Hé Lộ Người Tình đồng Tính Của Alexander Đại Đế
Cảm giác hồi hộp đang tăng lên khi các nhà khảo cổ học đang sàng lọc những manh mối nhằm xác định người bị chôn trong dáng vẻ huy hoàng tại một lăng mộ Amphipolis bí ẩn mà ngày nay ở miền Bắc Hy Lạp. Nhóm các nhà nghiên cứu nghĩ rằng lăng mộ này được xây dựng cho ai đó rất gần gũi với Alexander Đại Đế - mẹ ông ta, bà Olympias; một trong những người vợ của ông là Roxane; hay một trong những Tướng lĩnh trong triều đình của nhà vua; hoặc giả đó là bạn thời thơ ấu và người tình đồng tính Hephaestion.Một lăng mộ hoàng gia bí ẩn ở Hy Lạp có thể tiết lộ một người thân hay họ hàng của Alexander Đại Đế, trong ảnh là bức khảm ở Pompeii.
Trong vòng 3 tháng qua, nhà khảo cổ học Katerina Peristeri và các đồng nghiệp của bà đã thực hiện một loạt những khám phá trêu ngươi ngay trong lăng mộ bí ẩn, từ những hàng cột được chạm trổ điêu luyện mang hình dáng một thiếu nữ trẻ cho đến những bức tranh khảm sàn nhà mô tả hành vi bắt cóc nữ thần Persephone của người Hy Lạp. Những tác phẩm nghệ thuật vô giá trong lăng mộ này đều có liên quan đến thời kỳ hỗn mang quanh cái chết của Alexander Đại Đế và nó chỉ cho thấy sự hiện diện của một nhân vật quan trọng. Bản thân Alexander chắc chắn đã được an táng ở Ai Cập. Nhưng những địa điểm an giấc ngàn thu cuối cùng – và dữ liệu di truyền cũng như lịch sử của chúng có thể tồn tại – của nhiều thành viên trong gia đình của vị Hoàng đế vẫn còn là một bí ẩn. Cuộc khai quật tại Amphipolis đã điền thêm một chương mới trong lịch sử của Alexander Đại Đế và gia đình của ngài, một triều đại ngập tràn trong các âm mưu, và cảnh đổ máu như trong seri phim truyền hình hư cấu Game of Thrones. Trong gia đình của Alexander, “vi vua hay người trị vì được chết trên giường là rất hiếm”, dẫn lời ông Philip Freeman, người viết tiểu sử về Alexander Đại Đế, ông cũng đồng thời là một sử gia cổ điển tại Đại học Luther ở Decorah, tiểu bang Iowa (Mỹ).
Những âm mưu trong hoàng cung
2 pho tượng Nhân sư bảo vệ ngồi trên một phiến đá cẩm thạch tại cổng vào lăng mộ ở Amphipolis.
Để có một cái nhìn rõ hơn về những âm mưu trong hoàng cung dưới triều đại của Alexander Đại Đế, chúng ta phải bắt đầu hiểu về Philip II, cha của Alexander, người đã đăng quang ngai vàng của Macedonia cổ đại vào thời điểm năm 359 trước Công Nguyên (trCN). Vào lúc đó, Macedonia là một vùng núi non khá khiêm tốn nằm ở phía Bắc của Hy Lạp cổ đại, mặc dầu vậy Philip đã nuôi một tham vọng to lớn. Ông ta biến quân đội Macedonia từ một tổ chức các chiến binh quần chúng thành một cỗ máy quân sự vững vàng kỷ cương, rồi ông ta thống lãnh đội quân này bằng một thứ vũ khí tử thần mang tên sarissa, đó là một loại giáo dài được thiết kế để giữ cho kẻ địch luôn cách một khoảng với quân đội của ông ta. Bẩm sinh là một nhà chinh phạt, Philip đã lãnh đạo quân đội của mình tiến sang phương Tây, đè bẹp và đe dọa các thành bang lớn của Hy Lạp cổ đại cho đến khi tất cả cùng thuần phục dưới sức mạnh của Philip. Ông Ian Worthington, tác giả quyển sách “Dưới cây giáo: Philip II, Alexander Đại Đế và sự thịnh suy của đế quốc Macedonia”, đã viết: “Philip II là một vị vua chiến binh truyền thống. Ngài luôn bình tĩnh xông qua các trận chiến”.
Theo tập quán thời đó, các vì vua Macedonia cưới rất nhiều vợ, thường là phục vụ cho các mục đích kết nối chặt chẽ các mối bang giao chính trị với những quốc gia láng giềng hùng mạnh. Mẹ của Alexander, Olympias, là con gái của vua xứ Molossia, mà một phần vương quốc này ngày nay là nước Albania hiện đại, bà ta tuyên bố mình là hậu duệ của vị anh hùng thần thoại Hy Lạp, Achilles. Olympias là một trong số các bà vợ của Philip II, và theo các sử gia cổ đại, Oympias đã không ngừng bày mưu tính kế nhằm đưa con trai mình lên ngôi hoàng đế Macedonia. Thậm chí một số sử gia còn hoài nghi rằng Olympias đã đầu độc một người anh cùng cha khác mẹ của Alexander, khiến người này mắc bệnh thần kinh. Và rồi có lần, mưu đồ của Olympias dường như đã thành công. Philip II chuẩn bị chu đáo cho Hoàng tử Alexander như là người kế thừa vương vị của ngài, Alexander được học hành bài bản từ gia sư danh tiếng Aristotle, và khuyến khích năng lực của Alexander trở thành một chiến binh.
Nhưng các thành phần quý tộc quan trọng Macedonia trong triều đình của Philip II đã xem Alexander có gốc gác một nửa ngoại quốc, và như thế là bất hợp pháp. Vào cuối thời điểm thiếu niên của Alexander, bản thân vua cha Philip II cũng bắt đầu bán tín bán nghi về nguồn gốc đích thực đứa con trai của mình. Philip II cưới một người vợ Macedonia mới và trong một bữa tiệc chè chén linh đình, Philip II đã chấp thuận cho phép thẩm vấn công khai về Alexander. Khi đó, Philip rút kiếm của ngài và quẳng về phía Alexander, đây là một hành vi xúc phạm nghiêm trọng. Sau rồi Philip cũng lờ mờ nhận ra mình quá đà và cố gắng chữa cháy, song đã muộn, ngài đã tạo ra một kẻ thù nguy hiểm. Vào năm 336 trCN, Philip II tổ chức một tiệc cưới công khai xa hoa cho một trong những người con gái của ngài và mời các thành viên của những hoàng gia láng giềng đến tham dự nghi thức cấp nhà nước này.
Một phần trong tiệc cưới, Philip II đã lên kế hoạch tổ chức các trò chơi cộng đồng vào lúc hừng đông tại kinh đô Aigai. Ngài bước vào sân vận động, vận chiếc áo choàng màu trắng trên vai. Phía bên kia là Alexander; ở phía bên kia là con rể mới của Philip II. Philip II vẫy tay chào các vệ sĩ, và ngài đứng giữa nhà hát, đám đông reo hò ầm ĩ. “Đó là thứ cuối cùng mà Philip II được nghe”, sử gia Ian Worthington nói. Một tên thích lách từ trong đám đông đã lẻn ra và đâm chết vua Philip, trong khi đám đông vẫn chưa tin đó là sự thật. Tên thích khách tên là Pausanias, rời nhà hát tới một điểm nơi cỗ xe ngựa chờ sẵn. Nhưng khi Pausanias chưa kịp đào tẩu thì hắn ta bị vấp và té ngã, đồng thời 3 cận vệ của Philip II đã kết liễu đời hắn ta.
Lý thuyết âm mưu
Liệu tên thích khách Pausanias đã đơn thân ra tay? Một số tài liệu cổ đại cho thấy rằng hắn đã hành thích Philip trong cơn cuồng ghen. Nhiều quý tộc Macedonia cổ đại là người lưỡng tính, và Philip II chắc chắn không phải là ngoại lệ. Ông ta từng rất yêu Pausanias, và khi Philip đâm chán người tình, nhà vua đã loại bỏ chàng thanh niên trẻ tuổi và thậm chí còn cho phép những người khác lạm dụng tình dục với Pausanias. Vì thế có thể Pausanias đã hạ sát Philip như một hành động trả thù. Nhưng có vài manh mối chỉ ra rằng còn có cả một âm mưu đứng sau nó, theo sử gia Ian Worthington. Ví dụ Pausanias đã chạy tới nơi có nhiều con ngựa đang chờ sẵn, cho thấy rằng có vài người đã lên sẵn kế hoạch cho sự đào tẩu của kẻ giết người.
Có thể người tình đồng tính của Alexander, Hephaestion (bức bích họa vào thế kỷ 16, với bàn tay đặt trên vai của thần Hymen) được chôn trong lăng mộ ở Amphipolis.
Sử gia Ian Worthington chắc mẩm: “Tôi nghĩ rằng Pausanias đã bị lợi dụng để hạ sát Philip”, có thể 2 kẻ chủ mưu chính là Olympias và Alexander. Cả 2 mẹ con nhà họ đều bị Philip xúc phạm sâu sắc. Thêm vào đó họ lấy làm lo sợ rằng người vợ trẻ của chồng sẽ đẻ ra một hoàng nam Macedonia chính hiệu và vị hoàng tử này chắc chắn sẽ nhận được sự tán thành của giới quý tộc địa phương. Cách duy nhất để ngăn ngừa sự thật nghiệt ngã này không gì khác hơn là loại bỏ Philip. Vì thế, sử gia Ian Worthington đặt ra giả thuyết rằng đích thị hai mẹ con Olympias và Alexander đã ngấm ngầm bỏ thuốc độc làm mê man tâm trí của Pausanias và khuyến khích anh ta sát hại tình nhân cũ Philip. Cũng có những sử gia cổ điển khác tỏ ý không chắc Alexander đã phạm tội giết cha. Tuy nhiên theo ông Philip Freeman từ Đại học Luther thì: “Nếu bạn đặt Alexander lên một chiếc ghế dài ngày hôm nay để phân tích thì sẽ có ối chuyện vui để nói”.
Khi Philip II băng hà, Alexander cố gắng thuyết phục triều đình Macedonia rằng mình xứng đáng là một vì minh quân. Alexander đã tổ chức đám tang cho vua cha hết sức linh đình, thi hài của Philip II được đưa đi hỏa thiêu trên một giàn thiêu khổng lồ và ông cho xây dựng một lăng mộ xa hoa cho vua cha nằm ở ngoại ô Aigai (ngày nay là thành phố nhỏ Vergina của Hy Lạp), cách Amphipolis 100 dặm. Khi quý tộc Macedonia nhìn vào, họ có cảm tưởng cách Alexander an táng di hài của phụ hoàng “như một anh hùng Homer”, dẫn lời bà Ioannes Graekos, một nhà khảo cổ học kiêm phụ trách tại Bảo tàng các lăng mộ hoàng gia ở Vergina. Bên trong lăng mộ, Alexander đã hạ đặt một cái rương bằng vàng có chứa tro cốt của Philip cũng như vô số các món châu báu của hoàng gia, từ vương miện mạ vàng cho đến gậy vàng, áo giáp vàng và một cái giường làm từ vàng và ngà voi. Qua ô cửa vào hầm mộ, nhà vua trẻ Alexander đã ủy lạo các họa sĩ vẽ một bức họa săn bắn cho thấy cảnh Alexander và cha mình đang ngồi kề một con sư tử.Các nhà khảo cổ khai quật một tượng nữ ngay lối dẫn vào căn phòng thứ hai trong lăng mộ cổ đại.
Ông Terence Clark , một nhà khảo cổ học tại Bảo tàng lịch sử Canada (Gatineau, Quebec, Canada) người cùng với tạp chí Địa lý quốc gia và những nhà khảo cổ khác, đang giúp tổ chức một triển lãm lớn về những vị anh hùng của Hy Lạp cổ đại, bao gồm cả Alexander Đại Đế, cho biết: “Chỉ có vua mới được phép săn sư tử, vì thế Alexander bày tỏ lòng tôn kính cha, song thực ra cũng là để tôn vinh chính mình. Đó là một tuyên bố dứt khoát rằng bây giờ đang là thời đại của nhà vua trẻ”. Song bất chấp sự tự tin của mình, Alexander vẫn sợ các đối thủ đáng gờm tại triều đình. Chính tay ngài đã ban cái chết cho người em họ Amyntas và một trong những vị quan đại thần thân cận của Philip. Còn mẹ Ngài, bà Olympias liên tục “chăm sóc” những kẻ thù nằm trong số nữ giới hoàng gia. Theo ít nhất một trong các văn bản cổ đại, Olympias đã ép buộc người vợ trẻ của Philip phải tự tử và sắp xếp kẻ mưu sát là con gái của đối thủ. Bà Elizabeth Carney, một sử gia cổ điển tại Đại học Clemson (Nam Carolina) và là người viết tiểu sử về người mẹ của Alexander Đại Đế nhận xét: “Olympias là một quý bà chính trị”.
Chỉ còn lại nỗi lo quân đội. Alexander đã thuyết phục các tướng lĩnh và binh lính Macedonia rằng mình là tổng chỉ huy như phụ hoàng đã quá cố. Nói là làm, Alexander đã bắt tay tiến hành một loạt các chiến dịch quân sự, trấn áp các phần tử nổi dậy ở khu vực Balkan, nghiền nát thành bang Thebes, và lãnh đạo đội quân hùng mạnh của mình giành hết chiến công này đến chiến công khác. Vào năm 21 tuổi, đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ Macedonia và Hy Lạp, và sẵn sàng bắt tay vào việc chinh phạt Ba Tư.
Với tài ba thao lược hiếm có của mình, Alexander đã chinh phạt những lãnh thổ xa xôi về phương Nam đến Ai Cập và Ấn Độ, tạo ra một trong những đế quốc vĩ đại nhất trong thế giới cổ đại. Bạn đồng hành gần gũi chính là người tình Hephaestion, một vị Tướng lĩnh người Macedonia, và cuối cùng khi Hephaestion qua đời vì một căn bệnh bí ẩn vào năm 324 trCN trong một chiến dịch quân sự ở phương Đông, Alexander Đại Đế gần như suy sụp vì đau khổ. Theo nhà văn cổ đại Plutarch, Alexander Đại Đế đã hạ lệnh đóng đinh vị bác sĩ chăm sóc cho người tình Hephaestion và thanh trừng toàn bộ một bộ lạc trong vùng, nhằm làm cống phẩm cho hương hồn của Hephaestion.
Bi kịch cuối đời
Vào thời điểm băng hà năm 33 tuổi, Alexander Đại Đế vẫn đang mải mê chinh phạt ở phương Đông, ông ta lập kế hoạch thôn tính Ả Rập. Rõ ràng vị hoàng đế cực kỳ đam mê cảm giác hồi hộp khi chiến đấu cũng như tâm trạng sảng khoái khi tiếp quản các vùng đất mới. Ngài cũng kết hôn với chí ít 2 người phụ nữ ngoại quốc nhưng lại không sinh sản ra được người thừa kế hợp pháp nào cho đế quốc khổng lồ của mình, và vẫn không ít lấn cấn về vấn đề ai sẽ trở thành người thừa kế sau đó. Chẳng mấy chốc sau khi băng hà vì một chứng sốt bí ẩn ở Babylon, các tướng lĩnh, quý tộc và nội bộ hoàng gia lao vào cuộc chiến khốc liệt nhằm khẳng định địa vị độc tôn ngôi báu. Vào phút cuối, đế quốc rộng lớn của Alexander Đại Đế đã bị phân cắt trong một cuộc nội chiến, và toàn bộ các thành viên trong gia đình của vị cựu hoàng đã bị xóa sổ.
Vị Hoàng hậu Olympias đã rơi vào bàn tay tàn nhẫn của một tay quý tộc Macedonia tên là Cassander. Để dọn đường lên ngai báu của Macedonia, Cassander đã bắt Olympias làm tù binh trong một cuộc vây hãm, và xử tử bà ta. Kế đó cũng như bản tính đa nghi của Alexander Đại Đế, Cassander đã giam cầm người vợ ngoại quốc của Alexander là Roxane, và con trai của Alexander là Alexander IV tại Amphipolis, cả hai người này sau đó đã bị hạ sát bí mật vào năm 311 trCN. Với tất cả những hành vi hèn hạ, bẩn thỉu, Cassander đã cai trị vương quốc Macedonia cho đến khi băng hà vào năm 297 trCN. Phần lớn các nhà khảo cổ học vào ngày hôm nay đều bị thuyết phục, dựa trên các tài liệu sử học, rằng bản thân Alexander đã được an táng đâu đó ở Ai Cập, rất có thể là trong lòng thành phố Alexandria. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy các ngôi mộ của Olympias, Roxane, Hephaestion và nhiều tướng lĩnh của Alexander. Có lẽ nếu các nhà khảo cổ học làm lộ sáng bí ẩn về ngôi mộ tại Amphipolis thì nó sẽ định rõ danh tính của một người trong số họ.
NGUYỄN THANH HẢI (National Geographic – 2014)
Những lợi ích sức khỏe từ quả lê | Lợi ích vô giá của giấc ngủ | Rối loạn giấc ngủ ở phụ nữ |
Từ khóa » Hậu Duệ Alexander đại đế
-
'Hậu Duệ Alexander Đại đế' Trên Dãy Himalaya, Ấn Độ - BBC
-
Khám Phá Giật Mình Hậu Duệ Của Tướng Sĩ Alexander Đại đế
-
Alexandros Đại đế – Wikipedia Tiếng Việt
-
Alexander Đại đế: Tiểu Sử Và Bí Mật Về Truyền Nhân Chiến Thần Asin
-
Tranh Luận Về Xu Hướng Tình Dục đồng Giới Của Alexander đại đế
-
Người Cha Chưa Từng Kể Của Alexander đại đế - CAND
-
Hunzas: Bộ Tộc Khỏe đẹp Nhất Thế Giới - Công An Nhân Dân
-
Tiểu Sử Về Vua Alexander Đại đế - VISA NƯỚC NGOÀI
-
Tới Thăm Bộ Lạc “sở Hữu” Nhiều Mỹ Nhân đẹp Nhất Thế Giới
-
Tộc Người Kalash Với Những Câu Chuyện Nơi Dãy Núi Hindu Kush
-
Cleopatra Là Ai ? Nguồn Cảm Hứng Của CP
-
Afghanistan - 'trái đắng' Của Các đế Chế