Hảo Hảo Của Acecook ở đâu Trên Thị Trường Mì Gói? - Forbes Việt Nam

Bộ Công Thương vừa đề nghị công ty Acecook làm rõ thông tin về việc cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của hãng do chứa chất Ethylene Oxide. Trong khi chờ các phản hồi chính thức từ Acecook, thử xem vị trí của mì Hảo Hảo ở đâu trên thị trường?

Acecook nằm trong nhóm bốn “đại gia” mì gói của Việt Nam, sản phẩm không chỉ xuất sang Ireland mà đến 40 thị trường khác trên thế giới. Hãng hiện đang dẫn đầu thị phần mì gói trong nước với 36%, cách công ty ở vị trí thứ hai là Masan tới 8%. Uniben và Asia Foods là các công ty ở vị trí thứ ba và thứ tư, theo Retail Data.

Về thương hiệu, Hảo Hảo của Acecook và Nam Ngư của Masan là 2 thương hiệu giữ vị trí đầu bảng trong top thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất ở 4 thành phố chính (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) lẫn tính trên toàn khu vực nông thôn Việt Nam, theo báo cáo Bảng xếp hạng dấu chân thương hiệu năm 2021 tại Việt Nam của công ty nghiên cứu Kantar.

Kantar khảo sát, thương hiệu Hảo Hảo của Acecook được tin dùng với tỉ lệ 3/4 hộ gia đình. Năm 2020, Hảo Hảo tiếp tục thu hút thêm gần 95.000 hộ gia đình mới ở khu vực thành thị nhờ kết quả của chuỗi hoạt động quảng bá sản phẩm, đặc biệt là tập trung vào các công tác từ thiện để duy trì hình ảnh với người tiêu dùng.

Tại siêu thị, mì gói chiếm tới 2/3 thị phần bán lẻ, theo khảo sát của Q&ME. Trong đó, Hảo Hảo chiếm thị phần lớn nhất trong danh mục mì gói. Trong dạng mục mì dạng ly, thương hiệu Modern có tỉ lệ thị phần cao nhất. Hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam. Gần đây, thị trường mì gói xuất hiện thêm các thương hiệu mì Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng các thương hiệu mì lâu năm vẫn giữ vị thế chi phối.

Acecook có gần ba thập niên hoạt động tại Việt Nam. Năm 1993, liên doanh Vifon Acecook thành lập và ra mắt sản phẩm đầu tiên hai năm sau đó. Năm 2000, mì Hảo Hảo ra thị trường là bước đột phá của công ty trên thị trường mì ăn liền. Hảo Hảo giúp Acecook từng chi phối hơn một nửa thị trường mì gói, khoảng 65% vào những năm 2003-2004.

Năm 2012, công ty khánh thành nhà máy TP.HCM số 2 hiện đại hàng đầu Đông Nam Á. Tổng cộng, đến nay công ty vận hành 11 nhà máy trên toàn quốc, hoạt động với 7 chi nhánh và hơn 300 đại lý trên toàn quốc.

Thông tin từ website Acecook giới thiệu rằng họ tuân thủ triệt để ba mục tiêu trong sản xuất và kinh doanh: đảm bảo sử dụng nguyên vật liệu an toàn, kỹ thuật sản xuất tiên tiến của Nhật Bản và theo dõi quy trình phân phối, bản quản sản phẩm trên thị trường, yêu cầu không để ảnh hưởng xấu đến chất lượng.

Acecook là công ty chưa niêm yết, doanh thu và lợi nhuận không công bố, nhưng công ty có thị phần thứ hai là Masan công bố doanh thu mì gói năm ngoái gần 6.900 tỉ đồng. Theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, Việt Nam nằm trong số ba quốc gia tiêu thụ mì gói nhiều nhất thế giới, hơn 7 tỉ gói trong năm ngoái, tăng gần 30% so với năm trước đó.

Từ khóa » Thị Trường Sản Xuất Mì Gói