Hát Bội - Di Sản Văn Hóa Nam Bộ

Ở xứ Đàng Trong, hát Tuồng đã trở thành một loại hình sân khấu rất được dân chúng hâm mộ với tên gọi khác là hát Bội, xuất hiện vào thế kỷ thứ XIII đời nhà Trần là một loại hình sân khấu cung đình chỉ dành cho cung vua phủ chúa.

Tột đỉnh phát triển của nghệ thuật hát Bội là thời Tự Đức (1848 - 1883). Vua quan, giới thượng lưu và quần chúng thời xưa rất ưa chuộng lối hát Tuồng có diễn xuất bằng bộ điệu này. Vua Tự Đức nhà Nguyễn đã có soạn một số Tuồng và cùng diễn với một số danh nho. Trước khi qua đời, nhà vua đã cho xây một nhà hát trong lăng tẩm của mình. Vua Thành Thái cũng rất thích xem hát Bội và cũng có tham gia đóng vai diễn.

Nghệ thuật hát Bội đã được Đào Tấn (1845-1907) đưa lên đến giai đoạn cực thịnh và chính nhờ có ông mà hát Bội nước ta tồn tại đến nay. Càng đi về phía Nam, hát Bội càng bén rễ trong dân gian với những đặc trưng riêng: cởi mở, mạnh mẽ, màu sắc, vui tươi hơn. Hát Bội (còn gọi hát Bộ, hay Tuồng cổ) là một trong những di sản văn hóa đặc trưng và độc đáo của Nam Bộ. Hát Bội có nguồn gốc từ hát Bộ cung đình, đó là lối hát Tuồng với bộ điệu. Khi diễn hát, các đào kép vừa hát vừa múa, đi lại trên sân khấu, điệu bộ hấp dẫn với vật tượng trưng. Ví dụ như múa với một cây roi hay cây chổi có buộc nhiều sợi vải màu là hiểu ngay là đang cưỡi ngựa; tướng soái chỉ huy cả mươi vạn binh, mang sau lưng cờ trận, kì hiệu của những đội quân do vị tướng này thống lĩnh.

Không giống với những loại hình nghệ thuật như Cải lương, Kịch, Ca nhạc… hát Bội mang một hơi thở văn hóa truyền thống, gắn với những lễ cúng đình, miễu như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Mặc dù đã không còn thịnh hành như trước đây nhưng giữa cuộc sống hiện đại, loại hình nghệ thuật sân khấu hát Bội vẫn tạo được chỗ đứng vững chãi cùng thời gian.

Nghệ thuật sân khấu hát Bội được coi là loại hình sân khấu cổ điển của Việt Nam. Nó mang tính ước lệ, tượng trưng rất cao, ngôn ngữ thâm thúy, mang đậm triết lí. Những bước chân, những cái chỉ tay lên trời, xuống đất… của diễn viên đều tuân thủ nguyên tắc rất chặt chẽ và biểu thị cho những ý nghĩa nhất định. Hát Bội đặc biệt từ nội dung cốt truyện đến cử chỉ, điệu bộ, lời ca tiếng hát và phục trang biểu diễn. Từ đó, khi hóa trang, các nghệ sĩ phải bảo đảm được thần thái, màu sắc của khuôn mặt phản ánh tính cách nhân vật hóa trang như vua, võ tướng, trung thần, gian thần, nịnh thần,... Bên cạnh đó, màu sắc trang phục từ đỏ, vàng, đen, trắng… cũng biểu hiện được tính cách nhân vật là “kép độc” hay “kép hiền”.

Hát Bội thường diễn lại những sự tích trong truyện cổ, có mục đích giáo dục, đề cao những tấm gương sáng của các vị anh hùng, đề cao nhân - nghĩa - lễ - trí - tín và đạo lí làm người. Kết cục của những tuồng hát bao giờ cũng có hậu và răn dạy người đời: ở hiền gặp lành, làm ác gặp ác, gieo nhân nào hưởng quả ấy…

Ở Nam Bộ, các đoàn hát thường diễn những tuồng tích, sử Việt được dàn dựng như Kim Thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa, Thạch Sanh - Lý Thông, Linh Sơn Thánh Mẫu (Sự tích núi Bà Đen). Hát Bội lúc mới hình thành có đặc thù, đặc trưng, cách hóa trang, phục sức cũng như những câu nói lối, hát khách mang đậm màu sắc cung đình. Đến giữa thế kỷ XX, hình thức dần dần cải biến, dàn nhạc trình tấu hay phụ đệm đã sử dụng thêm nhạc cụ của nước ta. Những bài bản theo lối hát Nam Bộ được các nghệ nhân sáng tác, bổ sung, những câu đối đáp bằng văn xuôi dễ hiểu được đưa vào tuồng cùng với sự cách tân các điệu bộ tạo nên sự mới mẻ và hấp dẫn cho hát Bội.

Hát Bội ở Nam Bộ ngày xưa diễn khắp nơi, từ thành thị, chợ búa đến chốn nông thôn hẻo lánh. Phần nhiều vào các dịp Tết, lễ hội, vía bà, cúng đình. Đây cũng là dịp vui chơi của dân làng và nam thanh nữ tú. Các lễ hội cúng Thành hoàng, cúng vía bà luôn có các đoàn hát Bội diễn miễn phí, liên tục nhiều suất trong ngày để phục vụ nhân dân, bá tánh hành hương. Ở những miệt đồng bưng xa, các ghe hát Bội vẫn đi tới diễn Tuồng, đem niềm vui lại cho cư dân ở đó. Ở những nơi này, mỗi khi có hội cúng đình hoặc lễ Tết, người ta cố mời cho được một đoàn hát Bội về để diễn cho nhân dân xem thỏa thích. Lễ hội năm nào mà thiếu hát Bội, thì y như ban hội tề ở đó cảm thấy thiếu sót với dân và làng xã bạn.

Các cử chỉ, bộ tịch mà các đào, kép diễn trong hát Bội đều mang ý nghĩa tượng trưng, tạo ra nhiều tưởng tượng phong phú cho người xem. Tính chất tượng trưng bao trùm lên bối cảnh tuồng tích, từ hóa trang tới phục sức, điệu bộ và lời hát. Trình độ nghệ thuật được đánh giá qua lối ca, diễn của các đào kép và cách dàn dựng của thầy tuồng.

Ngôn ngữ hình thể là một phần quan trọng để diễn tả hành động và tính cách nhân vật. Khuôn mặt của mỗi nhân vật đều được hóa trang riêng để phân biệt tính cách. Phục trang của các nhân vật Tuồng gồm: áo giáp, áo thụng, áo đào văn, đai lưng... Đạo cụ thường là: kiếm, đao, thương, cờ, quạt, roi ngựa, phất trần...

Bên cạnh đó, “tiếng trống chầu” - cầu nối gữa diễn viên và khán giả - cũng là phần không thể thiếu trong hát Bội. Mỗi âm thanh từ trống chầu đều có quy tắc tượng trưng cho sự khen, chê, thưởng, phạt đối với tiếng ca hoặc vũ đạo.

Hát Bội ở Nam Bộ là biến thể của lối hát Bội cung đình mà những nghệ sĩ, nghệ nhân và những lưu dân mang theo khi tiến sâu về phương Nam mở đất. Hát Bội đã gắn bó với những buồn vui, thăng trầm của lịch sử dân tộc và đất nước suốt mấy trăm năm trở lại đây.

Hát Bội là di sản văn hóa phi vật thể đã đi sâu vào lòng quần chúng, nhân dân nhiều thế hệ. Cải lương Nam Bộ đã bắt nguồn từ hát Bội và có sự ảnh hưởng lớn từ hát Bội. Cải lương là một sự cách tân loại hình sân khấu cổ điển cùng với sự tổng hợp các loại hình ca hát cũ, mới của Nam Bộ lúc bấy giờ, theo một hình thức thể hiện và diễn tả mới mẻ, hấp dẫn.

Ngày nay, qua các công trình nghiên cứu, biên khảo khoa học, người ta công nhận hát Bội là loại hình sân khấu xuất hiện sớm nhất ở Nam Bộ, thuở cha ông ta bắt đầu khai mở vùng đất phương Nam. Và Nam Bộ là nơi tiếp nhận và thích nghi khá sớm loại hình nghệ thuật này như là một sắc thái đặc trưng.

Hát Bội là “viên ngọc quý” trong văn hóa nghệ thuật Tuồng cổ Việt Nam, rất cần được phát huy và bảo tồn, để không bị mai một theo năm tháng. Tuy nhiên, cái khó của hát Bội hiện nay không chỉ là thiếu đất diễn mà là thiếu hụt lớp người kế thừa và đang ngày càng trở nên xa lạ với giới trẻ.

TRẦN TRỌNG TRIẾT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021

Từ khóa » Hat Bôi