Hệ Thống SWIFT Trong Tài Chính Quốc Tế - Báo Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Những ưu điểm vượt trội
SWIFT là viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu. Theo CNN, mạng lưới này hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính trên thế giới sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán một cách an toàn. Năm 2021, mỗi ngày khoảng 42 triệu tin nhắn hướng dẫn chuyển hàng nghìn tỷ USD được thực hiện thông qua nền tảng SWIFT.
Các nhà nghiên cứu gọi SWIFT là “mạng xã hội dành cho các ngân hàng”, vì chức năng của hệ thống này là cung cấp thông tin về việc tiền đang đi đâu. SWIFT không tự thực hiện hoạt động chuyển tiền, mà hỗ trợ các ngân hàng thành viên chuyển tiền cho nhau hoặc trao đổi thông tin. Để trở thành thành viên của SWIFT, các tổ chức tài chính cần đáp ứng đầy đủ điều kiện, bao gồm các văn bản theo yêu cầu của SWIFT và hệ thống kết nối phổ biến nhất. Mỗi thành viên được cấp một mã giao dịch gọi là SWIFT code. Mỗi khi chuyển tiền hoặc trao đổi thông tin cho nhau, các ngân hàng thành viên sử dụng những bức điện được chuẩn hóa dưới dạng các trường dữ liệu, ký hiệu để máy tính có thể nhận biết và tự động xử lý giao dịch.
Trong hoạt động thanh toán quốc tế, các ngân hàng thương mại thường sử dụng ba phương tiện truyền tin chủ yếu gồm thư tín, telex và SWIFT. Thư tín là phương tiện truyền tin được sử dụng từ khi thanh toán quốc tế mới hình thành. Ngày nay, thư tín vẫn được các tổ chức tài chính sử dụng nhưng không còn phổ biến như trước. Telex là phương tiện công cộng, chưa có chuẩn mực chung cho các giao dịch quốc tế và không có sự bảo đảm an toàn cần thiết. Sau khi SWIFT ra đời, đã nhận được đánh giá là khắc phục tốt các nhược điểm của hai phương thức truyền tin theo lối truyền thống.
SWIFT chỉ được sử dụng trong hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính nên tính bảo mật rất cao, nên đến nay chưa ghi nhận trường hợp các hacker tiến công được hệ thống này. Tốc độ truyền thông tin nhanh, cho phép xử lý số lượng lớn giao dịch cũng là ưu điểm vượt trội của SWIFT. Bên cạnh đó, chi phí cho một giao dịch qua SWIFT thấp hơn so các phương thức truyền thống. Quan trọng hơn, khi tham gia SWIFT, các ngân hàng dễ dàng giao dịch với thành viên khác trong cộng đồng tổ chức tài chính toàn cầu dựa theo tiêu chuẩn thống nhất chung trên thế giới.
SWIFT ra đời năm 1973, có trụ sở tại Bỉ và tự tuyên bố là một cơ quan trung lập, được thành lập theo luật pháp Bỉ và tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU). SWIFT được điều hành bởi một hội đồng gồm 25 thành viên, trong đó có Eddie Astanin - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia Nga. Trong một tuyên bố hôm 23/2, SWIFT tiếp tục khẳng định, mạng lưới này là một hệ thống hợp tác toàn cầu trung lập, được thành lập và hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng. Mọi quyết định áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia hay các tổ chức cá nhân hoàn toàn thuộc về các cơ quan chính phủ và các nhà lập pháp có thẩm quyền.
Tác động từ ngắt kết nối
Trước Nga, năm 2012, các ngân hàng Iran cũng từng bị đình chỉ quyền truy cập SWIFT khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan chương trình hạt nhân của Tehran. Theo học giả Maria Shagina của Viện Các vấn đề quốc tế Phần Lan, Iran đã mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% giá trị thương mại quốc tế sau động thái này. Khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với Tehran, Washington đồng thời đưa ra cảnh báo với SWIFT rằng hệ thống này sẽ là mục tiêu của các lệnh trừng phạt nếu không tuân thủ các quy định của Mỹ. Gottfried Leibbrandt, cựu lãnh đạo SWIFT, từng phát biểu ý kiến tại một diễn đàn của Financial Times rằng, mặc dù mạng lưới này độc lập về kỹ thuật, song Mỹ vẫn có thể xử phạt hiệu quả, bởi hơn 40% luồng thanh toán là bằng USD.
Nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, EU tuyên bố sẵn sàng áp dụng những biện pháp trừng phạt toàn diện chưa từng có. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ là vũ khí hiệu quả chống Moscow. Trong một nghiên cứu năm 2021, nhà phân tích Shagina cũng từng chỉ ra việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT sẽ chấm dứt tất cả các giao dịch quốc tế của Nga, gây ra những biến động tiền tệ và khiến dòng vốn đổ ra ngoài cực lớn. Năm 2014, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin từng đưa ra con số ước tính rằng khi Nga bị ngắt kết nối với SWIFT, quy mô nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm khoảng 5%.
Tuy nhiên, Cao ủy phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cảnh báo, EU nên chuẩn bị tinh thần đối mặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, bởi các biện pháp này sẽ gây ra phản ứng dữ dội. Moscow sẽ đáp trả và EU có thể phải trả cái giá lớn hơn nhiều trong tương lai. Theo Financial Times, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cảnh báo các định chế cho vay tài chính có quan hệ với Nga phải chuẩn bị đối phó các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow. Giới quan chức ECB cũng đã tham vấn các ngân hàng về việc họ sẽ phản ứng như thế nào trong tình huống đưa hệ thống ngân hàng của Nga ra khỏi SWIFT.
Theo nhà phân tích Maria Shagina, một khi Nga bị ngắt kết nối khỏi SWIFT, Mỹ và Đức là những nước thiệt hại nhiều nhất do các ngân hàng của hai quốc gia này sử dụng SWIFT thường xuyên nhất để giao dịch với các ngân hàng của Nga. Việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ khiến những tổ chức tài chính gần như không thể gửi tiền vào hoặc ra khỏi Nga, gây ra cú sốc cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài, nhất là những nhà nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt bằng USD. Hãng truyền thông nhà nước TASS của Nga dẫn lời Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Nikolai Zhuravlev cho biết, nếu Nga bị ngắt kết nối với SWIFT, Moscow sẽ không nhận được ngoại tệ, nhưng trước tiên những nhà nhập khẩu, chính là các nước châu Âu, sẽ không nhận được các hàng hóa như dầu, khí đốt, kim loại và các sản phẩm quan trọng từ Nga.
Theo hãng truyền thông DW của Đức, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Năm 2020, khoảng 37% hàng hóa nhập khẩu của Nga đến từ EU và gần 38% hàng hóa xuất khẩu của nước này là sang EU. Khối này phụ thuộc rất nhiều vào Nga về nhu cầu năng lượng khi nhận hơn một phần ba nguồn cung cấp khí đốt và khoảng một phần tư lượng dầu từ Nga.
Hứng chịu những biện pháp trừng phạt của phương Tây sau khi sáp nhập bán đảo Crimea Nga năm 2014, Moscow đã từng bước thực hiện các biện pháp để giảm tác động của khả năng bị loại khỏi hệ thống SWIFT. Nga đã thiết lập một hệ thống thanh toán riêng có tên là SPFS. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, SPFS hiện có khoảng 400 thành viên, nhiều hơn con số 300 ngân hàng và các tổ chức tài chính của Nga sử dụng SWIFT.
Chính phủ Nga trợ cấp để khuyến khích các ngân hàng sử dụng SPFS. Khoảng 20% giao dịch chuyển tiền trong nước Nga hiện được thực hiện thông qua hệ thống này. Tuy nhiên, dung lượng cho nội dung tin nhắn chuyển tiền bị hạn chế và giao dịch qua SPFS chỉ được thực hiện vào ngày làm việc trong tuần. Hiện, chưa có nhiều ngân hàng nước ngoài kết nối với SPFS, do đó hệ thống này không giúp ích nhiều cho Moscow trong thanh toán quốc tế.
Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) cũng được xem là một giải pháp thay thế SWIFT. Nga cũng có thể sẽ phải sử dụng tiền điện tử trong thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, những lựa chọn trên không được xem là sự thay thế hoàn hảo cho SWIFT.
Từ khóa » Hệ Thống Swift Trong Ngân Hàng Là Gì
-
SWIFT Là Gì? Những điều Bạn Cần Biết Về Hệ Thống SWIFT - DNSE
-
Hệ Thống SWIFT Là Gì? Có Vai Trò Thế Nào đối Với Hoạt động Thanh ...
-
[PDF] 1. SWIFT Là Gì?
-
Đôi điều Về Hệ Thống Tài Chính SWIFT - VOV
-
SWIFT Là Gì Và Tác Hại Của Việc Nga Bị Loại Khỏi SWIFT?
-
SWIFT Là Gì? - VietNamNet
-
Giải Pháp ứng Phó Của Nga Trước Rủi Ro Ngắt Kết Nối SWIFT
-
NHẬN TIỀN QUA HỆ THỐNG SWIFT - Ngân Hàng Thương Mại Cổ ...
-
SWIFT Là Gì? Tại Sao SWIFT được Xem Là “Vũ Khí Hạt Nhân Tài Chính”?
-
Mã Swift Là Gì? Danh Sách Swift Code Các Ngân Hàng Tại Việt Nam
-
Hệ Thống SWIFT Và SWIFT CODE Là Gì? - Eimskip
-
Việt Nam Thanh Toán Với Nga Như Thế Nào Nếu Không đi Qua SWIFT?
-
Hệ Thống Thanh Toán Quốc Tế Swift Là Gì? Có Quan Trọng Không - Vietkita
-
Tổng Quan Về Phí SWIFT - The Payoneer Blog