Hệ Phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng
Có thể bạn quan tâm
Từ khóa: Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, phương pháp thực hành, cơ cấu tổ chức, tổ đình.
Tóm tắt: Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý sáng lập tại chùa Linh Sơn vào năm 1957 ở miền Nam Việt Nam. Hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng sinh hoạt dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo tinh thần phục vụ đạo pháp, phục vụ dân tộc... hoạt động theo giáo pháp, giáo luật và pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày nay, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đã phát triển thành một hệ phái lớn thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo thống kê, nay 2016, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có 1.125 tăng ni và 1.550.000 tín đồ Phật tử đang sinh hoạt tại 170 Tự viện, Tịnh xá, Đạo tràng,... trên khắp cả nước. Đặc biệt là ở các tỉnh ở miền Đông, miền Tây như Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai... Tôn chỉ và giáo lý của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đều dựa trên kinh điển pháp tu Tịnh Độ, chủ trương niệm Phật nhằm mục đích giác ngộ, giải thoát. Song Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do chính người Việt khai sáng nên cũng mang bản sắc riêng.
1. Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng: người sáng lập và kế truyền
- Hòa thượng Bửu Đức (1880 - 1974), thường gọi là Đức Ông Ba, thế danh Phạm Văn Vị. Ông sinh trong một gia đình thuần nông, nhưng ưu chuộng đạo Phật ở làng Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ông vốn là một cư sỹ theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa[1], tìm hiểu giáo lý "học Phật tu nhơn" của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương[2], nhưng nghiên cứu sâu pháp tu Tịnh Độ. Bản thân ông ăn uống khổ hạnh, bốc thuốc Nam cứu người và thường khuyên răn mọi người sống nhân nghĩa.
Năm 1920, lúc này ông đã 40 tuổi, người vợ nhiều lần mong muốn ông hành đạo giúp đời, song ông đều từ chối. Năm 1925, khi đang cày ruộng, "ông chợt nghe tiếng gọi của "ơn trên" phải vì mọi người, vì chúng sanh đang khổ đau mà buông tay việc thế"[3]. Nghe vậy, ông liền "tự tay thế phát" (tự mình xuống tóc) và phát nguyện xuất gia hành đạo. Sau khi "tự tay thế phát", ông về đạo tràng của một người Phật tử tu tập và bốc thuốc Nam chữa bệnh cho dân nghèo. Đồng thời, ông thường khuyên mọi người chuyên tâm niệm Phật. Thời gian này, ông bắt đầu thu nhận đệ tử, trong đó có đệ tử Đinh Thị Hy, pháp danh Diệu Nguyệt đã hầu cận cho đến khi ông viên tịch tại Tổ đình Thành An.
Năm 1940, ông ẩn tu tại núi Tà Lơn. Núi Tà Lơn cao khoảng 1.000 mét so với mực nước biển. Đây là ngọn núi thiêng gắn với nhiều huyền thoại, mà người Khmer gọi là núi Bokor, cách thị xã Kampot, tỉnh Kampot khoảng 10km về hướng Tây Nam. Cuối thế kỷ 19, đầu thế thế kỷ 20, rất nhiều người Việt đã chọn núi Tà Lơn làm nơi tu hành và khai sáng "đạo" như Huỳnh Phú Sổ, Ngô Văn Chiêu...
Năm 1944, ông trở về, đến chùa Bồng Lai (An Sơn tự) thuộc núi Tượng, xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây là ngôi chùa do Đức Phật Thầy Tây An cùng với đệ tử khởi dựng năm 1851. Vì thế, sau này trong chùa ngoài tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu ni thì phía sau tôn trí bài vị Phật Thầy Tây An, ông Đạo Lập và ông Cử Đa. Tại chùa Bồng Lai, ông tu tập và nghiên cứu giáo lý, kinh điển đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Năm 1945, sau một năm tu hành, nghiêu cứu tại chùa Bồng Lai, ông đến núi Dài, tức núi Rồng Nằm (Ngọa Long Sơn) thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Núi Dài là núi dài nhất trong bảy núi, cao 580 so với mực nước biển. Song ở đây cũng có nhiều nương rẫy và vườn cây ăn trái. Trên lưng chừng núi Ngọa Long, ông dựng chùa Bửu Quang bằng tranh tre lứa lá và tu hành khổ hạnh, ngày ăn một bữa chính ngọ, rau cháo đạm bạc.
Năm 1949, giặc Pháp càn quét và đốt chùa Bửu Quang, nhưng chỉ ít lâu sau ông dựng lại Tam bảo chùa. Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm lập khu trù mật nên ngôi chùa phải dời xuống chân núi. Năm 1963, chùa lại bị giặc đốt phá vì chúng nghi ông và các đệ tử âm thầm ủng hộ cách mạng. Vì thế, chùa lại phải dời về phía sau chợ Ba Chúc. Ở đây, chùa Bửu Quang còn bị hai lần hỏa hoạn trong chiến tranh.
Năm 1960, ông cùng môn đồ dời về núi Trà Sư (Kỳ Lân Sơn), thuộc thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang xây dựng cơ sở tu hành. Núi Trà Sư không cao như núi Tà Lơn hay Ngọa Long Sơn, nhưng là nơi có cảnh đẹp, có nhiều chùa, miếu như Năm Căn Cổ tự, Hòa Long Cổ tự,... xa xa là cánh đồng lúa, núi Két, núi Dài Năm Giếng và kênh Vĩnh Tế. Tại đây, ông cùng môn đồ xây dựng tịnh thất Đại Quang Minh. Sau đó lại tiếp tục dựng chùa Thành An trên đỉnh núi Sập (Thoại Sơn). Núi Sập là ngọn lớn nhất trong bốn ngọn núi (núi Sập, núi Nhỏ, núi Bà, núi Cậu), thuộc địa bàn huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Có thể nói, đây là hai tổ đình quan trọng bậc nhất của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng thời kỳ đầu.
Năm 1954, có một người đến tìm ông học đạo và ông đã thu nhận vị này làm đệ tử. Trong mấy tháng, vị đệ tử này chỉ được các sư huynh dạy niệm Phật A Di Đà. Một lần, vị đệ tử lén vào phòng ông vấn đạo. Sau khi tham vấn song, vị đệ tử này nói: "Bạch Ông Ba, con muốn giống Ông Ba, mà phải tu thế nào". Đức Sư Ông vui cười mà bảo "muốn thì được"[4]. Sau khi truyền đạo, ông khuyên đệ tử ấy về Miền Đông hành đạo. Một lần, vị đệ tử tìm đến tham học với Hòa thượng Hồng Ân Trí Châu, thuộc thiền phái Lâm Tế tại chùa Long Sơn, xã Tân Ba, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Sau đó, Hòa thượng ban đạo hiệu là Nhựt Ý. Vị đệ tử ấy chính là Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý sau này. Sau khi tham học với Hòa thượng Hồng Ân Trí Châu, sư Thiện Phước Nhựt Ý lên núi Dinh, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, trụ trì Tổ đình Linh Sơn.
Năm 1963, Đức Sư Ông hành đạo tại Trường Sanh Phật tự, thị xã Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ngày nay. Song, ông cũng thường xuyên về thăm Tổ đình Linh Sơn, nơi đệ tử Thiện Phước Nhựt Ý trụ trì. Ở đây, Sư Ông thường khuyến dụ đệ tử tu hành cho tinh nghiêm. Vài năm sau, sức khỏe suy yếu, ông không về thăm tổ đình Linh Sơn như trước nữa. Ngày 29 tháng 01/1975, Đức Sư Ông viên tịch, hưởng 95 tuổi đời, 55 tuổi đạo. Trước khi viên tịch, Sư Ông căn dặn "Sau khi tôi về với Tổ Phật, pháp môn duy nhất này tôi giao lại cho Hòa thượng Thích Thiện Phước, người có khả năng kế thừa hoằng truyền tại Miền Đông. Pháp môn niệm Phật sẽ được tỏ dạng là do Hòa thượng Thích Thiện Phước, từ đó về sau tiếp tục kế thừa, đừng để mất mát pháp môn của chư Phật"[5].
- Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý (1924 - 1986), thuộc phổ hệ Lâm Tế đời thứ 41. Ông tên thật là Lê Minh Ý, sau cải tên là Lê Văn Mười, người thôn Nhựt Tảo, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ông sinh trong một gia đình thuần nông, nhưng nếp nhà gia giáo. Ngay từ lúc còn trẻ, ông đã có ý nguyện xuất gia. Ông đã đi nhiều nơi tìm thầy học đạo và cũng như thầy mình là Đức Sư Ông, ông cũng tu khổ hạnh, ngày ăn một bữa, thường giúp đỡ người nghèo và bắc cầu, đắp đường cho nhân dân đi lại thuận tiện...
Năm 1945, gác lại ý nguyện xuất gia, ông tham gia cùng nhân dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam với bí danh là Hùng Sơn. Năm 1954, địch truy lùng gắt gao, ông về chùa Bửu Quang ẩn náu. Tại đây, ông được Đức Sư Ông thu nhận làm đệ tử và truyền dạy pháp tu Tịnh Độ.
Năm 1956, ông lại tham học với Hòa thượng Trí Châu Hồng Ân Trí Châu, thuộc phổ hệ Lâm Tế đời thứ 41 tại chùa Long Sơn, xã Tân Ba, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Sau đó, ông đến trụ trì chùa Linh Sơn, thuộc núi Dinh, huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại đây, ông cùng đệ tử khẩn hoang, hưng công xây dựng tu bổ chùa Linh Sơn thành chốn tùng lâm và bắt đầu hoằng pháp, thu nhận đệ tử, khai sáng hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Sau này, đệ tử của ông là Ni sư Huệ Giác kế thừa và phát triển Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Ít lâu sau, ông tiếp tục xây dựng Nhứt Nguyên Bửu Tự nhằm phát triển pháp môn Tịnh Độ. Hàng năm, từ ngày 8 tháng 8 đến ngày 17 tháng 11 âm lịch, tại ngôi chùa này tổ chức khóa Niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh Độ gọi là "Niệm Phật Bá Nhựt Trì Danh".
Năm 1965, ông ủy quyền trụ trì chùa Long Sơn cho đệ tử là Thượng tọa Huệ Tâm rồi ông về chùa Phổ Hiền, xã Tân Thành, tỉnh Cà Mau. Tại đây, ông tập trung môn đồ, truyền giảng giới luật, củng cố Tăng đoàn để du phương truyền bá Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Sau đó, ông trở về xây dựng Tịnh xá Thắng Liên Hoa ven sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hòa. Tại đây, ông cũng cho tu sửa bến đò Long Kiểng, đắp đường, giúp đỡ người nghèo, khiến nhân dân nơi đây rất mến mộ. Tịnh xá sau khi xây dựng xong, ông giao cho đệ tử là Thích Giác Thông giữ gìn.
Năm 1975, ông về chùa Long Phước Thọ, xã Long Phước, huyện Long Thành tu bổ, tôn tạo rồi giao cho sư Thích Thiện Lộc chăm nom. Bên cạnh đó, ông còn khuyến khích tăng gia sản xuất theo tinh thần Bách Trượng thanh quy (nhất nhất bất tác nhất nhật bất thực - một ngày không làm một ngày không ăn), trồng cây dược liệu để chữa bệnh cứu người. Sau này, vì tuổi cao sức yếu, ông về Quan Âm Tu Viện dặn dò môn đồ tu hành nghiêm cẩn, đạo hạnh trang nghiêm, rồi ông nhập thất Niệm Phật và viên tịch tại đây vào ngày 18 tháng 7 năm Bính Dần (1986).
- Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác (1937), tên thật là Nguyễn Thị Cưng. Bà là con út trong một gia đình trung lưu, gia giáo tại Ấp Chợ, xã Tân Ba, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ngay từ nhỏ, bà đã một lòng mộ Phật, thường xuyên nghe Hòa thượng Cao Minh thuyết pháp về pháp tu Tịnh Độ. Bà đã quy y tại Tổ đình Long Sơn, được Hòa thượng Hồng Ân Trí Châu đặt pháp danh là Lệ Cưng. Bà vốn có trí tuệ thông minh, mẫn tiệp. Khi còn học ở trường Trung học Gia Long, nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hồ Chí Minh, trong các kỳ thi bà luôn đỗ thứ hạng cao. Ở trường, bà cũng thường khuyên nhủ bạn bè làm việc thiện và giúp đỡ mọi người.
Một lần, bà cùng với một số Phật tử theo Hòa thượng Hồng Ân Trí Châu về thăm Tổ đình Long Sơn. Tại đây, hàng ngày có hàng trăm tín đồ Phật tử, trí thức, sinh viên, tham gia học đạo dưới sự giảng dạy của Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý, trong đó nổi bật nhất là bà Lệ Cưng có biệt tài với Phật pháp. Không lâu sau, bà cùng với một số Phật tử như Mã Sâm, Mã Sấm, Hà Thị Cứng, Hứa Thị Hiếu... về hẳn núi Tổ đình Long Sơn tu hành dưới sự dạy bảo của Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý. Tại đây, bà được Hòa thượng ban cho pháp danh Thích Nữ Huệ Giác. Năm 1958, bà xuất gia trước sự chứng minh của đức Bổn sư và Hội đồng Trưởng lão Tổ đình Linh Sơn.
Năm 1960, bà vâng mệnh Tôn sư thành lập Cô nhi viện Phước Lộc Thọ nhằm chăm sóc các cháu mồ côi và người già không nơi nương tựa do chiến tranh đem lại; năm 1962, thành lập Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo để đào tạo tăng ni, ngoài ra bà còn thường xuyên thuyết pháp tại đây, mỗi lần thuyết pháp có khoảng 500 - 600 tín đồ Phật tử tham dự. Song, năm 1965, Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo cùng Tổ đình Linh Sơn bị chiến tranh phá hủy, nhưng nhiều nội dung đào tạo của Phật học đường vẫn hiện diện tại Quan Âm Tu Viện, Tịnh xá Thắng Liên Hoa, chùa Nhứt Nguyên Bửu, Ni viện Bửu Hoa...
Năm 1965, bà thọ giới Sa di ni tại Đại giới đàn Liên Tông Tự thuộc Trung ương Giáo hội Tịnh Độ Tông[6]. Giới đàn này do Hòa thượng Thích Hồng Anh là Đàn đầu hòa thượng chứng truyền, đầy đủ Tam sư thất chứng[7]. Năm 1966, bà thọ giới Thức xoa ma ni tại Tam Đàn Thánh Lễ, giới đàn Liên Tông Tự do Hòa thượng giới sư Thích Huệ Chiếu chứng truyền. Sau đó, bà xin phép thầy khai khóa Niệm Phật gọi là "Bá nhựt trì danh Niệm Phật" tại Nhất Nguyên Bửu Tự. Khóa Niệm Phật này diễn ra trong 100 ngày, từ ngày 8 tháng 8 đến ngày 17 tháng 11 âm lịch (ngày vía Phật A Di Đà) và khóa Niệm Phật "Bá nhựt trì danh" trở thành truyền thống tu tập của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Sau đó, bà về Tịnh xá Thắng Liên Hoa mở các lớp giáo lý căn bản cùng giảng dạy Pháp ngữ, Hán văn cho Ni chúng. Tại đây, bà bắt đầu xây dựng Tu viện Quan Âm nhằm phát triển Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng trên cơ sở hoàn thiện tổ chức hành chính, thuyết pháp giảng kinh, từ thiện xã hội.
Năm 1967, bà thọ Tỳ kheo ni Bồ tát giới tại Tổ đình Long Thiền (Biên Hòa, Đồng Nai) do Hòa thượng giới sư Thích Huệ Thành chứng truyền. Năm 1968, bà quyết định dời Cô nhi viện Phước Lộc Thọ về Quan Âm Tu Viện và cử sư Thiện Chơn trụ trì Quan Âm Tu Viện. Bên cạnh đó, bà tham vấn cho Hội đồng Chư tăng triệu tập Đại hội lần thứ I, thành lập Giáo đoàn du tăng Khất sĩ Non Bồng (Giáo đoàn II) nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.
Năm 1969, bà sang Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông nghiên cứu tham khảo việc xây dựng một số tự viện ở các nước đó rồi trở về hoàn thiện Quan Âm Tu Viện mang phong cách Việt Nam. Năm 1974, bà được Hồi đồng Trưởng lão, Hội đồng chư tăng chư ni suy tôn Giáo phẩm Ni trưởng trong Tông môn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Bà được phó chúc Trưởng tử Non Bồng trước sự chứng kiến của Hội đồng trưởng lão và Hội đồng Tăng lữ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.
Ngoài việc thuyết pháp cho tăng ni ở chùa Long Sơn, chùa Nhất Nguyên Bửu, Quan Âm Tu Viện, Tịnh xá Thắng Liên Hoa... thì bà còn thường xuyên giảng kinh thuyết pháp cho hàng vạn tín đồ Phật tử. Bà còn được mời làm Phó đàn chủ, Giáo thọ A Xà Lê, Giám khảo tại các giới đàn do Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai tổ chức. Hiện nay, bà là Ủy viên Ban từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Viện chủ kiêm trụ trì Quan Âm Tu Viện. Ngoài ra, Ni tưởng Huệ Giác còn nhiều các hoạt động như vận động xây dựng, trung tu các Tự viện như chùa Long Phước Thọ, Tổ đình Linh Sơn, thành lập Cô nhi viện Phước Lộc Thọ, Cô nhi viện Từ Ai... Ni trưởng đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 2001; Huân chương lao động hạng III năm 2013; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc năm 2015...
2. Tôn chỉ và phương pháp tu tập của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng
Nhằm hướng dẫn cho tín đồ giác ngộ, giải thoát, ngay từ thuở ban đầu thành lập Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý đã “dùng yếu chỉ của Tịnh Độ làm tâm tông độ chúng, không lập phái để quản chúng, không dùng giáo quyền để hành đạo lấy cương minh Tịnh Độ làm cương lĩnh, dùng pháp môn tu tứ nhiếp pháp và ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà giáo hóa chúng”[8]. Sau này, Hòa thượng Thích Giác Quang giảng rõ hơn như sau: "Yếu chỉ tu Tịnh Độ trong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là hạnh nguyện, lời phát nguyện tĩnh tu, lời phát nguyện niệm Phật, lời phát nguyện cứu đời, lời phát nguyện giúp đời cứu người bằng mọi phương diện trong đời sống đạo"[9]. Ông cho rằng, nguyện là Nguyện ba la mật. Nghĩa là "Ý chí của bậc Bồ tát cầu thành Phật để độ chúng sanh, hay độ chúng sanh xong rồi mới thành Phật, hay là vừa tu vừa độ chúng sanh; cũng chính là ý chí siêu việt của con người"[10].
Phương pháp tu tập của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, ngay từ đầu Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý đã đặc biệt chú trọng các nghi lễ Tịnh Độ. Ông thường xuyên khai thị các nghi lễ như: Lễ bái niệm Phật, phát nguyện niệm Phật, kinh hành niệm Phật, sám hối trong ba tháng, lục thời tụng kinh… Nổi bật nhất là khóa niệm Phật “Bá nhựt trì danh”, “Phát nguyện niệm Phật” và “Lễ bái niệm Phật”.
Khóa Niệm Phật "Bá nhựt trì danh" không chỉ được xem là tông chỉ tu hành đặc sắc nhất của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng mà còn là "hạnh tu của nhà sư Tịnh Độ Non Bồng"[11]. Khóa Niệm Phật này kéo dài trong 100 ngày, bắt đầu vào lúc 21 giờ ngày mùng 8 tháng 8 đến ngày 17 tháng 11âm lịch hàng năm, tức đúng ngày kết lễ vía Phật A Di Đà. Trong 100 ngày này, tăng ni, Phật tử ngày đêm niệm Phật không ngừng nghỉ. Theo đó, cách thức hành trì trong khóa Niệm Phật này được Hòa thượng Giác Quang miêu tả rất rõ: "Cứ như thế mọi người chậm rãi hòa nhịp từng bước đi... Đến ba mươi phút kế tiếp các Liên hữu cùng đứng lại theo thứ lớp niệm Phật, những tiếng niệm "Nam Mô A Di Đà Phật" - rồi đến ba mươi phút kế tiếp lại quỳ niệm Phật (người lớn tuổi thì ngồi cũng không sao!) và 30 phút sau cùng, trong đó 15 phút tiếp tục ngồi niệm Phật, còn mười lăm phút cuối chuẩn bị thay đổi người niệm Phật trong hai giờ tới... Theo phép niệm Phật thì dù kinh hành hay đứng, quỳ, ngồi niệm Phật đều niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mọi người đồng niệm, âm thanh thật hòa điệu, phong cách thật uy nghiêm với những chiếc áo giải thoát, tạo nên dáng vẻ uy nghiêm như tượng vương cho mỗi người con Phật tham dự khóa tu"[12]. Còn người tham dự niệm Phật thì "bao giờ cũng phải chấp tay gọi là hiệp chưởng, là phong cách chính của người Phật Tử, cũng là tính cách đặc biệt của người Phật giáo. Theo phong cách hiệp chưởng của Tịnh Độ Non Bồng thì "hai ngõn tay cái xếp lên nhau" đấy là phong cách riêng của Phật Tử Non Bồng biểu hiện "một niềm tin vững vàng, không lùi bước", trước những khó khăn gian khổ"[13]. Cội nguồn của khóa Niệm Phật “Bá nhựt trì danh” cầu sinh Tịnh Độ do Hòa thượng Khánh Anh[14] khai sáng tại Phật học đường Lưỡng Xuyên (Lưỡng Xuyên Phật học đường), ở huyện Trà Ôn, tỉnh Trà Vinh. Theo Hòa thượng Thích Giác Quang cho biết "Năm 1934, Đức Pháp Chủ thượng Khánh hạ Anh, mở trường Phật Học Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh, nơi đây đã khai sơn hoằng truyền pháp môn niệm Phật, mở khóa "Niệm Phật Bá Nhựt Trì Danh"[15]. Sau này, Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý kế nối, tiếp tục mở các khóa tu cho tăng ni, Phật tử. Đến tận ngày nay, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng luôn lấy phương pháp tu tập này làm căn bản.
Phương pháp thực hành “Phát nguyện niệm Phật”, được xem là tông chỉ thứ hai của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Phương pháp thực hành này đòi hỏi tín đồ phải dốc lòng kính tín Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng), tôn thờ Phật Thích Ca Mâu ni, Phật A Di Đà và Bồ tát Quán Thế Âm. Vì thế, tinh thần từ bi cứu khổ thẫm đẫm trong thực hành của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, đó là thực hành thiện nghiệp. Cho nên “khi làm Phật sự nào cũng phát nguyện nghiêm túc nguyện tu, nguyện hộ trì, nguyện làm lành bất thối chuyển nguyện làm con Phật bất thối chuyển, nguyện xuất gia bất thối chuyển”[16]. Theo quy định của hệ thống tự viện thuộc Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, thời điểm thực hành nghi lễ “Phát nguyện Niệm Phật” được quy định vào 23 giờ mỗi ngày, đối với Phật tử tham dự khoảng 15 – 30 phút, còn đối với tín đồ là 60 phút. Sau khi phát nguyện xong thì hồi hướng. Không một ai ngủ nghỉ trong giờ thực hành phát nguyện niệm Phật.
Phương pháp thực hành “Lễ bái niệm Phật” được xem là tông chỉ thứ ba của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Song, phương pháp này thường áp dụng cho những người tu tập trên núi. Lễ bái niệm Phật về hình thức là quỳ “năm vóc sát đất” thành tâm kính lễ. Nhưng cũng có khi đứng lạy, quỳ lạy, người già yếu thì ngồi lạy. Đối với tư thế đứng lạy, hai bàn chân phải khép sát vào nhau, hai ban tay chắp vào nhau, hai ngón cái xếp lên nhau. Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng quan niệm “Đôi bàn chân đứng theo hình chữ “nhất” biểu hiện cho nội lực vững vàng, không ngả nghiêng, ngã ngửa, dễ dàng đưa hành giả đạt đến chỗ nhất tâm, nghiêm túc giữ gìn giới pháp Phật, hai ngón tay cái xếp lên nhau biểu hiện cho sự tinh tấn, kiên tâm trì chí, tâm chí vững bền, tu hành bất thối chuyển”[17]. Khi tín đồ, Phật tử lạy thì niệm Di Đà lục tự và khi đứng lên niệm Di Đà lục tự. Người phát nguyện phải thực hành từ 3 lạy (Lạy Tam Bảo) đến 12 lạy (12 câu nguyện Nam mô An dưỡng quốc, 12 câu nguyện Quán Thế Âm…), 48 lạy (lạy 48 đại nguyện của Phật A Di Đà), 108 lạy (vừa lạy vừa niệm Phật). Khi thực hành “Lễ bái niệm Phật” có vị Duy na điểm chuông gia trì thật chậm cho tín đồ, Phật tử (Liên hữu) lạy Phật. Thời gian trong một ngày tăng ni, Phật tử trong chùa lễ bái hai lần vào buổi sáng và buổi chiều. Hoặc tập thể cùng nhau hành lễ, hoặc từng cá nhân, nhưng tất cả đều phải mặc áo tràng chỉnh tề. Việc thực hành “Lễ bái Niệm Phật” rất được chú trọng trong các thời gian nhập thất của tín đồ trong 7 ngày, 21 ngày hoặc 49 ngày, 100 ngày. Bên cạnh đó, liên hữu Tịnh Độ Non Bồng cũng thường xuyên lễ sám kinh Dược Sư, lạy Vạn Phật, lễ sám Ngũ Bách Danh…thậm chí lễ cả người già cả trong ngày lễ Vu lan, thể hiện tinh thần nhân văn hướng thượng của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.
3. Cơ cấu tổ chức của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng
Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng ngày nay là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sinh hoạt dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Song, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có cơ cấu tổ chức "nội bộ" riêng, nhằm đặt kết quả cao nhất trong sinh hoạt Phật sự và những hoạt động xã hội. Theo Bản nội quy Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng thì cơ cấu tổ chức bao gồm Hội đồng tông phong và Ban chấp sự Hội đồng tông phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng; Chùa Linh Sơn là Tổ đình của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, tọa lạc tại núi Dinh (núi Bồng Lai hay núi Bao Quan) thuộc ấp Phước Thành, xã Hội Bài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Quan Âm Tu Viện là trung tâm hành chính, thuộc ấp Tân Bản, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Tông trưởng là người nắm vững tông phong, sống đạo đức, có uy tín với tăng ni, Phật tử trong và ngoài tông phái và phải được Hội nghị toàn thể tăng ni, Phật tử suy tôn. Hiện nay, Tông trưởng là Ni trưởng Huệ Giác.
Hội đồng tông phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng bao gồm 4 thành phần nhân sự là: Chư tăng, Chư ni, Cư sĩ nam và Cư sĩ nữ. Ngoài ra, nếu Tịnh nhân Cư sĩ có phẩm hạnh tốt cũng được chọn cử vào Hội đồng. Về số lượng thì tùy theo nhu cầu và do Hội nghị bàn bạc.
Ban chấp sự do Hội đồng suy cử tại Hội nghị Hội đồng tông phong. Ban chấp sự bao gồm:
1. Chứng minh: Đức Sư Ông Bửu Đức; Đức tông chủ Thiện Phước;
2. Tông trưởng (hiện nay): Ni trưởng Huệ Giác
3. Thành phần ban chấp sự: Cố vấn; Giám Luật Tăng; Giám Luật Ni; Tổng Thư ký; Ban Tăng sự; Ban Hoằng pháp; Ban Thế học và Phật học; Ban Nghi lễ; Ban Từ thiện Xã hội; Ban Trang nghiêm; Ban Nông Thiền; Ban Nghiên cứu Học Phật & Văn hóa Nghệ thuật; Ban Dược Sư; Ban Bảo trợ; Ban Kiểm soát.
Như vậy, Ban chấp sự Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng gồm 02 chứng minh; 01 Tông trưởng và 15 chức danh. Tại các Tự viện của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng trên cả nước, nếu lập riêng Đạo tràng Phật tử thì có nội quy sinh hoạt riêng trong phạm vi nội bộ Tự viện, nhưng không làm mất quy củ Tông phong và phải phụng thờ Đức Tông chủ Tôn sư.
Về nhân sự, Ban chấp sự được bổ sung do nhu cầu Phật sự hoặc nhân sự khuyết tại hội nghị họp mặt hàng năm.
Các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật Đường, Am, Cốc, Điện thờ Phật của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đều phụng thờ: Chứng minh Đạo sư Đức Sư Ông Bửu Đức; Tông chủ Thiện Phước Nhựt Ý; Kế thừa tông chủ là Ni trưởng Huệ Giác.
Giáo phẩm là chư vị Hòa thượng 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo thì được Hội Đồng Tông phong xét tấn phong; Thượng tọa 40 tuổi đời, 20 tuổi đạo được Hội Đồng Tông phong xét tấn phong; Việc tấn phong giáo phẩm của chư Ni được áp dụng theo quy chế chư Tăng; và hàng đại chúng bao gồm: Đại đức; Sa di, Sa di ni; Thức xoa, Tịnh nhân[18]. Phật tử gồm: Bổn đạo là những người quy y tại chùa thuộc Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng; Tín đồ Phật tử phát tâm quy y và Tín đồ tìm học và có khái niệm về Phật pháp.
4. Một vài tổ đình tiêu biểu của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng
- Tổ đình Linh Sơn, tọa lạc khoảng giữa núi Dinh, trong quần thể núi Dinh cao 591 mét. Trong quần thể núi Dinh có các hang động, bên trong là các ngôi chùa như chùa Hang Mai, chùa Hang Tổ, điện Hàm Rồng[19]. Mặt trước chùa Linh Sơn nhìn ra biển và núi Ông Trần; mặt sau giáp núi Hang Tổ, núi Bao Quan và núi Long Mai (Hang Mai); phía Nam giáp Suối Tiên vì mùa mưa nước trong mát, tạo phong cảnh đẹp, nhưng mùa khô không có nước nên còn gọi là Suối Đá; phía bắc giáp núi Bồng Lai, núi này có suối Bồng Lai chảy từ núi Long Mai xuống chân núi Dinh ra đến cầu Rạch Ván và Chu Hải. Như thế, chùa Linh Sơn tọa lạc trên một vị trí đắc địa, lại là nơi có nhiều cây gỗ quý như Dầu, Sao, Săn Đá, Cẩm Lai, Huỳnh Đàn... Đồng thời, đây cũng là nơi có nhiều loài thú quý hiếm như hổ, vượn, khỉ... tạo cảnh thanh vắng, u tịch, thích hợp cho việc tu hành. Tương truyền, Hòa thượng Thi (1814-1852) là người khai sơn lập chùa đầu tiên; Ngài Yết Ma Đối (1853-1876) và ngài Yết Ma Sanh (1877-1895) tiếp tục xây dựng; Ngài Giáo Thị Nhi (1895-1913) trụ trì gần 20 năm tiếp tục tu bổ chùa Linh Sơn; Phật tử Diệu Đường (1914-1926) tiếp nối xây dựng chính điện, lập thêm các am, thất; Hòa thượng Trừng Tát (1926 - 1946), hiệu Phước Như tiếp tục trùng tu chùa và hoằng pháp Mật tông, mở phòng thuốc trị bệnh cứu người. Đến năm 1945, giặc Pháp càn đến núi Dinh đốt phá, chùa Linh Sơn từ đó tiêu điều đổ nát, cây cối rậm rạp quạnh hiu.
Năm 1955, Hòa thượng Thích Thiện Phước (1957-1986), hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai đến núi Dài ẩn tu với Sư Ông Bửu Đức tại chùa Bửu Quang, xã Ba Chúc. Ít lâu sau, Đức Sư Ông khuyên ông về Miền Đông hành đạo. Năm 1956, ông gặp Hòa thượng Hồng Ân Trí Châu và được ban hiệu Nhựt Ý tại chùa Long Sơn. Hòa thượng ở đây qui tụ được rất đông tín đồ Phật tử, khiến chính quyền tỉnh Biên Hòa bấy giờ e sợ nên đã trục xuất ông và môn đồ ra khỏi tỉnh Biên Hòa. Năm 1957, ông và môn đồ về ẩn tu tại chùa Linh Sơn. Tại đây, ông thấy cảnh chùa Linh Sơn điêu tàn bèn cùng môn đồ tôn tạo, tiếp tục khai sơn, xây dựng. Tại đây, ông đã khai sáng hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Để đào tạo tăng tài, ông lệnh cho đệ tử là Ni sư Huệ Giác mở Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo, thỉnh mời chư vị cao tăng về đây giảng dạy giáo lý Phật giáo. Sau đó, ông tiếp tục khai khẩn và tìm những hang động đẹp để làm nơi cho tín đồ Niệm Phật như Bồ Đề Phật Điện, Tào Khê Phật Điện, Bát Tiên Phật Điện…
- Tổ đình Long Sơn: thuộc ấp Tân Ba, xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Năm 1803 chùa là một thảo am, đến năm năm1872 thì Thiền sư Như Tường An Tịch, thuộc phổ hệ Lâm Tế thứ 39 khai Sơn hưng công xây dựng. Năm 1903, Hòa thượng Hồng Ân Quảng Chánh kế nối trụ trì. Năm 1941, Hòa thượng Hồng Ân Trí Châu kế nối trụ trì. Thời kỳ này, Hòa thượng là người nổi tiếng đức hạnh, uyên thâm Phật học, độ được nhiều đệ tử và Phật tử. Đây cũng là thời kỳ sư Thiện Phước đến cầu pháp và được hòa thượng ban pháp hiệu Nhựt Ý.
Ngày nay, chùa tọa lạc trên một khuôn viên rộng 1.500 mét vuông với kiến trúc kiểu dân gian Nam Bộ gồm các công trình chính như tiền điện, chính điện, nhà tổ, giảng đường, và hệ thống sân vườn. Khi Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý trụ trì và phát triển pháp tu Tịnh Độ, lập hệ phái riêng thì chùa Long Sơn đã trở thành một trong các tổ đình quan trọng thuộc hệ thống Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Hiện nay, trong chính điện chùa tôn trí phụng thờ bộ tượng Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí; tiếp đến là bộ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, hai bên là Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền; tượng Thích Ca Sơ Sinh; tượng Ngọc Hoàng ở giữa, hai bên là bộ tượng Tứ thiên vương. Phía trước Phật điện còn bài trí tượng Di Lặc, tượng Chuẩn Đề... Hai bên chính điện bài trí tượng Già Lam, Thập điện Diêm Vương, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp, Dược Sư[20]...
- Tu viện Thắng Liên Hoa: Sau khi Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý cùng môn đồ từ chùa Linh Sơn về xã Hiệp Hòa, tỉnh Biên Hòa năm 1965. Lúc này có hai Phật tử là Tư Hơn và Tư Đâu đã cúng dường đất để xây dựng Tịnh xá Thắng Liên Hoa. Tại đây, Hòa thượng Thiện Phước đã cùng môn đồ và nhân dân đã đắp đường Hiệp Hòa, tu sửa cầu xuống bến đò Long Kiểng. Năm 1976, Hòa thượng Thiện Phước giao cho Thượng tọa Thích Giác Thông trụ trì.
- Tu viện Quan Âm, tọa lạc tại đường Nguyễn Ái Quốc, khu phố 3, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là khu đất do các ông Phạm Văn Hai, Phạm Văn Sức và Phạm Văn Tàu đã cúng dường đất để xây dựng. Ni trưởng Huệ Giác được Tôn sư giao trách nhiệm xây dựng. Sau khi tìm hiểu kiến trúc tu viện ở Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Ni trưởng trở về thiết kế, xây dựng tu viện từ năm 1966 đến năm 1969 thì hoàn thành.
Ngày nay, tu viện Quan Âm ngày nay bao gồm 48 công trình lớn nhỏ chia thành nhiều khu: thờ phụng, học tập, sinh hoạt. Khu vực thờ phụng nổi bật là ngôi chính điện tứ giác lớn có diện tích gần 100 mét vuông. Bên trong tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế thiền định cao 2.5 mét. Sau chính điện còn có các điện thờ Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, tháp thờ Phật Dược Sư, tháp Phật A Di Đà, tháp tượng Bồ Đề Đạt Ma, tháp mộ Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý, tháp mộ Hòa thượng Thích Thiện Chơn, tháp Hòa thượng Thích Giác Châu, nhưng nổi bật nhất là tháp Quán Thế Âm Bồ Tát cao 12 mét. Tu viện Quan Âm có hai phân viện, một phân viện Tăng ở hướng tây và một phân viện Ni ở hướng Đông. Ngoài ra còn có hậu viện, khu an dưỡng...
Tu viện Quan Âm không chỉ là một tổ đình quan trọng của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, mà còn là trung tâm hành chính của hệ phái. Đặc biệt, tu viện Quan Âm còn là cơ sở đào tạo tăng tài không chỉ cho hệ phái mà còn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp. Bên cạnh đó, tu viện Quan Âm còn là một trung tâm từ thiện xã hội nổi tiếng của Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Thường xuyên có những hoạt động trợ gió cho những gia đình gặp khó khăn kinh tế, những gia đình nạn nhân chất độc da cam, những nơi xảy ra thiên tai địch họa... Tu viện Quan Âm cũng là nơi khởi xướng nhiều phong trào an sinh xã hội, chương trình khuyến học, xóa đói giảm nghèo...
5. Đôi lời tạm kết
Thuở ban đầu, các bậc tôn sư khai sáng hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng như Đức Sư Ông, Hòa thượng Thiên Phước Nhựt Ý thường chọn nơi non cao, cảnh trí u tịch để tu hành. Nhưng dần dần, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là sự phát triển của hệ phái mà có sự phát triển về vùng đồng bằng và đến nay trong phạm vi cả nước. Nhiều tự viện, tịnh xá được xây dựng nhằm đáp ứng số lượng và nhu cầu sinh hoạt tu tập ngày càng gia tăng của tín đồ. Bên cạnh đó là công tác từ thiện xã hội ngày càng được Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng chú trọng, nhằm góp phần chia sẻ những đau thương mất mát của con người theo tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam. Ngày nay, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có 170 Tự viện trên toàn quốc, 1.276 Tăng ni và 1.350.000 tín đồ Phật tử trong nước và nước ngoài sinh hoạt theo tông phong và hoạt động theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trên phương diện tôn chỉ và phương pháp thực hành. Có thể thấy, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng dựa trên cơ sở kinh điển pháp tu Tịnh Độ xác lập tôn chỉ tu hành niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh Độ. Nhưng tôn sư khai sáng hệ phái rất chú trọng phát triển các nghi thức hành trì riêng, phù hợp để tín đồ, Phật tử có được sự giác ngộ, giải thoát. Điều này cho thấy, các bậc tôn sư Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng không chấp chặt vào văn tự kinh điển mà có xu hướng mở rộng, lựa chọn những phương pháp tu tập phù hợp với người Việt trong bối cảnh lịch sử nhất định.Bên cạnh đó, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng cũng chú trọng những hoạt động từ thiện xã hội, thể hiện tinh thần của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng nói riêng và của Phật giáo Việt Nam nói chung. Về cơ cấu tổ chức của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, qua bản Bản nội quy Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng chúng ta thấy tổ chức của hệ phái khá đơn giản, song có những quy định lại rất chặt chẽ và tất cả đều hướng tín đồ, Phật tử về cuộc sống đạo hạnh, cứu đời. Các cở sở thờ phụng của hệ phái này cũng rất đa dạng, từ tự viện, tu viện, tịnh xá đến các đạo tràng, am, cốc nhưng sinh hoạt Phật sự và hoạt động xã hội theo đúng tinh thần, tôn chỉ mà Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đề ra.
NCS. Nguyễn Văn Quý
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Tài liệu tham khảo chính
1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Sa môn Thích Đức Nghiệp (Việt dịch, 2004). Tịnh Độ tam kinh, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. HT. Thích Giác Quang (2010). Tịnh Độ giảng lược, Nxb. Phương Đông, Hà Nội.
3. Quan Âm Tu viện (2016). Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng - 57 năm hình thành & phát triển, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
4. Quan Âm Tu Viện - Biên Hòa (2007). Nghi thức tụng niệm, Lưu hành nội bộ.
5. Thích Thiền Tâm (2012). Niệm Phật thập yếu, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
6.http://linhsonphatgiao.com/4/10/2014/lien-tong-tinh-do-non-bong-va-phap-tu.htm
[1]. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Ngô Lợi (Đức Bổn Sư) sáng lập vào năm 1867 tại Ba Chúc, huyện Tri Tôn , tỉnh An Giang.
[2]. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An) sáng lập vào năm 1849 tại xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
[3]. Quan Âm Tu viện (2016). Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng - 57 năm hình thành & phát triển, Nxb. Hồng Đức, tr.31.
[4]. Quan Âm Tu viện (2016). Sđd., tr.39.
[5]. Dẫn theo: HT. Thích Giác Quang (2010). Tịnh Độ giảng lược, Nxb. Phương Đông, Hà Nội, tr.206.
[6]. Đó là Hội Phật giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam do ông Đoàn Trung Còn, pháp danh Hồng Tại sáng lập năm 1949, và được cấp phép hoạt động năm 1955, trụ sở đặt tại chùa Giác Lâm, sau dời về Liên Tông Tự, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh..
[7]. Tam sư thất chứng còn gọi là Thập sư, Thập tăng. Tam sư là 3 vị thầy, Thất chứng là 7 vị chứng minh. Đây là số người phải có đủ trong giới đàn khi truyền giới Cụ túc. Tam sư gồm: 1. Giới hòa thượng là Hòa thượng chính để trao truyền giới luật; 2. Yết ma sư là người chủ trì nghi thức truyền giới. 3. Giáo thụ sư là người dạy về uy nghi tác pháp, hương dẫn, mở đường hiểu biết cho các giới tử. Thất chứng sư gồm bẩy vị tỳ kheo chứng minh cho việc thụ giới. Xin xem thêm luật Tứ phần, luật Ngũ phần và luật Ma ha tăng kỳ.
[8]. Quan Âm Tu viện (2016). Sđd., tr.126.
[9]. HT. Thích Giác Quang (2010). Sđd., tr.197.
[10]. HT. Thích Giác Quang (2010). Sđd., tr.197.
[11]. Quan Âm Tu viện (2016). Sđd., tr.127
[12]. HT. Thích Giác Quang (2010). Sđd., tr.208.
[13]. HT. Thích Giác Quang (2010). Sđd., tr.208.
[14]. Hòa Thượng Thích Khánh Anh (1895-1961), tên thật là Võ Hóa, hiệu Khánh Anh, quê xã Phổ Nhì, tổng Lại Đức, huyện Mô Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1916, ngài quy y thọ giới và tu ở chùa Quang Lộc, tỉnh Quãng Ngãi. Năm 1917, ngài thọ giới Sa di và nghiên cứu Kinh, Luật, Luận rồi thọ giới Tỳ kheo, Bồ tát, pháp hiệu là Khánh Anh. Năm 1927, ngài dạy học tại trường Gia Giáo, chùa Giác Hoa, tỉnh Bạc Liêu; năm 1931 ngài về Trụ trì chùa Long An, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Ở đây, ngài có nhiều đệ tử, Phật tử đến cầu học. Năm 1932, ngài nhận chức Pháp sư giảng dạy ba tháng cho Liên đoàn học xã tại chùa Thiên Phước, Trà Ôn; ba tháng ở chùa Rạch Miễu, tỉnh Mỹ Tho. Năm 1935, ngài nhận chức Đốc giáo tại Phật học đường Lưỡng Xuyên, tỉnh Trà Vinh; hợp tác với Hoà thượng Lê Khánh Hoà, Hòa thượng Huệ Quang để xây dựng cơ sở đào tạo Tăng tài. Hòa thượng viết báo nhằm cổ xúy phong trào chấn hưng Phật giáo. Năm 1940, ngài làm Pháp sư dạy tại chùa Thiên Phước, chùa Linh Phong... Năm 1942, hòa thượng về trụ trì chùa Phước Hậu, quận Trà Ôn, Cần Thơ. Tại đây, ngài mở lớp Phật pháp cho Phật học cư sĩ, cho đến năm 1945 Hoà thượng đến dạy cho tăng ni tại chùa Long Hòa Tiểu Cần, tỉnh Trà vinh. Năm 1946, Hoà thượng nhập thất tại chùa Phước Hậu để nghiên cứu Tam tạng kinh, soạn thảo, phiên dịch rất nhiều kinh sách. Năm 1955, Hội Phật học Nam Việt thỉnh Hòa thượng vào Ban chứng minh đạo sư. Ngày mồng 1 tháng 3 năm 1957, toàn thể Đại hội Tăng, Ni và Phật tử miền Nam tại chùa Ấn Quang suy tôn Hòa thượng lên ngôi pháp chủ để lãnh đạo tinh thần Phật giáo miền Nam. Năm 1959, tại Chùa Ấn Quang, tại Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc lần thứ 2 đã đã long trọng suy tôn Hòa thượng lên ngôi Thượng thủ Giáo hội Tăng già toàn quốc. Hòa thượng luôn luôn niệm Phật để cầu sanh Tây phương. Ngày 30 tháng 1 năm 1961, ngài viên tịch tại chùa Phước Hậu. Nguồn dẫn: http://vncphathoc.com/tieu-su-chu-to/tieu-su-hoa-thuong-thich-khanh-anh.
[15]. HT. Thích Giác Quang (2010). Sđd., tr.208.
[16]. Quan Âm Tu viện (2016). Sđd., tr.127.
[17]. Quan Âm Tu viện (2016). Sđd., tr.128.
[18]. Những người xuất gia tập sự ở Tự viện.
[19]. Tức là Phật Điện Bửu Quang.
[20]. Xin xem thêm:http://linhsonphatgiao.com/4/10/2014/lien-tong-tinh-do-non-bong-va-phap-tu.htm
Từ khóa » Tịnh độ Non Bồng
-
Cung Nghinh Tượng Người Khai Sáng Hệ Phái Liên Tông Tịnh Độ ...
-
LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG - - Chùa Xá Lợi
-
Nội Quy Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng - Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
-
Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng ảnh Hưởng Các Học Phái
-
Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng - Home | Facebook
-
Đồng Nai: Họp Mặt Truyền Thống Tông Phong Tịnh độ Non Bồng Tại ...
-
TIỂU SỬ NI TRƯỞNG THÍCH NỮ HUỆ GIÁC - Phật Giáo Đồng Nai
-
Mô Hình Của Liên Tông Tịnh độ Non Bồng Trong Công Tác Trồng Rừng ...
-
Video: Giáo Pháp Tịnh Độ Non Bồng
-
Ni Trưởng Huệ Giác - Tông Trưởng Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng
-
Lễ Cung Nghinh Và An Vị Tôn Tượng Đức Tôn Sư Thiện Phước - VOV2
-
Mobile - Thiền Tịnh Song Tu - Chùa Vĩnh Nghiêm