HDV Du Lịch Kể Chuyện Khách Tây Nằng Nặc 'đòi' ăn Thịt Chó

Du khách "khóc thét" khi thấy thịt chó bày bán vỉa hè

Hơn 10 năm gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch cho du khách quốc tế, anh Nguyễn Anh Phương từng gặp không ít những vị khách xem việc ăn thịt chó là “kì dị”. Họ phản đối gay gắt, thậm chí không muốn nhắc tới việc này.

“Có khách từng giận dữ nói rằng: họ không thể chấp nhận việc giết chó làm thức ăn. Nếu họ chứng kiến cảnh bắt giữ, tấn công, giết hại chó, họ sẵn sàng xông vào ngăn cản, bảo vệ nó, dù đó không phải chó của họ”, anh Phương chia sẻ.

Bắt đầu dẫn khách quốc tế nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vào Việt Nam du lịch từ những năm 2008, theo đánh giá của anh Phương, phải đến hơn 50% du khách thị trường này phản đối gay gắt việc sử dụng thịt chó như món ăn tại Việt Nam. Trên các chuyến khám phá, nếu vô tình thấy thịt chó được bày bán trên vỉa hè, chợ truyền thống, họ nhăn mặt, giận dữ quay đi. 

“Có lần mình dẫn một đoàn khách tới phố cổ. Một thành viên trong đoàn ngỏ ý hỏi tại sao người Việt Nam lại ăn thịt chó. Mình chưa kịp trả lời, một số khách khác đã gay gắt xua tay: “Đừng có nói về thịt chó, tôi không muốn nghe. Thật đáng sợ” rồi một mực quay đi”, anh Phương kể.

{keywords}

Anh Phương trong một chuyến đón đoàn khách tới thăm Việt Nam

Khi đến tham quan vùng làng quê tại các tỉnh như Ninh Bình, Nam Định… anh Phương và du khách không ít lần bắt gặp hình ảnh người dân chở đàn chó trong lồng sắt.

“Mỗi lần như vậy, họ đều sốt sắng hỏi mình, người dân chở chó đi đâu. Mình phải nói giảm nói tránh là các gia đình không nuôi nữa thì bán đi nơi khác”, anh Phương cho hay. 

Tương tự như anh Phương, anh Quang Định cũng là HDV chuyên thị trường khách nước ngoài. Khi thấy thịt chó, phần lớn du khách của anh tỏ ra ngạc nhiên, hiếu kì nhưng họ thường giữ phép lịch sự, không đánh giá gay gắt.

“Mỗi quốc gia đều có văn hóa riêng, ví dụ như khách Tây Ban Nha thường ăn thịt thỏ nhưng khách Anh thì tuyệt đối không ăn. Họ tôn trọng văn hóa quốc gia họ tới”, anh cho biết.

Nhưng theo anh Định, cũng có một số người có thái độ gay gắt: chê bai, kì thị, xem việc giết loại động vật này có phần “man rợ”.

“Trong trường hợp đó, mình phải khéo léo giải thích cho họ hiểu lí do tại sao trước đây người Việt ăn thịt chó. Đồng thời, cũng chỉ cho họ thấy là hiện tại, tỉ lệ ăn thịt chó đã giảm đi nhiều, người dân rất yêu loại động vật này… Mình cũng chia sẻ với họ về việc mình nuôi chó, mèo làm thú cưng, không tiêu thụ thịt chó, mèo”, anh Định chia sẻ.

{keywords}

Anh Định luôn cố gắng giải thích, chia sẻ để du khách không "mất điểm" với du lịch Việt Nam vì món thịt chó

Khách tây cũng... "đòi" ăn thịt chó

Nhưng theo anh Định, anh Phương, không phải khách nước ngoài nào cũng phản đối gay gắt việc sử dụng thịt chó, mèo. Không ít trường hợp, du khách chủ động nói muốn thử ăn thịt chó, thậm chí nhờ HDV “chỉ điểm” cho quán thịt chó ngon.

“Có nhiều người đi du lịch với tâm lý trải nghiệm, khám phá, thậm chí có phần muốn thách thức bản thân nên họ muốn thử những thứ riêng có ở Việt Nam như mắm, hút thuốc lào, ăn thịt chó, thịt rắn…”, anh Định cho biết. 

“Tôi từng dẫn khách thử các món được xem là “kinh dị” như nhộng tằm, rươi,... nhưng với thịt chó thì tôi tìm cách từ chối khéo. Tôi thường nói, hôm là ngày đầu tháng, người Việt không bán thịt chó”, anh Định nói thêm.

Chị Kiều Thanh - một hướng dẫn viên chuyên dẫn khách Mỹ du lịch Việt Nam chia sẻ về một vị khách hi hữu từng gặp. “Một anh khách Mỹ nhờ tôi tìm mua giúp thịt chó để thử ăn. Khi tôi từ chối khéo với lí do xung quanh không có quán bán thịt chó đã chế biến, anh ấy đã tách đoàn mua thịt chó sống ngoài chợ để mang về khách sạn, nhờ nhà bếp chế biến. Sau khi đoàn khách trả phòng, phía khách sạn mới kể lại với tôi về yêu cầu của khách”, chị Thanh cho biết.

Chuyện thịt chó... "cái khó" của HDV

Các HDV du lịch thừa nhận, việc thịt chó được bày bán ở đường phố, chợ truyền thống Việt Nam là một điểm gây "mất thiện cảm" đối với nhiều du khách quốc tế. Trước sự ngạc nhiên, hiếu kì hay thậm chí là kì thị của du khách, các HDV phải tìm cách giải thích, chia sẻ hợp lý về món ăn này.

"Chúng tôi luôn phải cố gắng làm dịu đi sự tức giận hay khó chịu của du khách trước hình ảnh những con chó bị làm thịt, thui rụi, nằm la liệt trên sạp hàng. Hình ảnh đó có thể ám ảnh họ, tạo nên kí ức không đẹp về Việt Nam. Chúng tôi thường tìm các dẫn chứng cụ thể để chứng minh, giờ đây, người Việt Nam đã hạn chế sử dụng thịt chó, mèo và chúng ta cũng yêu động vật như họ", chị Thanh chia sẻ.

"Thật may là hiện giờ, các cửa hàng, sạp bán thịt chó không còn nhiều như xưa", chị Thanh nói.

Trước khi mỗi đoàn khách tới Việt Nam, anh Phương đều cố gắng tìm hiểu kĩ văn hóa đất nước họ, để trong trường hợp, họ thắc mắc về các món ăn của Việt Nam như thịt chó, thịt rắn, đuông dừa, cá nhảy... anh có thể "tùy cơ ứng biến".

"Tôi thường lấy ví dụ so sánh để du khách hiểu rằng, mỗi quốc gia có một văn hóa riêng. Ví dụ như tôi khi đến quốc gia họ không thể ăn thịt cá mập thối hay món phô mai ủ chẳng hạn", anh Phương nói.

Những HDV như anh Đinh, anh Phương, chị Thanh đều bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình, khi mới đây UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức ký kết trực tuyến với Tổ chức FOUR PAWS (Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu) về cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo.

"Tôi tin rằng, thông tin này sẽ nhận được phản hồi tích cực từ du khách quốc tế. Bản thân tôi cũng hy vọng, nhiều thành phố tại Việt Nam cũng có thể thực hiện việc bỏ sử dụng, tiêu thụ thịt chó, mèo trong thời gian tới", anh Phương chia sẻ.

Sáng 10/12, UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức ký kết trực tuyến với Tổ chức FOUR PAWS (Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu) về cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo.TP Hội An là địa phương đầu tiên ở Việt Nam có thỏa thuận nhằm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo. Thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 12 năm nay và kéo dài trong 2 năm.

Linh Trang

Từ khóa » Vn ăn Thịt Chó