Hát Trống Quân – Loại Hình Nghệ Thuật độc đáo Của âm Nhạc Dân ...

Hát Trống quân là loại hình dân ca thi tài đối đáp thông qua những câu hát giao duyên có nội dung trao đổi về kinh nghiệm sống giữa nam, nữ thanh niên. Đây là loại hình diễn xướng vừa mang đậm nét dân dã, mộc mạc của làn điệu, của âm nhạc vừa thể hiện sự trí tuệ, tài hoa, linh hoạt trong sử dụng ngôn từ, câu chữ và rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trung du và miền múi phía Bắc của Việt Nam.

Các liền chị biểu diễn trống quân Bùi Xá. Nguồn ảnh: TTXVN

Hát Trống quân là hát dân ca đối đáp, giao duyên, trao đổi kinh nghiệm sống trong xã hội nông nghiệp lúa nước và thường được tổ chức vào dịp Tết Trung thu. Hát Trống quân có quá trình hình thành và phát triển từ rất sớm, gắn liền với sinh hoạt cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử của người dân Việt Nam. Người dân thường tổ chức hát Trống quân vào dịp nông nhàn, sau mỗi mùa vụ thu hoạch hoặc tổ chức hát Trống quân trong các dịp hội làng. Người hát Trống quân thực hành ở nhiều không gian khác nhau như lúc đi cấy, làm đồng, dịp Tết Trung thu, lễ hội, đám khao,… Hát Trống quân được diễn xướng theo hai hình thức: Sinh hoạt mang tính thi thố, đối đáp thường được tổ chức vào buổi tối và dân gian gọi là đám hát; Sinh hoạt tự do được diễn xướng ở mọi lúc mọi nơi và thuộc về những cá nhân đơn lẻ nhằm mục đích để giải trí khi lao động.

Hát Trống quân là dạng hát nói và hát kể nương theo niêm luật, thanh điệu bằng trắc. Các điệu Hát trống quân chủ yếu là thể lục bát, song thất lục bát hay thất ngôn bát cú có sự biến thể chút ít. Khi diễn xướng trống quân, người hát phải biết “phát tiếng”, “nhả lời” và chuyển âm tạo điệu. Bên cạnh đó, diễn xướng trống quân là có hiện tượng thay đổi cấu trúc lời thơ, đặc biệt là hát Trống quân ở xã Dạ Trạch (tỉnh Hưng Yên). Người hát thường hát trước 4 từ sau của câu 6 ở đầu mỗi lần hát và hát trước từ thứ 8 của câu 8 trước từ thứ 7 ở cuối mỗi lần hát. Hiện tượng này là thủ pháp nhấn từ,nhấn mạnh vào cụm từ 3-4-5-6 và từ 8, cụ thể: câu lục mở đầu là 3-4-5-6/1-2-3-4-5-6; câu bát kết thúc mỗi trổ (người địa phương gọi là câu đổ) là 1-2-3-4-5-6/8-7-8. Khi câu đổ vang lên là dấu hiệu báo kết trổ để bạn hát đối đáp chuẩn bị nhập cuộc, tiếp nối.

Ảnh minh họa nghệ thuật hát Trống quân. Nguồn: Internet

Trong đám hát Trống quân, người hát thường được chia làm hai nhóm: nam và nữ được đứng ở hai bên dây của trống quân. Mỗi nhóm thường có từ 4 đến 5 người và đều là những người hát hay, ứng đối lời thơ nhanh. Hát trống quân được trình bày theo hình thức từng người hát một nên mỗi nhóm bên nam (hoặc nữ) cử một người đại diện vào hát trước để chèo kéo bên kia vào cuộc, khi người hát gần xong khổ thơ của mình thì bên nữ (hoặc nam) cử người của bên mình vào. Người hát vừa hát, vừa dùng một que tre nhỏ gõ vào sợi dây mây đệm cho giọng hát của mình và giữ nhịp mỗi khi hết một câu hát. Khi đối đáp so tài giữa hai cặp nam nữ nếu bên nào thua sẽ thay người khác vào hát tiếp. Mỗi lượt hát đối (hay đáp) được coi như một trổ. Mỗi trổ hát gồm ít nhất 2 cặp thơ lục bát. Những trổ hát dài nhất thường không quá 12 đến 14 cặp thơ. Các hình thức diễn xướng của hát Trống quân có tổ chức với những chủ đề, nội dung đặc trưng và một đám hát trống quân bao giờ cũng được chia thành nhiều chặng. Quy trình diễn xướng trống quân thường biểu hiện cấu trúc kiểu mở đầu – tiếp diễn – kết thúc với tính lề luật khá cao và theo trình tự như: hát lập đám (hát chào), hát vận, hát giao hẹn, hát mời nước, hát mời trầu, hát huê tình, hát họa, hát đố, hát thách cưới, hát kể chuyện,… kết thúc bằng hát chia tay. Trong đó, khi diễn xướng mở đầu, xen giữa hay kết thúc các trổ, các phần, người hát thường sử dụng những làn điệu dân ca khác của người Việt như hát ví, cò lả, sa mạc để làm phần kết nối nhằm làm cho tính nghệ thuật của đám hát thêm phong phú và cuộc chơi thêm hấp dẫn. Do đó, đòi hỏi người trình diễn của mỗi đội chơi phải có khả năng bẻ làn, nắn điệu, phải được rèn luyện theo thời gian.

Chủ đề của hát Trống quân thường ca ngợi quê hương đất nước, lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa, các điển tích văn học. Lời hát trống quân phong phú được chắt lọc từ chính phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian, thể hiện triết lý nhân sinh, ước vọng về cuộc sống tươi đẹp và thể hiện trí tuệ của người lao động trước những hiện tượng tự nhiên và xã hội. Ngày nay, hát trống quân đang được bảo tồn, lưu giữ và phát triển ở nhiều địa phương như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, vùng ven Hà Nội, Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Hát Trống quân ở mỗi địa phương có chút ít khác nhau về làn điệu, cách thức thời điểm hát xướng nhưng đều có đặc điểm chung là cách thức hát xướng giống nhau, làn điệu gần giống nhau và sử dụng một loại trống để đánh nhịp khi hát và đoạn “Lưu không” giữa những câu đối đáp. Trong đó, hát Trống quân rất thịnh hành ở các xã tỉnh Hưng Yên như xã Dạ Trạch, xã An Vỹ, xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu), xã Tân Tiến, xã Nghĩa Trụ, xã Vĩnh Khúc (huyện Văn Giang), xã Đồng Than (huyện Yên Mỹ), xã Bãi Sậy, xã Hoàng Hoa Thám (huyện Ân Thi), xã Dị Chế, xã Hải Triều, xã Thụy Lôi, xã Cương Chính (huyện Tiên Lữ), xã Thọ Vinh, xã Đức Hợp, xã Hùng An (huyện Kim Động), xã Việt Hưng (Văn Lâm).

Sinh hoạt hát Trống quân ở các làng xã. Nguồn ảnh: Internet

Nội dung các câu hát trống quân thường đề cập đến các sự kiện lịch sử, phong tục tập quán, địa danh làng xã, sản vật quê hương, đất nước nên có thể coi nội dung các câu hát là kho sử liệu quý về lịch sử làng xã và là kho tàng tri thức về lịch sử, địa lý, văn hoá quê hương,… Từ đó góp phần làm phong phú hơn kho tàng văn học dân gian và nghệ thuật dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật của người dân Việt Nam, đồng thời góp phần giải tỏa những lo toan, nhọc nhằn trong lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân nói riêng và cộng đồng nói chung.

Khánh An

Từ khóa » Nghệ Sĩ Hát Trống Quân