'Hệ Số Lây Nhiễm đang Giảm, TP HCM Có Thể Nới Lỏng Giãn Cách ...

"Các biện pháp can thiệp tại TP HCM thời gian qua đã giúp kéo giảm tử vong và cắt giảm dây chuyền lây truyền dịch", Giáo sư Phan Trọng Lân (Viện trưởng Pasteur TP HCM) nói với VnExpress, ngày 21/9.

Hệ số lây truyền Rt từng được Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP HCM và các lãnh đạo ngành y tế đưa ra để phân tích tình hình, họp bàn các phương án chống dịch. Đây cũng là chỉ số được sử dụng ở Đức, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Na Uy, Tây Ban Nha, Hong Kong...

Theo ông Lân, thành phố đã có nhiều ngày tăng cường giãn cách xã hội, xét nghiệm giúp phát hiện nhiều F0 hơn tại các vùng nguy cơ, đặc biệt là vùng xanh (nơi nếu không xét nghiệm diện rộng sẽ bị bỏ sót ca bệnh). Việc này là tín hiệu tốt vì đã phát hiện các trường hợp nhiễm thật trong cộng đồng, đánh giá chính xác mức độ lây nhiễm của từng địa bàn, để từ đó can thiệp sớm hơn, giúp từng khu vực sạch dịch với bằng chứng đáng tin cậy.

Ngoài ra, với hệ thống điều trị 3 tầng, quản lý F0 tại nhà, thành lập các trạm y tế lưu động đã giúp giảm tải công tác điều trị. Việc chuyển tuyến hai chiều được nhanh và hiệu quả hơn, làm giảm nhanh số tử vong liên tiếp và bền vững. Chiến dịch tiêm vaccine cũng được đẩy mạnh đã giúp tăng nhanh tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng.

Viện trưởng Pasteur TP HCM cho rằng, qua ước tính bằng modelling, các biện pháp can thiệp phòng chống Covid-19 áp dụng tại thành phố từ tháng 5 đến tháng 9 đã giúp giảm hệ số lây truyền Rt từ hơn 5 (một F0 lây cho 5 người) xuống 1,03. Điều này có thể xem là đã phòng ngừa được 7,4 triệu ca nhiễm, 740.000 ca nhập viện và 55.000 ca tử vong so với tình huống không áp dụng Chỉ thị 16 (tỷ lệ xét nghiệm thấp và tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người trên 18 tuổi chỉ đạt 50%).

Dựa trên cơ sở tính toán bằng công cụ CovaSim (sản phẩm hợp tác đề tài cấp nhà nước về Covid-19, mô hình đa tác nhân, với các chuyên gia mô hình hóa từ Viện Mô hình hóa Mỹ) để đánh giá diễn biến tình hình dịch tại TP HCM, giáo sư Lân cho biết, sau ngày 15/9, tùy theo các kịch bản nới lỏng với các biện pháp can thiệp khác nhau, diễn tiến dịch sẽ khác nhau.

"Tuy nhiên, nếu nới lỏng giãn cách toàn bộ ngay từ ngày 16/9 sẽ chứng kiến sự bùng nổ dịch Covid-19 với cấp độ lớn hơn đỉnh dịch hiện tại, dù có gia tăng tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 lên 33% vào cuối tháng 9 và 70% vào giữa tháng 10. Khi ấy, Rt có thể nhanh chóng tăng lên 1,85", ông nêu quan điểm.

Theo đó, Giáo sư Lân đề xuất việc nới lỏng giãn cách phải có lộ trình từng bước, chặt chẽ, khoa học bởi hiện nay hệ số lây truyền Rt đang còn trên 1 (1,03). Nếu nới lỏng giãn cách vào ngày 1/10 và tiếp tục thực hiện các giải pháp an toàn, Rt có thể tăng nhẹ lại (1,08) và sau đó sẽ giảm. Còn nếu gia hạn nới lỏng giãn cách đến ngày 1/11 thì Rt sẽ giảm sâu, xuống 0,91, giúp giảm số ca mắc bền vững hơn.

Giáo sư Phan Trọng Lân. Ảnh: Giang Huy.

Giáo sư Phan Trọng Lân. Ảnh: Giang Huy

Cũng dựa trên hệ số lây nhiễm, bác sĩ Phan Hữu Phước (Khoa Y, Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết, Rt thể hiện mức độ lây lan của virus ở thời điểm hiện tại, tăng lên và giảm xuống khi khả năng miễn dịch và các biện pháp can thiệp dịch tễ thay đổi. Khi hệ số Rt lớn hơn 1 thì số ca mắc bệnh tăng lên và ngược lại. Do vậy, dù số ca nhiễm ở TP HCM vẫn còn cao sau hơn 100 ngày giãn cách ở nhiều cấp độ, nhưng xét trên bình diện dịch tễ thì hệ số lây nhiễm Rt đã giảm rõ rệt.

"Với biến chủng Delta, rất khó trông đợi Rt nhỏ hơn 1, dù có can thiệp dịch tễ ở mức cao nhất và đã tiêm đủ liều vaccine", bác sĩ Phước phân tích. Chẳng hạn như Singapore, hệ số Rt hiện nay là gần 1,5 (nghĩa là khoảng 2 người mắc bệnh đang lây nhiễm virus cho 3 người khác), giáo sư Paul Tambyah - Chủ tịch Hiệp hội châu Á Thái Bình Dương về vi sinh và lây nhiễm lâm sàng, cho rằng Singapore có thể dần gỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế, học cách sống chung với dịch bệnh, tiêm chủng cho người cao tuổi và tuân theo các quy tắc phòng dịch; đặc biệt tập trung bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và đảm bảo hệ thống y tế hoạt động tốt dù số ca mắc bệnh tăng.

Theo bác sĩ Phước, hệ số Rt của TP HCM đang nhỏ hơn 1,5 và tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine ở mức hơn 20% (chưa đủ giới hạn đạt miễn dịch cộng đồng) nhưng thành phố vẫn có cơ sở để xem Covid-19 là bệnh đặc hữu và có thể học cách sống chung với Covid-19 một cách an toàn khi thực hiện 6 điều kiện gồm: tiêm vaccine mũi 1 cho trên 95% dân số để giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong; xét nghiệm nhanh Covid-19 định kỳ cho một số đối tượng; quản lý rủi ro; thực hiện tốt 5K; quản lý tiếp xúc và quản lý di chuyển bằng app không dùng giấy đi đường; thiết lập dần môi trường kinh doanh không tiếp xúc, không dùng tiền mặt.

"Lợi điểm của TP HCM hiện tại là hệ số Rt nhỏ hơn 1,5 nên khi mở cửa kinh tế có điều kiện sẽ giúp khôi phục kinh tế mà không làm gia tăng dịch bệnh", ông Phước nhận định và cho rằng 6 giải pháp trên có thể phải áp dụng khá lâu dài đến khi có 80% dân số tiêm đủ 2 liều vaccine, hoặc có thuốc kháng virus hiệu quả qua đường uống.

Giảng viên Khoa Y Đại học Quốc gia TP HCM cũng đồng quan điểm về việc thành phố có thể mở cửa kinh tế từ 1/10, song phải test nhanh kháng nguyên định kỳ trên một số đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao để phát hiện sớm số ca nhiễm, đánh giá hệ số Rt.

Để khống chế dịch hiệu quả, Giáo sư Phan Trọng Lân cho rằng, TP HCM trong thời gian tới cần tập trung xử lý vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, điều trị tại cộng đồng; giữ vững vùng xanh, vùng vàng. Ngoài ra, cần triển khai thiết lập hệ thống giám sát xuyên suốt, thống nhất để có thể bảo đảm dữ liệu mắc, chết, độ nặng, tỷ lệ xét nghiệm các loại luôn sẵn có, đầy đủ, thống nhất, giúp phát hiện kịp thời xu hướng dịch bệnh, đồng thời đánh giá được tình hình dịch bệnh.

Các hệ thống giám sát chủ yếu cần thiết lập gồm: ca bệnh tại cơ sở y tế; trọng điểm tại cơ sở y tế và cộng đồng; cộng đồng định kỳ tại các vùng nguy cơ tiếp xúc cao. "Việc giám sát ca bệnh cần kết hợp chặt với hoạt động điều tra, truy vết hiệu quả và thần tốc. Đây là một trong các năng lực đáp ứng dịch chính yếu mà WHO yêu cầu phải có trong các tình huống dịch Covid-19", ông Lân phân tích.

Việc cốt lõi thứ hai cần làm, theo ông, TP HCM cần nhanh chóng tiêm vaccine mũi 2 cho tất cả những người trong nhóm có nguy cơ cao, bao gồm người già, người có bệnh nền.

TP HCM đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ kể từ ngày 31/5, trong đó có 22 ngày siết chặt theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó". Chính quyền thành phố đang tính toán các phương án dần mở cửa để phục hồi kinh tế xã hội. Trong đó, thành phố dự kiến áp dụng thẻ xanh Covid cho người đã tiêm vaccine, người mắc Covid-19 hoàn thành cách ly.

Các địa bàn cơ bản kiểm soát được dịch như quận 7, Củ Chi, Cần Giờ, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp và Ban quản lý Khu công nghệ cao đang thí điểm 2 tuần thẻ xanh Covid gắn với mã QR cá nhân qua ứng dụng Y tế HCM để kiểm soát việc đi lại, tham gia hoạt động sản xuất an toàn, cùng với thực hiện 5K và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ cho người dân, từ sau ngày 15/9.

  • Chuyên gia ủng hộ cấp 'thẻ xanh Covid' cho người tiêm một mũi vaccine
  • TP HCM điều trị F0 thế nào sau ngày 15/9
  • Chứng nhận F0 khỏi bệnh sẽ là điều kiện để cấp 'thẻ xanh'

Lê Phương

Từ khóa » Hệ Số Lây Nhiễm Covid