Hành Trình Thế Kỷ: Ba Mươi Năm Chiến Tranh: 1945-1975 - Thụy Khuê
Có thể bạn quan tâm
Thụy Khuê Hành trình thế kỷ: Ba mươi năm chiến tranh 1945-1975 1945-1975, giai đoạn sâu xé và phức tạp nhất của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX được đánh dấu bằng hai thời điểm quan trọng: 1954: Chia đôi đất nước 1975: Thống nhất đất nước Cả hai biến cố đều chuyên chở những thương tích sâu nặng trong thể xác và tâm hồn người Việt. Biến cố 54 được ghi dấu bằng chiến thắng Điện Biên Phủ và hiệp định Genève, kết thúc chiến tranh chống Pháp do Việt Minh lãnh đạo và khởi đầu việc chia đôi đất nước, dẫn đến một cuộc chiến kéo dài thêm 20 năm. Nhưng Việt Minh là ai? Là một tổ chức thế nào? Từ nguyên thủy, Việt Minh là tên tắt của tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội. Tổ chức này được thành lập tại Nam Kinh năm 1936 với sự giúp đỡ của Quốc Dân Đảng Trung Hoa, bởi hai nhà nho ái quốc đã theo Phan Bội Châu lưu vong nhiều năm ở Trung Quốc, là Hồ Học Lãm và Nguyễn Hải Thần. Đây là một tổ chức kết hợp nhiều thành phần đảng phái khác nhau: Có đảng viên Quốc Dân Đảng như Vi Đăng Trường và đảng viên cộng sản như Hoàng Văn Hoan. Hồ Học Lãm và Nguyễn Hải Thần đứng ra thành lập Việt Minh để bao che cho những người hoạt động ái quốc -trong đó có những người cộng sản- bị chính quyền Tưởng Giới Thạch nghi ngờ. Riêng đảng Cộng Sản Đông Dương được thành lập từ ngày 3/2/1930 do Nguyễn Ái Quốc triệu tập dưới sự ủy nhiệm của Quốc Tế Cộng Sản. Nhưng những thành phần của đảng Cộng Sản Đông Dương dần dần chi phối tổ chức Việt Minh. Việt Minh hoạt động bắt đầu có tiếng vang từ 1940, nhưng đồng thời những bất đồng nội bộ xẩy ra ở Liễu Châu giữa Nguyễn Hải Thần, Trần Bá (khuynh hướng quốc gia) và các đảng viên cộng sản. Năm 1942, khi Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, thuộc Quốc Dân Đảng từ Trùng Khánh xuống Liễu Châu và Nguyễn Tường Tam thuộc Đại Việt Dân Chính từ trong nước ra, thì nhóm Nguyễn Hải Thần đoạn tuyệt với Việt Minh và thành lập Việt Nam Cách Mạng Đồng Chí Hội gọi tắt là Việt Cách. Tướng Trương Phát Khuê, trấn thủ Quảng Tây, đã che chở cho những chí sĩ Việt lưu ngụ ở đó và đã giúp lập nên những nghĩa hội để khôi phục Việt Nam. Về phía cộng sản, tháng 2 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước. Tháng 5.1941, ông chủ trì hội nghị trung ương đảng Cộng Sản lần thứ tám tại Pắc-Bó - Cao Bằng, quyết định thành lập Mặt Trận Việt Minh, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp dân tộc với chủ trương chống Pháp và chống Nhật. Tóm lại, ngay từ những năm 40, đã có sự tranh chấp quyền lực và ý thức hệ giữa các tổ chức chống Pháp: Giữa đảng Cộng Sản Đông Dương do Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo, theo đường hướng của Cộng Sản Quốc Tế và các đảng phái đối lập, kể cả nhóm tả đối lập tức Cộng Sản Đệ Tứ của Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh... Ở trong nước, hai phong trào ái quốc, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đông Dương Cộng Sản Đảng, mặc dầu bị Pháp đàn áp vẫn ngấm ngầm hoạt động từ năm 1930. Từ 1945 trở đi, sự tranh chấp trở nên quyết liệt giữa hai phe: Một bên là các đảng phái quốc gia, tập hợp thành một đảng lớn lấy tên là Đại Việt Quốc Gia Liên Minh (thành lập sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945) trong đó có Đại Việt Quốc Xã (thoát thai từ Đại Việt Dân Chính của Nguyễn Tường Tam) và Đại Việt Quốc Dân Đảng là hai cột trụ. Một bên là Mặt Trận Việt Minh do đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo. Đại Việt Quốc Gia Liên Minh chủ trương dựa vào thế lực Nhật để giải phóng dân tộc, được Nhật ủng hộ ngầm nhưng lại ít kinh nghiệm, kém thủ đoạn, nên bị Mặt Trận Việt Minh giành thế chủ động, chiếm được chính quyền và giữ vai trò lịch sử. * Từ khi trận đệ nhị thế chiến bùng nổ, Việt Nam và các nước bị trị bước sang một giai đoạn mới: Quân đội Nhật tiến vào Đông Dương, ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ra khẩu hiệu: Châu Á của người Á châu và tuyên bố sẽ giúp Việt Nam và các nước Đông Dương giành độc lập. Chiêu bài đó đã chiếm được lòng tin của nhiều thành phần chống Pháp. Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, triều đình Huế tuyên bố bãi bỏ hiệp ước bảo hộ 1884. Việt Nam lấy lại chủ quyền. Vua Bảo Đại tuyên chiếu: Từ nay đích thân cầm quyền theo nguyên tắc Dân Vi Quý. Tháng 4/1945, học giả Trần Trọng Kim được cử ra thành lập chính phủ mới. Tuy chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn ngủi -4 tháng-, nội các Trần Trọng Kim với những trí thức có lòng với đất nước như Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Vũ Văn Hiền... đã giữ nhiệm vụ tiếp nhận chính quyền từ tay Nhật, cải cách giáo dục và cổ động thanh niên canh tân và kiến thiết đất nước. Trong khi ấy, tình hình thế giới biến đổi từng ngày. 4/2/1945 hội nghị tối cao Đồng Minh họp tại Yalta: Staline, Churchill và Rosevelt thỏa hiệp chia ảnh hưởng khu vực Nga và Anh Mỹ tại Âu châu và Á Đông. Mùa xuân năm 1945, quân Mỹ bắt đầu thắng trận ở Á châu. Cuối tháng 4/1945, Bá Linh bị quân Nga bao vây. 28/4 Mussolini bị thuộc hạ hạ sát ở Rome; 1/5 Hitler tự tử tại Berlin; 6/8 Hiroshima bị bỏ bom nguyên tử, 66000 người chết; 9/8 Nagasaki bị tiêu diệt, 80000 nạn nhân; Nhật đầu hàng. Ngày 13/8/1945, đảng Cộng Sản Đông Dương nhóm họp tại Tân Trào, quyết định Tổng Khởi Nghĩa, đoạt khí giới Nhật và chiếm chính quyền trước khi Đồng Minh đến Đông Dương. Quân đội Việt Minh có tên là Quân Đội Giải Phóng. Ngày 19/8/1945 Việt Minh chiếm chính quyền ở ngoài Bắc. Biểu tình trước Nhà Hát Lớn Hà Nội để nghe tuyên bố của Mặt Trận Cứu QuốcViệt Minh. Quân đội Giải Phóng và cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở nhiều nơi. Cũng ngày 19/8/1945 (theo Philippe Devillers), đài phát thanh Việt Nam truyền thanh ba tư liệu quan trọng:Ở Huế bấy giờ không ai biết Hồ Chí Minh là ai. Phạm Khắc Hòe thuật lại: "Nhưng cụ Hồ Chí Minh là ai mà lâu nay ở Huế chưa hề nghe tiếng [...] Tôi chạy qua nhà anh Đào Duy Anh, anh này liền lục hết mọi tài liệu, sách vở ra xem, thì cụ Nguyễn Ái Quốc có rất nhiều tên trong quá trình hoạt động cách mạng, nhưng không có tên nào là Hồ Chí Minh cả. Sực nhớ đến Vũ Văn Hiền mới vừa ở Hà Nội về, tôi chạy tới hỏi thì Vũ Văn Hiền nói ngay: Đúng rồi, Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc! Tôi mừng quá lên xe cấp tốc về báo tin vui với Bảo Đại, thì Bảo Đại bật ra một câu tiếng Pháp: "Ca vaut bien le coup alors", nghĩa là "như thế thì thật đáng thoái vị." (Phạm Khắc Hòe, sđd, trang 76) Ngày 25/8/1945 vua Bảo Đại sai Phạm Khắc Hòe gửi điện văn trả lời, nội dung như sau: "Khâm phụng Hoàng Đế sắc văn phòng tôi trả lời bức điện số 6DT của quý ủy ban rằng: Ngài vui lòng thoái vị ngay và đã sắp đặt sẵn sàng, nhưng vì có trách nhiệm đối với lịch sử và toàn thể quốc dân và muốn chính phủ mới chính thức ra mắt quốc dân một cách long trọng, Ngài mong ông chủ tịch chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời gấp về Thuận Hóa để Ngài giao chính quyền và Ngài muốn ông cho biết ngày làm lễ ấy. Đồng thời Hoàng Đế lại sắc văn phòng tôi sao chuyển bức điện văn này cho nhà đương chức Nhật Bản và ủy ban nhân dân cách mạng tại Thuận Hóa biết." Chiều ngày 25/8/1945, văn phòng của vua Bảo Đại nhận được điện văn trả lời của chính phủ cách mạng lâm thời, nội dung như sau: "Hoan nghênh tinh thần dân chủ và đoàn kết thống nhất của Hoàng Đế. Yêu cầu Hoàng Đế hạ dụ chính thức thoái vị để yên lòng dân. Đại biểu chính phủ lâm thời sắp tới Thuận Hóa." Ngày 25/8/1945, vua Bảo Đại cho công bố chiếu thoái vị và bản tuyên chiếu với hoàng tộc Hai giờ chiều ngày 26/8/1945 nhà vua làm lễ cáo yết liệt thánh ở Thế Miếu và ngày 30/8/1945 đại điện chính phủ cách mạng lâm thời gồm các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận nhận ấn kiếm của nhà vua tại cửa Ngọ Môn. Triều đại nhà Nguyễn chấm dứt sau 143 năm trị vì (1802-1945). * Ngày 2/9/1945 Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập ở Ba Đình, Hà Nội. Nhưng tình hình Việt Nam từ cuối tháng 8 năm 1945 trở đi, trở nên cực kỳ rối ren. Tại hội nghị Potsdam (từ 26/7/1945), Đồng Minh họp để bàn về số phận của Đức, quyết định chia Đông Dương thành hai khu vực để tiến vào giải giới quân đội Nhật: Từ vĩ tuyến 16 trở ra, do quân đội Tưởng Giới Thạch đảm nhiệm. Từ vĩ tuyến 16 trở vào, do quân đội Anh thực hiện. Ở ngoài Bắc, đầu tháng 9 năm 1945, 18000 quân Tưởng Giới Thạch chia làm hai lộ kéo vào Bắc Việt, do hai tướng Lư Hán và Tiêu Văn điều khiển. Một lộ đi từ Vân Nam (quân đoàn 93 của Lư Hán) xuống Lào Cai có Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam cùng về. Một lộ từ Quảng Tây (quân đoàn 62) xuống Lạng Sơn, với Tiêu Văn và Nguyễn Hải Thần. Lư Hán có nhiệm vụ chỉ huy quân đội. Tiêu Văn có nhiệm vụ sắp đặt sự ổn định tại Bắc. Tình hình kháng chiến Việt Minh lúc đó vô cùng bối rối: Phải trực diện ba mặt với quân Tưởng, Pháp và Nhật. Khi đến Lạng Sơn, Nguyễn Hải Thần được tin Việt Minh đã cướp chính quyền và ra mắt quốc dân trước, ông rất phẫn nộ. Quân Tưởng giải tán các ủy ban nhân dân của Việt Minh, thay thế bằng các đảng viên Việt Quốc và Việt Cách. Các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Quảng Yên trở thành các cứ điểm của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Để tránh xô sát với quân Tưởng, Việt Minh được lệnh áp dụng chính sách "đồng không nhà trống", các lực lượng võ trang tạm lánh một nơi và Hồ Chí Minh đổi tên Quân Đội Giải Phóng thành Vệ Quốc Đoàn (chữ đoàn gợi ý một tổ chức võ trang nhỏ) để tránh sự chú ý của quân Tưởng. Đầu tháng 10/1945, tướng Hà Ứng Khâm, bộ trưởng bộ chiến tranh của Trung Hoa đến Hà Nội, dặn dò các tướng lãnh. Tiêu Văn bắt đầu công việc: Đặt vấn đề phải cải tổ lại chính phủ và đòi Việt Minh phải chia quyền với Việt Quốc và Việt Cách. Việt Quốc tổ chức khu tự trị tại Ngũ Xá. Nguyễn Hải Thần diễn thuyết đả kích cộng sản độc tài và chống lại việc Việt Minh đơn phương cướp chính quyền, trái với sự cam kết cùng với các đảng khác ở Liễu Châu. Việt Quốc tập hợp các ngòi bút của nhóm Ngày Nay, xuất bản tờ Việt Nam, đặt trụ sở ở đường Quan Thánh, Hà Nội. Rồi một loạt các báo khác như Liên Hiệp, Thiết Thực... ra đời, chủ đích đả kích Việt Minh. Về phía chính quyền Pháp, từ 24/3/1945 de Gaulle đã tuyên bố: Đông Dương sẽ là một liên bang, có quy chế tự trị, với những chính phủ địa phương và các hội đồng địa phương, nhưng đứng đầu liên bang là một quan Toàn Quyền Cao Ủy đại diện cho nước Pháp. Mặc dù lúc ấy Pháp không có một đạo quân nào sẵn sàng vào Đông Dương nhưng Pháp vẫn lấy quyết định: Ngày 16/8, de Gaulle cử d'Argenlieu làm Cao Ủy Pháp tại Đông Dương và Leclerc làm Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp, thay thế Blaizot. Ngày 22/8/1945, Leclerc đến Kandy, bộ tham mưu của Mountbatten (quân Anh) ở Ấn Độ. De Gaulle tới Washington ngày 22/8/1945, gặp tổng thống Truman và được Truman công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Đồng thời, Anh ký một thỏa ước Pháp-Anh ngày 24/8, về nguyên tắc trao trả lại Đông Dương cho Pháp. Cùng ngày 24/8, tại vịnh Bengale, nhổ neo toán quân đầu tiên có nhiệm vụ "thiết lập trật tự" của chính quyền Pháp tại Sàigòn, Hà Nội và Huế. Ngày 6/9/1945, 5000 quân đội hoàng gia Anh-Ấn đến Sàigòn để giải giới quân Nhật, can thiệp và thả các tù binh Pháp bị Việt Minh giữ. Và cuối tháng 9, khi trung đoàn 11 quân viễn chinh từ Pháp sang, đổ bộ lên Sàigòn, được quân Anh và cả quân Nhật yểm trợ, bắt đầu nổ súng vào các lực lượng kháng chiến. Chiến tranh chống Pháp ở Nam Bộ bùng nổ. Đầu tháng 10, tướng Leclerc tới Sàigòn, tuyên bố sẽ bình định Nam Bộ. Tháng giêng năm 1946, Vệ Quốc Quân tấn công bộ đội Việt Quốc tại Việt Trì, Vĩnh Yên, Phú Thọ. Tiêu Văn đề nghị Hồ Chí Minh lập chính phủ ba thành phần: Việt Minh, Việt Quốc và Việt Cách. Các trí thức trẻ bấy giờ như Hoàng Xuân Hãn, cũng khuyên Hồ Chí Minh dàn hòa với Nguyễn Hải Thần. Hồ Chí Minh và Nguyễn Hải Thần cố gắng tìm một thỏa ước liên hiệp. Ngày 2/3/1946, chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập với Hồ Chí Minh: chủ tịch, Nguyễn Hải Thần: phó chủ tịch, Huỳnh Thúc Kháng: nội vụ, Nguyễn Tường Tam: ngoại giao, Phan Anh: quốc phòng, Vũ Đình Hòe: tư pháp, Đặng Thai Mai: giáo dục,... Một mặt khác, ngày 28/2/1946 một thỏa ước Pháp-Trung được ký kết: Chính phủ Trùng Khánh chấp nhận quân Pháp ra Bắc để thay thế quân đội Trung Hoa, đặt Hải Phòng làm cảng tự do cho hàng hóa Trung Quốc. Sự thỏa hiệp giữa Pháp và Trung Quốc đã đặt chính phủ kháng chiến vào thế cô lập, trước thái độ hững hờ của các cường quốc, quân đội kháng chiến chưa đủ thế lực để đương đầu với Pháp, cho nên đành phải lựa chọn con đường thương thuyết. Hồ Chí Minh ký với Pháp hiệp định sơ bộ 6/3/1946, chấp nhận Việt Nam trở thành một nước tự trị, thành viên của Liên Hiệp Pháp. Nhưng trong nội bộ chính phủ kháng chiến, có nhiều người không tán thành. Nguyễn Tường Tam không ký, chỉ có Vũ Hồng Khanh và Hồ Chí Minh ký với Sainteny. Một cố gắng cuối cùng của chính phủ liên hiệp là chuẩn bị Hội Nghị Đà Lạt, khai mạc ngày 17/4 -còn gọi là hội nghị trù bị Đà Lạt- để sửa soạn cho việc điều đình chính thức tại Pháp, do Nguyễn Tường Tam cầm đầu, nhưng cũng thất bại: Pháp giữ quan điểm "thực dân" và Việt Nam không thể nhượng bộ. Nguyễn Tường Tam từ chối không dự hội nghị Fontainebleau. Và hội nghị Fontainebleau -từ tháng 7 đến tháng 9/1946- cũng không đem lại một kết quả cụ thể nào. Trong khi ấy thì ở nội tình Việt Nam bắt đầu cuộc thanh trừng đẫm máu giữa các chính đảng. Ngay từ ngày 6/1/1946, ngày tổng tuyển cử do Việt Minh tổ chức, các cuộc xung đột giữa Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Đảng đã xẩy ra. Võ Nguyên Giáp và Trần Quốc Hoàn bắt đầu tổ chức Tự Vệ Quân, chống lại các hoạt động "phá hoại" của Việt Quốc và Việt Cách. 13/1/1946, Vệ Quốc Quân được lệnh tấn công bộ đội Việt Quốc tại Việt Trì, rồi Vĩnh Yên, Phú Thọ. Cuối tháng 6/1946, bộ đội Việt Minh và Việt Quốc giao tranh tại Phủ Lạng Thương. Quân đội Việt Minh lần lượt chiếm lại các vùng Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Kay và thẳng tay đàn áp đối lập. Tại Hà Nội, nhiều đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bị bắt. Nguyễn Hải Thần cùng một số lãnh tụ Việt Quốc, Việt Cách trở sang Tàu. Tháng 7/1946, nhiều lãnh tụ Việt Quốc bị bắt tại Hà Nội, Nguyễn Tường Tam sang Nam Kinh, Vũ Hồng Khanh đi Vân Nam. Cuộc kháng chiến chống Pháp từ nay do Mặt Trận Việt Minh lãnh đạo tới tháng 7 năm 1954. * Đêm 19/12/1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Ngày 20/12/1946 chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Nhưng từ tháng 12 năm 1946 đến 1950, cuộc chiến trên toàn cõi Việt Nam chỉ là chiến tranh du kích. Quân Pháp lúc bấy giờ có khoảng 150 000 người, vũ khí tối tân, phương tiện vận chuyển mau lẹ. Các cấp chỉ huy Pháp đều là những người có thành tích chiến trường. Quân đội Việt Nam tuy yếu kém về phương tiện, có thể cầm cự lâu dài được với quân Pháp nhờ bộ đội có sức chịu đựng gian khổ kiên cường, am hiểu tường tận địa hình đất nước và có nhân dân ủng hộ. Cuộc xung đột Việt Pháp xẩy ra từ 19/12/1946 đến tháng 9 năm 47 vẫn chưa thấy rõ lối thoát. Pháp chuyển sang một giải pháp chính trị với cựu hoàng Bảo Đại, đang lưu vong tại Hồng Kông. Hiệp định Hạ Long được ký ngày 5/6/1948, nội dung tương tự như Hiệp định sơ bộ đã ký với Hồ Chí Minh: Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam trong khối Liên Hiệp Pháp. Một chính phủ lâm thời do thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân thành lập. Bảo Đại làm quốc trưởng. Nhưng lòng dân không còn tin tưởng vào chính phủ mới nữa và cuộc chiến tranh chống Pháp sẽ kéo dài đến 1954. 1/10/1949 Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Tưởng Giới Thạch phải rút ra Đài Loan. Từ giữa năm 1950, chiến tranh Cao Ly phát động. Kể từ giờ phút này, hai khối Nga-Mỹ bắt đầu can thiệp vào thời cuộc Việt Pháp. Bên phía Pháp đã có phái đoàn Mỹ từ Manille qua Sàigòn. Quân đội Việt Minh có tướng Trần Canh, một trong năm tướng giỏi của Trung Quốc, cùng nhiều cố vấn và chuyên viên Trung Quốc giúp đỡ. Việt Minh liền mở chiến dịch Hoàng Văn Thụ tức chiến dịch Cao Bắc Lạng vào ngày 16/9/1950, với Trung Đoàn Thủ Đô và Trung Đoàn Sông Lô -vẫn nổi tiếng anh dũng xưa nay. Pháp đại bại, phải triệt thoái khỏi các căn cứ miền Đông Bắc cũng như Tây Nam Bắc Việt. Sau thất bại này, ngày 17/12/1950, đại tướng de Lattre de Tassigny được cử sang Đông Dương làm Tổng Cao Ủy. De Lattre đưa ra chiến thuật: Nhưng Việt Minh vẫn chọc thủng được hệ thống phòng thủ của de Lattre. Tháng 1/1951, trận Vĩnh Yên xẩy ra vô cùng ác liệt. Quân Việt thắng thế. Cuối năm 1951, tướng de Lattre bị bệnh, trở về Pháp mổ; ngày 11/1/1952, de Lattre từ trần. Tướng Salan lên thay thế. Tình hình không sáng sủa hơn. Quân Pháp luôn luôn lâm vào thế bị động. Đại tướng Navarre thay thế Salan. Navarre đặt chân đến Sàigòn ngày 8/3/1953. Ngày hôm sau bay ra bộ chỉ huy tiền phương Hà Nội. Nhận thấy tình hình không còn lạc quan nữa, mặc dù Pháp vẫn được Mỹ tiếp tục viện trợ, Navarre thi hành chiến thuật mới: - Bỏ các đồn lẻ tập trung thành cụm cứ điểm trên 6 tiểu đoàn để Việt Minh khỏi phá được làm lợi khí tuyên truyền; - Giành lại chủ thế chiến trường, bằng cách tìm địch mà đánh, bắt địch ứng chiến; - Hành binh chớp nhoáng, tránh sự dự liệu của địch quân. Navarre tương đối nắm thế chủ động đến cuối năm 1953. Ngày 15/10/1953 Navarre mở cuộc hành quân Mouette do tướng Cogny, tư lệnh quân Pháp ở Bắc Việt chỉ huy với 5 binh đoàn cơ động, đánh vào Liên Khu Tư, phía Tây Nam Ninh Bình, với mục đích phá trước cuộc tấn công của sư đoàn 320. Đồng thời hai tướng Cogny và Gilles đem hải lục không quân đổ bộ vào Thanh Hóa. Nhưng Việt Minh đã lựa chọn một chiến lược khác: Với sự yểm trợ của Pathet Lào, các đại đoàn 316 và 308 mở cuộc tiến công lên Tây Bắc, chiếm đóng Lai Châu, Điện Biên Phủ và tiến quân sang Lào. Ngày 20/11/1953 Pháp mở cuộc hành quân Castor, đổ bộ 6 tiểu đoàn chiếm đóng Điện Biên Phủ để lập một căn cứ cố thủ, ngăn chặn không cho quân đội Việt Minh tràn qua Lào, đồng thời bảo vệ miền trung du. Chiến dịch do chính tướng Navarre quyết định. Trận Điện Biên Phủ bắt đầu. Về phía Việt Nam, bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên gồm có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ huy trưởng; các tướng Hoàng Văn Thái, tham mưu trưởng, Lê Liêm, chủ nhiệm chính trị, Đặng Kim Giang, chủ nhiệm hậu cần, Trần Văn Quang, cục trưởng tác chiến và Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng quân báo. Lực lượng tham gia chiến dịch lúc đầu, gồm các đại đoàn: 308, 312, 316, và 304. Đại đoàn 308 ra đời sớm nhất, thành lập từ năm 1949, có Trung đoàn Thủ Đô 102 nổi tiếng anh hùng. Tới năm 1950, Việt Minh mới được Trung Quốc và Liên Xô thực sự giúp đỡ vũ khí và thiết bị quân sự. Nhưng vũ khí nặng chưa có nhiều. Mãi tới năm 1951 chỉ có một đại đoàn công binh và pháo binh: đại đoàn 351. Bước vào chiến dịch Điện Biên, đại đoàn 351 chuyên chở toàn bộ vũ khí nặng. Liên Xô giúp vũ khí để trang bị cho 6 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm và Trung Quốc đảm nhiệm việc huấn luyện cán bộ xử dụng pháo. Vì chưa có máy bay và xe tăng, bộ đội Việt Minh dùng chiến thuật "bộc phá" tức là dùng các chiến sĩ xung kích cảm tử xông lên đặt thuốc nổ để phá các ụ súng, các lô cốt, rồi chạy về vị trí trước khi bộc phá nổ. Đánh từng cứ điểm và diệt được cứ điểm này thì sửa sang phòng thủ để tiến đến cứ điểm khác. Về phía Pháp, tướng Navarre cử Đại tá de Castries chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là một khu vực lòng chảo. Sau bốn tháng xây dựng, phòng tuyến của Pháp bao gồm 49 cứ điểm có khả năng tự phòng vệ. Nhiều cứ điểm ở gần nhau tạo thành một cụm cứ điểm, đều lấy tên phụ nữ. Trong những cụm cứ điểm quan trọng có Béatrice nằm trên 5 mỏm đồi sát đường 41, từ Tuần giáo đi Điện Biên cách sở chỉ huy của de Castries hơn 1 cây số. Gabrielle xây trên ngọn đồi Độc Lập, nằm sát đường cái từ Lai Châu về Điện Biên. Béatrice và Gabrielle là hai vị trí phòng ngự chủ chốt, quan sát các cuộc hành quân của Việt Minh tiến vào Điện Biên. Bộ chỉ huy của de Castries đặt tại châu lỵ Điện Biên, ở phía Nam sân bay chính với một loạt các cụm cứ điểm bảo vệ như Claudine, Dominique, Eliane, Huguette, Isabelle... Một cầu không vận nối liền Điện Biên với các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai -Hà Nội. Ngày 13/3/1954 Việt Minh bắt đầu tấn công Điện Biên. Trận chiến mở màn do đại đoàn 312 ra quân, dưới sự chỉ huy của đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn và chính ủy Trần Độ, tấn công Béatrice. Béatrice thất thủ, thiếu tá Pégrot bị tử thương cùng với toàn bộ sĩ quan trong hầm. Đợt tấn công thứ nhì nhằm chiếm đồi Độc Lập và cứ điểm Gabrielle, do đại đoàn 308 với Vương Thừa Vũ và Đàm Quang Trung chỉ huy, tấn công từ 3giờ30 đêm; đến 8giờ30 sáng ngày 15/4/1954, Gabrielle bị tiêu diệt. Trung tá Piroth chỉ huy pháo binh tự sát. Trong hai ngày liền, Pháp bị mất hai cứ điểm quan trọng nhất của Điện Biên. Tinh thần quân Pháp rối loạn. Trận chiến tiếp tục diễn ra ác liệt, trong tất cả 55 ngày. De Castries bị bắt cùng với tất cả bộ chỉ huy. Ngày 8/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ hoàn tất. Đêm 20/7/1954, Pháp và Việt Minh ký thỏa hiệp ngừng bắn tại Genève, nội dung gồm những điểm chính sau đây: - Định một giới tuyến quân sự từ cửa sông Bến Hải, theo dòng sông đến làng Bồ Hô Su và biên giới Lào Việt; - Lập một khu phi quân sự, 5 cây số bề rộng về phía bên này và bên kia giới tuyến; - Định thời hạn 300 ngày dành cho quân đội và dân chúng bên này và bên kia rút về theo sự lựa chọn của mình; - Trong khi chờ đợi 2 năm để tổ chức tổng tuyển cử, hai bên không được tái võ trang; - Thành lập một ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến. Thực thi hiệp định Genève, miền Bắc, từ vĩ tuyến 17 trở ra do Hồ Chí Minh lãnh đạo, lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Miền Nam do Ngô Đình Diệm lãnh đạo, lập chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Sau hiệp định Genève, Việt Nam chia thành hai vùng tự trị: Miền Bắc do Hồ Chí Minh lãnh đạo và miền Nam do Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Như chúng ta đã biết, thực thể chính trị miền Bắc phát xuất và gắn bó với Đảng Cộng Sản Đông Dương và Quốc Tế Cộng Sản, cùng cuộc kháng chiến chống Pháp do Việt Minh lãnh đạo. Thực thể chính trị miền Nam phát xuất từ một dĩ vãng chính trị phức tạp, liên quan với hoạt động chính trị của cựu hoàng Bảo Đại sau 1945. Sau ngày thoái vị (24/8/1945), Bảo Đại ra Hà Nội. Trong thời gian đầu, dưới danh nghĩa "công dân Vĩnh Thụy", ông giữ chức "cố vấn" trong các chính phủ liên tiếp của Hồ Chí Minh. Ngày 16/3/1946, cố vấn Vĩnh Thụy rời Hà Nội, sang Trùng Khánh cùng với một phái đoàn thiện chí. Chính phủ Hồ Chí Minh (cải tổ ngày 20/7/1947) vẫn có tên cố vấn Vĩnh Thụy mặc dù Bảo Đại đã sang Tàu. Trong khi ấy, khối dân tộc quốc gia vẫn ủng hộ cựu hoàng, yêu cầu ông về nước, đứng ra điều đình với Pháp. Sainteny ký với Hồ Chí Minh hiệp ước sơ bộ ngày 6/3/1946, nội dung đại lược "chính phủ Pháp thừa nhận nước Việt Nam Cộng Hòa là một nước tự do có chính phủ và quốc hội ... trong khối Liên Hiệp Pháp". "Nước Việt Nam Cộng Hòa", trong tinh thần hiệp định sơ bộ là từ Trung trở ra Bắc. Còn đất Nam Bộ thì phải đợi trưng cầu dân ý quyết định. Ngay sau hiệp định sơ bộ 6/3, ngày 26/3/1946, Hội Đồng Tư Vấn Nam Kỳ cử bác sĩ Nguyễn Văn Thinh (khuynh hướng tự trị miền) ra lập chính phủ nước Cộng Hòa Nam Kỳ. Chính phủ Nguyễn Văn Thinh thành lập ngày 7/5/1946 với đại tá Nguyễn Văn Xuân làm Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Quân Đội. Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm việc được mấy tháng, thấy người Pháp không cho mình quyền tự chủ, lại bị người trong nước thóa mạ, ông treo cổ tự tử bằng dây điện ngày 9/11/1946. Pháp đem y sĩ Lê Văn Hoạch lên thay (ngày 15/11/1946). Đại tá Nguyễn Văn Xuân bỏ sang Pháp rồi được thăng chức Lục quân Thiếu Tướng. Ngày 1/10/1947, Hội Đồng Nam Kỳ bầu Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng. Chính quyền Pháp, trong khi chính thức đánh nhau với Việt Minh từ đêm 19/12/1946, thì đối với Bảo Đại, áp dụng chính sách điều đình. Trong bối cảnh đó, thỏa ước Vịnh Hạ Long được công bố ngày 5/6/1948 giữa Pháp và Bảo Đại, nội dung tương tự như hiệp ước sơ bộ đã ký với Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 15/5/1948, Bảo Đại gửi một điện văn cho Nguyễn Văn Xuân, ngỏ ý tán thành sự thành lập một chính phủ trung ương lâm thời Việt Nam, do Nguyễn Văn Xuân điều khiển "để giải quyết vấn đề Việt Nam đối với Pháp và dư luận quốc tế". Sườn chính của Hiệp Định Hạ Long đã được Bảo Đại bàn định với Trần Trọng Kim ở Hương Cảng, đầu năm 1947 (với dự định Bảo Đại sẽ đứng ra điều đình với quân kháng chiến để đem lại hòa bình). Sau đó Bảo Đại cử Trần Trọng Kim về nước để tìm hiểu tình thế, liên lạc với Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền... trước khi trở về Hồng Kông tường trình lại với Bảo Đại, để có một quyết định. Về tới Sàigòn, Trần Trọng Kim bị (Pháp) ngăn cản, không tiếp xúc được với chính giới trong nước, và cũng không liên lạc lại được với Bảo Đại. Không có cách nào sinh sống, Trần Trọng Kim đành phải lên Nam Vang. Ngày 2/6/1947, Tướng Nguyễn Văn Xuân ban hành một thứ "hiến chương lâm thời" gọi là Pháp Qui Tạm Thời (Statut Provisoire) của nước Việt Nam, bao gồm: Quốc kỳ: cờ vàng, ba sọc đỏ (đã có từ thời chính phủ Trần Trọng Kim) và quốc ca là bài Thanh Niên Hành Khúc của Lưu Hữu Phước. Với thành phần chính phủ: Thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng: Nguyễn Văn Xuân; Quốc vụ khanh, phó thủ tướng kiêm tổng trấn Nam phần: Trần Văn Hữu; Quốc vụ khanh kiêm tổng trấn Trung phần: Phan Văn Giáo; Quốc vụ khanh kiêm tổng trấn Bắc phần: Nghiêm Xuân Thiện; v.v... Ngày 5/6/1948, Nguyễn Văn Xuân đọc bản tuyên ngôn kêu gọi quốc dân đoàn kết, hô vạn tuế nước Việt Nam độc lập" trong Liên Hiệp Pháp và hô "vạn tuế nước Pháp" Ngày 8/3/1949, thỏa ước Việt Pháp được công bố tại điện Elysée. Phía Việt Nam có cựu hoàng Bảo Đại, các ông Trần Văn Hữu, Bửu Lộc và Vĩnh Cẩn. Đại cương tinh thần thỏa ước này là Pháp thừa nhận chủ quyền Việt Nam và sẽ ủng hộ Việt Nam vào khối Liên Hiệp Pháp. Ngược lại, Việt Nam hứa sẽ tôn trọng quyền lợi người Pháp ở Việt Nam, cho Pháp sử dụng những căn cứ quân sự. Bảo Đại cho biết chỉ về nước khi Hội Đồng Nam Kỳ chấp nhận sự tái nhập Nam Kỳ vào lãnh thổ Việt Nam. Tháng 6/1949, Bảo Đại về nước, tới Sàigòn ngày 13/6. Ngày 14/6, Bảo Đại tuyên bố tạm cầm quyền dưới danh hiệu Hoàng Đế, trong khi chờ đợi quốc dân quyết định về hiến pháp. Ngày 16/6/1949, phủ toàn quyền ở Hà Nội được trả về chính phủ Việt Nam và trở thành Biệt Điện của Quốc Trưởng. Ngày 1/7/1949, một chính phủ mới được thành lập, với Bảo Đại làm Quốc Trưởng kiêm Thủ Tướng; Nguyễn Văn Xuân làm Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng; Nguyễn Phan Long Tổng Trưởng Ngoại Giao v.v... Ngày 3/7/1949, Nguyễn Hữu Trí được bổ nhiệm Thủ Hiến Bắc Việt, Phan Văn Giáo, Thủ Hiến Trung Việt và Trần Văn Hữu, Thủ Hiến Nam Việt. Và ngày 28/8/1949, chính quyền Bảo Đại ra thông cáo: Việt Nam sẽ chống Cộng mạnh mẽ, với sự giúp đỡ của Pháp. Trong thời gian ở Việt Nam, Quốc Trưởng Bảo Đại sống tại Đà Lạt. Ngày 19/8/1950, trong một buổi họp tại Cannes (Pháp) với Bộ Trưởng Letourneau và Cao Ủy Pignon, Bảo Đại đưa ra vấn đề thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam với những đề nghị cụ thể. Ngày 5/11/1950, khánh thành Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt với một hội nghị quân sự họp tại Đà Lạt giữa Bộ Trưởng Letourneau, tướng Juin, Quốc Trưởng Bảo Đại, Thủ Tướng Trần Văn Hữu và Thủ Hiến Phan Văn Giáo. Hội nghị quyết định: Thành lập Quân Đội Việt Nam với 115 000 người với quân trang và võ khí Mỹ. Pháp cho mượn sĩ quan trong giai đoạn đầu. Kinh phí do ngân sách Việt Nam và viện trợ Mỹ đài thọ. Về phía Việt Minh, trong lời hiệu triệu quốc dân Hồ Chí Minh đọc ngày 15/12/1949, kỷ niệm 3 năm kháng chiến, có câu: "... còn tôi tớ của chúng -Pháp- là lũ bù nhìn Vĩnh Thụy, Văn Xuân, thì chỉ nấp sau lưỡi lê của giặc, để chờ ngày bị tiêu diệt với chúng, chờ ngày theo số phận Lê Chiêu Thống, Uông Tinh Vệ, Pétain, Laval." Từ đây, sự phân cắt và đối đầu giữa hai thành phần quốc-cộng trở nên công khai và quyết liệt. Trong khoảng thời gian từ 1950 đến 1954, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam đứng về hàng ngũ Pháp để chống lại Quân Đội Cộng Sản Việt Nam. * Ngày 26/4/1954, khai mạc Hội Nghị Genève, bàn về Cao Ly và Đông Dương. Phái đoàn cộng sản Việt Nam do Thủ Tướng Phạm Văn Đồng cầm đầu. Phái đoàn quốc gia Việt Nam do Ngoại Trưởng Nguyễn Quốc Định điều khiển. Hội nghị họp từ 26/4 đến 21/7/1954. Trong khi ấy, ngày 7/7/1954, Ngô Đình Diệm chính thức lập chính phủ. Tại hội nghị Genève, ngoại trưởng Trần Văn Đỗ (của chính phủ Ngô Đình Diệm) "phản đối bộ tổng tư lệnh Pháp tự ấn định ngày tổng tuyển cử, phản đối phương thức và điều kiện mà hiệp định đình chiến được ký kết, trái với nguyện vọng độc lập và thống nhất của dân tộc Việt Nam. Chính phủ Việt Nam dành quyền tự do hành động để giữ gìn nền độc lập và thống nhất của dân tộc Việt Nam." Miền Nam Việt Nam và Mỹ không ký hiệp định này. Bên lề hội nghị, theo Alain Ruscio, ngày tổng tuyển cử được Phạm Văn Đồng đề nghị: 6 tháng sau. Thủ tướng Pháp Mendès France nhất quyết từ chối. Hầu như tất cả những thăm dò dư luận đều cho biết, nếu tổng tuyển cử ngay sau Hiệp Định Genève, nhất là sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Cộng Sản sẽ toàn thắng: Tổng Thống Mỹ Eisenhower đưa ra con số 80% theo những nhà chuyên môn. Báo Pháp cũng cho con số tương tự, giữa 80 và 90% ở miền Bắc, miền Nam ít hơn. Lùi ngày tổng tuyển cử là để miền Nam có đủ thời giờ thiết lập một chính phủ vững mạnh có đủ thế đương đầu với cộng sản. Vẫn theo Alain Ruscio, tuy hội nghị chấp nhận điều kiện tổ chức tổng tuyển cử 2 năm sau, nhưng về mặt thực tế, chỉ mấy tháng sau hiệp định Genève, "miền Nam Việt Nam đã được coi như một thực thể quốc gia hoàn toàn, trực thuộc vào "thế giới tự do", không xâm phạm được." Về phía Mỹ, Ngô Đình Diệm là người của tình thế. Với lập trường chống Cộng, và với một quá khứ chống Pháp, Ngô Đình Diệm có đủ uy thế để lãnh đạo miền Nam. Về phía Pháp, quan điểm chống Pháp, thân Mỹ của Ngô Đình Diệm hoàn toàn cách biệt với Mendès France. Nhưng sau đó, Mendès France cũng chấp nhận giải pháp của Mỹ. Và nước Pháp công nhận chỉ có một chính phủ Việt Nam. Đó là chính phủ Quốc Gia Việt Nam." Về phía những đồng minh của miền Bắc, Liên Xô và Trung Quốc giữ thái độ dè dặt, hoặc chỉ tuyên bố lấy lệ về việc tổng tuyển cử. Thậm chí, năm 1957, chính phủ Liên Xô chấp nhận sự gia nhập của cả hai quốc gia Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc, xác nhận sự chia đôi Việt Nam thành hai "nước": Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày 20/8/1954, Tổng Thống Eisenhower chấp nhận kế hoạch của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, hợp tác với chính phủ Ngô Đình Diệm về mặt quân sự và kinh tế để tạo dựng một quốc gia theo cơ cấu dân chủ, vững mạnh ở miền Nam, đủ khả năng chống Cộng Sản. Và tháng 12/1954, tướng Collins, đại diện tổng thống Hoa Kỳ, ký với Pháp một thỏa ước, theo đó, Hoa Kỳ sẽ thay thế Pháp phụ trách việc huấn luyện Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. * Tại miền Nam, trong khoảng thời gian từ tháng 7/1954 đến tháng 10/1956, Ngô Đình Diệm đã bình định được các đảng phái Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo, với sự trợ giúp của các tướng Trình Minh Thế và Dương Văn Minh, tổ chức trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại và trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa ngày 23/10/1955. Từ 1954 đến 1959, Ngô Đình Diệm đã ổn định tình hình chính trị và xã hội. Văn học Việt Nam được phát triển rộng rãi trong một không khí tương đối có tự do. Chính phủ Mỹ cho rằng tình hình Việt Nam Cộng Hòa rất tốt đẹp và các cố vấn Hoa Kỳ có thể rút về vào năm 1961. Về phía miền Bắc, sau 1954, những biến cố Cải Cách Ruộng Đất và Nhân Văn Giai Phẩm làm xao động dư luận hai miền Nam Bắc. Từ 1956 trở đi, miền Bắc bắt đầu cho các cán bộ đặc trách ở lại miền Nam hoạt động. Tuy nhiên vẫn có những kêu gọi hiệp thương. Ngày 8/10/1955, Hồ Chí Minh kêu gọi hiệp thương và tổng tuyển cử. Rồi ngày 18/7/1957, Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng gửi thư cho Tổng Thống Nam Việt Ngô Đình Diệm, yêu cầu hiệp thương. Miền Nam trả lời ngày 27/7/1957: "Khi nào miền Bắc chấm dứt khủng bố phá hoại và thực thi dân chủ tự do, khi đó mới có thể tổng tuyển cử và thống nhất." Từ năm 1959, sau hai năm hoạt động ở miền Nam, Lê Duẩn trở về Hà Nội, đề nghị đảng Cộng Sản phải chuyển sang giai đoạn võ trang giải phóng. Đại hội 3 đảng Cộng Sản Việt Nam họp vào tháng 9/1960, thành lập Trung Ương Cục Miền Nam để lãnh đạo toàn miền Nam. Ngày 20/12/1960, thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và ngày 15/2/1961, thành lập Quân Đội Giải Phóng Miền Nam. Trong khi ấy ở miền Nam, sau thời kỳ phát triển 1954-1959, Ngô Đình Diệm áp dụng chính sách độc tài, gia đình trị. Em ông là Ngô Đình Nhu tổ chức đảng Cần Lao, lấy thuyết Nhân Vị, khởi điểm từ triết thuyết của Mounier làm chính thuyết. Tổ chức các cơ cấu mật vụ để củng cố chính quyền và đàn áp đối lập. Số người bất mãn ngày càng tăng, do đó hoạt động của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ngày càng hữu hiệu hơn. Để cứu vãn tình thế, tổng thống Hoa Kỳ Kennedy đề nghị đưa quân đội Mỹ vào can thiệp, nhưng Ngô Đình Diệm từ chối, ông nói rằng: Chỉ cần đến quân đội Mỹ khi nào Bắc Việt mở các cuộc xâm lăng lớn. Sở dĩ Ngô Đình Diệm có thái độ như vậy vì ông thấy các sĩ quan cố vấn và viên chức Hoa Kỳ đã có những thái độ coi Việt Nam như một thuộc địa của Hoa Kỳ. Từ tháng 5/1963 trở đi, vấn đề đàn áp Phật giáo trở nên trầm trọng. Ngày 20 và 21/8/1963, Ngô Đình Nhu hạ lệnh cho những lực lượng đặc biệt bao vây các chùa chiền, bắt giữ 1400 sư sãi và những người ủng hộ Phật giáo. Những lời tuyên bố kiêu căng của bà Nhu ở ngoài nước, chế diễu các Phật tử tự thiêu, đã dấy lên những phẫn nộ trong dư luận Việt Nam và thế giới. Nhiều người trong chính quyền và quân đội tỏ thái độ bất mãn, trong đó có ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu, cạo đầu, từ chức để phản đối (ngày 21/8/1963), và Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ, Trần Văn Chương, thân phụ bà Nhu. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương sáng tác Lửa Từ Bi. Một mặt khác, ngay từ đầu mùa hè năm 1963, bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Mc Namara, được tin hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bí mật liên hệ với miền Bắc, qua ngả de Gaulle để điều đình việc thống nhất đất nước và trung lập hóa Việt Nam. Vừa không thích sự độc tài của chính quyền Ngô Đình Diệm, vừa lo ngại Ngô Đình Diệm và Hồ Chí Minh liên kết với nhau để thực hiện thống nhất lãnh thổ và đẩy Mỹ ra khỏi Việt Nam, chính quyền Kennedy chấp nhận kế hoạch đảo chính do CIA đề xuất. CIA liên lạc với các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh và Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu để thực hiện đảo chính. Cuộc đảo chính xẩy ra ngày 1/11/1963. Theo các tài liệu chính thức thì Hội đồng các tướng lãnh quyết định giết hai anh em ông Diệm. Sau khi ông Diệm mất, không còn ai cản trở việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam nữa. Mc Namara đã họp các chuyên viên và các nhà lãnh đạo quân sự ở Honolulu ngày 20/11/1963 để bàn về các biện pháp can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Việt Nam. Theo thống kê của Trung tâm lịch sử quân sự Mỹ, tháng11/1963 có 16 300 cố vấn Mỹ ở Việt Nam, tháng 12/1965 có 184 300 quân, tháng 12/1967 có 485 600 quân và đến tháng 4/1969 có 543 400 lính Mỹ ở Việt Nam. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu xuất thân từ một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước. Quê ở làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha là Ngô Đình Khả, một đại thần nổi tiếng trung quân ái quốc của hai triều Thành Thái và Duy Tân. Ngô Đình Diệm đã làm Thượng Thư Bộ Lại của Bảo Đại. Năm 1934, ông từ chức Thượng Thư Bộ Lại vì chủ trương chống Pháp, bất đồng ý kiến với Phạm Quỳnh. Sau đó ông sống ẩn mình, nay đây mai đó và lập đảng chính trị vinh tôn Cường Để làm lãnh tụ. Năm 1950, ông sang Mỹ, sống tại các chủng viện và năm 1954 về nước, làm Thủ Tướng thứ 6 của chính phủ Bảo Đại, thay Bửu Lộc. * Sau cuộc đảo chính 1/11/1963, tình hình chính trị miền Nam càng ngày càng suy sụp. Đảo chính xong, Tướng Dương Văn Minh, chủ tịch Hội đồng tướng lãnh, được cử làm Quốc Trưởng. Nguyễn Ngọc Thơ làm Thủ Tướng. Nhưng chỉ 3 tháng sau, ngày 30/1/1964, các tướng lãnh họp tại Bộ Tham Mưu để thanh trừng nội bộ. Nguyễn Khánh vẫn để Dương Văn Minh làm Quốc Trưởng nhưng tự mình lên làm Thủ Tướng. Nhân lúc tình hình sôi nổi về vụ oanh tạc Bắc Việt, Nguyễn Khánh tập họp các tướng lãnh tại Vũng Tàu, ban hành Hiến Chương Vũng Tàu, bãi chức Quốc Trưởng của Dương Văn Minh và lên làm Quốc Trưởng. Phong trào phản đối Hiến Chương Vũng Tàu ngày càng lan rộng, buộc Nguyễn Khánh phải từ chức, được cử làm Đại Sứ lưu động sang Hoa Kỳ. Hội đồng tướng lãnh bầu Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Và lập nội các mới gọi là Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu, lo soạn thảo hiến pháp mới. Ngày 1/4/1965, hiến pháp mới ra đời, bắt đầu nền Đệ Nhị Cộng Hòa Nam Việt Nam. Ngày 17/6/1965, Hội Đồng Tướng Lãnh họp để chỉ định liên danh Nguyễn Văn Thiệu (tổng thống) Nguyễn Cao Kỳ (phó tổng thống) ra ứng cử. Liên danh này đắc cử. Nhưng khi nắm vững địa vị rồi, Nguyễn Văn Thiệu loại dần phái Nguyễn Cao Kỳ ra khỏi chính quyền và thay thế bằng Trần Thiện Khiêm (thủ tướng). Ê-kíp Nguyễn Văn Thiệu - Trần Thiện Khiêm lãnh đạo miền Nam đến năm 1975. Trong khi ấy tình hình chiến sự ngày càng khốc liệt. Đêm 4/8/1964, xẩy ra biến cố Vịnh Bắc Việt. Mượn cớ pháo hạm miền Bắc tấn công hai tầu Maddox và Turner, chính quyền Johnson hạ lệnh oanh tạc Bắc Việt. Vào cuối năm 1967, số quân miền Bắc có mặt ở miền Nam (chưa kể đường vận chuyển chiến lược mang tên Hồ Chí Minh) lên đến 210 000 người. Ngày 31/1/1968, Bắc quân mở cuộc tổng tấn công, tổng khởi nghĩa trên toàn thể lãnh thổ miền Nam. Nhân ngày tết Mậu Thân, Bắc quân xâm nhập hầu hết các tỉnh lỵ và các thành phố lớn, kể cả thủ đô Sàigòn. Nhưng sau vài ngày, vì không được sự hỗ trợ của nhân dân, Bắc quân hoàn toàn bị đẩy lui khỏi các thành phố, trừ Huế, cố thủ được 25 ngày. Cuộc tổng khởi nghĩa thất bại, và khi rút lui khỏi Huế, Bắc quân đã để lại một sự tàn sát kinh hoàng với những mồ chôn tập thể, khiến người dân miền Nam, sau đó, không còn một ảo tưởng gì về cách mạng giải phóng. Nhưng về mặt quốc tế, nhờ trận chiến Mậu Thân mà chiến tranh Việt Nam được biết đến rõ hơn và những phong trào hòa bình nổi lên khắp nơi trên thế giới, chống Mỹ. Sau sự thất bại này, miền Bắc đổi chiến lược, bắt đầu dùng các trận địa chiến, điển hình là trận Khe Sanh. Khe Sanh nằm trên quốc lộ số 9, nối liền Đông Hà với Savanakhet. Đây là một vị trí chiến lược, chặn đường tiến của Bắc quân, từ Quảng Bình vào A Sao (phía tây Thừa Thiên). Bắc quân dùng hai sư đoàn thiện chiến tấn công Khe Sanh, áp dụng chiến thuật đào địa đạo để tiến vào các trại quân địch như ở Điện Biên Phủ. Nhưng Hoa Kỳ đã dùng trọng pháo và B52 oanh tạc dữ dội, nên Bắc quân phải rút sang Lào. * Trong thời gian này, ở Washington, tháng 2 năm 1968, Mc Namara từ chức Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng. Người lên thay thế là Clifford. Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam cũng thay đổi. Clifford chủ trương để miền Nam tự lo lấy việc đánh nhau với miền Bắc. Sự mâu thuẫn giữa Bộ Quốc Phòng và Tổng Tham Mưu (chủ trương tiếp tục giúp miền Nam) Hoa Kỳ ngày càng tăng, trong khi phong trào hòa bình, theo chủ trương Mc Cathy, ngày càng thắng thế ở Mỹ. Johnson bắt đầu xuống thang chiến tranh và ngày 30/3/1968, Johnson giới hạn oanh tạc từ vĩ tuyến 20 trở vào Nam. Và ngày 3/4/1968, miền Bắc chấp nhận điều đình. Tháng 12/1968, Nixon đắc cử tổng thống. Kissinger trở thành cố vấn an ninh quốc gia, đặc trách việc điều đình. Một văn bản nhận định về tình hình Việt Nam, do các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, được đệ trình lên Hội đồng an ninh quốc gia, chủ yếu có các điểm: - Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đã mạnh hơn những năm trước, nhưng ảnh hưởng rất yếu đối với giới trí thức; - Các tổ chức chính trị chỉ đoàn kết khi bị Cộng sản đe dọa, nhưng sau đó lại chia rẽ, tranh quyền; - Quân đội miền Nam đông hơn quân đội miền Bắc, trang bị tốt hơn và đôi khi tỏ ra rất hữu hiệu, nhưng lại bị nạn đào ngũ, chỉ huy kém và thiếu động cơ thúc đẩy. Trong tương lai, nếu không có Hoa Kỳ yểm trợ thì không thể thắng nổi miền Bắc; - Mục tiêu cuối cùng của miền Bắc vẫn là thống nhất Việt Nam dưới sự kiểm soát của họ; - v.v... Sau khi nghiên cứu kỹ bản tường trình này, Kissinger cho rằng Mỹ không thể nào thắng thế ở Việt Nam được, chỉ còn cách làm thế nào cho quân Mỹ rút ra mà đỡ mất mặt. Sau 3 năm điều đình tại Paris, từ 1969 đến 1972, Hiệp định đình chiến được ký kết tại Paris ngày 27/1/1973 giữa Kissinger và Lê Đức Thọ. Miền Nam Việt Nam chia thành hai vùng Quốc-Cộng xen kẽ theo kiểu da báo. Bắc quân chiếm sườn dựa Lào và Căm Bốt, vùng đồi núi và một số các tỉnh dân cư thưa thớt. Nam quân giữ các vùng đồng bằng và các tỉnh đông dân. Quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam và viện trợ quân sự cho miền Nam cũng giảm dần. Văn Tiến Dũng viết: "Trong tài khóa 1972-1973, Mỹ viện trợ cho ngụy 1614 triệu đô-la về quân sự, tài khóa 1973-1974 chỉ còn 1026 triệu đô la và tài khóa 1974-1975 giảm cuống còn 700 triệu." (trang 25) * Sau hiệp định Paris 1973, chiến tranh chưa bao giờ ngừng: Quân đội hai bên đều tranh nhau chiếm đất. Lực lượng quân số của hai bên khá tương đương, nhưng Nam quân phải trải binh để giữ đất, còn Bắc quân có thể tập trung quân số vào một chiến trường nhất định. Quân đội hai bên đều được trang bị vũ khí tối tân của ngoại bang, nhưng số vũ khí của Liên Xô và Trung Quốc viện trợ cho miền Bắc có phần hữu hiệu hơn. Ví dụ: Nam quân còn dùng súng trường M1, thì Bắc quân đã có AK47. Nam quân có kích pháo 81 ly, Bắc quân có kích pháo 82 ly. Nam quân có đại bác 105 ly thí Bắc quân có hỏa tiễn 130 ly. Về quân số, tính đến cuối năm 1973, không kể các lực lượng dân quân và du kích quân, Bắc quân có mặt ở miền Nam khoảng 170 000 quân chính quy từ Bắc vào và 30 000 quân chính quy tuyển thẳng từ miền Nam. Nam quân, không kể các lực lượng địa phương quân, có khoảng 220 000 quân bộ binh, gồm 11 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn dù, 1 sư đoàn thủy quân lục chiến và 15 liên đoàn biệt động quân. Ngoài ra còn có các lực lượng yểm trợ gồm pháo binh và thiết giáp. Không quân có 41 000 người và Hải quân có 39 000 người. Sau hiệp định Paris, miền Nam tổ chức những cuộc hành quân lớn, chiếm lại nhiều vị trí trước đây bị Bắc quân kiểm soát như Cửa Việt, Sa Huỳnh, Bắc Kontum, Chư Nghé, Kiến Đức, Quảng Đức, đường 4 ở Mỹ Tho, đường 2 ở Bà Rịa, vùng Bẩy Núi ở Long Xuyên, v.v... Văn Tiến Dũng viết: "Trong vòng 11 tháng của năm 1973, địch đã sử dụng 60 phần trăm quân chủ lực và toàn bộ lực lượng vũ trang địa phương, mở trên 360 000 cuộc hành quân lấn chiếm, giải tỏa và hành quân an ninh, tập trung lực lượng lớn tấn công có trọng điểm vào các khu vực giải phóng của ta như Sa Huỳnh, Bắc Công Tum, Chư Nghé, Kiến Đức, Quảng Đức, Nam Bắc lộ 4 ở Mỹ Tho, Chương Thiện, Núi Dài, Tri Tôn, lấn chiếm hầu hết các vùng ta mới giải phóng trong đợt hoạt động tháng 1 năm 1973, chiếm thêm một số lõm giải phóng của ta.". Trần Văn Trà cũng viết tương tự trong Kết Thúc Chiến Tranh 30 Năm Tình trạng này đã khiến Bắc quân lo ngại, các tướng Võ Nguyên Giáp và Văn Tiến Dũng đã đích thân nghiên cứu các kế hoạch hành quân chiếm lại đất nhưng vô hiệu. Mùa thu năm 1974, CIA đã bắt được một số tài liệu trong đó có nghị quyết số 12 của Trung Ương Cục Miền Nam và nghị quyết số 21 của đảng Cộng sản. Trong những tài liệu này, trung Ương Cục Miền Nam báo cáo họ chỉ kiểm soát được 12% dân số và 1/5 diện tích miền Nam Việt Nam. Văn Tiến Dũng viết: "Trước tình hình nghiêm trọng do địch gây ra, Hội nghị lần thứ 21 của Trung Ương Đảng họp tháng 10 năm 1973 đề ra phương châm kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự với ngoại giao và chỉ rõ: "Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng"...". Trần Văn Trà cũng nhấn mạnh "chỉ có con đường bạo lực cách mạng của nghị quyết 21 của Đảng Cộng Sản Việt Nam". Văn Tiến Dũng viết: "Từ tháng 10 năm 1973 trở đi, lần lượt các quân đoàn được thành lập, tập trung huấn luyện tác chiến hợp đồng binh chủng và bố trí trên các địa bàn chiến lược cơ động nhất." (trang 19) Đến cuối năm 1974, sự rút viện trợ quân sự Mỹ bắt đầu có hiệu quả. Nam quân yếu thế dần và cục diện chiến tranh chuyển hướng. Bắc quân bắt đầu thắng thế. Văn Tiến Dũng viết: "Nguyễn Văn Thiệu phải kêu gọi quân của hắn chuyển sang tác chiến "kiểu con nhà nghèo": Theo tài liệu của chúng thì chi viện hỏa lực giảm sút gần 60 phần trăm vì thiếu máy bay, thiếu xe, thiếu cả nhiên liệu. Tình trạng đó buộc chúng phải chuyển từ hành quân lớn, tiến công nhẩy sâu bằng máy bay lên thẳng, xe tăng sang phòng ngự chốt, lấn dũi, lùng sục nhỏ." (trang 25) Ở mặt trận Nam phần, quân khu 9 của Bắc quân đã bắt đầu đánh bại các cuộc hành quân chiếm lại đất của Nam quân. Quân khu 7 của Bắc quân giữ vững bàn đạp phía Bắc Sàigòn. Quân khu 5 của Bắc quân tiến đánh nhiều nơi ở Tây Nguyên. Trong tháng 12/1974, tất cả những thành phần cao cấp nhất trong chính trị và quân đội miền Bắc họp tại Hà Nội. Cuộc họp của Bộ Chính Trị kéo dài từ 18/12/1974 đến 8/1/1975. Giữa lúc Bộ Chính Trị đang họp thì tin chiến thắng Phước Long đưa về, và miền Bắc yên tâm là Mỹ không can thiệp vào tình hình Việt Nam nữa. Lê Duẩn quyết định Tiến công lớn năm 1975 tạo điều kiện bất ngờ để năm 1976 tiến hành Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa. * Về mặt chiến thuật, miền Nam chia lãnh thổ thành 4 vùng quân sự chính trị gọi là 4 vùng chiến thuật: - Vùng I Chiến Thuật gồm các tỉnh phía Bắc, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Vùng này do Quân Đoàn I phụ trách, dưới sự điều khiển của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. - Vùng II Chiến Thuật gồm đất Cao Nguyên Kontum, Pleiku, Đắc Lắc và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, do Quân Đoàn II đảm nhiệm, với tư lệnh là Thiếu Tướng Phạm Văn Phú. - Vùng III Chiến Thuật gồm Sàigòn và các tỉnh xung quanh, phía Bắc tới Phước Long, phía Đông đến Bình Tuy, phía Nam đến Long An, do Quân Đoàn III phụ trách dưới sự điều khiển của Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn. - Vùng IV Chiến Thuật gồm các tỉnh phía Nam từ Đồng Tháp Mười đến Mũi Cà Mau, do Quân Đoàn IV phụ trách, dưới quyền tư lệnh của Trung Tướng Nguyễn Khoa Nam. Quân đội miền Nam đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tổng Tư Lệnh là Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, với Bộ Tham Mưu do Đại Tướng Cao Văn Viên làm Tổng Tham Mưu Trưởng. Theo Nguyễn Khắc Ngữ, Bắc quân chia chiến trường miền Nam thành 7 quân khu: Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5: phần còn lại của miền Trung, Quân khu 6: các tỉnh Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận, Quân khu 7: miền Đông Nam Bộ, Quân khu 8: các tỉnh ở miền Tiền Giang, Quân khu 9: các tỉnh ở miền Hậu Giang và Trung Ương Cục Miền Nam điều khiển toàn thể chiến trường miền Nam. Mỗi quân khu có một đảng ủy mặt trận và một bộ tư lệnh quân khu chỉ huy. Hai quân khu giữ địa vị chiến lược quan trọng nhất trong trận tuyến đầu năm 1975 là quân khu Trị Thiên (gồm hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và Thị Xã Huế) do Thiếu Tướng Lê Tư Đồng làm Bí Thư Đảng Ủy kiêm Chính Ủy, và quân khu 5 (gồm các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên) do Thượng Tướng Chu Huy Mân làm Bí Thư Đảng Ủy kiêm Tư Lệnh Quân Khu và Võ Chí Công làm Chính Ủy. Các lực lượng chính quy thu nạp thẳng từ trong Nam gọi là Bộ đội Miền hay Bộ đội Nam Bộ. Bộ đội Nam Bộ do tướng Trần Văn Trà làm tư lệnh và Phạm Hùng làm chính ủy. Lực lượng chính quy Bắc quân được phân phối như sau: - Quân đoàn I ở ngoài Bắc. - Quân đoàn II do tướng Nguyễn Hữu An làm tư lệnh, Lê Linh làm chính ủy, gồm 3 sư đoàn 304, 324 và 325, hoạt động ở khu Trị Thiên và Bắc Cao Nguyên. - Quân đoàn III do tướng Vũ Lăng làm tư lệnh, Nguyễn Hiệp làm chính ủy, gồm các sư đoàn 320, 10 và 316, hoạt động ở Cao Nguyên. - Quân đoàn IV do Thượng Tướng Trần Văn Trà làm tư lệnh, Phạm Hùng làm chính ủy, gồm các sư đoàn 3, 5 và 7, trực thuộc Bộ Tư Lệnh Miền. Ngoài ra mỗi tỉnh đều có lực lượng dân quân và Du kích quân, đặt dưới quyền của bộ chỉ huy tỉnh gọi là Tỉnh Đội Dân Quân Du Kích. Quân đội miền Bắc đặt dưới quyền điều khiển của Bộ Tổng Tham Mưu ở Hà Nội, với Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng, kiêm Tổng Tư Lệnh quân đội và Văn Tiến Dũng làm Tổng Tham Mưu Trưởng. * Phòng tuyến của Nam quân mạnh ở hai đầu và yếu ở giữa. Vùng II chiến thuật chỉ có 2 sư đoàn bộ binh 22 và 23 mà sư đoàn 22 đã bị cầm chân ở Bình Định để phòng thủ các tỉnh duyên hải. Còn lại sư đoàn 23, đồn trú tại Cao Nguyên, do Chuẩn Tướng Lê Trung Tường làm tư lệnh. Bộ tư lệnh sư đoàn 23 đặt tại Ban Mê Thuột. Bộ tham mưu của Nguyễn Văn Thiệu dự trù Bắc quân sẽ đánh Tây Ninh, nên không lo phòng thủ vùng II và tình báo Bắc quân tại Dinh Độc Lập biết được chiến lược đó. Vì thế Bộ tham mưu miền Bắc quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên. Sợ Vũ Lăng không đủ uy tín phối hợp quân, Trung Ương cử Văn Tiến Dũng làm Tổng Tư Lệnh mặt trận Tây Nguyên. Theo kế hoạch của Võ Nguyên Giáp, Bắc quân đặt nghi binh để địch tập trung phòng thủ Bắc Tây Nguyên, vùng Kontum, Pleiku, rồi tấn công Ban Mê Thuột. Sau kinh nghiệm thất bại ở Tây Nguyên năm 1971 và ở Quảng Trị năm 1972, Tướng Văn Tiến Dũng vẫn còn e ngại quân đội miền Nam. Ngày 1/3/1975, Văn Tiến Dũng hạ lệnh cho sư đoàn 968 tấn công Nam quân trên quốc lộ 19bis, phía tây Pleiku, áp sát quận lỵ Thanh An và liên tiếp mấy ngày sau đó, tấn công các vị trí Nam quân trên quốc lộ 19. Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. Quả nhiên Nam quân dồn lực lượng quân đoàn II lên bảo vệ Kontum, Pleiku. Ba giờ sáng ngày 10/3/1975, Bắc quân tiến đánh Ban Mê Thuột. Mặc dù bị tấn công bất ngờ và quân phòng thủ ít ỏi, các lực lượng của sư đoàn 23 đã chống trả dữ dội. Trận chiến xẩy ra ác liệt trong ba ngày, từ 10/3 đến 13/3. Sau cùng Bắc quân chiếm được Ban Mê Thuột và tỉnh Đắc Lắc. Sau thất bại này, Nguyễn Văn Thiệu quyết định triệt thoái Cao Nguyên. Khi tin rút quân bay ra, dân chúng khắp nơi trên Cao Nguyên tìm mọi cách di tản theo quân đội. Đường liên tỉnh lộ số 7, nối liền Pleiku với Tuy Hòa được chọn làm đường rút quân, trở nên một đại lộ kinh hoàng, mà dân chúng và quân đội tranh nhau tìm đường thoát dưới kích pháo của Bắc quân. Quân đoàn II gần như tan rã. * Vùng I chiến thuật do Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cầm đầu. Ông nổi tiếng là một viên tướng giỏi của miền Nam. Quân đoàn I gồm 3 sư đoàn bộ binh: Sư đoàn 1 đóng tại Quảng Trị, Thừa Thiên, sư đoàn 2 đóng tại Quảng tín và Quảng Ngãi và sư đoàn 3 đóng tại Quảng Nam. Thêm vào đó có hai sư đoàn trừ bị là sư đoàn nhảy dù và sư đoàn Thủy quân lục chiến, những đơn vị thiện chiến nhất của miền Nam. Ngoài ra còn có 4 liên đoàn Biệt động quân và các lực lượng yểm trợ: Pháo binh, Thiết giáp, Hải quân và Không quân. Về phía Bắc quân, quân khu Trị Thiên do Tướng Lê Tư Đồng làm tư lệnh, được coi như một đơn vị đặc biệt trực thuộc Trung Ương Hà Nội, về chính trị cũng như về quân sự. Chiến dịch đánh Trị Thiên đã được soạn thảo từ tháng 12/1974. Đến tháng 2/1975 phải soạn thảo lại và Trung Tướng Lê Trọng Tấn, Tổng Tham Mưu Phó ở Hà Nội trực tiếp điều khiển mặt trận Trị Thiên. Các trận đánh then chốt của chiến trường Trị Thiên bắt đầu từ ngày 8/3/1975. Trọng điểm của chiến trường, đối với Bắc quân là chiếm đường 14, ở phía Nam thành phố Huế, để tiến đánh Thừa Thiên. Đường 14 là một vị trí quan yếu, Nam quân đã để 2 trung đoàn 1 và 54 ở đó bảo vệ. Thung lũng đường số 14 là một thung lũng hẹp, ở đó, Trung đoàn 1 bộ binh đã dựa vào hai đỉnh núi Nghệ và núi Bông cùng các ngọn đồi 224, 303 để lập 3 tuyến cản địch. Bắc quân cho sư đoàn 324 tấn công vào khu vực núi Bông, núi Nghệ và Mũi Tàu. Các đơn vị Nam quân chống trả mãnh liệt. Cao điểm 224 được hai bên dằng co chiếm đi chiếm lại trong những điều kiện gay go nhất. Xuân Thiều viết: "Trên thực tế thì sư đoàn 324 đã phải đột phá vào một tuyến phòng ngự vào loại mạnh nhất, kiên cố và dầy đặc nhất, trong phạm vi trách nhiệm chiến thuật của Sư đoàn 1 bộ binh Ngụy." Các mặt trận trên đồng bằng phía Bắc Hải Vân cũng xẩy ra vô cùng dữ dội. Hai bên đều bị thiệt hại nặng nề. Sau chiến thắng Tây Nguyên, Bắc quân thấy thời cơ đã thuận lợi, ngày 18/3/1975 quyết định Tổng Tấn Công. Đánh Quảng Trị. Đánh Huế. Và đánh Phú Lộc. 14g30 ngày 19/3 tiến đánh Huế. Đêm ngày 19/3 tấn công Quảng Trị. Và ngày 20/3 tiến đánh Phú Lộc. Trong lúc mặt trận Trị Thiên đang gay go thì ngày 13/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị cho Ngô Quang Trưởng phải trả Sư đoàn dù về Sàigòn, chỉ để lại Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở Vùng I. Và nếu cần thì triệt thoái khỏi Trị Thiên, giữ từ đèo Hải Vân trở vào. Và ngày 19/3 tướng Trưởng được triệu về Sàigòn lần nữa, và lần này ông biết ý định của Nguyễn Văn Thiệu muốn rút cả sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến về Nam. Thiếu hai sư đoàn thiện chiến này thì không thể giữ nổi Trị Thiên. Để phản đối lệnh rút quân, tối ngày 20/3, Ngô Quang Trưởng đánh điện về Sàigòn xin từ chức. Nguyễn Văn Thiệu không chấp nhận. Ngày 23/3/1975 Ngô Quang Trưởng phải chấp hành lệnh rút quân. Bắc quân chiếm Huế ngày 25/3/1975. Sự rút quân ở Quảng Trị, Thừa Thiên về Đà Nẵng, rồi từ Đà Nẵng về Nam cũng xẩy ra trong những điều kiện kinh hoàng. Dân chúng lũ lượt di tản theo quân đội. Các cửa biển Thuận An, Đà Nẵng đã bầy ra những bối cảnh máu và nước mắt hãi hùng, bi thảm như cảnh trên liên tỉnh lộ 7. Không còn quân, cận vệ cũng đã đi mất, Tướng Ngô Quang Trưởng, không biết bơi phải nhờ người kéo ra tầu đậu ngoài khơi Đà Nẵng. Thủy quân lục chiến còn cầm cự ở những căn cứ cuối cùng: Đèo Hải Vân và bán đảo Sơn Trà. Nhưng đến 30/3 thì Đà Nẵng cũng về tay Bắc quân. Trong khi đó, nhiều đơn vị Nam quân ở Quảng Nam, không biết tin, vẫn tiếp tục chiến đấu thêm nhiều ngày sau nữa. Cùng ngày 25/3 chiếm Huế; ở mặt trận phía Nam, Bắc quân tiến đánh Bình Định: Trung đoàn Tây Sơn tấn công Qui Nhơn nơi sư đoàn 22 trấn giữ. Trận chiến diễn ra khốc liệt ở quân cảng Qui Nhơn, đường Gia Long, ở khu nghĩa địa gần đường Nguyễn Huệ và bờ biển. Đến ngày 1/4/1975, Bắc quân chiếm được Bình Định. Tiến vào Nha Trang, tiến đánh Cam Ranh không gặp trở ngại gì. Ở miền Nam Trung phần, sau thất bại của Quân đoàn II, các tỉnh Ninh Thuận, Phan Rang, Phan Thiết đã được sát nhập vào vùng III chiến thuật là ba nơi Nam quân còn cầm cự từ đầu tháng tư cho đến cuối tháng tư, dưới quyền tư lệnh của tướng Nguyễn Vĩnh Nghi. * Sau chiến thắng miền Trung, ngày 9/4/1975 Bắc quân mở chiến dịch Hồ Chí Minh do Tướng Văn Tiến Dũng làm tư lệnh để tấn công Sàigòn. Chiến dịch này gồm 3 giai đoạn: - Giai đoạn I từ 9/4/1975 đến 25/4/1975: Bộ Đội Nam Bộ tấn công các tỉnh bảo vệ vòng ngoài Sàigòn, thuộc vùng chiến thuật III. - Giai đoạn II từ 26/4 đến 28/4: tấn công các tuyến sát đô thành Sàigòn, phối hợp với các đơn vị ở Bắc và Trung vào. - Giai đoạn III từ 29/4 đến 30/4: tổng tấn công Sàigòn. Trong giai đoạn đầu, mục tiêu chính của chiến dịch là 3 tỉnh Long Khánh, Bình Dương và Tây Ninh, nằm trên vòng đai ngoài của Sàigòn. Văn Tiến Dũng bố trí các mặt trận như sau: Mặt trận phía Đông đánh vào Xuân Lộc. Mặt trận phía Bắc đánh vào Bình Dương và Bình Long. Mặt trận phía Tây đánh vào Long An và Hậu Nghĩa. Nhưng sư đoàn 18 của Nam quân, do chuẩn tướng Lê Minh Đảo làm tư lệnh trưởng, Nguyễn Xuân Mai tư lệnh phó và Đại tá tỉnh trưởng Xuân Lộc Phạm Vĩnh Phúc đã đẩy lui được sức tiến của Bắc quân do tướng Hoàng Cầm, tư lệnh mặt trận chỉ huy. Không chiếm được Xuân Lộc, Bắc quân vòng qua Xuân Lộc để tiến về phía Trảng Bom, Long Bình và Biên Hòa. Sư đoàn 18 và Lữ đoàn III dù, rút về giữ Trảng Bom và Kho Long Bình. Ngày 21/4, Bắc quân tiến đánh Trảng Bom nhưng lực lượng phòng thủ ở đây (gồm trung đoàn 43, sư đoàn 18 bộ binh và chiến đoàn 22 thiết giáp) đã chống cự mãnh liệt, nên Bắc quân dù mở nhiều đợt tấn công vẫn không chiếm được. Ở mặt trận phía Bắc Sàigòn, Bắc quân đã tiến đánh Bình Long và bao vây tỉnh lỵ An Lộc. Sư đoàn 5 của Nam quân do Đại tá Lê Nguyên Vĩ làm tư lệnh, rút lui khỏi An Lộc an toàn để về giữ phòng tuyến Chơn Thành, một quận lỵ thuộc tỉnh Bình Long. Tại đây sư đoàn 5 đã chặn đứng sức tiến của Bắc quân đến Lai Khê, cho đến ngày 30/4/1975. Trên mặt trận Tây Bắc Sàigòn, sư đoàn 25 bộ binh do Chuẩn tướng Lý Tòng Bá làm tư lệnh, đóng tại Đồng Dù, Củ Chi, Hậu Nghĩa, cũng giữ được phòng tuyến đến ngày 27/4 mới bị phá vỡ. Giai đoạn II của chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ 17 giờ ngày 26/4/1975. Quân đoàn II của Bắc quân tấn công căn cứ Nước Trong, Long Thành, nơi có Trường huấn luyện Bộ Binh và Trường Thiết Giáp. Sự chống trả của hai đơn vị này rất quyết liệt; trong 3 ngày, Bắc quân không hạ được tuyến này. Trong khi ấy một cánh quân khác tiến đánh Chi Khu Long Thành, chiếm được quận lỵ. Một cánh quân của binh đoàn IV tiến đánh Phước Tuy rồi tấn công vào thị xã Phước Lễ. Chiếm xong Phước Lễ, đánh xuống Vũng Tàu. Thủy Quân Lục Chiến đã chiến đấu gan dạ, nhưng cuối cùng cũng phải rút ra biển. Sau Xuân Lộc, Nam quân trở về giữ Biên Hòa. Bắc quân pháo kích vào phi trường Biên Hòa. Ở cầu Long Bình, hai bên chiếm đi chiếm lại nhiều lần trong suốt hai ngày 28 và 29 tháng 4. Sáng ngày 28 tháng 4, Tư lệnh quân đoàn III, tướng Nguyễn Văn Toàn đã bỏ đi. Quân đoàn III di tản bộ tư lệnh về Sàigòn. Bắc quân chiếm Biên Hòa và Long Bình không gặp trở ngại gì. Từ 3 giờ sáng ngày 27/4, Bắc quân đã cắt đứt đường số 4, nối Sàigòn với các tỉnh miền Tây. Nam quân phải tung 3 sư đoàn chủ lực cuối cùng của vùng IV chiến thuật do Trung Tướng Nguyễn Khoa Nam chỉ huy, sư đoàn 7, 9 và 21, vào mặt trận phía Nam Sàigòn, để bảo vệ đường số 4, tạo khoảng trống lớn ở biên giới Việt Miên. Do đó Bắc quân vượt sông Vàm Cỏ Đông về đồn trú tại phía Tây Nam Sàigòn, chuẩn bị tổng tấn công Sàigòn. * Trong khi ấy ở Sàigòn, ngày 20/4/1975, Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin chuyển cho Nguyễn Văn Thiệu tối hậu thư của chính phủ miền Bắc. Nội dung đại ý nói: Từ nửa đêm 21/4/1975 hoặc Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức hoặc miền Bắc sẽ tấn công Sàigòn. Không còn cách nào khác, Nguyễn Văn Thiệu chấp nhận từ chức 2 giờ trước khi tối hậu thư hết hạn. Trần Văn Hương, phó tổng thống lên thay. Nhưng miền Bắc không chịu điều đình với Trần Văn Hương, viện cớ Trần Văn Hương là "bù nhìn" của Nguyễn Văn Thiệu. Sau cùng, ngày 28/4/1975, Quốc hội cử Đại tướng Dương Văn Minh làm Tổng Thống để đứng ra "điều đình" với miền Bắc. Nhưng miền Bắc không chấp nhận điều đình mà đòi hỏi một sự đầu hàng vô điều kiện. Giải pháp Dương Văn Minh đã tránh được trận đánh cuối cùng: Trận Sàigòn, tiết kiệm nhiều xương máu. Ngày 30/4/1975, Bắc quân tiến vào Sàigòn. Trung Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh vùng IV chiến thuật và Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh vùng II chiến thuật tư vận. Việt Nam chấm dứt cuộc chiến 30 năm. Thụy Khuê Tháng 3/2000 Tài liệu tham khảo: 1. Hoàng Văn Hoan, Giọt Nước Trong Biển Cả, Nhóm Tìm Hiểu Lịch Sử in năm 1991 tại Hoa Kỳ. 2. Võ Nguyên Giáp, Những Năm Tháng Không Thể Nào Quên, nxb Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 1974. 3. Hoàng Xuân Hãn, Một Vài Ký Vãng Về Hội Nghị Đà Lạt, nxb A.V.A.C, Paris 1987. 4. Philippe Devillers, Paris Saigon Hà Nội, Collection Archives, Gallimard, 1988. 5. Phạm Khắc Hòe, Từ Triều Đình Huế Đến Chiến Khu Việt Bắc, nxb Thuận Hóa, Huế, 1987 6. Báo Cứu Quốc, số 32 ra ngày 27/8/1945, in lại trong Phạm Khắc Hòe, 7. Trần Trọng Kim, Một Cơn Gió Bụi, nxb Vĩnh Sơn, 1969. 8. Lê Kim, Trận Điện Biên Phủ Nhìn Từ Hai Phía, nxb Thanh Niên, 1994 9. Đặng Văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư, Tủ sách sử học, Sàigòn, 1960 10. Hoàng Xuân Hãn, Chứng Nhân Lịch Sử, Hợp Lưu số 29, tháng 6-7 năm 1986. 11. Đoàn Thêm, 1945-1964 Hai Mươi Năm Qua, không ghi rõ nhà xuất bản. 12. Hiệu Triệu của Hồ Chí Minh, in trên Văn Nghệ, số 19, tháng 1/1950. 13. Alain Ruscio, La mémoire du siècle, 1945-1954 La guerre francaise d'Indochine, Editions Complexe. 14. Bùi Tín, Mây Mù Thế Kỷ, nxb Đa Nguyên, 1998. 15. Nguyễn Khắc Ngữ, Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa, Tủ sách nghiên cứu sử địa, Montréal, 1979. 16. Hồi Ký Mc Namara, bản dịch của nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1995. 17. Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân, nxb Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 1976. 18. Trần Văn Trà, Kết Thúc Chiến Tranh 30 Năm, nxb Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh, 1982. © Copyright Thuy Khue 1999
|
Từ khóa » Tóm Tắt Lịch Sử Việt Nam Từ 1945 đến 1975
-
Biên Niên Sử Việt Nam Thời Kỳ 1945–1975 - Wikipedia
-
Những Thành Tựu Nổi Bật Của Việt Nam Từ Năm 1945 đến Nay
-
Tóm Tắt Lịch Sử Việt Nam Qua Các Thời Kỳ đầy đủ Nhất
-
Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử Nổi Bật (1945 – 1975)
-
Tóm Tắt Lịch Sử Việt Nam Từ 1945 đến 1975 - 123doc
-
Những Chặng đường Lịch Sử Và Thành Tựu Nổi Bật Của đất Nước
-
Khái Quát Lịch Sử Việt Nam Giai đoạn 1945 – 1954 - YouTube
-
Tóm Tắt Lịch Sử Việt Nam Từ 1945 Đến 1975, Việt Nam 1945
-
Khát Quát Văn Học Việt Nam Từ Cách Mạng Tháng Tám Năm 1945 ...
-
Từ Năm 1945 đến Năm 1975 - .vn/vi-vn
-
Tóm Tắt Lịch Sử Việt Nam, Học Lịch Sử Việt Nam Trong 10 Phút
-
1945-1975: Tính Chính Thống Và Chủ Quyền Quốc Gia - BBC