Hiệu Quả Công Tác Giáo Dục Pháp Luật Trong Tuổi Trẻ Toàn Quân

Thư gửi gia đình quân nhân

Trung đoàn 20 (Sư đoàn 330, Quân khu 9) là đơn vị đóng quân trên địa bàn TP Hà Tiên và huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang). Đại đa số cán bộ, đoàn viên trong đơn vị xuất thân từ các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, cho nên trình độ, nhận thức về pháp luật còn một số hạn chế nhất định.

Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy, Ban Chấp hành Trung đoàn thường xuyên vận dụng sáng tạo, triển khai nhiều cách làm hay nhằm trực tiếp tác động đến nhận thức, tư tưởng của quân nhân, tình cảm gia đình quân nhân với đơn vị. Trong đó, có mô hình "Gửi thư cho gia đình quân nhân trước khi quân nhân nghỉ phép (tranh thủ)".

Cụ thể, trước khi quân nhân nghỉ phép theo chế độ, chỉ huy đơn vị từ Tiểu đoàn đến Đại đội, Trung đội đều tổ chức gặp gỡ, giao nhiệm vụ để quân nhân nắm chắc các quy định trong thời gian nghỉ phép, đồng thời gửi một lá thư về gia đình quân nhân.

Ngoài nội dung thăm hỏi, động viên, thư sẽ đề nghị gia đình phối hợp chặt chẽ với đơn vị trong tuyên truyền, giáo dục con em chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đơn vị; tích cực khích lệ con em cống hiến tài năng, trí tuệ trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Qua hai năm triển khai mô hình, đã có hơn 3.000 lá thư được chuyển đến gia đình của đoàn viên, thanh niên trong đơn vị. Nhờ đó, Trung đoàn 20 luôn giữ vững thành tích 100% cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, quy định của địa phương khi được nghỉ phép. Quân nhân sau khi nghỉ phép luôn nhanh chóng ổn định tư tưởng, an tâm học tập, công tác.

Đối với đội ngũ cán bộ quản lý đơn vị, đây còn là cách làm tốt, kênh thông tin hữu ích trong nắm bắt tình hình tư tưởng, hoàn cảnh của bộ đội, từ đó có biện pháp quản lý, rèn luyện kịp thời, không để bất ngờ trong mọi tình huống. Cùng với đó, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy đối với từng quân nhân, giúp các gia đình năm bắt tình hình của con em tại đơn vị.

Lan tỏa và nhân rộng các mô hình hay

Theo Báo cáo sơ kết của Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục thực hiện Đề án "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh niên quân đội giai đoạn 2010-2015 đến năm 2020", ba năm vừa qua, nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật trong thanh niên quân đội đã có nhiều đổi mới, được đa dạng hóa, gắn với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Nhờ đó, trách nhiệm tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, kỷ luật của cán bộ, đoàn viên thanh niên trong toàn quân được nâng lên rõ rệt. Nhiều đơn vị có tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường giảm, không có vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện nhiều năm... góp phần xây dựng quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn thừa nhận, hoạt động của các mô hình còn chưa thật sự đồng đều, toàn diện. Các mô hình mới chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh niên ở đơn vị đủ quân và khối học viện, nhà trường; chưa có nhiều mô hình trong khối doanh nghiệp quốc phòng - kinh tế hoặc ở các cơ quan.

Ngoài ra, công tác xây dựng, hoạt động thực tế của các mô hình ở một số cơ quan, đơn vị còn mang tính phong trào, chưa khắc phục triệt để tính hình thức, nội dung chậm đổi mới, có phần khô cứng. Trong khi đó, có những mô hình qua thực tiễn triển khai được đánh giá cao nhưng lại chưa được quan tâm, nhân rộng.

Chia sẻ với Báo Nhân Dân về phương hướng tiếp tục triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tuổi trẻ toàn quân thời gian tới, Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng Ban Thanh niên quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), nhấn mạnh: tổ chức đoàn, cán bộ đoàn các cấp trong toàn quân phải phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt, tham mưu với cấp ủy, chỉ huy đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

"Cần nhất là phải chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ đối tượng, nội dung, thời gian; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong khảo sát, đánh giá, dự báo tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật, tình hình an ninh địa bàn. Từ đó, đẩy mạnh giáo dục, định hướng, quản lý, kịp thời giải quyết vấn đề nảy sinh, phòng ngừa vi phạm, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của đoàn viên, thanh niên", Thượng tá Trần Viết Năng nói.

Theo Trưởng Ban Thanh niên quân đội, các hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần chủ động tu dưỡng, rèn luyện ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cần phải thật sự bổ ích, lôi cuốn, sát với trình độ nhận thức, tâm lý vùng miền, nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của thanh niên.

Qua đây, giúp đoàn viên, thanh niên thêm yêu mến, gắn bó với đơn vị, yên tâm công tác, phấn đấu xây dựng nền nếp chính quy ngày một vững chắc, giảm mạnh vi phạm pháp luật, kỷ luật một cách thực chất, hiệu quả.

Từ khóa » Sư 330 ở đâu