Hệ Song Bằng Cambridge Là Gì

1) Cái tên song bằng

cô Dương chia sẻ

Song bằng là khái niệm sai về bản chất. Tôi không rõ các trường thực hiện và A Level có sử dụng thuật ngữ này chính thức không, nhưng cần làm rõ để tránh hiểu lầm. Khi học sinh thi các môn A level đạt yêu cầu sẽ được cấp Chứng nhận Giáo dục (General Certificate of Education), ghi nhận số môn thi và điểm thi của từng môn. Như vậy, giấy chứng nhận của mỗi học sinh có thể không giống nhau tuỳ thuộc vào số môn thi. Môn nào thi không đạt yêu cầu sẽ không được ghi trong giấy chứng nhận, thí sinh thi không đạt yêu cầu tất cả các môn sẽ không có giấy chứng nhận, và chỉ có báo cáo điểm. Như vậy giấy chứng nhận này hoàn toàn không tương đương với Bằng Tú tài tốt nghiệp phổ thông trung học.

Anh QM phản hồi

Về nhận định song bằng sai về bản chất là không hợp lý. Song bằng ở đây được hiểu nếu học sinh theo học cả chương trình phổ thông Việt Nam và chương trình phổ thông Cambridge thì sẽ có cơ hội nhận được 2 văn bằng. Cách hiểu về văn bằng của mỗi người có thể khác nhau, nhưng để kết luận A Level có phải văn bằng của Anh quốc hay không, thì nên theo quy định pháp luật. Dựa trên Khung Trình Độ Quốc gia Regulated Qualifications Framework của Anh quốc, A Level là một văn bằng quốc gia (national qualifications) (thuộc Level 3 và được quản lý bởi Ofqual). Còn tất nhiên, việc học sinh không đạt yêu cầu về điểm sàn thì sẽ không được cấp bằng/chứng chỉ môn. Điều này áp dụng với cả chương trình Việt Nam.

2) Về A Levels

Các chương trình quốc gia thường có đặc thù riêng, theo tính chất của từng hệ thống giáo dục quốc gia. Ở Việt Nam, phụ huynh thường hiểu học sinh hoàn thành phổ thông (tốt nghiệp THPT) nghĩa là đủ điều kiện xét tuyển vào Đại học. Tuy nhiên ở Anh, việc hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông không đồng nghĩa với việc đạt đủ điều kiện xét tuyển vào Đại học (về kiến thức và kỹ năng). Giáo dục phổ thông (giai đoạn cơ bản) ở Anh là từ lớp 1 tới lớp 11, và học sinh được nhận chứng chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông GCSE. Với GCSE, học sinh có thể nộp hồ sơ đi học nghề, đi làm, cao đẳng hoặc các khoá chuyển tiếp liên thông lên Đại học. Học sinh ở Anh cũng không có xu hướng phải vào Đại học bằng mọi giá ngay khi kết thúc phổ thông nên cấu trúc này phù hợp với đặc thù của Anh. Học sinh xong GCSE có định hướng vào luôn Đại học thì có thể học lên Sixth Form (một dạng cao đẳng) để lấy A Levels. Khó thể tìm ra một từ chính xác cho A Levels trong tiếng Việt nhưng hiện nay A Level được một số đơn vị dùng là Chứng chỉ Tú Tài Nâng Cao ( dựa trên tính chất văn bằng này cho phép xét tuyển vào Đại học).

Sự phân biệt 2 giai đoạn (cơ bản và nâng cao) này không phải là hiếm nhưng cách thực hiện khác nhau. Ở Mỹ, học sinh hoàn thành phổ thông sẽ được cơ sở giáo dục cấp US High School Diploma, và đây là điều kiện tối thiểu để đi học nghề, cao đẳng hoặc đi làm. Nếu học sinh muốn vào Đại học thì sẽ cần phải học thêm AP/Honours hoặc SAT/ACT ngay trong lúc học chương trình phổ thông. Ở một số nước khác, thì chọn cách quy đổi mức điểm mà học sinh đạt được ở bậc phổ thông ra điểm đầu vào Đại học (UEP ở New Zealand hoặc ATAR ở Úc) và dùng nó để xét tuyển vào Đại học (theo kiểu 2 trong 1). Nếu học sinh chỉ đạt điểm qua môn thì sẽ không đủ điều kiện xét tuyển/trúng tuyển để vào Đại học. Ở Việt Nam, gần đây Bộ cũng ra chương trình giáo dục phổ thông mới, qua đó phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

3) Về IGCSE

Em hoàn toàn không đồng tình với nhận định IGCSE là một sự lãng phí hoàn toàn nếu không có A Levels. Đúng là ở Việt Nam, IGCSE sẽ không có nhiều giá trị và nếu học sinh Việt Nam (với tư duy luôn vào Đại học khi hết phổ thông) thì nên học lên A Levels khi đã hoàn thành xong IGCSE.

Nhưng để kết luận lãng phí hoàn toàn thì không hẳn. Nếu học sinh có ý định du học, với IGCSE học sinh sẽ có rất nhiều con đường/lựa chọn, bao gồm BTEC, Foundation year, Access to HE Diploma, Ngoài ra, với chứng chỉ trung học phổ thông IGCSE từ 5 điểm C trở lên có thể được coi là tương đương US High School Diploma, và là điều kiện xét tuyển tối thiểu để nộp hồ sơ vào các trường cao đẳng cộng đồng. Thêm vào đó, theo cấu trúc chương trình hiện tại, học sinh Việt Nam thường hoàn thành đủ số môn/đầu điểm trong chương trình trung học phổ thông IGCSE khi hết lớp 10 (hoặc thậm chí sớm hơn). Nghĩa là IGCSE sẽ đem tới lợi thế 1-2 năm so với 1 bạn học sinh Việt Nam theo học chương trình Bộ giáo dục (thường yêu cầu hoàn thành lớp 11 mới có thể được học Dự bị Đại học) nếu trường đó không có giới hạn độ tuổi tối thiểu.

Ngoài ra, mặc dù bản chất chương trình A Level có số môn rất đa dạng, không phải trường nào cũng cung cấp list môn phù hợp với một số định hướng ngành nghề. Và việc học không đúng môn ở A Levels mới là một điều lãng phí. Thêm vào đó, chất lượng giảng dạy A Levels của nhiều trường cũng là dấu hỏi lớn và có thể ảnh hưởng tới kết quả học tập. Do đó, lộ trình IGCSE-Foundation không phải là lựa chọn tồi.

4) A-Levels và Foundation

Mặc dù đều là những lựa chọn sau khi kết thúc phổ thông GCSE, A Levels khác với Foundation. Về cấu trúc, học sinh muốn lấy A Levels thì thường phải dành tối thiểu 2 năm (có thể học intensive một năm nhưng sẽ nặng), và học từ 3-4 môn. Còn với Foundation, thông thường học sinh phải học từ 8 môn trở lên trong vòng 8-12 tháng. Đơn vị giảng dạy Foundation đa phần là các trường Đại học, do đó Foundation là văn bằng thuộc Hệ thống FHEQ (Frameworks for Higher Education Qualifications). Có 2 dạng Foundation là one-to-one (học Dự bị rồi lên thẳng trường Đại học đó), và one-to-many (học xong Dự bị nhưng có thể apply vào nhiều trường Đại học). Thêm vào đó, có một số trường/chuyên ngành không có Foundation pathway, mà bắt buộc học sinh phải có A Levels thì mới được xét tuyển. Như em đã nhiều lần chia sẻ, con đường nào cũng có ưu nhược điểm. Quan trọng ở đây là Best Fit với định hướng, năng lực và learning style của học sinh.

5) Song bằng hợp lý khi nào?

Nhiều ý kiến cho rằng Song bằng ở bậc phổ thông là không cần thiết vì quá tải cho học sinh. Cách đây 3-4 năm, em cũng đã từng suy nghĩ như vậy. Đặc biệt là khi các trường đang triển khai cộng cơ học dạy song song hai chương trình, mặc dù trong một số môn học, độ phủ kiến thức có sự trùng lặp.

Tuy nhiên, vẫn có thể tồn tại một mô hình song bằng hợp lý. Chị Dương Mai nêu ví dụ tại Trung Quốc khi Bộ giáo dục TQ xây dựng lại cấu trúc chương trình phổ thông theo hướng linh hoạt, cho phép học sinh có thể vừa hoàn thành A Levels và tốt nghiệp phổ thông.

Tại Việt Nam, theo Nghị định 86 năm 2018 về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, Bộ giáo dục cho phép các cơ sở giáo dục xây dựng một chương trình giáo dục tích hợp, qua đó bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục nước ngoài. Chương trình tích hợp không bắt buộc học sinh phải học lại cùng nội dung kiến thức, qua đó giảm tải cho học sinh. Và về lý thuyết, một chương trình tích hợp đúng nghĩa (được xây dựng đáp ứng mục tiêu của 2 chương trình giáo dục) thì sẽ trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để người học đạt được song bằng (việc học sinh có thi để lấy 2 bằng hay không hoàn toàn là quyết định của gia đình). Ngoài ra, chương trình phổ thông mới của Bộ cũng được xây dựng theo hướng giảm tải (cả về kiến thức và giờ học), do đó các trường sẽ có nhiều room để xây dựng chương trình tích hợp hơn. Như vậy, có thể hi vọng chương trình tích hợp (theo định hướng song ngữ) có thể chính là chìa khoá của song bằng tại Việt Nam.

Tuy nhiên chương trình tích hợp cũng không có nghĩa là cắt cơ học. Ví dụ như nếu đã học Toán Cambridge thì bỏ Toán Việt Nam hoặc ngược lại. Dù có sự trùng lặp lớn về phổ kiến thức trong các môn tự nhiên, nhưng chắc chắc sẽ có nội dung khác nhau giữa chương trình Việt Nam và chương trình Cambridge. Thế nên, cắt cơ học không đồng nghĩa với tích hợp.

Để xây dựng một chương trình tích hợp đúng nghĩa đòi hỏi đầu tư về chuyên môn trong việc mapping và matching chương trình giáo dục, cũng như đào tạo giáo viên có đủ năng lực và kiến thức để giảng dạy chương trình tích hợp. Ngoài ra, chương trình tích hợp sẽ có thể dễ triển khai ở các trường liên cấp, đặc biệt liên cấp trung học cơ sở phổ thông. Ngoài ra, chương trình tích hợp có thể được xây dựng theo hướng bổ sung cho chương trình Việt Nam. Điều này đòi hỏi, ban chuyên môn phải có am hiểu sâu sắc ưu nhược của từng chương trình. Ví dụ, ở chương trình Cambridge, có nhiều môn học định hướng chuyên ngành mà chương trình Việt Nam không có (hoặc dạy không sâu, như môn Tin). Do đó, việc đưa thêm 1-2 môn trong chương trình Cambridge vào chương trình tích hợp theo hướng tự chọn sẽ giúp học sinh tăng cơ hội định hướng nghề nghiệp trước khi bước vào Đại học. Và với chương trình Cambridge, học sinh có thể lấy chứng chỉ theo môn, nên việc định hướng song bằng vẫn có thể chứng minh tính hợp lý với thực tế.

bài của Anh Nguyễn Quang Minh

Từ khóa » Hệ Song Bằng Là Gì