Hiểu đúng Thế Nào Là "tiếp Xúc Gần" Với Người Nhiễm COVID-19

Trong thời buổi bệnh dịch hiện nay, việc nhận tin một người thân, đồng nghiệp, bạn bè đang nghi nhiễm Covid-19 có thể gây ra nhiều sự lo lắng cho bản thân và gia đình. Đã có nhiều anh chị thắc mắc và hỏi ý kiến của các bác sĩ về việc băn khoăn không biết mình có phải là F1 không, thế nào là Tiếp xúc Gần, mình có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh hay không, v.v. Tiếp xúc gần F0 là cơ sở để xác định F1, nhất là trong vùng có dịch. Ngoài ra, quy định hiện tại còn chia F1 thành F1 gần và F1 xa để quản lý việc cách ly, việc phân chia này do cơ quan nhà nước quyết định dựa trên mức độ tiếp xúc của từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, tôi xin thông tin đến các bạn một vài ghi chú ngắn cũng như một số ví dụ thực tế về Tiếp xúc Gần. Hy vọng mọi người có thêm thông tin cho cá nhân và người thân trong gia đình, để từ nhận thức đúng sẽ có thái độ và hành động đúng trong hoàn cảnh hiện nay. Theo CDC Mỹ, định nghĩa Tiếp xúc gần là các trường hợp diễn ra trong vòng 48 giờ trước khi người bệnh bắt đầu có triệu chứng (ho, sốt,...) hoặc trước khi có kết quả dương tính (nếu F0 không có triệu chứng). Đó có thể là các hoạt động sau: - Tiếp xúc với người bệnh trong khoảng cách 2 mét. Tổng thời gian tiếp xúc > 15 phút (có thể tiếp xúc nhiều lần, ví dụ 3 lần, mỗi lần 5 phút, vẫn tính là tiếp xúc gần) - Tiếp xúc với người bệnh trong khoảng cách dưới 1 mét được xem là nguy cơ cao (bất kể thời gian tiếp xúc) - Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (ví dụ ôm, khoác vai, bắt tay) - Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp của người bệnh (ho, hắt hơi, khăn giấy có dịch tiết, sử dụng chung ly tách, khăn mặt hoặc các vật dụng vệ sinh cá nhân khác) - Sống cùng nhà với người bệnh - Cùng nhóm làm việc / cùng phòng làm việc với người bệnh - Cùng nhóm du lịch, công tác, hội họp, vui chơi với người bệnh - Ngồi trong phạm vi cùng hàng ghế hoặc trước/sau 2 hàng ghế với ca bệnh Dĩ nhiên, việc tiếp xúc gần không đồng nghĩa với việc chắc chắn bạn sẽ nhiễm bệnh Covid-19. Các yếu tố như môi trường tiếp xúc (ngoài trời thông thoáng sẽ ít lây hơn trong phòng kín), phương tiện phòng hộ cá nhân (khẩu trang y tế, tấm chắn giọt bắn), lượng virus trong người bệnh nhân có ảnh hưởng quan trọng đến nguy cơ lây nhiễm. Phân loại nguy cơ Tiếp xúc gần như sau - Nguy cơ cao: không sử dụng hoặc sử dụng thiếu 1 trong 2 loại (khẩu trang y tế / tấm chắn giọt bắn - Nguy cơ thấp: sử dụng đủ 2 hình thức bảo hộ hoặc chỉ đi ngang qua người bệnh trong tích tắc. Sau đây là một vài ví dụ trường hợp cụ thể trên thực tế để chúng ta hiểu rõ hơn về tiếp xúc gần: Ví dụ 1: Bạn cùng đồng nghiệp gặp nhau ở sân trước tòa nhà, cả hai có mang khẩu trang y tế. Hai bạn đứng gần nhau < 2 m. Ngày hôm sau, đồng nghiệp báo kết quả xét nghiệm (+) → Trường hợp này có thể là tiếp xúc gần, nếu như bạn có bắt tay hoặc khoác vai, hoặc đồng nghiệp vô tình hắt hơi khi bạn đứng gần, hoặc hai bạn nói chuyện với nhau trong thời gian > 15 phút. Nếu chỉ vô tình gặp trước sân, vẫy tay chào rồi đi ngay thì dù đây có thể là tiếp xúc gần nhưng là nguy cơ thấp do thời gian tiếp xúc rất ngắn, hai bạn ở ngoài trời. Ví dụ 2: Bạn làm việc trong văn phòng, đeo khẩu trang y tế và tấm chắn giọt bắn, luôn giữ khoảng cách với người khác > 2 m. Đột nhiên một người cùng công ty nhưng ở bộ phận khác có kết quả (+) → Trường hợp này chắc chắn không phải là tiếp xúc gần nếu bạn tuân thủ đúng các điều trên. Ví dụ 3: Đồng nghiệp của bạn thường vào phòng làm việc của bạn nhiều lần trong ngày để tán gẫu. Hôm nay anh ấy xét nghiệm (+) → Trường hợp này có thể là tiếp xúc gần. Không cần phải nói chuyện suốt 15 phút mới được xem là tiếp xúc gần, nếu nói chuyện mỗi lần 2-3 phút, 5-6 lần/ngày thì hoàn toàn có thể đạt tổng thời gian > 15 phút, xem như là tiếp xúc gần. Ví dụ 4: Bạn cùng đồng nghiệp ăn trưa, một người mang đến 1 ly trà sữa lớn và mời mọi người dùng chung. Mỗi người đến rót từ ly nước chung đó vào ly của mình. Hôm sau bạn sốt, xét nghiệm (+) → Các thành viên dùng chung ly nước được xem là tiếp xúc gần. Không phải vì virus lây qua đường ăn uống mà có thể dịch tiết dính trên bề mặt ly sẽ là nguồn lây bệnh, nhất là khi người tiếp xúc chạm tay lên mặt (mắt, mũi, miệng, …) Ví dụ 5: Bạn cùng đồng nghiệp cùng đi công tác chung xe khách. Bạn ngồi đầu xe, đồng nghiệp ngồi cuối xe, cả 2 đều mang khẩu trang y tế cũng như kính chắn giọt bắn. Tài xế không mở máy lạnh mà mở tất cả cửa kính trên xe. Ngày hôm sau đồng nghiệp xét nghiệm (+) → Bạn không được xem tiếp xúc gần vì khoảng cách > 2 mét, đầy đủ phương tiện bảo hộ, ngoài ra còn được thông khí liên tục với bên ngoài, do vậy là nguy cơ rất thấp. Tóm lại, việc hiểu rõ bản chất cũng như cảnh giác về các tiếp xúc gần có thể xảy ra có vai trò quan trọng trong giảm thiểu khả năng lây nhiễm cho mình cũng như người xung quanh. Tuân thủ nguyên tắc khoảng cách an toàn > 2m, trang bị phương tiện bảo hộ đúng quy định, không sử dụng chung các vật dụng cá nhân là các việc làm thiết thực hàng ngày cần duy trì, để ngay cả khi tiếp xúc gần một cách không cố ý, bạn vẫn thuộc nhóm nguy cơ thấp của tiếp xúc gần.

---------

Đừng lo lắng và hoảng sợ nếu bạn là F0 hay F1 đang cách ly tại nhà. Đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm của CarePlus luôn sẵn sàng để trợ giúp qua Chương trình HỖ TRỢ THEO DÕI VÀ TƯ VẤN TỪ XA CHO NGƯỜI ĐANG CÁCH LY TẠI NHÀ, bao gồm dịch vụ 1 lần tư vấn hoặc gói 7 lần tư vấn trong 8 ngày . Tìm hiểu thêm và Đăng ký TẠI ĐÂY

Từ khóa » đeo Khẩu Trang Khi Tiếp Xúc F0 Có Sao Không