Hiểu Các Giai đoạn Phát Triển Tâm Lý Theo Lứa Tuổi để Trở Thành Cha ...

1. Tầm quan trọng khi biết các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi

Hiểu các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi sẽ giúp cha mẹ thấu hiểu các hành vi của con; đồng thời, nhận biết tình trạng sức khỏe tinh thần của trẻ. Để từ đó, cha mẹ biết cách chăm sóc, can thiệp và ngăn ngừa kịp thời các rối loạn tâm lý.

Theo báo cáo của UNICEF, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần ở Việt Nam là từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên. Ngoài ra, theo thông tin từ Bộ Y tế cho biết, căng thẳng đang gây ra các rối loạn tâm lý cho 15% trong số 95 triệu người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.

Nhân tháng Khỏe vì gia đình, cùng sự đồng hành của Bác sĩ Đào Thị Thu Hương, Hellobacsi chia sẻ nội dung để nâng cao nhận thức của cha mẹ về các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi. Đồng thời, cha mẹ cũng được trạng bị những phương pháp để nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần cho con thật tốt.

các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi

Các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi có những đặc trưng và hành vi điển hình. Sau đây sẽ là nội dung để cha mẹ hiểu hơn các đặc điểm tâm lý nổi bật của trẻ sơ sinh (0-1 tuổi); trẻ tập đi (1-3 tuổi); trẻ 4-12 tuổi và thanh thiếu niên từ 13-18 tuổi. 

2. Đặc điểm tâm lý của trẻ sơ sinh (0 – 1 tuổi)

Đối với trẻ sơ sinh, các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi sẽ có sự khác biệt giữa những bé mới chào đời (0-3 tháng); và bé từ 3-8 tháng và từ 9-12 tháng tuổi.

Với những bé mới sinh, các em chủ yếu giao tiếp bằng ánh mắt và tiếng kêu của mình. Con có thể lắng nghe giọng nói của cha mẹ; và bắt đầu biết mỉm cười từ tháng thứ 2 hoặc 3. 

Khi trẻ sơ sinh được 3 tháng tuổi trở lên, bé đã có thể lắng nghe khi cha mẹ trò chuyện với mình. Con ở độ tuổi này sẽ cười khi vui và khóc khi khó chịu, thất vọng. Bé cũng dần nhận ra những khuôn mặt quen thuộc và ngại người lạ.

Trẻ từ 9-12 tháng tuổi có khả năng thể hiện sự đau buồn khi thấy mọi người buồn. Bé cũng đeo bám và lo lắng hơn khi ở bên người khác. Đồng thời, con thấy vui khi ở bên cạnh những bạn khác nhưng chưa thích chơi với bạn. Ngoài ra, bé có thể ôm và thích được ôm.

Trong giai đoạn này, cha mẹ sẽ cần lưu tâm đến những tuần khủng hoảng của bé để biết cách chăm sóc và nuôi dạy con lành mạnh.

Đặc điểm tâm lý của trẻ sơ sinh (0 - 1 tuổi)

3. Đặc điểm tâm lý của trẻ từ 1 – 3 tuổi

Các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi của trẻ tập đi có sự phân nhánh rõ giữa bé 1 tuổi và bé từ 2-3 tuổi.

Bé lên 1 tuổi có khả năng nhận ra chính mình trong gương; bé dần hiểu rằng một đồ vật hay người nào đó vẫn tồn tại tuy trẻ không thể nhìn hay nghe thấy chúng.

Trẻ 2-3 tuổi có khả năng bộc lộ cảm xúc rõ ràng hơn nhưng cảm xúc của bé có thể ví như “tàu lượn siêu tốc”. Cha mẹ có thể thấy biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 2 và khủng hoảng tuổi lên 3 khi con dễ nổi cơn thịnh nộ, giận dữ. Bé 2-3 tuổi đang cố gắng tìm ra con là ai; trẻ có quan niệm “chỉ làm khi muốn”. Trong giai đoạn này, trẻ tự tin hơn với người lạ; và một số bé hiểu rằng người khác cũng có cảm xúc.

Khi trẻ được 3 tuổi trở lên, trí tò mò của con sẽ phát triển; cha mẹ sẽ thấy bé đặt nhiều câu hỏi “Tại sao?”; “Như thế nào?”; “Cái gì?”. Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu tham gia hoạt động nhóm nhỏ và có khả năng hợp tác với bạn cùng lứa. Đồng thời, bé 3 tuổi thể hiện trí tưởng tượng và dần biết cách nói về cảm xúc; con có thể đặc biệt yêu thích trò chơi đóng vai. Trẻ cũng dần nhận thức được khi con làm điều gì đó sai.

>> Cha mẹ có thể xem thêm: Hành vi và tâm lý trẻ em ở giai đoạn tập đi

Đặc điểm tâm lý của trẻ từ 1 - 3 tuổi

4. Đặc điểm tâm lý của trẻ 4 – 12 tuổi

Các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi trước đi học (4-5 tuổi); trẻ tiểu học (6-10 tuổi) và trẻ dậy thì (11-12 tuổi) có sự khác biệt về trạng thái cảm xúc, suy nghĩ và mối quan hệ với gia đình, bạn bè.

4.1 Các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa 4-6 tuổi

Đây là giai đoạn trẻ thích kết bạn và trò chuyện với người khác. Bé ít tranh cãi với bạn đồng trang lứa và có thể bày tỏ sở thích cùng những điều mình không thích. Trẻ từ 4 tuổi trở đi sẵn lòng chia sẻ và thay phiên nhau trong các hoạt động nhóm.

Ở độ tuổi này, bé thể hiện được sự tức giận qua lời nói và hành động; thậm chí trẻ có thể trở nên hống hách hoặc tỏ ra ghen tị. Bé tuy thích độc lập nhưng vẫn cần sự an tâm và che chở của cha mẹ.

Ngoài ra, trẻ thường nhạy cảm với sự chỉ trích; các em cảm thấy khó chấp nhận những vấp ngã của mình. Con từ 5 tuổi trở đi cần sự chú ý và yêu thương từ người lớn. Bé thích được là một phần và ở bên cạnh gia đình.

Bé 5-6 tuổi thường “nghĩ sao nói vậy”; trẻ bắt đầu có bạn thân; mặc dù bạn thân thường thay đổi liên tục. Nhu cầu để trở thành người giỏi nhất, tốt nhất phát triển mạnh mẽ. 

>> Cha mẹ có thể xem thêm: 10 bí quyết nuôi dạy con gái cực tâm lý và dễ áp dụng

4.2 Các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa 7-8 tuổi

đặc điểm tâm lý trẻ từ 7-8 tuổi

Bước sang độ tuổi 7-10 này, trẻ vẫn còn nỗi lo bị chỉ trích, trẻ sẽ cố gắng để bộc bạch bản thân để xem phản ứng của mọi người xung quanh. Bé dần có nhận thức tốt về chính mình và nhạy cảm hơn với người khác. 

Tâm trạng trẻ có thể hơi thất thường, nhưng bé ít sẽ hướng cảm xúc tiêu cực đến người khác. Nhìn chung, bé thân thiện, tò mò và ưa thích nói chuyện. Trẻ trong giai đoạn này cũng bắt đầu chơi theo nhóm, chọn bạn cùng giới tính và biết chia sẻ bí mật, đồ chơi để xây dựng tình bạn. Đây cũng là độ tuổi bé có tình bạn lâu dài và bị ảnh hưởng bởi “áp lực đồng trang lứa”.

Trẻ 8-10 tuổi cũng là lúc trẻ có xu hướng đánh giá bản thân và khắt khe với khả năng làm việc của mình. Tính cạnh tranh rất cao, trẻ muốn trở thành người đầu tiên, giỏi nhất và làm mọi việc một cách đúng đắn.

Đặc biệt, trẻ từ 8 tuổi “muốn trở thành người lớn”, bắt đầu đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn, tự xây dựng thói quen và có chính kiến, quan điểm của riêng mình (đôi khi khác với cha mẹ).

4.3 Các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa 10-12 tuổi

Trẻ tiền dậy thì đang bước vào một giai đoạn thay đổi lớn về cảm xúc. Con bắt đầu nhìn thấy quá trình trưởng thành của mình; và trân trọng hướng đi rõ ràng trong cuộc sống – dù trẻ có thích hay không.

Thế giới trở thành một nơi phức tạp hơn đối với trẻ đang bắt đầu dậy thì. Con vẫn có thể gắn bó với người bạn thân nhất; nhưng tình bạn ở độ tuổi này có xu hướng trở nên phức tạp hơn.

Khi mười một tuổi, con sẽ bắt đầu sải cánh và từng bước hướng tới sự độc lập – trẻ có thể không còn muốn tham gia vào tất cả các hoạt động của gia đình mà chỉ muốn dành thời gian cho bạn bè.

5. Đặc điểm tâm lý của trẻ 13 – 18 tuổi

Đặc điểm tâm lý của trẻ 13 - 18 tuổi

5.1 Các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa 13-14 tuổi

Trong độ tuổi này, thanh thiếu niên sẽ dành thời gian nhiều cho bạn bè thay vì gia đình. Tính cách, sở thích, quần áo, kiểu tóc, gu âm nhạc, hoạt động tại trường của con cũng sẽ hình thành thông qua những người bạn của mình.

Thanh thiếu niên 13-14 tuổi có tâm trạng thất thường, các em sẽ thách thức người lớn để khẳng định sự độc lập của bản thân. Nhưng trẻ vẫn có những cảm xúc trái ngược khi phải rời xa cha mẹ. Cảm xúc của các bé gái có thể dễ thay đổi hơn, nhưng không xảy ra quá thường xuyên, và không làm ảnh hưởng nhiều đến các mối quan hệ của bé; vì nếu sự thay đổi cảm xúc mạnh mẽ gây bất lợi cho hoạt động, sinh hoạt của trẻ; đó có thể là biểu hiệu rối loạn tâm lý ở tuổi dậy thì.

>> Cha mẹ có thể xem thêm: Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì hay ẩm ương tuổi mới lớn?

5.2 Các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa 15-18 tuổi

Từ 15 tuổi trở đi, thanh thiếu niên trở nên tự tin hơn và do đó, có thể đối mặt tốt với áp lực đồng trang lứa. Con cũng ít dành thời gian hơn cho gia đình và mong muốn kiểm soát nhiều khía cạnh hơn trong cuộc sống của mình.

Khi nhìn về tương lai, trẻ có thể vừa vui mừng, vừa choáng ngợp với những điều mới như chọn ngành học, vào đại học, xây dựng gia đình,… Giai đoạn này, thanh thiếu niên sẽ xây dựng mối quan hệ bạn bè mật thiết.

Trẻ bắt đầu có những ham muốn tình dục mạnh mẽ và có thể chủ động trong việc quan hệ tình dục. Con cũng bắt đầu có nhận thức rõ ràng hơn về xu hướng tình dục của mình. 

Tóm lại, các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi có sự khác biệt trong hành vi, phản ứng cảm xúc và suy nghĩ của trẻ; cha mẹ nhận biết những điều này để thấu hiểu con, cũng như biết cách giúp con nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần lành mạnh. Để từ đó, con có thể trở thành một người trưởng thành khỏe mạnh toàn diện và khai phá được tiềm năng vượt trội của con.

Sau khi nắm bắt các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi, cha mẹ hẳn sẽ muốn biết cách để giúp con vượt qua những cột mốc phát triển tâm lý tốt nhất. Mời các bậc phụ huynh đọc tiếp nội dung: Cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ? để lắng nghe những chia sẻ của Bác sĩ Đào Thị Thu Hương về cách nuôi dưỡng tinh thần cho con trẻ theo lứa tuổi.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Từ khóa » đặc điểm Của Lứa Tuổi Nhi đồng