Hé Lộ Sức Khỏe Của NCB, Ngân Hàng Có Duyên Với Các đại Gia - Dân Trí

"30 chưa phải là Tết", một nguồn tin nội bộ nói với người viết chiều 29/7, trước giờ phiên họp đại hội cổ đông bất thường của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) diễn ra. Câu nói trên không đầy đủ ý, dù thế cũng phần nào phản ánh được thái độ của người trong cuộc với những đồn đoán trên thị trường về việc HĐQT ngân hàng này có thêm 2 thành viên mới, và phần nào cho thấy thái độ đối với tin "đổi ghế nóng" trong HĐQT tại ngân hàng này.

Cuối chiều 29/7, thông tin được công bố: bà Bùi Thị Thanh Hương, nguyên Phó Tổng giám đốc TPBank, được bầu làm Chủ tịch HĐQT NCB thay cho ông Nguyễn Tiến Dũng. Cùng với bà Hương, một nhân vật khác là bà Trương Lệ Hiền, được bầu làm Thành viên HĐQT NCB. Nội dung và kết quả phiên họp bất thường của ngân hàng từng gắn với tên tuổi đại gia Đặng Thành Tâm này trong chiều 29/7, giữa những ngày Hà Nội giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16, cũng ngã ngũ.

Ngân hàng có duyên với các đại gia

Nhắc đến NCB, trước đây là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), thì không thể không nhắc tới bóng dáng đại gia Đặng Thành Tâm.

Ông Đặng Thành Tâm là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2007. Lần lượt các năm 2008, 2009, 2010, ông vẫn nằm trong top 3 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ông tham gia vào NCB (khi đó là Navibank) từ khá lâu trước đây và rút khỏi ngân hàng này khoảng năm 2013 - 2014.

Theo báo cáo quản trị năm 2012 của ngân hàng này thì cổ đông lớn nhất giai đoạn đó là Công ty Cổ phần Năng lượng Sài Gòn - Bình Định (hơn 9,89% cổ phần). Cổ đông thứ hai là gia đình ông Đặng Thành Tâm, Thành viên thường trực HĐQT. Cá nhân ông Đặng Thành Tâm khi đó có hơn 14,8 triệu cổ phiếu NVB, tương đương hơn 4,92% tỷ lệ sở hữu.

Hé lộ sức khỏe của NCB, ngân hàng có duyên với các đại gia - 1

Ông Đặng Thành Tâm, Nguyễn Tiến Dũng, bà Trần Hải Anh.

Vợ ông Tâm là bà Nguyễn Thị Kim Thanh trong thời gian cuối năm 2012, đầu năm 2013 cũng đã liên tiếp bán ra cổ phiếu NVB, giảm tỷ lệ sở hữu. Việc thoái vốn này khiến cho tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Đặng Thành Tâm tại ngân hàng chỉ còn gần 5,3%. Giai đoạn kể trên, Navibank là một trong 9 ngân hàng yếu kém thuộc diện phải tái cơ cấu bắt buộc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

NCB cũng là một trong những ngân hàng hiếm hoi trong vòng 10 năm trở lại đây có nhiều xáo trộn ở vị trí chủ tịch HĐQT.

Năm 2013, ông Vũ Hồng Nam được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT. Động thái này được cho là dấu ấn "đổi chủ" thành công của NCB khi mà nhóm cổ đông tại Tập đoàn Gami (Gami Group) được cho là chính thức tiếp quản cổ phần từ đại gia Đặng Thành Tâm, đặt chân vào NCB. Ông Vũ Hồng Nam chính là một lãnh đạo của Gami Group.

Đến tháng 12/2016, bà Trần Hải Anh được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT NCB thay cho ông Vũ Hồng Nam sau thời gian dài bà này đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc ngân hàng. Bà Trần Hải Anh khi đó là vợ của ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Gami Group.

Sau đó một năm, đến tháng 11/2017, NCB lại thay Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Gami Group, chính thức bước chân vào NCB, trên cương vị cao nhất trong HĐQT và đảm nhiệm vị trí đó đến trước khi bà Bùi Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Sungroup, được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT NCB ngày 29/7 vừa rồi.

Nguyễn Tiến Dũng là nhân vật tương đối kín tiếng. Bằng chứng là 4 năm ngồi ghế Chủ tịch HĐQT NCB nhưng ông chưa một lần xuất hiện chính thức trên truyền thông, kín tiếng hệt như những đại gia Đông Âu làm ngân hàng cùng thế hệ 6X - 7X như Ngô Chí Dũng (VPBank), Hồ Hùng Anh (Techcombank), Đặng Khắc Vỹ (VIB), Trần Anh Tuấn (MSB) hay Nguyễn Thị Phương Thảo (HDBank)...

Vì Gami Group không niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nên không rõ tài sản của ông Nguyễn Tiến Dũng là bao nhiêu. Chỉ biết, Gami Group là tập đoàn đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh xe hơi, bất động sản, thực phẩm… Tại NCB, ông Nguyễn Tiến Dũng giữ tỷ lệ sở hữu 1,58% tính đến cuối năm 2020 song bà Trần Hải Anh, người có liên quan ông Dũng nắm 4,92%. Do đó, gọi ông Dũng là đại gia cũng không có gì quá đáng.

Trước 29/7, NCB làm ăn ra sao?

Là ngân hàng niêm yết song hiện trên website chính thức của NCB, nhà đầu tư không dễ dàng để cập nhật được các thông tin tài chính của ngân hàng này trước năm 2017. Danh mục báo cáo tài chính của NCB trước năm 2017 đều được công bố công khai nhưng lại không dễ để tải về.

Tuy vậy, dựa vào các thông tin thu thập được, một trong những điểm dễ nhận thấy là NCB là một trong những ngân hàng có quy mô và kết quả kinh doanh không mấy nổi bật trong nhóm các ngân hàng niêm yết, nếu không nói là trong top cuối. Kết quả kinh doanh của ngân hàng này kể từ năm 2017 đến năm 2020 lình xình với mức lợi nhuận chưa năm nào vượt con số 100 tỷ đồng.

Cụ thể, về lợi nhuận, năm 2017, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán, NCB lãi sau thuế 21,9 tỷ đồng. Đến năm 2018, lãi sau thuế là 36,2 tỷ đồng. Năm 2019, NCB lãi sau thuế 43,1 tỷ đồng nhưng đến năm 2020, ngân hàng lãi vỏn vẹn… 1,2 tỷ đồng phải chi gần 500 tỷ đồng xử lý theo đề án tái cấu trúc.

Hé lộ sức khỏe của NCB, ngân hàng có duyên với các đại gia - 2

Lãi từ hoạt động dịch vụ của NCB tăng trưởng qua các năm khá tốt song cũng dường như chưa bao giờ gây ấn tượng. Năm 2017, lãi từ hoạt động dịch vụ ngân hàng này là 18,1 tỷ đồng thì đến năm 2018 tăng lên 25,4 tỷ đồng (tăng 40,3%), năm 2019 đạt 50,7 tỷ đồng (tăng 99,6%). Nhưng đến năm 2020, lãi từ hoạt động dịch vụ lại giảm, đạt 44,7 tỷ đồng, tương đương mức giảm 11,8%.

Một trong những chỉ tiêu quan trọng có mức tăng trưởng qua từng năm và đến năm 2020 gần như đột biến tại NCB là khoản phải thu.

Đầu năm 2017, khoản phải thu của NCB là 3.044 tỷ đồng thì đến ngày 31/12/2017 tăng lên 4.400 tỷ đồng (tăng 44,5%). Sang năm 2018, khoản phải thu đến 31/12/2018 đạt 4.451 tỷ đồng (tăng nhẹ 1,1%).

Song đến năm 2019, khoản mục này bất ngờ tăng lên 5.670 tỷ đồng (tăng 27,3%). Trong đó, tăng mạnh nhất, theo thuyết minh trên báo cáo tài chính, là khoản phải thu bên ngoài liên quan đến Công ty Cổ phần Dịch vụ mua bán nợ Quốc tế. Cụ thể thì khoản phải thu với công ty này tăng từ 1.704 tỷ đồng đầu năm lên 3.571 tỷ đồng vào cuối năm (tăng hơn 1.800 tỷ đồng, tương đương hơn 109%).

Năm 2020, khoản phải thu tại NCB còn tăng "sốc" hơn khi một mạch phi từ 5.670 tỷ đồng lên 18.722 tỷ đồng, tức tăng hơn 13.000 tỷ đồng, tương đương 230%. Báo cáo tài chính nằm trong khuôn khổ báo cáo thường niên 2020 của NCB không thuyết minh phần này, trong khi báo cáo tài chính trên website của ngân hàng không tải về được nên không rõ khoản phải thu tăng "sốc" hơn 13.000 tỷ đồng kia là do đâu.

Hé lộ sức khỏe của NCB, ngân hàng có duyên với các đại gia - 3

Khoản phải thu tại NCB tăng theo từng năm (Biểu đồ: Việt Đức).

Tuy vậy, theo báo cáo tài chính mới nhất của NCB thì khoản phải thu đến tháng 6/2021 giảm về 14.754 tỷ đồng, từ mức 18.722 tỷ đồng của cuối năm 2020, tương đương mức giảm 21%, song vẫn tương đối cao so với năm 2019.

Hết tháng 6 năm nay, NCB lãi sau thuế gần 100,5 tỷ đồng, đã tăng gần 4,5 lần so với cùng kỳ 2020. 100,5 tỷ đồng cũng là mức lãi kỷ lục của ngân hàng này kể từ năm 2017, cũng là lần đầu tiên vượt con số 100 tỷ đồng kể từ thời điểm trên.

Thách thức và kỳ vọng với "nữ tướng" 8X

NCB chưa công bố báo cáo quản trị 6 tháng nên hiện không rõ tỷ lệ sở hữu của 2 thành viên mới trong HĐQT NCB gồm tân Chủ tịch HĐQT Bùi Thị Thanh Hương và tân Thành viên HĐQT Trương Lệ Hiền là bao nhiêu. Do đó, cũng khó để kết luận hiện tại cổ đông lớn nhất tại NCB đang là ai.

Bà Bùi Thị Thanh Hương, tân Chủ tịch HĐQT NCB, được giới thiệu là có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bà Hương từng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính - chiến lược của TPBank, Phó Giám đốc phụ trách khối tài chính, Kế toán trưởng của SeABank...

Và NCB - một ngân hàng có duyên với các đại gia bất động sản, với nhiều năm có kết quả hoạt động như phân tích ở trên - sẽ thay đổi ra sao khi có Chủ tịch HĐQT mới, là điều mà thị trường đang chờ đợi...

Từ khóa » Nguyễn Tiến Dũng Ncb