Hiểm Họa Từ Những Chiếc Giếng Sâu - Báo Công An Đà Nẵng

Chìm trong bóng tối, nằm sâu dưới hàng chục mét đất, chỉ với sợi dây cáp thô sơ, phu giếng đối mặt với bao hiểm nguy. Chỉ cần một chút sơ sẩy nhỏ, tai nạn nghề đào giếng là nghề "ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ".

Chỉ cần vài dụng cụ đơn giản, thợ đào giếng đã có thể hành nghề.

Sinh nghề tử nghiệp

Tây Nguyên vào đỉnh mùa khô của năm, mạch nước mặt, kể cả nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Vì thế, cứ qua vài mùa khô, những chiếc giếng phải đào, vét (cảo) sâu thêm vài mét nữa mới có nước. Nghề đào giếng cũng ra đời nhiều năm nay trên mảnh đất cao nguyên. Thế nhưng, năm nào cũng xảy ra những vụ tai nạn lao động thương tâm dưới những chiếc giếng sâu. Có năm, trên địa bàn Gia Lai đã xảy ra vụ 2-3 người trong một gia đình tử vong dưới những chiếc giếng sâu hàng chục mét. Dù biết nguy hiểm, nhưng phu giếng là công việc cho thu nhập khi Tây Nguyên vào mùa khô.

Chỉ cần xà beng, dây, gàu, thuổng... và chút kinh nghiệm là phu giếng đã có thể "khởi nghiệp". Điều đó, rõ hơn ở trong các làng bà con đồng bào dân tộc thiểu số, khi nghề đào giếng được "học lỏm" với nhau mà bỏ qua những vấn đề an toàn lao động khác. Thế nên, nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra khiến nhiều phu giếng đã tử vong.

Gia cảnh khó khăn, hai vợ chồng anh N.V.C (1973) cùng vợ là chị Đ.T.H (1972, cùng trú tại TT Chư Prông, H. Chư Prông, Gia Lai) làm thêm nghề đào giếng nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cứ vào mùa khô, hai vợ chồng lại tất bật với công việc. Dù nhiều lúc thấy nguy hiểm, nhưng vì "miếng cơm, manh áo", 2 vợ chồng anh lại vào nghề mỗi khi có người gọi. Điều rủi ro không may đã đến khi vào chiều ngày 10-5-2019, khi đang đào giếng cho một hộ gia đình trên địa bàn, chị H. tời đất bằng chiếc gầu nặng trĩu từ dưới giếng lên thì bất ngờ sợi dây bị đứt, cả gàu đất nặng rơi từ độ cao hàng chục mét trúng ngực anh C. đang ở bên dưới. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng chỉ vài giờ đồng hồ sau, anh C. đã trút hơi thở bởi cơ thể nhỏ bé không chịu được sức nặng của gàu đất rơi từ độ cao hàng chục mét vào người.

Không chỉ đối mặt với rủi ro trong quá trình đào giếng, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong ở những chiếc giếng cũ. Mới đây, vào sáng 17-4, 2 anh em cọc chèo là Rơ Châm Đeo (1975) và Siu Nghel (1988, cùng trú thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, H. Chư Pưh, Gia Lai) xuống giếng nước của gia đình để nạo vét. Giếng cũ, sử dụng lâu ngày và sâu trên 20m nhưng trước khi xuống đã không được xử lý. Thế nên, cả 2 anh em đều gặp nạn dưới giếng sâu. Dù được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu ngay sau đó nhưng cả 2 nạn nhân đều không qua khỏi. Theo chẩn đoán của bác sĩ thì cả 2 nạn nhân đều bị ngạt khí CO hoặc Nitơ ở dưới giếng.

Nguồn nước ngày càng cạn kiệt vào mùa khô khiến hàng năm phải đào giếng sâu thêm 1-2m mới có nước.

Như "cái bẫy" chực chờ

Theo chân một nhóm thợ đào giếng ở xã Al Bá (H. Chư Sê, Gia Lai), chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến những người làm nghề "ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ" này. Lời ví đó không ngoa khi chiếc giếng đường kính khoảng 80cm, sâu hoắm trên 20m vẫn chưa có nước. Bên dưới, là khoảng tối mà thợ đào giếng dùng từng nhát thuổng để đào đất. Phía trên, chỉ hệ thống ròng rọc thô sơ, lát vài tấm gỗ và sợi dây thừng nhựa múc từng xô đất lên, tất cả đều được độ, chế thô sơ.

Anh Siu Brel (xã Al Bá), kể: Mình đào giếng bấy lâu nay trong làng, cứ mùa khô là đào giếng ở những rẫy thiếu nguồn nước tưới. Đồ nghề của thợ đào giếng cũng chỉ thế này thôi. Nếu có trục trặc thì không biết thế nào. Biết là nguy hiểm nhưng mà không có nước thì phải cố thôi.

Anh Brel kể thêm rằng, nỗi ám ảnh nhất của thợ đào, vét giếng chính là những chiếc giếng đã sử dụng lâu ngày, đậy nắp. Bởi nhìn xuống thấy bình thường nhưng phía dưới đó là "cái bẫy" chết người giăng sẵn. "Nếu không kiểm tra kỹ, thì dưới giếng sâu là khí độc do lá cây tích tụ, lâu ngày không nạo vét. Nhiều người vì chủ quan, không kiểm tra, nhiễm khí độc rồi lịm dần, không kịp kêu lên tiếng nào mà bỏ mạng dưới giếng sâu", anh Brel cho biết. Thế nên, mỗi lần nhận nạo, vét lại giếng cũ, nhóm thợ của Brel thắp đèn cầy thả dần xuống, nếu đèn tắt thì bên dưới đang đầy khí độc. Thợ giếng phải mở nắp giếng, buộc dây vào những nhánh cây thả xuống, kéo lên nhiều lần để thoáng khí và vài ngày sau, nhóm thợ Brel mới dám xuống bên dưới làm việc.

Hiện Tây Nguyên đang vào đỉnh điểm mùa khô, người dân vẫn quay cuồng tìm mọi cách chống hạn cũng như tìm nước sinh hoạt. Khi mực nước ngầm đang sụt giảm nghiêm trọng thì nhu cầu nạo vét giếng cũ ngày càng gia tăng. Thế nên, chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác khuyến cáo người dân về những nguy cơ cũng như phổ biến những kiến thức cơ bản về an toàn lao động nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc trong quá trình đào, nạo vét giếng.

M.T

Từ khóa » Giếng Sâu Hoắm