Hiện Tượng Mê Tín “búp Bê Ma” Kumanthong

Theo truyền thuyết của Thái Lan, nguồn gốc của búp bê Kumanthong bắt nguồn từ một gia đình có người vợ mang thai nhưng thai nhi chết yểu. Sau đó cặp vợ chồng này đã mang thai nhi đi làm khô rồi để trong nhà thể hiện sự thương tiếc cho đứa trẻ xấu số. Theo đồn thổi, các pháp sư, thầy phép dùng xác thai nhi để yểm bùa và nếu đem chúng về nhà, nuôi chúng bằng sữa, kẹo bánh hàng ngày, trò chuyện và yêu thương chúng như con mình thì sẽ được các “linh hồn” trong búp bê phù hộ, cầu gì được nấy, làm ăn thuận lợi, tình duyên như mong muốn, may mắn trong xổ số và những điều siêu nhiên khác. Ngược lại, nếu thiếu quan tâm, bỏ bê hoặc nhà có trẻ em mà yêu con đẻ hơn Kumanthong thì sẽ khiến búp bê nổi giận, gây hại đến người nuôi… Giá bán cho mỗi loại Kamanthong có sự dao động lớn, có thể từ vài triệu cho tới hàng trăm triệu đồng.

Thực hư về năng lực siêu nhiên của búp bê Kumanthong chưa ai có thể kiểm chứng. Các chuyên gia cũng khẳng định, cho đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác dụng trong thực tế của bùa ngải nói chung và búp bê Kumanthong nói riêng. Sự xác thực về việc nuôi búp bê Kumanthong có mang lại những điều người nuôi mong muốn hay không, đến giờ vẫn chỉ là những câu chuyện lưu truyền trên các diễn đàn ảo. Và việc chế tạo ra một Kumanthong theo cách truyền thống cũng đã bị cấm tại đất nước Chùa Vàng. Mỗi cá nhân đều có quyền tự do tín ngưỡng, nhưng cũng cần tỉnh táo để hiểu rằng nếu thứ gì đó được coi là linh thiêng thì không thể được rao bán đại trà, tràn lan. Không nên bỏ ra một số tiền lớn để mua về những thứ không chắc đã có lợi cho mình. Làm vậy chẳng khác nào tự biến mình thành con mồi béo bở để người khác lợi dụng và kinh doanh phi pháp. Để tránh "tiền mất, tật mang", mỗi cá nhân cần tỉnh táo, không nên tin vào những lời đồn thổi mất tiền mua "bùa ngải", kẻo lợi đâu chẳng thấy lại rước họa vào mình.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã nêu rõ việc hành nghề mê tín dị đoan trong đó có cả việc kinh doanh "bùa ngãi" là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có quy định:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động yểm bùa, phù chú để trục lợi (Điểm a Khoản 2 Điều 15)

-Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam (Khoản 3 Điều 15)

Thanh Phương

Từ khóa » Nguồn Gốc Kumanthong