâu, đừng có mơ"
Đang là buổi trưa, nghe thấy thế em càng quyết tâm hơn, đã chuẩn bị kỹ thế mà lên đây rồi lại về dễ thế sao?
Em thuê xe ôm đi luôn lên huyện, chả kịp ăn gì.
Ủy ban nhân dân huyện Phong Thổ cách bản 40km, em vội đi nên cũng không mang theo máy ảnh.
Đến ủy ban, khoảng 2h chiều, em vào phòng của đồng chí chánh văn phòng hỏi về việc xin giấy phép, đồng chí bảo em sang phòng Địa chính để xin phép. Em vào phòng này, sau khi trình bày, đồng chí trưởng phòng rất vui vẻ giúp đỡ và gọi điện cho đồng chí Bí thư xã, đồng chí bí thư xã bảo "không cho đoàn đi, đề nghị xin phép chủ tịch Huyện". Đồng chí trưởng phòng Địa chính bảo em sang xin phép đồng chí Phó chủ tịch huyện Phong Thổ.
Em lại lếch thếch sang phòng đồng chỉ Phó chủ tịch huyện.
Đồng chí phó chủ tịch huyện trông rất âu học, đẹp trai như người thành phố. Sau khi hỏi han em về mục đích chuyến đi, đồng chí hỏi những câu rất cá nhân về nghề nghiệp, địa chỉ nhà em, abc, xyz và chốt lại một câu: "Giấy giới thiệu đâu?"
Thực sự đây là một vấn đề rất khó cho chúng em, vì chúng em là hội Thám hiểm hang động đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam hiện nay (trên Facebook) nên không thể có cái gọi là "giấy giới thiệu" được.
Em chợt nhớ ra các anh chị ở đài truyền hình kỹ thuật số (đã làm chương trình về chúng em), em liền gọi điện nhờ nhà đài gửi FAX cho một tờ giấy giới thiệu đề nghị hỗ trợ đoàn. Một lúc sau chị phóng viên gọi điện trả lời là rất tiếc không thể giúp gì được.
Tình hình rất khó khăn vì bây giờ là 4h chiều ngày thứ 6, chỉ 1 tiếng nữa thôi là đến giờ tan sở, nếu không xin phép kịp chúng em sẽ phải chờ đến thứ 2 hoặc về Hà Nội luôn.
Chợt nhớ đến 1 người bạn lớn tuổi hiện là Viện trưởng 1 viện khoa học ở Hà Nội (xin được giấu tên chú vì sợ ảnh hưởng đến chú), em liền gọi điện nhờ chú, chú rất vui vẻ và nhiệt tình soạn ngay 1 công văn và gửi FAX đến UBND huyện Phong Thổ.
5h chiều, chú bạn bảo là đã gửi fax rồi, đồng chí Phó chủ tịch xã bảo vẫn chưa nhận được, em phải trực tiếp kiểm tra thì hóa ra máy fax hỏng. Em chạy sang các phòng ban khác thì phòng nào máy fax cũng hỏng hết.
Cuối cùng phải bảo chú bạn chụp công văn rồi gửi lại vào hòm thư điện tử của đồng chí Phó chủ tịch huyện.
Đồng chí Phó chủ tịch huyện xem xong rồi bảo ngắn gọn "Ok, cứ về đi"
Mình bảo :"Đề nghị anh in công văn ra và viết tên, đóng dấu, ký cho em 1 chữ để em về bản còn trình cho công an xã xem.
Đồng chí Phó chủ tịch từ chối viết giấy (chắc sợ xảy ra cái gì thì bút sa gà chết). Nói thật là em chả có gì ngoài sự quyết tâm cao độ. Sau 1 hồi "abc xyz" đồng chí Phó chủ tịch huyện cũng gọi đt cho Bí thư xã và công an xã - đã muộn lắm rồi - 5 rưỡi chiều thứ 6
Em sướng quá, bắt xe ôm phi ngay về bản.
Về đến bản anh em gọi điện thoại bảo mua 1 con gà mang vào, mình liền nhờ chú trưởng thôn bắt gà và luộc.
7h tối 8/1/2016 mình và chú trưởng thôn ngậm tăm, đi vào hang. Trên đường đi chỉ dám soi đèn độ sáng thấp vì sợ công an xã bắt gặp gây khó dễ.
Khoảng hơn 8h tối, mình đến cửa hang. Trời đã tối nên không nhìn rõ cảnh vật quanh hang. Mọi người lấy gà và xôi ra ăn.
Em lúc này rất mệt vì đi xin phép suốt từ sáng chưa ăn gì.
Trong lúc em đi xin phép, anh em ngồi ở cửa hang chờ em và tranh thủ chụp ảnh cửa hang Cống Nước. Công an xã cũng biết là không có em thì cả đoàn cũng không xuống hang được.
Lại gần, cửa hang như bộ mặt mụ phù thủy ghớm giếc. Trong ảnh là Phan Quý Kỳ, người cùng bạn nữ ở lại cửa hang làm công tác hậu cần cho đoàn.
Ăn tối xong, khoảng 8h30, mặc dù rất mệt, mình quyết định cả đoàn xuống hang luôn. Vì lo sợ công an xã sẽ đuổi theo, gây khó dễ không cho vào hang.
Vả lại trong hang thì ngày cũng như đêm. Cả đoàn tính sẽ đu dây xuống hố 50m rồi nghỉ.
Mình là trưởng đoàn nên thành tâm đốt chút hương và vàng mã mang từ Hà Nội cúng tế thần hang phù hộ cho cả đoàn thám hiểm. Theo quan niệm phương Đông, hang càng sâu, âm khí càng tụ, chúng em toàn đàn ông trai tráng chắc dương khí cũng vơi đi ít nhiều... Em trưởng đoàn thấp bé nhẹ cân nhất, các thành viên khác toàn 1m8.
Cả đoàn chụp ảnh kỷ niệm trước khi xuống hang. Đoàn có 6 người thì chỉ có 4 người xuống hang, 2 thành viên (1nam 1 nữ) ở lại cửa hang trợ giúp đoàn. Người mặc áo rằn ri là người dẫn đường.
Cửa hang khá bé, chỉ 1 người chui lọt, nhưng đi vào trong thì rất rộng. Đi được khoảng 20m chúng em gặp hố đầu tiên, sâu 35m, nhưng do đã có bản đồ hang nên chúng em bỏ qua hố này vì xuống hố này cũng xuống được nhưng sẽ khó đi hơn. Chúng em băng qua miệng hố 35m. Khá nguy hiểm. Sẩy chân 1 phát là rơi tòm xuống.
Đi khoảng 20m nữa, chúng em gặp hố sâu 10m, đoàn tập kết ở đây để chia đồ.
Rất nhiều đồ, trung bình mỗi người phải mang 1 túi đồ màu bộ đội kia (đồ leo núi ) và 1 balo đồ cá nhân. Em thấp bé nhẹ cân nhất nhưng lại là người mang nhiều đồ nhất, nặng nhất (em cầm cả những đồ chung của đoàn như máy ảnh, máy quay, pin dự phòng, đèn rọi.....)
Em tranh thủ ra miệng hố 10m buộc dây. Thường trưởng đoàn sẽ là người buộc dây neo vào đá. Công đoạn này rất quan trọng vì nếu buộc sai hoặc không tính kỹ, dây sẽ bị tuột/đứt...
Thành Công là người xuống đầu tiên. Các bạn có để ý đến chiếc túi hành lý mà Công đeo không? Chúng em không đeo ba lô lên vai vì khi leo lên leo xuống ba lô sẽ làm ta ngửa người ra sau. vì vậy chúng em buộc ba lô vào 1 sợi dây và buộc vào đai thắt lưng, theo chiều trọng lực. Tiếp theo là Đoàn Tuấn đu dây xuống hố 10m.
Đây là sai lầm thứ 1 của chúng em vì ngược quy trình thám hiểm, vì đáng ra em - đội trưởng phải là người xuống đầu tiên và lên sau cùng. Nhưng vì chụp ảnh cho Kỳ và sắp xếp đồ cho đoàn nên em chủ quan, xuống sau cùng.
Phan Quý Kỳ cũng tò mò muốn biết hang sâu nhất Việt Nam như thế nào nên muốn leo xuống hố 10m, sau đó sẽ quay về, ở cửa hang hỗ trợ đoàn.
Xuống hố 10m xong, Kỳ trở lên và chụp cùng chúng em kiểu ảnh kỷ niệm.
Đã khá khuya, khoảng 12h đêm, Kỳ và mấy người dẫn đường xin phép trở ra.
Chúng em chia tay nhau. Giờ chỉ còn 4 thành viên thám hiểm. chỉ cần xuống dưới hố sâu kia là không ai có thể bắt chúng em lên được nữa, tha hồ ngủ, mệt mỏi quá rồi .
Chúng em cẩn thận cài bảng thông báo này đề phòng ai đó cắt dây xịn về buộc trâu bò (dây chịu được 2 tấn).
Toàn - cựu người mẫu, xuống trước em.
Em xuống sau cùng, đây là đáy của hố 10m, diện tích rất hẹp chỉ đủ chỗ đứng cho 2 người.
Ngay bên cạnh là hố thứ 2, sâu 50m. Em bắt đầu xuống hố 50m.
Đu dây xuống được khoảng 10m thì em thấy phía dưới là khoảng không tự dogiống như con nhện treo trên trần nhà, lơ lửng. Về nguyên tắc trước khi hết mép đá thì phải neo dây vào đây, nếu theo đúng quy trình em là người xuống trước em sẽ phải đóng neo này, nhưng 3 người đi trước đã sơ ý quên không neo dây tại đây, điều này khá nguy hiểm vì khi đu dây, đoạn dây ở chỗ mép đá này sẽ cà cưa vào đá và có thể bị đứt. Em dừng lại đóng móc neo số 2.
Hình minh họa mô phỏng (nguồn Internet)
Phần vì mệt mỏi, cả ngày chạy ngược chạy xuôi, giờ là đêm rồi, đầu óc em có phần không tỉnh táo và lại đi sai nguyên tắc nên em sơ ý dùng dây bảo hiểm (trong nghề gọi là "dây đuôi bò") để treo 2 ba lô hành lý phía dưới. Đúng ra sợi dây bảo hiểm này không được dùng vào việc nào khác ngoài việc cứu hộ và phải dùng 1 sợi dây khác để buộc hành lý)
Đầu óc lúc đó cũng có phần không tỉnh táo nên mặc dù không hề có dây bảo hiểm dự phòng, em vẫn tháo dụng cụ leo xuống ra trong khi bình thường phải neo dây bảo hiểm trước rồi mới được tháo dụng cụ leo xuống ra.
Chỉ trong chớp mắt em rơi thẳng xuống hố sâu từ độ cao khoảng 40m. Chỉ kịp aaaaa lên 1 cái, người em rơi bịch xuống đáy hố sâu... đầu óc em choáng váng quay cuồng....
Ngay lúc đó, 3 đồng đội của em chạy đến, em rất đau đớn nhưng vẫn không ngất đi, chỉ nhớ là lúc đấy nằm 1 chỗ, mồm miệng lờ đờ hỏi anh em :"anh đang ở đâuuuuuuu?", "tại sao anh lại ngã thế này hả Côngggggggg"...
Về sau nghe anh em kể lại là chạy đến thì thấy em nằm bên 1 vũng máu hòa cùng với vũng nước trong hang - lênh láng...
Nằm 1 lúc em tỉnh dần ( vì toàn thân đau đớn lắm ), vì có kiến thức Y khoa nên em đánh giá sơ bộ : chấn thương cột sống (chưa xác định vỡ đốt sống hay không, chỉ biết là rất đau, không ngồi dậy được), gãy kín xương đùi ( xương to và dài nhất trong cơ thể, gãy kín là gãy xương mà không bị lòi xương ra ngoài ), nứt/gãy 2 gót chân ( chỉ biết là rất đau, còn nứt hay gãy phải chụp x-quang), rách đầu chảy máu ( mũ bảo hiểm đã bị vỡ ), trầy nát 2 bàn tay do dây và đá cà vào.
Lúc này là khoảng 1, 2 giờ sáng ngày 9/1/2016. Anh em mở túi hành lý của em lấy băng ra băng vào đầu em cầm máu. Em mang thuốc giảm đau theo nên uống vài viên. Em ngủ thiếp đi. Tới chiều thì chợt tỉnh, thấy tiếng lao xao phía trên. Nghe anh em nói là khoảng 30 Công an và cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Lai Châu vào hang tìm cách đưa em lên.
Bình thường sau khi đi dây xuống hố sâu, khi trở về chúng em lại đu dây lên khỏi hố, nhưng em bị chấn thương nên không thể tự đu dây lên được.
10h đêm ngày 9/1/2016.
"Chuẩn bị cho những trường hợp tồi tệ nhất xảy ra, và hy vọng cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến".
Prepare for the worst, hope for the best.
Quý Kỳ đã vào xã mượn được tấm nẹp cố định xương đùi cho em.
Vấn đề nan giải ở đây là làm thế nào để em lên khỏi hố 50m này được? Vì bình thường tai nạn chấn thương cột sống được xếp vào danh mục "cấp cứu ưu tiên" (giống như chấn thương sọ não), người bị nạn phải nằm bất động trên cáng cứng và được cố định cột sống (để chấn thương không bị nặng thêm vào tủy sống ).
Em nằm miên man suy nghĩ không biết làm cách nào để mình có thể lên được khỏi miệng hố?
Nếu em là 1 cái xác thì vấn đề quá đơn giản, chỉ việc buộc dây vào rồi kéo lên, vấn đề là em bị chấn thương nặng, và còn sống, còn tỉnh táo, làm thế nào để kéo em lên mà không làm tình trạng của em trầm trọng thêm ?
Có lẽ các đồng chí công an trên kia cũng đang suy tính cách đưa em lên.
Đến bây giờ đã gần 1 ngày em nằm bất động dưới hang. Nước chảy tí tách vào người em. Em chả thiết ăn gì, chỉ uống nước quế (nước quế cay, để giữ nhiệt, mẹ em hãm trước cho em mang đi)
Em bảo Toàn (người được phân công ở lại cùng em) mở balo lấy máy ảnh chụp cho em vài kiểu ảnh. Toàn miễn cưỡng nghe theo lời em. "Em đến chịu anh, thế này mà còn muốn chụp ảnh sao?"
"Cứ chụp đi em, đây là một phần của cuộc đời của anh đấy"
Đây là bức ảnh chân thật nhất mà không bao giờ có thể dàn dựng hay sắp đặt lại được...
1h sáng ngày 10/1/2016
Em đã nằm trong hang được 1 ngày 1 đêm. Phía trên miệng hố, các đồng chí công an và cảnh sát PCCC vẫn rì rầm nói chuyện. Có lẽ họ chỉ là những người lính - vẫn đang chờ sự chỉ đạo của cấp trên. Đêm nay họ cũng ngủ lại trong hang với em.
Cả ngày ngủ lay lắt rồi, giờ này em không ngủ được.
Mình còn sống thì niềm hy vọng cũng còn sống.
Trong những giờ phút sống còn này, niềm hy vọng sẽ là thứ chết sau cùng...
9h sáng ngày 10/1/2016
Cuối cùng Quý Kỳ vào bản, mượn được 1 cái pa lăng xích giống như cái ròng rọc để kéo các vật nặng, kéo sẽ nhẹ nhưng phải kéo lâu, vật nặng sẽ nhích lên từng chút một.
Mọi người định buộc cáng bằng kim loại vào người em rồi kéo lên bằng pa lăng xíchnhưng không khả thi, vì với độ sâu 50m, cáng sẽ bị văng và va đập rất nguy hiểm.
Em quyết định sẽ buộc người vào dây và để Kỳ kéo lên bằng pa lăng xích.
Mọi người yêu cầu em lên ngay, vứt hết đồ đạc ở lại, nhưng em vẫn kiên quyết yêu cầu phải kéo hết đồ đạc của em lên đã, em chỉ lên khi đồ của em lên hết, chỉ vứt lại đồ ăn.
Khổ thân Quý Kỳ vất vả kéo mấy túi đồ đạc lên, khá lâu. Đồ đạc lên hết, chỉ còn em và Toàn, em mới đồng ý lên.
Toàn buộc sợi dây của pa lăng xích vào thắt lưng em, nút buộc này là nút buộc cứu hộ mà chúng em đã tập luyện kỹ, vì nếu buộc nút dây sai, dây sẽ bị tuột.
Em vẫn nằm, sợi dây nhích lên dần lên dần, khi mông em đã nhấc lên khỏi mặt đất, đầu và 2 gót chân em vẫn chạm đất, Em nhổm người dậy, ôm sợi dây. Đau nhói, như có ai cầm dao đâm thẳng vào xương sống lưng mình vậy...
Dây vẫn nhích dần lên từng tí một...
Khi bàn chân em nhấc khỏi mặt đất thì đùi em chợt đau nhói, nhìn xuống thấy cái đùi gãy đang lủng lẳng, phần xương gãy sắc nhọn phía trong đâm vào cơ đùi đau nhói, em bảo Toàn buộc 1 sợi dây vào chân em, 1 đầu dây buộc vào cổ em để giữ đùi.
Dây vẫn nhích dần lên từng tí một, còn cảm giác đau đớn thì càng lúc càng tăng...
Mãi rồi cũng lên được miệng hố 50m, vẫn còn 1 hố 10m nữa đang chờ em.
Lúc này cảnh sát PCCC mới thả cáng xuống, buộc em vào cáng và kéo em lên. Lên khỏi hố sâu 10m, các anh rất khó nhọc để khiêng cáng ra cửa hang vì cửa hang rất bé. Chưa bao giờ em thấy yêu các anh công an đến thế...
Thấy ánh nắng mặt trời rồi, sống rồi.
Mắt em dại đi vì kiệt sức, vì đau đớn... sau gần 2 ngày trong hang...
Giờ mới thấm thía câu: "Mọi người vì một người"...
Em bất động, nhưng lúc này em cảm nhận rõ nhất từng tiếng gió, tiếng chim, tiếng sột soạt của quần áo, tiếng thở hổn hển của những người khiêng cáng...
Chắc do nhà em 3 đời làm thuốc cứu người nên cụ kị, ông, cha đã tích đức cho em còn sống sau cú rơi 40m này
Hơn 1 tiếng đi rừng, em ra đến bản. Lúc này xe cứu thương của bệnh viện tỉnh Lai Châu đã chờ sẵn, hú còi, đón em đi.
Tạm biệt mọi người dân bản và các đồng chí công an.
Em vẫn tỉnh táo sau 2 ngày kinh khủng.
Sẽ có 1 ngày em quay lại đây, cảm ơn mọi người.
Trên đây là những chia sẻ của thành viên KhoanLang, diễn đàn OTOFUN. BBT OF News xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được chia sẻ của các thành viên khác trên diễn đàn. Để xem chi tiết bài viết, mời độc giả đọc Tại đây.
Từ khóa » Hang Cống Nước
-
Hành Trình Khám Phá Hang Cống Nước Sâu Nhất VN ở Lai Châu
-
Hang Cống Nước - Tôi Gãy Xương đùi, Vỡ đốt Sống Ngực... - SOHA
-
[Vietmaster - Đề Xuất Kỷ Lục - P.109] Hang Cống Nước (Lai Châu ...
-
【BẬT MÍ】 Cách Xử Lý Thông Nghẹt đường Cống Thoát Nước Tại Nhà ...
-
Hang Cống Nước - BAOMOI.COM
-
(VTC14)_ Bốn Chàng Trai Khám Phá Hang động Sâu Nhất Việt Nam
-
Tin Tức Về Rơi Xuống Hang Cống Nước - Kenh14
-
Tai Nan O Hang Cong Nuoc - Tin Tức Tức Online 24h Về Tai Nạn ở Hang ...
-
Nước Thông Cống Unilever 400g - 4902111747866 - Hàng Nội địa Nhật
-
Giải Thích Nguyên Nhân Hàng Loạt Nắp Cống Cháy, Nổ Tung Trong Thời ...
-
Hàng Loạt Cống Thoát Nước Bị Mất Nắp: Giải Pháp “lạ” Của Ban QLDA ...