Hiên Viên Hoàng Đế | Ôn Cổ Minh Kim | Chánh Kiến Net

Tác giả: Hành Kiện

[ChanhKien.org] Hoàng Đế, họ Công Tôn, tên Hiên Viên, hiệu Hữu Hùng, khoảng 5000 năm trước ông sinh ra tại Giáng Long Hiệp, Tự Nguyên Quan, vùng ven sông Tự Thủy (một nhánh của lưu vực sông Trường Giang) trên cao nguyên Hoàng Thổ thuộc vùng tây bắc Trung Hoa, vào khoảng mùng 02 tháng 02 âm lịch. Từ đó có câu nói trong dân gian về sự may mắn: “mùng 02 tháng 02, rồng ngẩng đầu”.

Trong lịch sử văn minh cổ đại có ghi chép về Tam hoàng Ngũ đế, Hoàng Đế là một trong ba vị Tam hoàng, cũng là vị đứng đầu trong Ngũ đế. Nói về sau thời Viêm Đế, Hoàng Đế khởi binh dẹp loạn, lấy đức bình trị thiên hạ, cuộc dã chiến với Xi Vưu tộc Cửu Lê trong trận Trác Lộc, cuộc chiến với Viêm Đế trong trận Phản Tuyền, đã kết thúc cuộc chiến tranh thời viễn cổ.

711262052091616

Hoàng Đế

Hoàng Đế định đô tại Hữu Hùng, hết lòng vì sự phồn vinh và phát triển của các bộ tộc. Ông tuyển chọn hiền tài, lập ra các chức quan, cai trị đất nước, phân chia bờ cõi, phân chia ruộng đất, dạy người dân trồng ngũ cốc và rau quả theo mùa, thuần dưỡng vật nuôi. Hoàng Đế và quan thần của ông có rất nhiều phát minh. Tương truyền ông chỉ thị cho Đại Nạo chế định ra thiên can địa chi, dùng để tính toán ngày tháng năm, từ đó mà Trung Quốc có cách tính ngày tháng năm, và được gọi là “Hoàng Đế lịch” hay “Hoàng lịch”, sau này có câu thơ: “Viêm quốc tang bảo, Hoàng lịch khai duệ” (Nước Viêm mất đi bảo vật, Hoàng lịch mở ra sự sáng suốt).

Hoàng Đế chỉ thị Dung Thành chế tác Cái Thiên (thiết bị định vị thiên thể) dùng để quan sát thiên tượng; chỉ thị Hy Hòa quan sát sự vận hành của mặt trời, Thường Nghi quan sát sự vận hành của mặt trăng, Du Khu quan sát sự vận hành của các tinh tú; chỉ thị cho Lệ Thủ làm toán số, chế định ra đơn vị đo, dùng để tính toán sự nặng nhẹ, dài ngắn, nhiều ít của các vật; chỉ thị cho Thương Hiệt tạo ra chữ tượng hình; sai Ninh Phong làm chức Đào Chính, chế tạo nồi chảo, chõ, bát, đĩa, hoàn thiện hơn các dụng cụ nấu nướng và ăn uống của người dân; chỉ thị Xích Tương làm Mộc Chính, Cộng Cổ, Hoa Hồ khoét gỗ làm thuyền, vót gỗ làm mái chèo, Ấp Di làm xe lớn, Huy làm cung, Di Mưu làm tên, Ưng Phụ làm chày cối; chỉ thị Linh Luân định ra các âm luật, cắt các ống trúc thành 12 đoạn dài ngắn khác nhau, theo mức độ cao thấp, trong đục của âm thanh mà phân ra thành 12 thang âm khác nhau, và tạo ra các loại nhạc khí đánh lên các âm thanh đó; sai Vinh Viên đúc 12 chuông, để hòa ngũ âm; chỉ thị nguyên phi Lụy Tổ dạy người dân nuôi tằm nhả tơ, làm nguyên liệu may quần áo; Bá Dư làm xiêm y và giày.

8007708557

Cái Thiên thời Đông Hán, sau này còn được Trương Hành cải tiến lại. (Ảnh tham khảo. Cái Thiên thời Hoàng Đế không được lưu lại hình ảnh. Nguồn: Internet)

Hoàng Đế làm mũ miện chuỗi ngọc thõng xuống, bông tơ khắp mũ, định ra áo màu đen váy quần màu vàng, từ đó làm ra áo và mũ dùng khi tế lễ của vua. Xây dựng cung thất để tránh nắng và tránh rét. Ông cùng Kỳ Bá, Lôi Công bàn luận về y dược. Chỉ thị cho Du Phụ, Kỳ Bá, Lôi Công quan sát minh đường (một thuật ngữ trong phong thủy), nghiên cứu tức mạch (mạch hơi thở); Vu Bành, Đồng Quân nghiên cứu thuốc để phòng ngừa bệnh tật.

Thời Hoàng Đế đã phát minh, sáng tạo ra rất nhiều thành tựu huy hoàng và to lớn, đưa nền văn minh cổ đại Trung Quốc lên vị trí hàng đầu thế giới, vì thế mà ông được tôn làm tổ tiên của dân tộc Trung Hoa. Những năm cuối đời, Hoàng Đế thu xếp mọi việc trong thiên hạ, cuối cùng vào núi tu đạo, sau khi tu thành đạo, có rồng vàng râu dài rủ xuống đến đón ông lên trời. Thời đầu Đạo giáo xưng là Hoàng Lão Đạo, tức Hoàng Đế và Lão Tử cùng là tổ sư của Đạo giáo. Thời kỳ Hoàng Đế là thời kỳ người và Thần cùng tồn tại. Thần không chỉ đem tới nền văn minh cần thiết cho sự sinh tồn của nhân loại một cách có hệ thống, mà còn bước đầu làm phong phú và quy chính tư tưởng của con người, cũng là đặt định ra cơ sở để hôm nay Đại Pháp hồng truyền.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2002/05/30/16255.轩辕黄帝.html

Ngày đăng: 20-05-2015 Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Từ khóa » Hiên Viên Hoàng đế Và Xi Vưu