Hệ Tọa độ địa Phương Của Phần Tử Frame - Mr Minh

Hiện tại mình thấy có rất nhiều bạn vẫn đang thắc mắc hay khó hiểu về hệ tọa độ địa phương trong Sap2000 hay trong Etabs. Bài này mình sẽ nói chi tiết hơn về hệ tọa độ của phần từ Frame (dầm, cột ..).

Nói lại một chút về hệ tọa độ địa phương. Nó hệ tọa độ gắn vào mỗi phần tử – nghĩa là mỗi phần tử đều có một hệ tọa độ địa phương của riêng nó . Để hiển thị hệ tọa độ địa phương các bạn chỉ cần sử dụng tổ hợp phím Ctrl + E trong Sap2000 hoặc lựa chọn menu View -> Set Display Option hoặc click vào icon trên thanh toolbar hoặc xem lại video gắn trong bài mà mình đã hướng dẫn trên kênh youtube riêng.

Hệ tọa độ địa phương được thể hiện bởi 3 mầu ứng với 3 trục 1, 2, 3. Trước đây là màu đỏ, trắng và xanh nhưng hiện nay lại là màu đỏ, xanh da trời và xanh lá cây. Nói chung là khó cho một số bạn nhận ra mầu nào ứng với trục nào . Vì kết quả xuất ra là theo 3 trục 1,2,3 chứ không phải theo mấy cái màu sắc đó .

Để giải quyết, tôi viết bài này để giúp các bạn xác định được trục 1,2,3 của phần tử Frame. Vì sao tôi chọn phần tử Frame để giải thích? Vì nó phức tạp hơn 2 phần tử Point và phần tử Shell – 2 phần tử còn lại các bạn xem video sẽ rõ nhé .

Ảnh: Internet

Xác định phương chiều

Mặc định trục 1 của phần tử Frame luôn trùng với trục thanh, có hướng đi từ đầu I đến đầu J. Còn trục 2 và trục 3 có phương chiều xác định phụ thuộc vào loại Frame (cột, dầm hay giằng). Chúng ta sẽ đi cụ thể:

Với Frame thẳng đứng (cot)

Với Frame dạng thẳng đứng – mà thông thường là cột – có những quy ước cụ thể như sau:

  • Trục 1 dọc theo trục thanh, chiều dương cùng chiều với trục Z, hướng lên trên (nếu vẽ phần tử này từ dưới lên trên)
  • Trục 2 vuông góc với phần tử và hình chiếu của nó trên trục tổng thể X sẽ cùng hướng với chiều dương của trục X
  • Trục 3 vuông góc với phần tử và chiều dương của nó được xác định theo quy tắc bàn tay phải dựa theo trục 1 và 2 đã xác định bên trên. Bạn nào chưa biết về quy tắc bàn tay phải thì xem tại đây

Với Frame nằm ngang (dam)

Với các Frame nằm ngang – thường là dầm – nằm song song với mặt phẳng XY. Có quy tắc như sau:

  • Trục 1 trùng với trục thanh. Hình chiếu của trục 1 lên trục tổng thể X thì cùng hướng với chiều dương của trục X. Nếu dầm mà song song với trục Y thì hiển nhiên là không có hình chiếu lên trục X và khi đó chiều dương của trục 1 lại trùng với chiều dương của trục Y
  • Trục 2 vuông góc với phần tử thanh, chiều dương của trục 2 cùng với chiều dương của trục Z hướng lên
  • Trục 3 vuông góc với phần tử và nằm ngang. Chiều dương của trục 3 xác định theo quy tắc bàn tay phải như bên trên đã đề cập .

Với các Frame khác (xien)

Với những phần tử không thẳng cũng không ngang thì quy tắc trục địa phương như sau:

  • Trục 1 vẫn dọc theo trục thanh, chiều dương có xu hướng hướng lên trên. Hình chiếu của trục 1 lên trục Z của hệ tọa độ tổng thể có chiều dương cùng chiều với trục Z, hướng lên
  • Trục 2 vuông góc với phần tử thanh. Mặt phẳng chứa trục 1 – 2 luôn thẳng đứng – tức là vuông góc với mặt phẳng X-Y. Chiều dương có xu hướng hướng lên trên. Hình chiếu của trục 2 lên trục Z có chiều dương cùng chiều với trục Z hướng lên trên
  • Trục 3 vuông góc với phần tử và nằm ngang, được xác định theo quy tắc bàn tay phải.

Xoay trục địa phương

Xoay hệ tọa địa phương hữu ích khi bạn muốn gán tải trọng lên phần tử theo phương bất kỳ . Bản chất của việc xoay hệ tọa độ địa phương là việc xoay trục 2 và 3 quanh trục 1. Làm như sau:

Chọn phần tử Frame cần xoay

Chọn menu Assign > Frame > Local Axes. Trong này có 3 lựa chọn Angle, Rotate by Angle, Orient with Grid System – Applies to Vertical Frame Objects Only các bạn hãy thử và kiểm tra lại nhé.

Mọi câu hỏi các bạn đặt ở phần bình luận, mình sẽ giải thích.

Chúc các bạn thành công!

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Trục Tọa độ địa Phương Trong Etabs