Harland Sanders đã Xây Dựng "đế Chế" Gà Rán KFC ở Tuổi 65 Thế Nào?

Xin chào các bạn độc giả của Bog Chia Sẻ Kiến Thức !

Trong bài viết này chúng ta sẽ tiếp tục đến với series về những con người có tầm ảnh hưởng lớn lao tới toàn nhân loại.

Ở bài viết ngày hôm nay mình sẽ đem đến cho các bạn thông tin về cuộc đời của một nhân vật rất đặc biệt – Harland David Sanders, cha đẻ của món gà KFC được cả thế giới biết đến và ưa chuộng.

Chắc hẳn bạn chẳng còn xa lạ gì nữa khi thấy trên logo của thương hiệu gà rán KFC, hình ảnh một ông già lịch lãm với chòm râu bạc, tóc bạc, đeo một chiếc tạp dề màu đỏ và cài chiếc nơ đen đầy ấn tượng phải không ạ.

Vâng, đó chính là Harland Sanders – người đàn ông đã đem món gà của mình đến toàn thế giới. Cùng mình tìm hiểu hành trình chinh phục ẩm thực và nỗ lực hơn cả phi thường của ông ấy nhé !

Mục Lục Nội Dung

  • #1. Tuổi thơ dữ dội của Harland David Sanders
  • #2. Những trải nghiệm không hề dễ dàng
  • #3. Khởi đầu mới và những nỗ lực không bao giờ ngừng nghỉ
  • #4. Thành công – bông hoa nở muộn nhưng rất rực rỡ
  • #5. Lời Kết

#1. Tuổi thơ dữ dội của Harland David Sanders

Trước khi được biết đến với cái tên cực ngầu là đại tá Sanders, Harland Sanders đã sống một cuộc đời đầy đắng cay và ngập tràn những thất bại. Ngay cả những ngày thơ ấu, tuổi thơ của ông cũng không được hạnh phúc như những đứa trẻ khác.

tim-hieu-ve-harland-sanders (2)

Harland Sanders sinh ngày 9 tháng 9 năm 1890 tại Henryville, Indiana – một tiểu bang thuộc miền Trung Tây nước Mỹ. Không liên quan nhưng sinh cùng năm với bác Hồ đó các bạn 😀

Năm lên 6 tuổi, người cha của ông qua đời. Mọi công việc trong gia đình đổ dồn lên vai người mẹ. Mẹ của Sanders phải nhận khâu vá quần áo cho hàng xóm và gọt khoai tây ở một nhà máy đồ hộp để có tiền trang trải cuộc sống.

Sanders cũng thay mẹ cáng đáng những công việc nhỏ khác và chăm sóc cho các em. Cuộc sống khắc nghiệt và những trách nhiệm đè nặng lên vai nhiều tới mức chỉ sau một năm, cậu bé đang “tuổi ăn tuổi lớn” ấy đã thành thạo mọi công việc bếp núc.

Kĩ năng nấu nước của Sanders ngày càng hoàn thiện. Năm lên 8 tuổi, cậu bé đã có thể nấu được rất nhiều món ăn đặc trưng của vùng. Cái độ tuổi mà nhiều đứa trẻ còn đang loay hay với việc cầm đũa để gắp thức ăn.

Hai năm sau, Sanders có công việc đầu tiên của mình ở một nông trại gần nhà với mức lương 2 USD/1 tháng. Năm 12 tuổi, người mẹ của Sanders tái giá và cậu bé phải sống với người cha dượng cục cằn, thô lỗ.

Vì mâu thuẫn với cha dượng nên Sanders đã rời nhà và làm việc ở một trang trại cách đó 130 km. Nhận thấy rằng việc học không thể nào giúp mình nuôi sống bản thân nên chàng trai trẻ quyết định dừng việc học tại trường khi chỉ mới 16 tuổi.

#2. Những trải nghiệm không hề dễ dàng

Quãng đời tuổi trẻ của Harland Sanders khá lận đận và chông gai, ông chuyển chỗ ở thường xuyên như cơm bữa và cũng vì thế mà đổi nghề cũng liên tục.

tim-hieu-ve-harland-sanders (1)

Trong suốt hai mươi tư năm, từ năm 1906 đến 1930, Sanders đã làm qua đủ mọi công việc. Năm 15 tuổi, ông làm nhân viên điều khiển giao thông tại New Albany, Indiana. Khi tròn 16 tuổi, Sanders khai gian tuổi để nhập ngũ và được điều đến Cuba.

Ở Cuba, công việc của cậu là dọn phân la. Sáu tháng sau, Sanders được xuất ngũ. Sau đó, ông làm công nhân đường tàu, lính cứu hỏa, bán bảo hiểm, lái phà chạy bằng hơi nước, bán lốp xe, thậm chí là dọn vệ sinh.

Tuy nhiên, không công việc nào theo Sanders được lâu dài cả vì khi thì ông cãi nhau với đồng nghiệp, khi thì xích mích với chủ,… rất nhiều  lý do khiến ông phải nghỉ việc.

Có một giai đoạn, Sanders quyết định bỏ công sức học luật bằng phương pháp đào tạo từ xa. Ông hành nghề được 3 năm nhưng rồi sự nghiệp luật sư của ông cũng kết thúc khi ông cãi nhau với chính khách hàng của mình.

Ở tuổi lập gia đình, cuộc đời của Harland Sanders lại đớn đau nối tiếp những đớn đau.

Ông lập gia đình năm 18 tuổi, 19 tuổi Sanders đã trở thành một người cha. Những tưởng đã hạnh phúc khi có một mái ấm để trở về, nhưng không, chỉ một năm sau đó ông lại mất hết tất cả khi người vợ của mình đệ đơn ly hôn và giành quyền nuôi con.

Gia đình rời xa ông, công việc cũng chối bỏ ông hết lần này đến lần khác,… tưởng như không còn nỗi tuyệt vọng nào lớn hơn thế. Nhưng bất hạnh chưa dừng lại ở đó, vào năm Sanders 42 tuổi, con trai ông qua đời. Thật sự cuộc đời quá nghiệt ngã với ông !

#3. Khởi đầu mới và những nỗ lực không bao giờ ngừng nghỉ

Khi đã về hữu ở tuổi 65 và nhìn lại cuộc đời mình, Sander thấy rằng khổ đau, thất bại và bất hạnh chưa một phút nào thôi đeo bám ông.

tim-hieu-ve-harland-sanders (3)

Khoản trợ cấp thất nghiệp khi ấy của ông chỉ vỏn vẹn 105 đô la. Sanders biết rằng mình không thể nào sống được ở xứ sở phù hoa đắt đỏ với số tiền ấy. Quá tuyệt vọng, ông đã nghĩ đến chuyện tự tử.

Trong những phút cuối trước khi quyết định ra đi, Sanders viết lại những suy tư của mình về công việc, về những thất bại và thành tựu trong suốt những năm tháng đã qua…

Và rồi ông chợt nhận ra, có một điều mà mình chắc chắn làm tốt, thậm chí xuất sắc hơn người khác – đó là nấu ăn.

Quay trở lại giai đoạn trước đó của cuộc đời Sanders, vào giữa những năm 1930 ông có một cửa hàng thức ăn nhanh đặt tại trạm xăng của khu phố Corbin.

Khi làm việc tại đây, Harland Sanders đã nắm bắt được nhu cầu của những vị khách vội vã này và quyết định sáng chế một món ăn tiện lợi để phục vụ họ.

Đó chính là món gà rán mà Harland quen gọi là “món thay thế bữa ăn ở nhà”. Danh tiếng của Harland Sanders dần được biết đến khi ông nghĩ ra cách kết hợp 10 loại thảo mộc với gia vị và bột để trộn gà trước khi chiên.

Hương vị món gà rán càng trở nên hoàn hảo và tuyệt vời hơn khi Sanders tìm ra loại thảo mộc thứ 11. Sanders cảm thán: “Với loại gia vị thứ 11 đó, tôi đã được dùng miếng gà rán ngon nhất từ trước đến nay”.

tim-hieu-ve-harland-sanders (4)

Những miếng gà chiên độc đáo của Sanders nhanh chóng được ưa chuộng và trở thành món ăn đặc trưng của bang Kentucky.

Năm 1935, để ghi nhận những đóng góp của ông cho nghệ thuật ẩm thực tiểu bang. Thống đốc bang đã phong tặng ông tước hiệu Kentucky ColonelĐại tá danh dự bang Kentucky.

Thế nhưng trái đắng lại một lần nữa quay trở lại vào năm 1950, khi Sanders đã 60 tuổi. Một dự án đường cao tốc của liên bang và sự suy thoái của nền kinh tế đã đẩy ông vào tình trạng phá sản.

Sanders phải bán đi cửa hàng của mình, trở thành kẻ thất nghiệp và nhận khoản trợ cấp 105 đô la ít ỏi như mình đã nói ở trên. Tuy nhiên, niềm đam mê bất tận với ẩm thực tiếp tục thôi thúc ông dùng tất cả gia tài còn lại để mua bếp núc, hương liệu và quay trở lại con đường kinh doanh thêm lần nữa.

Với niềm tin vững chắc vào chất lượng món ăn của mình, Harland Sanders bắt đầu chặng hành trình rong ruổi khắp nước Mỹ ở tuổi 65. Ông đã tìm đến từng cửa hàng độc lập ở các địa phương và đề xuất họ bán món gà của mình.

tim-hieu-ve-harland-sanders (1)

Chiến lược kinh doanh của Harland tưởng như bất khả thi, bởi rất khó khi bước vào một cửa hàng và nói rằng: “Món gà của anh không ngon, hãy bán món gà của tôi”.

Cuối cùng, sau 1009 lần bị từ chối thì Sanders mới nghe được những lời đồng ý đầu tiên. Hầu hết các cuộc làm ăn được giao kèo chỉ với một cái bắt tay, và Sanders thỏa thuận ăn chia 5 xu với mỗi miếng gà mà các đại lý bán được.

Yếu tố được đặt lên hàng đầu trong các món ăn của Sanders là chất lượng sản phẩm, độ sạch và thái độ phục vụ khách hàng.

#4. Thành công – bông hoa nở muộn nhưng rất rực rỡ

Sự dũng cảm và ý chí phi thường cuối cùng cũng không phản bội Sanders. Trong suốt 10 năm rong ruổi, ông đã có hơn 600 nhà hàng nhượng quyền ở khắp nước Mỹ và Canada.

Việc kinh doanh phát triển quá mạnh mẽ và vượt ngoài tầm của một ông già ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, vì thế Sanders đã bán lại thương hiệu của mình cho một nhóm nhà đầu tư ở Mỹ.

tim-hieu-ve-harland-sanders (5)

Họ đã lập nên Kentucky Fried Chicken và mời Sanders làm “Đại sứ thiện chí”.

Năm 1986, Pepsi Co mua lại Kentucky Fried Chicken và năm 1991 ra mắt logo mới là KFC như ngày hôm nay. Năm 2002, KFC thuộc quyền sở hữu của YUM! Restaurants International – tập đoàn đồ  ăn nhanh lớn nhất thế giới điều hành hơn 350.000 nhà hàng trên khắp toàn cầu.

Ngày nay, KFC trở thành hệ thống nhà hàng phục vụ gà rán nổi tiếng bật nhất thế giới với 19.000 nhà hàng tại 118 quốc gia.

Vào những năm cuối đời, Harland Sanders đã đi 250.000 dặm mỗi năm để đến thăm chuỗi cửa hàng KFC trên khắp thế giới. Ở tuổi 88, ông trở thành triệu phú đô-la với khối tài  sản đồ sộ, danh tiếng và sự ngưỡng mộ của cả thế giới.

Ông qua đời năm 90 tuổi sau những ngày tháng hạnh phúc khi đã về già. Cuộc đời của Sanders chính là minh chứng tiêu biểu nhất cho tinh thần không bỏ cuộc, và bài học cho việc không bao giờ là quá muộn để bắt đầu.

#5. Lời Kết

Đó là cuộc đời của “ông gà rán” Harland Sanders – một con người đã trải qua tận cùng của tuyệt vọng, từng nghĩ đến việc tự tử nhưng khi về già lại tạo nên được những giá trị tuyệt vời, đem lại nguồn cảm hứng vô tận về sự kiên trì và cố gắng.

Mặc dù bắt đầu lại ở tuổi 65 nhưng chúng ta có thể thấy, ông vẫn có 25 năm hạnh phúc cuối đời, thật sự là rất đáng để cố gắng ở bất cứ độ tuổi nào đúng không nhỉ.

Cảm ơn mọi người đã theo dõi đến đây, đừng quên ghé thăm Blog Chia Sẻ Kiến Thức để cập nhật các thông tin thú vị khác nhé !

Đọc thêm:

  • Steve Jobs và cuộc đời vị CEO thiên tài của Apple
  • Bạn biết gì về Mark Zuckerberg và nền tảng MXH lớn nhất hành tinh

CTV: Ngô Hoàng Mai – Blogchiasekienthuc.com

Bài viết đạt: 5/5 sao - (Có 2 lượt đánh giá)

Từ khóa » Gà Rán ông Già