Hệ Giá Trị Cốt Lõi Của Doanh Nghiệp Là Gì? - Startup Việt Nam

Hệ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp có thể coi như đó là ĐẠO của doanh nghiệp.

Ở đó các vị trí quản lý cấp cao và đặc biệt là người chủ doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo nền móng và định hình tính cách cho doanh nghiệp, biến các thành viên trong doanh nghiệp trở thành tín đồ của giáo phái.

Giá trị cốt lõi hỗ trợ tầm nhìn, định hình văn hóa và phản ánh các giá trị của doanh nghiệp. Các giá trị cốt lõi là tinh hoa, là bản sắc doanh nghiệp, bao gồm các nguyên tắc, niềm tin và các triết lý về giá trị giúp doanh nghiệp có một hướng đi nhất quán.

Nếu doanh nghiệp không có một hệ giá trị cốt lõi đủ mạnh để dẫn dắt doanh nghiệp thì chắc chắn doanh nghiệp đó không thể tiến xa. Nó như một con thuyền giữa biển khơi không có la bàn cũng không có người chèo lái, sóng về hướng nào thì dạt trôi theo hướng đó.

Bạn cứ tưởng tượng bản thân mình. Nếu mỗi ngày bạn muốn xây dựng cho mình một tính cách khác nhau thì người khác sẽ nghĩ về bạn như thế nào?

Hôm nay thì bạn nói muốn người khác nhìn nhận mình là một người NĂNG ĐỘNG, ngày mai lại muốn mình là người THẦM LẶNG, vài bữa lại muốn xây dựng hình ảnh mình là người TIN CẬY…

Nếu cuộc đời bạn không xây dựng được cho mình một giá trị cốt lõi (tính cách chắt lọc) thì cả đời sẽ mãi đi tìm hình bóng của mình, mãi mãi mọi người không thể nhận ra bạn là ai trong thế giới 7 tỷ người. 

Cứ như vậy cuối cùng bạn không có một tính cách, một điều gì đặc biệt, cho đến cuối đời đến khi gặp Diêm Vương bạn vẫn tiếp tục hỏi “Tôi là người như thế nào?’’

Khác với tầm nhìn, hệ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp gần như không thay đổi trong suốt hành trình của doanh nghiệp từ lúc nhỏ xíu cho đến khi lớn mạnh, rồi cho đến khi trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề thì mọi hoạt động vẫn bám sát với hệ giá trị cốt lõi đó.

Ví dụ hệ giá trị cốt lõi của Thế Giới Giấy dựa trên 05 yếu tố đó là TÂM HUYẾT, CHÍNH TRỰC, TIN CẬY, SÁNG TẠO, PHÁT TRIỂN. 

Xem thêm: Hiểu 1 Bán 10

Dựa vào hệ giá trị cốt lõi này, cho dù phát triển lớn mạnh tới đâu, mở rộng bất kỳ ngành nghề nào thì Thế giới giấy vẫn trung thành với nó.

Dù trong tương lai Thế giới giấy có thể bán cả mì tôm, nước mắm, bột giặt… thì vẫn sẽ luôn tâm huyết, chính trực, tin cậy, sáng tạo và không ngừng phấn đấu để phát triển tốt hơn mỗi ngày.

Không thể khi kinh doanh ngành khác, lĩnh vực khác hoặc lớn mạnh lên chúng tôi nói mình không muốn sáng tạo, không muốn phát triển, không chính trực… được.   

Ví dụ hệ giá trị cốt lõi của Facebook

  • Táo bạo
  • Tập trung vào ảnh hưởng
  • Chuyển động nhanh
  • Cởi mở
  • Xây dựng các giá trị xã hội

Ví dụ hệ giá trị cốt lõi của Vinamilk

  • Chính trực,
  • Tôn trọng,
  • Công Bằng,
  • Đạo đức,
  • Tuân Thủ

Ví dụ hệ giá trị cốt lõi của Vingroup.

TÍN – TÂM – TRÍ – TỐC – TINH – NHÂN.

Ví dụ hệ giá trị cốt lõi của Viettel

  • Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý,
  • Trưởng thành qua thách thức và thất bại,
  • Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh,
  • Sáng tạo là sức sống
  • Tư duy hệ thống,
  • Kết hợp Đông Tây,
  • Truyền thống và cách làm người lính,
  • Viettel là ngôi nhà chung

Ví dụ hệ giá trị cốt lõi của FPT

  • Tôn trọng,
  • Đổi mới,
  • Đồng đội,
  • Chí công,
  • Gương mẫu,
  • Sáng suốt.

Đọc các vị vụ trên bạn sẽ thấy, hệ giá trị cốt lõi của mỗi doanh nghiệp một khác, hoàn toàn không có công thức hay chuẩn mực nào để xây dựng. Tuy nhiên, xây dựng hệ giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp cần chú ý các vấn đề sau đây.

Xem thêm: Định Giá Sản Phẩm Sao Cho Đúng?

Đầu tiên, Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp luôn xuất phát từ người lãnh đạo. Đó là quyết định và cách hành xử của bạn đặt ra tiêu chuẩn chung để mọi người noi theo.

Thứ 2, Theo nhà tư vấn nổi tiếng Jim Collins “Hệ giá trị cốt lõi bạn không thể thiết lập ra được mà bạn chỉ có thể khám phá ra chúng. Nhiều doanh nghiệp đã sai lầm khi cóp nhặt những giá trị ở đâu đó và cố gắng nhồi nhét vào doanh nghiệp của mình’’.

Điều đó có nghĩa là hệ giá trị này nó phụ thuộc rất nhiều từ người lãnh đạo. Người lãnh đạo phải thật sự hiểu mình, phân tích về mình, về sứ mệnh của doanh nghiệp & của bản thân mình thật sâu thì mới đưa ra được bộ giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp của mình.

Thứ 3, Các hệ giá trị cốt lõi không nên quá nhiều nhưng cũng không nên quá ít. Nên khoảng 3 đến 10 giá trị. Mỗi giá trị cốt lõi nên được định nghĩa rõ nó là cái gì? Việc gì được phép làm và việc gì không được phép làm?

Tóm gọn và giảng giải, chia sẻ, truyền thông cho đội ngũ của mình từ trên xuống dưới để gìn giữ, triển khai và nhân bản tính nhân văn của chúng.

Thứ 4, khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp nên dựa trên nền tảng của các giá trị cốt lõi này. Ví dụ tại Thế Giới Giấy chúng tôi có 15 giá trị văn hóa được phát triển trên nền tảng của 05 giá trị cốt lõi này (xem hình).

Việc triển khai văn hóa doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất vất vả vì sự chống đối của đội ngũ. Tôi sẽ viết bài về xây dựng và triển khai VHDN sau.

Cuối cùng, hệ giá trị cốt lõi nên bám sát với sứ mệnh của doanh nghiệp.

Nếu sứ mệnh của doanh nghiệp là “Kiếm tiền nhiều nhất có thể’’ thì những hệ giá trị như trung thực, chính trực, chia sẻ… sẽ rất miễn cưỡng và cong vênh khi áp dụng vào doanh nghiệp của bạn.

Tôi đã hoàn thành bài 3 về phần thân của doanh nghiệp. Hy vọng bạn sẽ áp dụng và xây dựng cho bản thân mình, doanh nghiệp mình một hệ giá trị đủ mạnh, đủ chất đến chiến đấu với nó suốt đời.

Xem thêm: Dự Đoán Tương Lai Số Của Việt Nam Tới 2030

Nếu một doanh nghiệp không có một lời hứa, một cam kết nào về hoạt động của họ thì bạn có muốn giao dịch với họ không? Tôi tin là đa số sẽ trả lời KHÔNG. Đó là nội dung của bài – Lời hứa & cam kết của doanh nghiệp.

Chia sẻ của Mai Quốc Bình

Từ khóa » Hệ Giá Trị Cốt Lõi