Hành Trình Về Vùng Bảy Núi An Giang Đầy Kỳ Thú (Dãy Thất Sơn)

Bảy Núi hay còn gọi là dãy Thất Sơn ở An Giang là địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch từ trong và ngoài nước đến khám phá và thăm thú. Cũng bởi vì nơi đây không chỉ sở hữu một vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú mà nó còn cất giữ cho mình nhiều truyền thuyết từ đời xưa để lại, tạo nên một vùng đất vô cùng bí ẩn.

Đôi nét về vùng Bảy Núi An Giang (Dãy Thất Sơn)

Bảy Núi hay còn gọi là Thất Sơn, dãy núi này thuộc hai huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Cũng như tên gọi của nó, tại nơi đây có 7 ngọn núi đặc sắc trong số 37 ngọn núi bao gồm Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két và Núi Nước. Mỗi ngọn núi mang cho mình những nét đẹp riêng biệt không lẫn vào đâu được.

Bảy ngọn núi này không chỉ sở hữu cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và uy nghiêm mà nó còn là nơi cung cấp nhiều khoáng sản quý hiếm. Ở một số núi sẽ có đá granit để phục vụ cho việc xây dựng, ngoài ra nó còn có đá lốp, loại đá dùng để trang trí. Bên cạnh đó còn một số khoáng sản khác như than bùn, mỏ đất sét, đá quý, nước khoáng thiên nhiên,….

Hành trình về vùng Bảy Núi An Giang
Bảy ngọn núi này không chỉ sở hữu cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và uy nghiêm mà nó còn là nơi cung cấp nhiều khoáng sản quý hiếm.

Phần lớn của những ngọn núi này đều là rừng rậm nguyên sinh nên nó sở hữu nhiều loại gỗ quý và được phân thành 3 tầng khác nhau như căm xe, dầu, bời lời, nính, quế (thuộc tầng cây gỗ), sâm núi, bưởi, mua lông (thuộc tầng cây bụi), gừng dại, sa nhân, giềng rừng (thuộc tầng thân thảo và quyết thực vật). Ngoài ra, đây còn là nơi trú ngụ của nhiều loài chim và thú rừng. Tuy nhiên, ngày nay số lượng giảm dần chỉ còn những loài như heo rừng, nhím, khỉ,….

Thất Sơn còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội với những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Khmer vùng Nam Bộ. Một số lễ hội nổi tiếng ở đây như lễ Pisat bo chia, lễ Chol Chnam Thmay, lễ Pha Chum Bênh….Đặc biệt, vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 của mỗi năm ở đây còn tổ chức lễ hội Đua bò hấp dẫn khiến nhiều du khách đến xem và cùng tham gia.

Thời gian thích hợp để bắt đầu hành trình về vùng Bảy Núi An Giang

Vùng đất An Giang được thiên nhiên ưu ái nên nơi đây quanh năm khí hậu thuận lợi, cảnh quan lúc nào cũng xinh đẹp và đầy sắc màu. Cũng vì lý do đó mà vùng Bảy Núi An Giang đón rất nhiều lượt khách từ phương xa ghé thăm trong năm. Khi đến đây vào từng thời điểm khác nhau bạn sẽ được trải nghiệm những khung cảnh cũng như một số lễ hội đặc sắc của vùng đất này.

Vào những tháng mùa xuân thì nơi đây tràn ngập sắc hoa, cỏ, lá, còn cây cối thì thi nhau đâm chồi nảy lộc. Buổi sáng ở đây có nhiều sương mù tựa như Đà Lạt ở miền Tây sông nước, đến trưa thì bắt đầu ấm dần, những tia nắng chiếu nhẹ lên từng khóm cây, trải nghiệm về đêm sẽ thật tuyệt vời với không khí se se lạnh.

Khám phá vào tháng 4 âm lịch là thời điểm diễn ra lễ hội vía Bà Chúa Xứ nổi tiếng khắp đất nước. Lúc này nhiều đoàn người kéo nhau từ khắp miền Tổ quốc về đây để hành hương và chứng kiến những lễ nghi linh thiêng ở nơi này.

Tháng 8 âm lịch bạn nên ghé thăm núi Cấm thuộc Thất Sơn để có thể tham dự lễ hội Đua bò Bảy núi truyền thống của dân tộc Khmer và cùng đón Tết Dolta. Nếu muốn tận mắt nhìn thấy cảnh vật vào mùa nước nổi ở miền tây thì bạn nên đến đây vào khoảng tháng 10.

7 ngọn núi trong dãy Thất Sơn kì bí

1. Núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn)

Núi Cấm hay còn được biết đến là Núi Ông Cấm, Thiên Cẩm Sơn, ngọn núi này nằm ngay trung tâm của dãy Thất Sơn nên được rất nhiều du khách đến tham quan. Đây cũng được xem là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn, với chiều cao  hơn 700m so với mặt nước biển và rộng khoảng 28.600m2. Núi Cấm thuộc địa bàn của xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, từ trung tâm thành phố Long Xuyên di chuyển đến đây khoảng 90km.

Vào cuối thế kỷ 19, cái tên Núi Cấm(Thiên Cẩm Sơn) được xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử nhà Nguyễn một cách chính thức. Theo như kể lại rằng, thời xa xưa ở núi có rất nhiều thú dữ, địa hình cũng rất hiểm trở nên ít có người dân lui đến vùng này. Chỉ có một số nhà sư chọn chỗ này làm nơi ẩn tu hoặc một số đảng cướp cũng lập căn cứ ở đây. Cũng chính vì lẽ đó mà người dân gọi đây là ngọn núi Cấm.

Hành trình về vùng Bảy Núi An Giang
Núi Cấm hay còn được biết đến là Núi Ông Cấm, Thiên Cẩm Sơn, ngọn núi này nằm ngay trung tâm của dãy Thất Sơn nên được rất nhiều du khách đến tham quan

Hiện nay, ngọn núi này đã được khai hoang và phát triển du lịch mạnh mẽ. Du khách có thể chinh phục nó vào bất cứ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên, bạn nên đến đây vào những tháng đầu năm để cảm nhận được không khí mát mẻ, trong lành cùng với những cây lá đâm chồi nảy lộc.

Bạn có thể chinh phục ngọn núi này bằng hai cách, thường những ai đi theo nhóm hoặc gia đình thì có thể dùng xe ô tô di chuyển thẳng lên đến đỉnh núi. Đường lên núi một bên là vách đá cao sừng sững, một bên là cảnh sắc thiên nhiên mây trời tuyệt đẹp khiến bạn cảm thấy phấn khích vô cùng. Ngoài ra, hiện nay núi Cấm cũng mở ra dịch vụ cáp treo để thuận tiện cho khách tham quan. Thời gian đi cáp treo chỉ mất tầm khoảng 15 phút là lên đến đỉnh, một lợi thế của phương tiện này là bạn có thể tha hồ ngắm nhìn cảnh sắc xung quanh, lưu giữ được những tấm ảnh đẹp mê hồn.

Đặt chân lên núi Cấm bạn sẽ được hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên cùng với những khám phá thú vị tại các công trình kiến trúc về tôn giáo ở đây. Đến núi Cấm bạn không nên bỏ qua các địa điểm như chùa Vạn Linh, chùa Phật lớn, Vồ Thiên Tuế, Hồ Thủy Liêm, vồ Bồ hong, điện 13 tầng, hang Ông Thẻ,…Ngoài ra, du khách còn thường ghé lại để thưởng thức những đặc sản nổi tiếng ở đây như thốt nốt, bánh xèo ăn kèm với rau rừng, gà nấu măng rừng,…món nào cũng hấp dẫn và thơm ngon.

2. Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn)

Núi Dài Năm Giếng có tên chữ là Ngũ Hồ Sơn, đây là ngọn núi được xếp hạng thứ 4 trong dãy Thất Sơn với chiều cao 265m. Ngọn núi này thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Được gọi với cái tên Năm Giếng cũng bởi nơi đây có 5 giếng nước tiên nằm lộ thiên trên đỉnh núi. Điều đặc biệt là năm giếng nước này nằm tách rời nhau, cứ tưởng tượng như năm đầu ngón tay của một người khổng lồ. Theo người dân cho biết, nước giếng ở đây không bao giờ cạn, khi cố tình múc một lượng nước lớn lên thì vài phút sau nước lại trồi lên và đầy như cũ.

Hành trình về vùng Bảy Núi An Giang
Được gọi với cái tên Năm Giếng cũng bởi nơi đây có 5 giếng nước tiên nằm lộ thiên trên đỉnh núi.

Cạnh bên giếng là một ngôi miếu được gọi là Miếu Bà nằm một góc bên cạnh tảng đá to.Hiện nay, ngọn núi vẫn giữ được cho mình nét đẹp mộc mạc, đơn sơ. Tại đây ngoài có nhiều cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, bạn có sẽ thấy được rất nhiều vườn cây ăn trái như thanh long, ổi, xoài, mận….ra hoa kết trái quanh năm.

3. Núi Két (Anh Vũ Sơn)

Sỡ dĩ nơi này được đặt tên là núi Két vì ở lưng chừng đồi núi có một tảng đá lớn nhô ra, nhìn từ xa rất giống với mỏ của con két. Cho nên để thể hiện sự kính trọng của người dân đối với vẻ đẹp thiên nhiên mà ban tặng nên họ gọi đây là núi Ông Két hay Anh Vũ Sơn. Nơi đây cũng là địa điểm hay lui đến của các Phật tử, vì trước đây hai vị đã từng khai sáng ra đạo Bửu Sơn Kỳ và Phật giáo Hòa Hảo cũng từng ghé thăm ngọn núi này, do đó nhiều người hay ưu ái gọi nơi đây là vùng đất của Phật. Không những thế, núi Két còn được gắn liền với rất nhiều truyền thuyết huyền ảo như giếng Tiên, dấu chân Tiên, mỏ Ông Két,…

Hành trình về vùng Bảy Núi An Giang
Sỡ dĩ này được đặt tên là núi Két vì ở lưng chừng đồi núi có một tảng đá lớn nhô ra, nhìn từ xa rất giống với mỏ của con két.

4. Núi dài (Ngọa Long Sơn)

Trải qua nhiều thời kì và biến đổi, đây là ngọn núi dài nhất trong quần thể Bảy Núi với tên gọi khác là Ngoại Long Sơn, nơi nằm của rồng. Núi có độ cao 580m, dài khoảng 8.000m và thuộc địa phận của 3 xã Lê Trì, Lương Phi, Châu Lăng cùng với thị trấn ba Chúc của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ngoài độ dài lý tưởng thì đường lên núi cũng khá dốc và hiểm trở nhưng bù lại là vẻ đẹp thiên nhiên vô cùng hùng vĩ và uy nghiêm. Nơi đây cũng là một địa điểm lý thú của nhiều khách du lịch, nhất là những du khách nước ngoài bởi sự thanh bình và mộc mạc của nó. Kèm theo đó ở núi có rất nhiều loài chim và thú rừng lạ mắt, tha hồ cho bạn khám phá và chụp ảnh.

Hành trình về vùng Bảy Núi An Giang
Ngoài độ dài lý tưởng thì đường lên núi cũng khá dốc và hiểm trở nhưng bù lại là vẻ đẹp thiên nhiên vô cùng hùng vĩ và uy nghiêm.

Hiện nay, nhiều hộ dân cũng dùng ngọn núi này để khai hoang thành nơi trồng trọt các loại cây ăn trái cũng như nương rẫy, làm cho nơi đây có được một phong cảnh bình yên đến lạ. Đặc biệt, nhiều du khách đến đây rất muốn tham quan căn cứ Ô Tà Sóc, đây là căn cứ cách mạng có trước năm 1975. Vào ngày 28 tháng 12 năm 2001, căn cứ này cũng được xếp vào một trong các di tích lịch sử cấp quốc gia.

5. Núi Tượng (Liên Hoa Sơn)

Núi Tượng cao 145m thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nằm trong hệ thống Thất Sơn. Núi còn có tên chữ là Liên Hoa Sơn, đứng từ xa nhìn vào sẽ thấy ngọn núi trong giống như hình một con voi. Trước năm 1870, thầy Ngô Lợi đã cùng một số học trò khai hoang vùng đất này và lập khoảng 14 thôn cùng nhiều chùa chiền được xây dựng ở đây. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1887, thực dân Pháp qua xâm lấn và phá nát hết nhà cửa, chùa chiền ở đây nhưng vẫn không bắt được thầy Ngô Lợi. Cho đến năm 1890 thì thầy cũng qua đời ở chính trên ngọn núi này.

Hành trình về vùng Bảy Núi An Giang
Đây là một trong hai lô cốt còn sót lạicủa quân ta vào năm 1978  trên đỉnh Núi Tượng (Liên Hoa Sơn)

Đường đi lên núi Tượng cũng khó quanh co và khó khăn, hai bên đường có rất nhiều cây cối um tùm cản trở. Càng lên cao bạn sẽ thấy được cảnh sắc hoang sơ và vắng vẻ của ngọn núi này. Trên đỉnh núi hiện vẫn còn lưu giữ hai lô cốt của quân ta vào những năm 1978. Người dân ở đây gọi nó là “Cốt 1″ và ” Cốt 2″ để dễ dàng phân biệt. Hiện nay, hai lô cốt này vẫn còn sừng sững, uy nghiêm như hai người lính đang canh giữ cho núi rừng Việt Nam.

6. Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn)

Núi Cô Tô thu hút nhiều khách du dịch đến thăm quan cũng bởi nơi đây có nhiều hang động ngầm với vẻ đẹp không đâu sánh bằng. Núi Cô Tô còn có tên chữ là Phụng Hoàng Sơn hay còn được gọi là núi Ông Tô. Theo dân gian kể lại, nguồn gốc của cái tên này cũng bởi hình dáng của ngọn núi giống như một cái tô đang bị úp ngược. Mặc khác cũng có người cho rằng, khi xưa ngọn núi này là nơi của nhiều loài chim cư trú, và cũng vì hình dáng của núi giống với chim Phụng nên mới lấy tên là Phụng Hoàng Sơn. Ngọn núi này dài khoảng 5.800m và cao đến 614m, rộng 3.700m.

Ngọn Núi Cô Tô nằm giữa một cánh đồng bao la, xung quanh là những ngôi nhà được xây cập với các vách đá nhìn rất uy nghiêm và hùng vĩ. Khi đặt chân đến đây bạn sẽ bị choáng ngợp trước cảnh núi rừng bao quanh, không gian thì tĩnh lặng và hoang sơ. Có nhiều cách để bạn khám phá được ngọn núi này. Nếu bạn là người thích mạo hiểm và chinh phục những đỉnh cao thì có thể chọn hình thức leo bộ, đi theo từng bậc thang và con đường nhỏ, vừa đi vừa ngắm nhìn và cảm nhận không khí, cảnh quan xinh đẹp nơi đây. Tuy nhiên, bạn sẽ phải mất khá nhiều thời gian cho cuộc khám phá này, do đó hãy chuẩn bị sẵn thức ăn nhẹ cũng như trang phục phù hợp để cuộc hành trình được hoàn hảo nhất. Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng xe máy để đi thăm thú nhiều nơi. Nếu bạn có một tay lái cứng thì có thể sử dụng xe máy cá nhân, hoặc ở đây cũng có một đội xe ôm luôn túc trực để phục vụ du khách. Tùy vào địa điểm cao hay thấp bạn muốn đến mà chuyến đi sẽ có giá cả niêm yết. Đi bằng phương tiện này bạn chỉ mất khoảng vài tiếng là có thể tham quan đủ tất cả các địa điểm, thắng cảnh ở đây.

Hành trình về vùng Bảy Núi An Giang
Sân Tiên có dựng một biểu tượng “TRI TÔN” cao 7m, xung quanh có các hàng rào chắn để đảm bảo sự an toàn cho du khách ghé thăm.

Đặc biệt, ở ngọn núi có một khu vực gọi là Sân Tiên. Ở đây có dựng nên biểu tượng “TRI TÔN” cao 7m, xung quanh có các hàng rào chắn để đảm bảo sự an toàn cho du khách ghé thăm. Hiện nơi này đang được giới trẻ săn lùng với tên gọi “cánh cửa thiên đường”. Ở đây không những là nơi check in đầy lý thú mà còn là nơi để bạn thăm thú những dấu ấn xa xưa. Ở trên các tảng đá của Sân Tiên vẫn còn thấy được những dấu chân khổng lồ. Nhiều người cho rằng, ở Sân Tiên là dấu chân bên phải, còn dấu chân bên trái hiện đang nằm ở núi Cấm.  Bên cạnh những cảnh đẹp tuyệt vời, núi Cô Tô còn sở hữu cho mình nhiều miếu thờ và chùa chiền. Do đó nơi đây cũng là địa điểm thu hút nhiều Phật tử cũng như du khách gần xa ghé thăm.

Không những thế, nhiều bạn trẻ còn chọn nơi đây là nơi cắm trại, ngủ lại qua đêm để khi sáng thức giấc có thể ngắm được bình minh trên đỉnh núi và thấy được toàn cảnh Tri Tôn trong sương sớm. Còn buổi tối, bạn sẽ thấy được những ánh đèn lấp lánh nhỏ bé bên dưới huyện Tri Tôn và dần dần tắt hẳn về đêm.

Sau khi đã trải nghiệm được hết các cảnh quan cũng như nét đặc sắc của đỉnh núi Cô Tô, bạn nên xuống chân núi để thả hồn cùng với sự thơ mộng của hồ Soài So. Nước hồ rất trong, có khi nhìn được tận sâu dưới đáy, mặt hồ thì lúc nào cũng êm ả như một tấm gương soi. Bạn nên ghé nơi đây vào mùa nước nổi để có thể thấy rõ được sự mênh mông và phẳng lặng của mặt hồ.

7. Núi Nước (Thủy Đài Sơn)

So với những ngọn núi khác trong Bảy Núi thì núi Nước chỉ cao khoảng 50m, bạn chỉ mất khoảng 5 phút để đi bộ lên đến đỉnh núi. Tuy nhiên, ngọn núi này không được đánh giá qua sự bề thế của nó mà chính nhờ những huyền thoại, truyền thuyết linh thiêng ở đây mà làm cho nhiều du khách cảm thấy tò mò muốn ghé thăm. Vào năm 1884, Đức Bổn sư Ngô Lợi đã cho dựng ngôi Linh Bửu tại đây với mục đích truyền đạo và được lưu giữ đến ngày nay.

Hành trình về vùng Bảy Núi An Giang
So với những ngọn núi khác trong Bảy Núi thì núi Nước chỉ cao khoảng 50m, bạn chỉ mất khoảng 5 phút để đi bộ lên đến đỉnh núi.

Khi đến Thủy Đài Sơn bạn sẽ cảm thấy rất dễ chịu bởi không khí mát mẻ và bình yên. Bắt gặp đầu tiên chắc hẳn chính là sân tiên, khu cực cao và rộng nhất. Đứng ở đây bạn sẽ cảm nhận rõ nhất những cơn gió mát, nhìn ra xa thì thấy thấp thoáng nhiều cánh đồng xanh mướt. Dù bạn lên đây vào thời gian nào thì không khí cũng khá dễ chịu và thoáng mát, nên bạn cứ yên tâm để thăm thú khắp nơi trên núi.

Một số điều cần nhớ khi khám phá vùng Bảy Núi An Giang

Bảy Núi là vùng mà rất nhiều du khách muốn được khám phá và chinh phục. Tuy nhiên, để có được một hành trình trọn vẹn và suôn sẻ nhất, bạn cần lưu ý một số điều dưới đây:

  • Do đây là những ngọn núi cao, đường đi lên núi cũng khá hiểm trở nên bạn hãy chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt để có thể trải nghiệm được trọn vẹn những điều thú vị ở đây.
  • Ở trên các núi đều sẽ có những ngôi chùa hoặc miếu thờ, do đó bạn nên lựa chọn trang phục kín đáo, gọn gàng để vừa thuận tiện cho việc di chuyển vừa phù hợp với những chốn tôn nghiêm.
  • Khi di chuyển bằng xe máy bạn nên kiểm tra và đổ đầy bình xăng để không làm cản trở chuyến đi của mình.
  • Tuy thời tiết ở đây khá mát mẻ, nhưng do địa hình núi cao nên bạn cũng nên trang bị cho mình kem chống nắng, nón, áo khoác để tránh bị ảnh hưởng sức khỏe.

Vùng Bảy Núi An Giang (Dãy Thất Sơn) không chỉ đơn thuần là 7 ngọn núi cao uy nghiêm, sừng sững mà nó còn ẩn chứa cho mình nhiều câu chuyện và ý nghĩa đặc biệt. Hy vọng qua những thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ sắp xếp và lên kế hoạch để bắt đầu cuộc hành trình đến với địa điểm thú vị này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

  • Du lịch Sapa ngắm cảnh sắc thiên nhiên đẹp ngỡ ngàng
  • Đảo Phú Quý – Vẻ đẹp hoang sơ níu chân khách ghé thăm
  • Côn Đảo – Từ “địa ngục trần gian” thành thiên đường du lịch
4.1/5 - (91 bình chọn)

Từ khóa » Khám Phá Vùng Bảy Núi An Giang