Hè Trên Phá Tam Giang - UBND Thành Phố Đà Nẵng

Có nhiều lối để ra đến phá Tam Giang tại Huế, bởi vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là hệ thống đầm phá thuộc cỡ lớn trên thế giới. Nó được phân bố trên chiều dài ngót 70km, gần trọn chiều dài Bắc - Nam của tỉnh Thừa Thiên Huế. Chúng tôi chọn hướng đầm Chuồn, bởi chỉ non 10km đi xe máy từ trung tâm thành phố Huế là đến nơi. Vả lại, tiện thể ghé qua làng Chuồn đong vài cút “đệ nhất danh tửu”, cặp một vài đòn bánh tét đặc sản lúc nào cũng có ở ngôi làng này.

Đến bến đò Dưỡng Mong, mấy anh bạn thuyền cặp đôi hai chiếc ghe nan, đủ chỗ cho tám người, gắn máy đuôi tôm. Khuôn mặt ai cũng háo hức, bởi trừ hai anh bạn thuyền “thổ địa”, mọi người còn lại chỉ mới lần đầu tiên được rong chơi giữa vùng đầm phá như thế này. Thuyền phăng phăng lướt sóng, nước vỗ tung toé vào người. Anh bạn lái thuyền khéo léo điều khiển thuyền qua các “nò” sáo đan dày như mê cung trên mặt phá, lúc rẽ phải, lúc rẽ trái, chuyển hướng điệu nghệ như một tay lái lụa điều khiển xe hơi qua một thành phố đông đúc với nhiều ngã ba, ngã tư… Chừng 30 phút sau, thuyền đến nơi và cột vào một nhà “chồ”. Việc đầu tiên thú vị nhất là đi giở nò. Chiếc nò hình trụ, được làm bằng tre đan, đặt ở đầu chóp hình chữ V của các tấm sáo trên mặt phá với độ sâu bằng phẳng chừng 2m nước. Anh bạn thuyền bặm môi kéo nò lên, tôm cá thi nhau quẫy đạp. Mọi người háo hức, lăng xăng chuẩn bị cho bữa tiệc đầy hứa hẹn. Mươi lăm phút sau, bữa tiệc đã được bày ra trên sàn nhà chồ… Rượu làng Chuồn được rót ra, mùi ngất ngây của loại “đệ nhất danh tửu” này quyện với mùi cá tươi thoang thoảng hình như đã

Thú vui vùng đầm phá

kích thích bụng dạ mọi người dữ dội. Vừa thưởng thức, vừa xuýt xoa khen ngon, một anh bạn quả quyết rằng ăn con cá trên suốt dọc chiều dài đất nước không ở đâu ngon bằng con cá trên phá Tam Giang bởi nó có mùi… đầm phá. Một anh khác giải thích thêm rằng đó là nhờ mùi rong tảo đặc trưng, chỉ có nơi phá Tam Giang này… Không khí càng lúc càng sôi nổi, hào hứng. Ai cũng thi nhau ăn to nói lớn, thậm chí vớ cây đàn tranh nhau hát như gào lên. Xoong, nồi, chén bát, muỗng, đũa đều trở thành… nhạc cụ, song chẳng ai tỏ vẻ khó chịu vì ở nơi mênh mông trên trời, dưới nước này, gây ồn ào huyên náo chẳng “xi nhê” gì đến… ông trời cả.

“Trăng lên kìa!”. Ai đó nói như reo. Mảnh trăng thượng tuần như được ai đó mắc sẵn trên bầu trời, ánh bạc lấp loá trên mặt nước. Phong cảnh đẹp lạ lùng. Không khí như loãng ra. Mấy cút rượu và bánh tét làng Chuồn đã đưa mọi người lên trạng thái cao hứng rồi nhanh chóng đưa họ vào giấc ngủ sâu. Gió từ biển lùa vào mơn man nhè nhẹ, mang theo cảm giác se lạnh, tạo cho mọi người một ảo giác như mùa hè oi bức đã xa. Ranh giới giữa trời và nước hình như cũng không còn. Chỉ còn tiếng sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền, thi thoảng có tiếng quẫy đạp đâu đó của con hanh, con mú… Mùi mặn mà của biển, mùi rong tảo vừa quen vừa lạ phảng phất đâu đây. Giữa đêm khuya nước trời lồng lộng, tôi không thể xác định được phương hướng nữa. Trạng thái ngất ngây dìu dịu cùng giấc ngủ lành dần đến tạo cho tôi cảm giác lâng lâng mơ hồ như thân thể dần hoà tan vào nơi chốn thanh bình.

(Khánh Ngọc)

Từ khóa » đầm Phá Nào Của Nước Ta được Hình Thành Sớm Nhất