Hiện Tượng Sương Mù Quang Hóa | Con Người Và Thiên Nhiên

ThienNhien.Net – Trong cái oi ả mấy ngày qua, Hà Nội và một số tỉnh, thành miền Bắc bị bao phủ bởi một màn sương khói mờ ảo khiến bầu không khí càng trở nên ngột ngạt, khó chịu. Tìm câu trả lời cho việc xuất hiện màn sương lạ này, nhiều người cho rằng đó là do bà con nông dân đốt rơm rạ. Nhưng cũng có ý kiến nghi vấn, có thể do sương mù quang hóa gây ra, hoặc do cả hai yếu tố trên kết hợp lại mà thành…Mặc dù chưa có câu trả lời rõ ràng, song nhân câu chuyện này, xin giới thiệu với bạn đọc một vài thông tin về hiện tượng sương mù quang hóa.

Trước hết, cần khẳng định sương mù quang hóa là một dạng ô nhiễm không khí có thể gây nên những hệ quả nghiêm trọng đối với con người và sinh vật.

Theo các nhà khoa học và nghiên cứu, nguyên nhân làm tăng ô nhiễm không khí trong suốt 3 thế kỉ qua được bắt đầu từ khi có sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp, mà điểm bắn phát súng đầu tiên ấy là nước Anh.

Vào thời kỳ trước năm 1950, than là nhiên liệu được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất cho sản xuất năng lượng, giao thông, nấu ăn…Quá trình đó đã tạo ra khói và SO2 và khi gặp điều kiện thuận lợi, kết hợp với sương mù tạo thành sương mù công nghiệp (Industrial Smog). Khi ở nồng độ cao, sương mù công nghiệp sẽ gây nguy hiểm cho con người và sinh vật. Sự kiện sương mù công nghiệp dày đặc và kéo dài ở London (Anh) vào năm 1952 đã giết chết ít nhất 4000 người trong vòng 4 ngày, là một thảm họa kinh hoàng đối với nhân loại.

Từ đó đến nay, trải qua nhiều thập kỷ với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, việc sử dụng than đá làm nhiên liệu đã giảm đáng kể, thay vào đó là các loại nhiên liệu như năng lượng hạt nhân, thủy điện, nhiên liệu hóa thạch, năng lượng mới…đã làm giảm đáng kể hiện tượng sương mù công nghiệp. Song, việc sử dụng nhiều xăng dầu, gas lại gây ra nguy cơ ô nhiễm không khí khác, đó là hiện tượng sương mù quang hóa (Photochemical Smog).

sơ đồ sương mù quang hóa

Các thành phần chính hình thành nên sương mù quang hóa (Ảnh mô phỏng theo mô hình của Richard Foust – GS về Hóa học và môi trường của Đại học Bắc Arizona)Sương mù quang hóa là một thuật ngữ sử dụng để miêu tả một dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên khí thải động cơ, khí thải công nghiệp…tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người như ozone, aldehit và PAN.

Khi ở tầng bình lưu, ozone giúp bảo vệ trái đất tránh khỏi những tia cực tím nhưng khi ozone ở gần mặt đất với nồng độ cao nó sẽ giết chết các mô thực vật, làm cho cây dễ bị tổn thương, làm hại đến các quần xã sinh học, giảm năng suất nông nghiệp và gây nguy hiểm cho con người. Ozone ở gần mặt đất được hình thành khi các động cơ xe phát thải khí nitrogen oxides và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (từ sơn, các dung môi, các chất đốt dễ bay hơi) tương tác với nhau dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Điều này thường xảy ra với những thành phố ô nhiễm.

Khi có hiện tượng sương mù quang hóa, tầm nhìn của chúng ta sẽ bị giảm đi. Đặc biệt nó gây nên những tác động có hại đối với sức khỏe con người như các bệnh về đường hô hấp, giảm chức năng của phổi gây chết các tế bào mô và gây ung thư. Sương mù quang hóa còn gây hại cho cây trồng và làm hao mòn nhiều loại nhiên liệu.

Giảm tình trạng sương mù quang hóa một cách đơn giản nhất đó là mưa và gió. Mưa sẽ làm ngưng tụ những vật chất có hại và bị rửa trôi khỏi không khí. Còn gió có thể thổi sương mù quang hóa đi xa và thay vào đó bằng luồng không khí mới nhưng nơi khác sẽ lại “nhận” về sương mù quang hóa với nồng độ thấp hơn chút. Dù sao đó cũng chỉ là những may mắn trông đợi vào yếu tố thời tiết.

Về lâu dài, để hạn chế và kiểm sóat tình trạng sương mù quang hóa cần giảm lượng phát thải khí hyđrocacbon và nitrogen oxides từ các động cơ xe hay các quá trình sản xuất công nghiệp. Đó là vấn đề đau đầu của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu và lập chính sách hiện nay.

Bài liên quan:

  1. Gia Lai: Từng vạt rừng tự nhiên tiếp tục bị “phá trắng” ở Mang Yang
  2. Tiếng khóc của một hạt thông giữa rừng Đà Lạt
  3. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  4. TỌA ĐÀM: Nhìn lại 2021 – Những chuyển hướng chiến lược
  5. Chuyển nhượng carbon rừng: Thách thức và khuyến nghị
  6. Tranh cãi nguồn gốc đại dịch: Vai trò của chợ Hoa Nam?
  7. Thúc đẩy các giải pháp hạn chế thay đổi dòng chảy sông Mê Kông
  8. 2022 – Năm quốc tế Khoa học cơ bản
  9. Định giá carbon và các công cụ định giá carbon

Từ khóa » Khói Quang Hóa Là Gì