Hệ Thống Tín Nhiệm Xã Hội Trung Quốc 'dùng Người Quản Người'
Có thể bạn quan tâm
Người này sau đó sẽ bị cấm bay một vài tháng, thậm chí vài năm. Thực tế, điều đó chưa xảy ra ở nơi nào trên thế giới, trừ Trung Quốc.
Chengxin Chunyun, ứng dụng được sử dụng tại một số cơ quan chính quyền địa phương ở Trung Quốc, cho phép người dùng chụp ảnh những hành khách đi tàu và máy bay ngang bướng, sau đó tải ảnh lên nền tảng dùng chung kèm mô tả về các hành vi không đúng mực, như chen lấn khi xếp hàng, hút thuốc hay đánh nhau. Khi những hành động này được xác minh là đúng sự thật, người bị tố cáo có thể bị cấm đi tàu hoặc máy bay trong tương lai.
Chengxin Chunyun dường như không còn hoạt động, ít nhất là lúc này. Tuy nhiên, nó chỉ là một trong nhiều ứng dụng mà chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực nhằm củng cố vai trò của hệ thống tín nhiệm xã hội trên cả nước.
Truyền thông nước ngoài ví hệ thống tín nhiệm xã hội tại Trung Quốc như Black Mirror - bộ phim lột tả mặt trái của công nghệ, hay hệ thống kiểm soát xã hội tìm thấy trong truyện Nineteen Eighty-Four của George Orwell. Nhưng sự thật phức tạp hơn nhiều.
Hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc thực tế được tạo thành từ nhiều hệ thống nhỏ hơn với mục tiêu nhằm kiểm soát xã hội. "Hệ thống này có thể được mô tả theo cách dễ hiểu nhất là tập hợp cơ sở dữ liệu và thông tin về công dân và các công ty trên toàn quốc. Nó được phân tích và giải quyết vấn đề nhờ công nghệ đi kèm", Kendra Schaefer, Giám đốc mảng nghiên cứu kỹ thuật số tại Trivium China (công ty phân tích chính sách Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh), giải thích. "Hệ thống khác nhau sẽ vận hành không giống nhau, nhưng cùng mục đích là thưởng cho 'cái tốt' và trừng phạt 'cái xấu', thông qua hình thức chấm điểm".
Thế nhưng, nhiều ứng dụng còn có vai trò mở rộng hơn. Không ít phần mềm tạo ra để áp đặt và làm xấu hổ cá nhân nào đó, người mà sau này có thể nằm trong "danh sách đen", nhất là những ai từng không tuân thủ lệnh tòa án. Hình phạt phổ biến nhất dành cho những người này là cấm đi tàu cao tốc, máy bay. Thực tế, hiện 13 triệu người Trung Quốc không được sử dụng các phương tiện công cộng tốc độ cao do bị chấm điểm thấp.
Theo thống kê, có khoảng hơn một tá ứng dụng đang tồn tại ở Trung Quốc cho phép người dùng chúng tìm kiếm "laolai" - những cá nhân không tuân thủ lệnh tòa án hoặc trả nợ muộn. Nổi tiếng nhất trong số này là Laolai Checker, phần mềm hiển thị danh sách "laolai" trực tuyến và cho phép báo cáo theo thời gian thực.
Một tòa án ở miền Đông Trung Quốc thậm chí còn khuyến khích người dân tố cáo người nợ nần hoặc vi phạm bằng cách chạy quảng cáo hình ảnh và thông tin xấu của họ trên trình mini của WeChat, hoặc gửi thông tin này về cho người thân và bạn bè người đó. "Vì nhiều lý do, những ai vi phạm đang nỗ lực thoát khỏi danh sách", Dev Lewis, thành viên nhóm nghiên cứu Internet Digital Asia Hub, cho biết.
Trung Quốc đã nghĩ ra hàng chục loại danh sách đen khác nhau tùy hành vi, từ vứt rác bừa bãi, hút thuốc, ăn uống nơi không được phép, đến truyền bá nội dung cấm trên Internet. Nhiều thành phố của nước này cũng đang thí điểm các phần mềm chấm tín nhiệm xã hội riêng, có quy tắc và thang điểm khác nhau, dù dữ liệu được duy trì bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC).
Chẳng hạn tại Fuzhou, một thành phố ở phía đông nam Trung Quốc, các hành động tình nguyện có thể giúp người dân kiếm 10 điểm, một đảng viên Đảng Cộng sản gương mẫu được 50 điểm, còn nếu nhận đoạt giải thưởng cấp quốc gia thì số điểm lên tới 80, theo số liệu của Trivium. Thế nhưng, nếu bị lỗi vi phạm giao thông nhỏ, một người có thể bị trừ 30 điểm, chủ không trả lương cho nhân viên bị trừ 100 điểm. Còn nếu không tuân theo lệnh của tòa án, lập tức điểm của người đó giảm về 0 và bị đưa vào danh sách đen.
Trong nhiều năm nghiên cứu các hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc, Lewis nhận thấy ứng dụng dạng này có mức độ thành công khác nhau. "Nó giống như chương trình khách hàng thân thiết tại các cửa hàng. Người tích càng nhiều điểm thì sẽ có nhiều đặc quyền, như lấy hộ chiếu nhanh hơn, mượn sách trong thư viện không cần đặt cọc, hay giảm giá khi sử dụng phương tiện công cộng", Lewis nói.
Tuy nhiên, Lewis cũng lo ngại việc chính phủ thu thập quá nhiều dữ liệu, trong đó có nhận dạng khuôn mặt có thể khiến quyền riêng tư bị xâm phạm nghiêm trọng. Ông dự đoán, khối lượng thông tin này nhiều khả năng sẽ dùng cho mục đích khác trong tương lai.
"Hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã hội có thể chết trong tương lai. Mọi người sẽ nhận ra rằng các điểm số không còn hữu ích", Lewis nói. "Thế nhưng, vẫn còn đó bộ dữ liệu đã lưu trữ. Theo thời gian, chúng sẽ được hoàn thiện và đa dạng hơn, dẫn đến sự thú vị trong quản trị kỹ thuật số. Cuộc sống mọi người trở nên dễ dàng hơn hay khó khăn, tất cả dựa vào cách sử dụng khối lượng dữ liệu này của chính phủ".
Như Phúc (theo SCMP)
Từ khóa » Chỉ Số Tín Nhiệm Xã Hội Là Gì
-
Điểm Tín Nhiệm Xã Hội: Lượng Hoá “độ Tốt” Của Con Người? | Quốc Tế
-
Top 14 Chỉ Số Tín Nhiệm Xã Hội Là Gì
-
Các Yếu Tố Tác động đến Xếp Hạng Tín Nhiệm Quốc Gia Và ... - Chi Tiết Tin
-
Hệ Thống Tín Nhiệm Xã Hội Của Trung Quốc Là Gì Và Vì Sao Nó Gây ...
-
Hệ Số Tín Nhiệm Là Gì? Vai Trò Của Công Ty đánh Giá Hệ Số Tín Nhiệm
-
In Bài Viết - Ngân Hàng Nhà Nước
-
Trách Nhiệm Xã Hội Của Doanh Nghiệp (CSR) Là Gì ? Phân Tích Về ...
-
Hệ Thống Tín Dụng Xã Hội – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nâng Cao Hệ Số Xếp Hạng Tín Nhiệm Quốc Gia
-
Trung Quốc Xây Dựng Hệ Thống Khổng Lồ đo “chỉ Số Tín Nhiệm Xã Hội”
-
Lợi ích Khi Thực Hiện Trách Nhiệm Xã Hội Của Doanh Nghiệp - KNA Cert
-
Xếp Hạng Tín Nhiệm Là Gì? Điều Kiện Xếp Hạng Tín Nhiệm 2022
-
Tín Nhiệm Mạng | Trang Chủ
-
Nâng Hạng Tín Nhiệm Tạo Hiệu ứng Lan Toả Cho Nền Kinh Tế