Hiến Pháp Năm 2013: Nhận Thức Mới Về Quyền Con Người Và Một ...

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thông tin tòa soạn
    • Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tạp chí Tổ chức nhà nước
    • Giới thiệu Lãnh đạo Bộ Nội vụ
  • Thời sự - Chính trị
  • Tin hoạt động Tổ chức nhà nước
  • Chuyên mục
    • Cải cách hành chính
    • Bộ Nội vụ - 80 năm xây dựng và phát triển
    • Cải cách tiền lương
    • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
    • Xây dựng chính quyền địa phương
    • Bạn đọc viết
    • Phòng, chống tác hại của thuốc lá
    • Nghiên cứu - Trao đổi
    • Xây dựng nông thôn mới
    • Thực tiễn - Kinh nghiệm
    • Thi đua - Khen thưởng
    • Nhìn ra thế giới
    • Từ điển Hành chính mở
    • Thông tin - Quảng cáo
Hà Nội, Ngày 26/11/2024
  • Trang chủ
  • Chuyên mục
  • Nghiên cứu - Trao đổi
Hiến pháp năm 2013: Nhận thức mới về quyền con người và một bước tiến về kỹ thuật lập hiến Ngày đăng: 12/09/2014 13:50 Mặc định Cỡ chữ Hiến pháp sửa đổi năm 2013, trong chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có nhiều điểm mới về nhận thức và cách thức thể hiện (kỹ thuật lập hiến) sau đây:

 

Ảnh minh họa: internet
  Một là, đưa chương quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ Chương V trong Hiến pháp năm 1992 về Chương II trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và bổ sung Quyền con người vào tên chương thành: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việc thay đổi vị trí của chương không đơn thuần là một sự dịch chuyển cơ học, một sự hoán vị về bố cục mà là một sự thay đổi về nhận thức. Với quan niệm đề cao chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp, coi quyền lập hiến cao hơn quyền lập pháp, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lập hiến, thông qua quyền lập hiến của mình Nhân dân giao quyền cho lập pháp, hành pháp, tư pháp và các thiết chế độc lập khác, thì quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được xác định ở vị trí trang trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp. Việc thay đổi này là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục đích của sự phát triển. Hai là, Hiến pháp năm 1992 thừa nhận thuật ngữ quyền con người, không đồng nhất quyền con người với quyền công dân, nhưng chưa phân biệt được quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong các quy định của Hiến pháp. Khắc phục thiếu sót đó Hiến pháp sửa đổi năm 2013 không những bổ sung tên chương mà còn có sự phân biệt sự khác nhau giữa quyền con người và quyền công dân. Theo đó, quyền con người được quan niệm là quyền tự nhiên vốn có của con người từ lúc sinh ra; còn quyền công dân, trước hết cũng là quyền con người, nhưng việc thực hiện nó gắn với quốc tịch, tức là gắn với vị trí pháp lý của công dân trong quan hệ với Nhà nước, được Nhà nước bảo đảm đối với công dân của nước mình. Chỉ có những người có quốc tịch mới được hưởng quyền công dân của quốc gia đó, ví dụ như quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý nhà nước. Để làm rõ sự khác biệt này, tham khảo các công ước Quốc tế về quyền con người và Hiến pháp của các nước, Hiến pháp sửa đổi đã sử dụng từ mọi người và từ không ai khi thể hiện quyền con người và dùng từ công dân khi quy định về quyền công dân. Ba là, trách nhiệm của Nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân được đề cao và thể hiện xuyên suốt trong bản Hiến pháp. Ngoài việc quy định thành nguyên tắc: Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”(Điều 14); ở hầu hết các điều của Hiến pháp đều quy định trách nhiệm và bảo đảm của Nhà nước như Điều 17: Nhà nước bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; Điều 28: Nhà nước tạo mọi điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân... Và đặc biệt ở Chương III - Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường đã quy định các chính sách và trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện các quyền về kinh tế - xã hội. Ví dụ, Điều 59, khoản 2 quy định: Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội. Có thể nói Hiến pháp năm 2013 đã có một sự đổi mới sâu sắc về nhận thức. Quyền con người, quyền công dân, theo quan niệm trước đây như là một sản phẩm, một thứ quà tặng từ phía Nhà nước cho công dân, thì hiện nay, theo Hiến pháp năm 2013, gắn liền với từng con người, là của họ mà Nhà nước pháp quyền công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Nhà nước không thể tùy tiện ban phát, tặng cho hoặc thu hồi một cách duy ý chí. Bốn là, lần đầu tiên giới hạn của các quyền được quy định thành nguyên tắc trong Hiến pháp. Theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, có thể hạn chế một số quyền vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức của xã hội, tôn trọng quyền hoặc uy tín của người khác, quyền và tự do của người khác... Hiến pháp sửa đổi năm 2013, theo tinh thần của các công ước quốc tế đã quy định thành nguyên tắc ở Điều 14, khắc phục sự tùy tiện trong việc hạn chế quyền: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Theo đó, từ nay không ai được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nói trên do Luật định. Năm là, một số quyền mới được bổ sung thể hiện bước tiến mới trong việc mở rộng và phát triển quyền, phản ánh kết quả của quá trình đổi mới gần 30 năm qua ở nước ta. Đó là các quyền: Quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43); Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ (khoản 2, Điều 32); Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, hoặc lợi ích quốc gia; tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường (khoản 3, Điều 32). Đây là những quyền mới mà các Hiến pháp trước đây không có. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì công dân có các quyền nói trên là một tất yếu. Vì thực hiện các quyền này gắn chặt với trách nhiệm của Nhà nước, đề cao trách nhiệm của Nhà nước. Sáu là, kỹ thuật lập hiến có nhiều đổi mới. Cách thể hiện có những điều riêng quy định về nguyên tắc như Điều 14, Điều 15. Các điều quy định về quyền, tham khảo các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta là thành viên, nội dung các cách diễn đạt bảo đảm tương thích. Ví dụ như Điều 31 quy định: “1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự Luật định và có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Về quy định này, trước đây chỉ có một điều kiện “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 72 Hiến pháp năm 1992). Như vậy, chỉ cần một điều kiện là có bản án của tòa án đã có hiệu lực thì một người bị coi là có tội và chịu hình phạt. Viết như Hiến pháp sửa đổi năm 2013, một người bị kết tội phải có hai điều kiện: một là, phải tuân theo một trình tự luật định và hai là, có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Viết như vậy mới phù hợp với công ước về quyền con người mà nước ta đã ký kết và thừa nhận. Để các tư duy mới nói trên của Hiến pháp đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực, điều trước tiên là phải tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, các luật về tố tụng dân sự, hành chính và hình sự. Mặt khác, phải xây dựng các đạo luật mới về quyền con người, quyền công dân mà nước ta chưa có như Luật Trưng cầu dân ý, Luật Về hội, Luật Biểu tình... Chỉ trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện pháp luật trên tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân mới có điều kiện tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm.   GS. TS. Trần Ngọc Đường

Theo: daibieunhandan.vn

Bình luận

Gửi Về trang trước Gửi email In trang

Tin tức cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý

Ngày đăng 19/11/2024 Tóm tắt: Nâng cao năng lực quản trị truyền thông chính sách của công chức lãnh đạo, quản lý là rất cần thiết ở các cấp, các ngành và địa phương để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. Bài viết phân tích thực trạng, yêu cầu đặt ra và những nội dung cần quan tâm để nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý. Từ khóa: công chức lãnh đạo, quản lý; năng lực; truyền thông chính sách.

Quản lý nhà nước về nhà giáo phải thay đổi

Ngày đăng 06/11/2024 TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo...

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh ở Việt Nam hiện nay

Ngày đăng 04/11/2024 Tóm tắt: Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, việc thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay. Bài viết khái quát chủ trương của Đảng ta về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới thông minh ở nước ta, phản ánh thực trạng một số mô hình xã nông thôn mới thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trong thời gian tới. Từ khóa: Chuyển đổi số; nông thôn mới thông minh; xây dựng nông thôn mới; Việt Nam.

Thực hiện phân cấp, phân quyền và việc lựa chọn nhân sự

Ngày đăng 01/11/2024 Ngoài các vấn đề liên quan tới cơ chế, chính sách, một trong những yếu tố quan trọng trong thực hiện phân cấp, phân quyền là nhân lực. Theo chuyên gia, cần áp dụng công cụ quản trị nguồn nhân lực khoa học, để họ không né tránh, chây ì mà quyết tâm thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất.

Phương pháp thiết kế và xây dựng nội dung nghiên cứu khoa học

Ngày đăng 31/10/2024 Trải qua các giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn mang tầm vóc thời đại. Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa XIII thống nhất khẳng định Việt Nam bước vào kỷ nguyên đổi mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bên cạnh các chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội, thì chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ ưu tiên, đặc biệt là tập trung phát triển khoa học ứng dụng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ. Trong tiến trình đó, vai trò của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ cần được phát huy, thay đổi cách nghĩ, cách nghĩ cách làm, đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo.

Tiêu điểm

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các dự thảo nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh, thành phố

Sáng 14/11/2024, tại Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua các dự thảo nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ tại Phiên họp.

Tin mới nhất

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Trung tâm Công trình Đồng bằng Ven biển và Đê điều: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế xây dựng các công trình thủy lợi

Hà Nội sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính cấp xã mới

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện quyết tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy

Ban hành văn bản dưới luật theo pháp luật của Canada dưới góc độ so sánh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

  • Giới thiệu
  • Thời sự - Chính trị
  • Tin hoạt động Tổ chức nhà nước
  • Chuyên mục

Trụ sở tòa soạn: Số 8 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Điện thoại: 080 48575

Email: tapchitcnn@moha.gov.vn.

Giấy phép hoạt động: số 427/GP-BTTTT ngày 08/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

®Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước là cơ quan báo chí của Bộ Nội vụ, có chức năng thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tổng Biên tập: TS Trần Nghị

Trưởng ban Ban Tạp chí điện tử: ThS Trần Ngọc Kiên

Bản quyền thuộc Tạp chí Tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ

Từ khóa » Ví Dụ Về Trách Nhiệm Hiến Pháp