Hát Nhép – Chuyện Không Chỉ ở Ca Sĩ
Có thể bạn quan tâm
Phóng to |
Hát nhép, với tội lỗi nguyên thủy
Xuất xứ của tệ hát nhép có thể xác định từ kỹ thuật thu truyền hình của thập niên 60. Để có được phần hát và hình ảnh synchro (tạm dịch: song hành đồng bộ) với nhau, các kỹ thuật viên truyền hình đã chọn khuynh hướng dễ nhất, cho thu tiếng trước, các diễn viên học thuộc sau đó sẽ lên hình nhép miệng lại cho khớp. Như vậy âm thanh sẽ đẹp hơn và phần quay hình cũng sẽ đỡ rắc rối với kỹ thuật audio đi kèm. Đến thập niên 80, kỹ thuật âm thanh biểu diễn sân khấu cũng như thu thanh trước đã gần như hoàn thiện ở các quốc gia phát triển, khiến các nhà tổ chức cũng “trộm nghĩ” đến chuyện dùng kỹ thuật thu sẵn để cứu vãn trong các trường hợp ca sĩ không thể hát được vì bệnh hay các yếu tố kỹ thuật thanh nhạc quá phức tạp…
Ở VN, “may mắn” là do hệ thống tăng âm biểu diễn có chất lượng kém cũng như sự phát triển của kỹ thuật thu âm chậm nên việc hát nhép (lip-sync) lúc đó không thực hiện được. Chương trình hát nhép duy nhất chính thức được phép biểu diễn tại VN là vào năm 1993, với ban nhạc Các cô gái sông Volga của Nga, ngoài việc đó cũng là ban nhạc nữ duy nhất được mặc trang phục 2 mảnh trên sân khấu suốt chương trình. Nữ ca sĩ chính Olga được quảng cáo là người có giọng hát cao rộng 3 quãng tám đã chỉ nhép miệng với những phần thu âm trước một cách nhàm chán,
Thật khó đoán là các nhà biểu diễn và tổ chức có học tập kinh nghiệm từ đây hay không…Cho đến cuối thập niên 90, khi kỹ thuật phòng thu ở VN đã tiến bộ nhanh chóng, và dường như đã vượt xa kỹ thuật thu âm live (thu trực tiếp) của đài truyền hình và các hệ thống tăng âm biểu diễn sân khấu, các ca sĩ bắt đầu cảm thấy ngần ngại hát thật khi mình bị “xẻ thịt” trong các chương trình có 2 điều kiện kém chất lượng nói trên.Lip-sync manh nha như một cách tự phòng vệ của người biểu diễn.
Năm 1999 bước qua năm 2000 đến nay, thì những quy định miệng đã quyết định khung biểu diễn cho truyền hình là có quyền hát nhép để đảm bảo âm thanh. Có rất nhiều chương trình các biên tập viên truyền hình đã yêu cầu các ca sĩ nộp đĩa Minidisc hoặc Compact disc để làm đường dây âm thanh trước, đến khi lên sân khấu thu hình thì chỉ cần nhép miệng mà thôi.
Công bằng mà nói cũng có những ca sĩ phải gượng gạo hát nhép vì không quen, nhưng cũng có những ngôi sao sớm hình thành từ lợi thế hát nhép này – và dĩ nhiên – xuất hiện liên tục trên truyền hình chứ không có thực lực diễn thật ở bân ngoài. Chúng ta hãy làm một cuộc điểm mặt nho nhỏ qua các chương trình nhạc trẻ vẫn gặp hàng tuần trên truyền hình sẽ sớm nhận ra mà thôi. Đây cũng là một cuộc thi dễ, tiếc rằng không có được các phần thưởng như các gameshow!
Hát nhép “nối vòng tay lớn”
Nói đến đây, ắt hẳn sẽ có người thắc mắc không biết nước ngoài người ta sẽ xem phương thức hát nhép như thế nào. Trên thực tế, có hẳn một dòng biểu diễn trên thế giới chỉ là hát nhép – nhép – và chỉ nhép mà thôi. Đó là bởi ảnh hưởng của trào lưu teen pop đầu thập niên 90, thế hệ trẻ ủng hộ rất mạnh các ngôi sao đồng trang lứa xinh đẹp và có những chiêu thức biểu diễn ngồ ngộ. Và hầu hết các ngôi sao hay những người tham gia vào dòng biểu diễn đó chỉ hát nhép để tập trung vào trang phục, phong thái… mà thôi..
Những ngôi sao lớn như Britney Spears cũng biểu lộ cách lip-sync rõ rệt trong chương trình live show biểu diễn ở Las Vegas (Mỹ), Tata Young (Thái Lan) cũng hát lip-sync chệch choạc trong đại hội âm nhạc ở Pattaya 2004. Các ca sĩ và nhóm nhạc của Hàn Quốc thì sử dụng cách này liên miên trên các buổi biểu diễn, thâm chí 2 ca sĩ Hàn Quốc Chae Yeon và Koo Jun Yup cũng hát lip-sync rất điệu nghệ trong chương trình Samsung Mobile tại TP.HCM đầu năm nay.
Dĩ nhiên, mỗi nơi có lý luận của mình để bảo vệ cách làm và giá trị của nó cũng khác. Chỉ có điều ở VN, giá trị bị lẫn lộn. Khán giả khi xem chương trình live ở truyền hình sẽ rất vô tình khen ngợi người hát có giọng hát “tuyệt lung linh” và chê bai người hát sao chẳng nghe gì cả, biết đâu, đó là một kẻ cứng đầu muốn hát thật thì sao?
Và cuối cùng, ai – làm sao – thế nào?...
Một quốc gia phát triển, công việc của nó dựa trên một luật định rõ ràng chứ không phải dựa trên một ước lệ hoặc làm cái việc “rình bắt”, “treo giải” về việc hát lip-sync như một vài nhà quản lý văn hóa đã và đang đưa ra gần đây.
Rõ ràng, chúng ta thiếu một sự phối hợp giữa những người tổ chức và quản lý. Không có văn bản nào của sở VH -TT cũng như của các đài truyền hình về việc thỏa thuận cho hát nhép để phục vụ kỹ thuật phát sóng, thế nhưng việc ấy cứ diễn ra, ai cũng biết, ai cũng thấy, lúc được thì vui vẻ, lúc cần bắt bẻ thì vin vào! Một bối cảnh hết sức tùy tiện.
Chính các biên tập viên truyền hình cũng không thể dựa vào lý luận kỹ thuật truyền hình để biện minh cho việc này, nâng cấp và đảm bảo chất lượng là trách niệm của nhà đài. Đã có ai nghĩ về chuyện nếu chương trình đó không chất lượng về mặt âm thanh và hình ảnh, người làm chương trình, trưởng ban sẽ phải xin lỗi hay chịu một mức phạt nào đó hay chỉ "đổ vấy" cho ca sĩ?
Và đã có ai định ra rằng trong một chương trình biểu diễn sân khấu hoặc thu hình, sẽ có một mức phạt đích đáng cho các nhà thầu hệ thống âm thanh và ánh sáng vì làm thiếu chất lượng kỹ thuật, không đáp ứng được nhu cầu biểu diễn lẫn thiếu khả năng phục vụ tốt cho khán giả chưa? Giá vé mà khán giả mua vào xem một chương trình không chỉ trả cho diễn viên mà bao gồm rất nhiều thứ, vậy thì tại sao tất cả chỉ quy về một mối ca sĩ?
Hiện ở VN, hệ thống âm thanh đang ở mức tệ hại trong hầu hết các chương trình, micro không nghe, loa hú vì nghịch hướng, nghịch tần số, không đủ khả năng kỹ thuật để không làm mệt tai khán giả... là điều hết sức phổ biến. Âm thanh giành cho hát đơn thì còn tàm tạm, dành qua hát nhóm thì đó là nỗi ám ảnh triền miên. Thậm chí đó là chưa kể đến phần nhiều ban nhạc đệm tệ hại. Vậy thì nếu tất cả những điều đó dẫn đến tình trạng hát nhép - như một trong những nguyên nhân - thì chí ít những hạng mục này cũng phải nằm trong các danh sách bị phạt và công bố vì thiếu khả năng phục vụ?
Đã làm nghề ca sĩ, chắc là ai cũng muốn mình được hát đàng hoàng, hát thật nhưng đó là phải được hát trong một môi trường biểu diễn tương đối tiêu chuẩn - bao gồm người tổ chức, quản lý, kỹ thuật... Những hiện tượng hát nhép vì thiếu khả năng , thật sự không khó nhận ra. Mà đã làm người quản lý văn hóa có đủ khả năng và trách nhiệm thì phải đủ sức nhận ra để không làm loạn sự quan tâm của khán giả. Việc chống hát nhép là điều cần thiết nhưng đừng thiển cận đi tìm trái hư trong vườn, mà phải tìm hiểu xem giống, hạt và mảnh đất đó đã gieo trồng như thế nào để có được một vườn cây trái tốt đẹp nhất.
Từ khóa » Thánh Nhép Miệng
-
Cười Sái Hàm Với Màn Nhép Miệng Giả NSƯT Thành Lộc Của Cô Bé ...
-
Đi Tìm Nguồn Gốc Trào Lưu "nhép Miệng" đình đám INTERNET - Kenh14
-
Nhép Môi – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cách Làm Video Hát Nhép Trên Tik Tok Cực đơn Giản
-
Khám Phá Video Phổ Biến Của Nhép Miệng Lời Bài Hát Trend Mới
-
Thánh Nhép Miệng Của Năm =)))) Cuối Năm Vui Vẻ ... - Facebook
-
'Cơn Sốt' Hát Nhép - Tiền Phong
-
Tại Sao âm Thanh Chép Miệng Khi ăn Lại Khiến Một Số Người Thấy Khó ...
-
Khi Trí Tuệ Nhân Tạo Dùng để... Lừa Dối - Báo Đồng Nai điện Tử