Hiểu đúng Về Nghề Công Tác Xã Hội - Báo Hậu Giang
Ngày 25-3 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”, là dịp tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề này. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết nội dung của nghề công tác xã hội (CTXH)...
Cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chăm sóc bệnh nhân tâm thần và người lang thang cơ nhỡ.
Nghề đi trao “cần câu”
Theo thạc sĩ Ngô Thị Thanh Thúy, Phó bộ môn Xã hội học, Khoa Khoa học xã hội nhân văn (Trường Đại học Cần Thơ), CTXH và từ thiện có những điểm tương đồng song cũng có những khác biệt khá lớn ở một số khía cạnh. Cụ thể, hoạt động từ thiện mang mục đích chủ yếu là “cho và nhận”, người nhận thụ động dễ dẫn đến yếu tố ỷ lại; còn CTXH là đặt lợi ích của người cần được giúp đỡ lên hàng đầu, góp phần giáo dục, giúp cho mọi người tự nhận thức, để tự họ có thể chủ động giải quyết vấn đề, vươn lên thay đổi cuộc sống. Nếu hiểu rõ vấn đề thì nghề CTXH như đi trao “cần câu”, còn phần lớn các hoạt động thiện nguyện là trao “con cá”.
Có thể hiểu rằng, nghề CTXH là những hoạt động tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của Nhân dân. Để tổ chức thực hiện tốt hoạt động CTXH cũng như nghề CTXH trong thời gian tới, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Ngành chuyên môn cần chủ động hơn trong công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc xác định các đối tác, lĩnh vực, các ngành liên quan để kịp thời tham mưu đề xuất kinh phí tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng nghề CTXH. Rà soát nhu cầu và chủ động tham mưu phối hợp với Trường Đại học Lao động cơ sở 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các lớp đào tạo đại học, sau đại học nghề CTXH. Ngành giáo dục và đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu thay vì tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng cho người kiêm nhiệm CTXH trong trường học, thì tổ chức tập huấn cho tất cả thầy, cô chủ nhiệm của tất cả các trường.
“Hoạt động CTXH được triển khai tương đối tốt ở các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên hoạt động vẫn chưa đồng đều giữa các đơn vị. Ngành lao động - thương binh và xã hội cần chủ động hơn trong huy động nguồn lực để phối hợp với ngành y tế nhân rộng các mô hình hay, hoạt động hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên rà soát để tổ chức tập huấn, trang bị những kiến thức mới, kỹ năng nâng cao cho những người làm công tác này, nhất là kỹ năng tiếp cận với tất cả các nhóm đối tượng theo độ tuổi, kỹ năng tư vấn, phân tích, hỗ trợ, để qua đó tạo nền tảng hướng đến sự chuyên nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thu Ánh nhấn mạnh.
Hướng đến sự chuyên nghiệp nghề công tác xã hội
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh. Những năm qua công tác đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về CTXH cho cán bộ, viên chức, nhân viên trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện. Đến nay, tỉnh đã tổ chức 14 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, với hơn 2.900 lượt cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên tham dự, đã tổ chức được 1 lớp trung cấp nghề CTXH.
Trên địa bàn tỉnh có 2 nhà nuôi trẻ mồ côi Hoa Mai ở thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A, thành lập Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, với trên 220 bệnh nhân, người lang thang được nuôi dưỡng, chăm sóc. Ở trung tâm, các bệnh nhân được chăm sóc về sức khỏe, được tạo điều kiện lao động nhẹ, ngoài ra còn tham gia học nghề và học văn hóa.
Cùng với các cơ sở nuôi dưỡng, tỉnh cũng tổ chức thực hiện nhiều hoạt động CTXH ở các cơ sở y tế, qua đó đã dần hướng đến sự chuyên nghiệp với nghề CTXH. Điển hình tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập phòng CTXH từ năm 2016. Theo chị Nguyễn Thị Minh Duyên, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng - CTXH, Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Bệnh viện đã thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH với 45 thành viên là nhân viên y tế, lãnh đạo các khoa, phòng. Thực hiện Đề án “Tiếp sức người bệnh trong bệnh viện”, Đoàn cơ sở đã phối hợp cùng Phòng Quản lý chất lượng - CTXH thành lập và duy trì hoạt động của “Đội thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh” có 35 đoàn viên tham gia với nhiệm vụ: Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục khám chữa bệnh, nhập viện, xuất viện, thanh toán BHYT; tham vấn tâm lý, tư vấn và truyền thông giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân; tham gia hoạt động tình nguyện hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo tại bệnh viện và cộng đồng; vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn...
“Các hoạt động CTXH trong bệnh viện trước hết vận động nội lực từ phía bệnh nhân, nhân viên y tế, nếu như vượt quá khả năng mới nhờ đến sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện và các đơn vị khác bên ngoài. Với cách làm như vậy sẽ giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế nhận ra giá trị của bản thân để tự giúp chính mình”, chị Duyên chia sẻ.
Toàn tỉnh có trên 29.400 người nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ người yếu thế như thăm hỏi, tặng quà, tư vấn... Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nếu như những năm đầu đại đa số mọi người chưa biết đến khái niệm về CTXH, nhưng với từng bước đi khá vững chắc, ngành chuyên môn đã phối hợp với các cấp, các ngành, từng bước đưa khái niệm này đến với mọi người và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, kết quả đạt được cũng chỉ mới dừng lại ở công tác từ thiện, nhân đạo, các hoạt động an sinh xã hội, chưa bao quát được hết vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nghề CTXH trong cộng đồng, trong cuộc sống xã hội.
Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và hiểu rõ ý nghĩa của nghề CTXH, những người công tác trong lĩnh vực CTXH sẽ góp phần không nhỏ trong việc giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, hướng đến một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề CTXH Trên thế giới, CTXH được xem như là một nghề mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia từ nhiều thế kỷ, khởi đầu cũng mang đậm tính nhân đạo, nhưng về sau, xuất phát từ các vấn đề xã hội mới nảy sinh cùng với sự phát triển kinh tế, xuất hiện những vấn đề cần giải quyết như tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng giới, giúp đỡ những thành phần dễ bị tổn thương. Vì lý do này, nghề CTXH ra đời. Tại Việt Nam, ngày 15-9-2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 25-3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam, nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn, ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm CTXH trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của Nhân dân. |
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU
Từ khóa » Ctxh Xã Hội
-
Công Tác Xã Hội - Mạng Lưới Nhân Viên CTXH Việt Nam
-
Công Tác Xã Hội Là Gì? - Mạng Lưới Nhân Viên CTXH Việt Nam
-
Công Tác Xã Hội Là Gì? - Cao đẳng Kinh Tế TP.HCM
-
Ý Nghĩa Sự Ra đời Của Ngày Công Tác Xã Hội Việt Nam 25/03
-
Câu Hỏi 1: Nghề Công Tác Xã Hội Là Gì?
-
Câu Hỏi 5: Đối Tượng Của Công Tác Xã Hội Là Gì?
-
Công Tác Xã Hội Là Hướng đi đúng đắn Và Nhiều Tiềm Năng Phát Triển!
-
Công Tác Xã Hội Trong Tôi - Benh Vien 108
-
[PDF] MỘT SỐ LĨNH VỰC THỰC HÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI
-
Chân Dung Nghề Công Tác Xã Hội - Trường Đại Học Tân Trào
-
[PDF] Công Tác Xã Hội Nhóm - Khám Phá Trường đại Học Đà Lạt
-
Pháp Luật Về Nghề Công Tác Xã Hội Tại Việt Nam- Từ Lý Luận đến Thực ...
-
Nhận Diện Nghề Công Tác Xã Hội ở Việt Nam Hiện Nay
-
Dự Báo Triển Vọng Phát Triển Nghề Công Tác Xã Hội Tại Việt Nam đến ...