Hệ Thống Thư Viện ĐHQG-HCM: Môi Trường Học Tập Lý Tưởng

Với các tân sinh viên, khi bước chân vào giảng đường đại học, thư viện chính là địa điểm học tập lý tưởng nhất cần tiếp cận ngay trong năm đầu tiên. ĐHQG-HCM gồm 7 trường đại học thành viên, tạo nên một mạng lưới thư viện vừa thống nhất vừa đa dạng, thu hút đông đảo các thế hệ sinh viên đến học tập và nghiên cứu.

Hệ thống thư viện ĐHQG-HCM có nguồn tài liệu phong phú. Ảnh: TL

Nguồn tư liệu phong phú, chất lượng

Để phục vụ mục tiêu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, hệ thống thư viện ĐHQG-HCM có số lượng tài nguyên bản in và tài nguyên điện tử vô cùng phong phú. Riêng tại Thư viện Trung tâm ĐHQG-HCM có hơn 100.000 tài liệu, 70 máy tính phục vụ sinh viên. Tất cả nguồn tài liệu nội, ngoại văn đều được chọn từ những nhà xuất bản uy tín trong và ngoài nước.

Không chỉ Thư viện Trung tâm, mỗi thư viện thành viên đều có nguồn tư liệu đa dạng, chuyên sâu cho từng lĩnh vực đào tạo tại trường. Ở Trường ĐH Quốc Tế, chủ yếu giảng dạy, học tập bằng tiếng Anh nên thư viện trường chủ động mua sách tiếng Anh chuyên ngành từ nước ngoài. Số sách này chiếm hơn 90% tổng lượng sách của thư viện trường.

Thư viện Trường ĐH Công nghệ Thông tin đã số hóa tất cả giáo trình do giảng viên của trường biên soạn. Do đặc trưng của trường, mọi thông tin đều đưa lên môi trường online cho sinh viên tiện theo dõi, tìm kiếm. Còn Trường ĐH Bách Khoa chuyển hầu hết tài liệu giấy từ cơ sở 1 đến cơ sở 2 để xây dựng môi trường thư viện số tại cơ sở 1 tốt hơn.

Điểm đặc biệt của hệ thống thư viện ĐHQG-HCM là sự liên kết chặt chẽ. Theo cô Ninh Thị Kim Duyên - Trưởng Phòng phục vụ độc giả Thư viện Trung tâm, cho biết: “Chỉ cần một tấm thẻ Hệ thống Thư viện, các bạn sinh viên có thể mượn sách từ các thư viện khác nhau trong hệ thống. Ngoài ra, chúng tôi đang tiến hành tích hợp thẻ Hệ thống Thư viện vào thẻ sinh viên, tiên phong là Trường ĐH Công nghệ Thông tin nhằm tạo điều kiện thuận tiện nhất cho sinh viên sử dụng thư viện”.

Bạn Phạm Ngô Hồng Thủy (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Quốc Tế) nhận xét: “Nguồn tài liệu nước ngoài thường bị giới hạn đối với độc giả sinh viên nhưng khi đăng ký thẻ ở đây thì mình truy cập được nhiều nguồn tài liệu hơn, thích hợp cho việc nghiên cứu khoa học”.

Thủ tục đơn giản, phục vụ tận tình

Tuy chứa đựng một khối lượng tài liệu đồ sộ từ bản giấy đến online, nhưng nhờ các máy tính với phần mềm hỗ trợ đặt tại thư viện, sinh viên có thể tìm kiếm được tư liệu một cách dễ dàng. Chỉ cần gõ từ khóa, máy tính sẽ đưa ra một danh sách chi tiết tư liệu đang có trong thư viện. Ngoài ra, các thư viện còn tổ chức những lớp hướng dẫn cho tân sinh viên về cách sử dụng thư viện hiệu quả.

Trường ĐH Công nghệ Thông tin thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về thư viện để thu hút sinh viên. Tham gia cuộc thi, ngoài việc tăng sự hiểu biết về thư viện sinh viên còn được cộng điểm rèn luyện và nhận giải thưởng. Hay tại Trường ĐH Kinh tế - Luật, bên cạnh những buổi hướng dẫn trực tiếp, nhân viên thư viện còn tổ chức các lớp hướng dẫn online cho sinh viên cao học, sinh viên nước ngoài... Trong khi đó, Trường ĐH Quốc Tế chủ động tổ chức những buổi workshop để hướng dẫn người dùng sử dụng phần mềm trích dẫn tài liệu tự động.

Để hỗ trợ sinh viên tốt nhất có thể, các chuyên viên thư viện Trường ĐH Kinh tế - Luật sẵn sàng trao đổi với sinh viên qua email và trang web. Tại thư viện trường này còn có những chuyên viên của từng mảng luật và kinh tế. Ngoài kỹ năng tìm kiếm họ phải có kỹ năng đánh giá thông tin và mức phù hợp của tài liệu để hỗ trợ người dùng.

Vào mùa thi, Thư viện Trường ĐH Bách Khoa mở cửa đến 20 giờ 30 mỗi ngày, kể cả hai ngày cuối tuần để đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Thư viện Trung tâm có cơ sở tại Ký túc xá cũng mở cửa đến 21 giờ 30 nhằm giúp sinh viên có nhiều thời gian hơn để sử dụng thư viện.

Theo cô Trần Thị Hồng Xiêm - Giám đốc Thư viện Trường ĐH Kinh tế - Luật, những người làm việc tại thư viện đòi hỏi dành nhiều tâm huyết và tinh thần trách nhiệm đối với người dùng: “Không chỉ có nguồn tài liệu phong phú là đủ mà phải cung cấp dịch vụ thỏa đáng”.

Sinh viên học tập tại Thư viện Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM. Ảnh: Hoài Thương

An ninh chặt chẽ, không gian mở

Các thư viện trong hệ thống ĐHQG-HCM phần lớn được cấu trúc theo mô hình không gian mở, tự quản lý, tự phục vụ.

Thư viện Trung tâm có không gian rộng lớn gồm ba tầng và phân chia từng khu vực cụ thể cho sinh viên. Không gian được thiết kế theo trình tự từ ồn ào đến yên tĩnh. Tầng ba là khu vực đặc biệt yên tĩnh có những phòng họp, hội trường tạo môi trường làm việc nhóm tối ưu cho người dùng.

Thư viện Trường ĐH Quốc Tế gây ấn tượng với sinh viên bởi thiết kế hiện đại và năng động, đặt biệt là phòng đọc và kho sách không bị ngăn cách. Sinh viên có thể tự do lựa chọn sách và đọc ngay tại chỗ. Trường ĐH Quốc Tế còn đầu tư hệ thống cửa tự động kết hợp hệ thống an ninh nhằm tạo cảm giác thoải mái cho sinh viên đồng thời đảm bảo không bị mất mát sách vở, tài liệu.

Thư viện Trường ĐH Kinh tế - Luật hướng đến thiết kế hiện đại, thân thiện, đơn giản và dễ sử dụng. Không gian trong thư viện được thiết kế dựa trên các yếu tố như thể trạng sinh viên, mục đích sử dụng... Thư viện cũng trang bị những chiếc ghế salon, ghế mềm cho sinh viên nghỉ ngơi sau những giờ học căng thẳng trên lớp.

“Cách sắp xếp bàn ghế tạo không gian vừa riêng tư, vừa thoải mái cho mình học tập. Mình giới thiệu tiện nghi của thư viện với nhóm bạn học, mọi người đều thích không gian nơi đây” - Bạn Võ Ngọc Trâm (Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật) hào hứng chia sẻ.

HOÀI THƯƠNG (Bản tin ĐHQG-HCM số 203)

Từ khóa » Thư Viện Dhqg