Hệ Thống Hóa Các Văn Bản Chi Tiết Thi Hành Luật Phòng, Chống Hiv/aids

Theo đại diện cơ quan soạn thảo, qua tập hợp hóa các văn bản do các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành từ năm 2007 đến nay, có 55 văn bản pháp luật đã được ban hành và hiện đang còn hiệu lực điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS trong đó có 46 văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật phòng, chống HIV/AIDS.

Luật phòng, chống HIV/AIDS được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006 và có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2007. Luật phòng, chống HIV/AIDS gồm 6 chương và 50 điều quy định về hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS bao gồm: các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, việc chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV và các điều kiện bảo đảm thực hiện biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Luật phòng, chống HIV/AIDS là văn bản pháp lý cao nhất thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về quản lý hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống HIV/AIDS các cơ quan đã 60 văn bản quy phạm pháp luật tuy nhiên hiện này còn 46 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực được ban hành trong giai đoạn 2007-2016, cụ thể: Chính phủ đã ban hành 04 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 08 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 14 Thông tư liên tịch và 19 Thông tư và 01 Chỉ thị của Bộ trưởng. Bên cạnh đó, còn 09 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS không được ban hành trong giai đoạn trên nhưng vẫn đang còn hiệu lực thi hành.

Về tính kịp thời đầy đủ của việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS đã được thực hiện kịp thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS. Số lượng văn bản ban hành nhiều nhất vào năm 2007 khi Luật phòng, chống HIV/AIDS bắt đầu có hiệu lực điều đó cho thấy văn bản này đã được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm tổ chức triển khai.

Nhìn chung, công tác ban hành văn bản hướng dẫn Luật phòng, chống HIV/AIDS tương đối kịp thời và đầy đủ, đến nay chỉ còn một văn bản chưa ban hành là Thông tư liên tịch của Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể điều kiện công nhận người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều 42 Luật phòng, chống HIV/AIDS. Qua nghiên cứu cho thấy trên thực tế về chuyên môn y tế thì không có bệnh AIDS giai đoạn cuối mà chỉ thực hiện việc phân loại giai đoạn lâm sàng của bệnh AIDS. Chính vì vậy không thể xây dựng được văn bản trên do không cơ sở y tế nào có thể xác định được người bị AIDS giai đoạn cuối.

Bên cạnh đó, mặc dù Luật không có quy định giao cho các Bộ, ngành hướng dẫn nhưng để đáp ứng yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước về truyền thông và huy động cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là trong việc phối hợp liên ngành để tổ chức thực hiện Luật, liên bộ đã ban hành một số văn bản như Thông tư liên tịch số 20/2010/TTLT-BTTTT-BYT ngày 20/08/2010 về việc hướng dẫn việc ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo điện tử đối với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, Thông tư liên tịch 29/2013/TTLT-BVHTTDL-BYT-BCA-BLĐTBXH ngày 30/9/2013 hướng dẫn việc thực hiện biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú.

Ngoài ra, tính kịp thời trong ban hành văn bản còn thể hiện ở việc ban hành văn bản thay thế khi có sự thay đổi về chính sách pháp luật, cụ thể: theo quy định Khoản 2 Điều 7 Luật đầu tư thì điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong khi, một số Thông tư hướng dẫn Luật phòng, chống HIV/AIDS lại quy định các điều kiện kinh doanh như đối với dịch vụ xét nghiệm HIV tại Thông tư số 15/2013/TT-BYT ngày 24/5/2013 hướng dẫn bảo đảm chất lượng thực hiện kỹ thuật xét nghiệm HIV và Thông tư số 42/2013/TT-BYT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2013/TT-BYT ngày 24/5/2013 hướng dẫn bảo đảm chất lượng thực hiện kỹ thuật xét nghiệm HIV và điều kiện đối với cơ sở điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại Thông tư số 12/2015/TT-BYT hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ Y tế đã kịp thời xây dựng và trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh dịch vụ xét nghiệm và dịch vụ điều trị các chất dạng thuốc phiện theo đúng tiến độ của Luật đầu tư.

Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, việc xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước khi có Luật để bảo đảm tính phù hợp với văn bản cấp trên mới ban hành và yêu cầu thực tiễn chưa thực sự kịp thời. Ví dụ: Hoạt động quản lý, chăm sóc, điều trị, tư vấn người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên trước khi Luật phòng, chống HIV/AIDS ra đời được thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 05/2003/TTLT/BCA - BTC - BYT ngày 24/02/2003 của Bộ Công an - Bộ Tài chính - Bộ Y tế hướng dẫn quản lý, chăm sóc, điều trị, tư vấn người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên, học sinh bị nhiễm HIV/AIDS trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý; Thông tư liên tịch số 100/2003/TTLT-BQP - BTC - BYT ngày 22/8/2003 của Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Y tế hướng dẫn quản lý, chăm sóc, điều trị, tư vấn người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên, học sinh bị nhiễm HIV/AIDS trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng quản lý. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có văn bản thay thế mặc dù trên cơ sở các quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 96/2007/QĐ-TTg về việc quản lý chăm sóc, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV và phòng lây nhiễm HIV tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam từ ngày 28/6/2007. Ngoài ra, các văn bản quy định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp tại Điều 46 và chế độ đối với người trực tiếp làm xét nghiệm HIV, quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV tại cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở y tế của Nhà nước, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh trại giam, trại tạm giam tại Điều 47 còn chậm ban hành các văn bản thay thế các văn bản đã được ban hành trước khi Luật phòng, chống HIV/AIDS được ban hành.

Tính chưa kịp thời trong việc ban hành các văn bản còn thể hiện ở việc nhiều quan hệ xã hội mới phát sinh hoặc Luật đã quy định nhưng chưa rõ ràng gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động truyền thông và huy động cộng đồng chưa được hướng dẫn kịp thời. Ví dụ: Luật phòng, chống HIV/AIDS quy định "Cơ quan, tổ chức có hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS đối với người lao động, người đi học" (Khoản 4 Điều 16) nhưng cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS đối với người đi lao động, học tập tại nước ngoài.

Kết luận một số nội dung tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật như Tờ trình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, rà soát một số quy định trong dự thảo có liên quan đến quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người… để có thể chỉnh lý phù hợp, đảm bảo tính hợp hiến của dự Luật./.

Từ khóa » Các Văn Bản Pháp Luật Về Phòng Chống Hiv/aids