Hiệu Quả Từ Một Tầm Nhìn - Nhịp Sống Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới

Hơn 30 năm trước, do biến động chính trị ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, cục diện địa chính trị thế giới được dự báo sẽ thay đổi lớn. Trong bối cảnh ấy, lần đầu tiên những người hoạch định đường lối đối ngoại của Việt Nam được thoát khỏi sự ràng buộc của tư duy ý thức hệ để đưa vào Báo cáo Chính trị trình Đại hội VII của Đảng giữa năm 1991 “chủ trương hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình”.

Đây là bước đột phá về tư tưởng chỉ đạo công tác đối ngoại.

Trước đó 5 năm, Đại hội VI của Đảng vẫn xác định “tăng cường quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa”.

Nếu không có chủ trương hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau mà Đảng đã thông qua, chắc gì Việt Nam và Mỹ, vốn là đối thủ của nhau trong cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm, đã có được cái bắt tay lịch sử để đi đến bình thường hóa quan hệ năm 1995, dẫu bối cảnh quốc tế lúc đó là thuận lợi cho hai bên xích lại gần nhau?

Năm năm sau bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ ký Hiệp định Thương mại song phương. Tiếp đó, vào năm 2006, Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam; rồi một năm sau (2007), hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư; và năm 2013, hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Đó là những nấc thang tịnh tiến quan trọng của quan hệ Việt - Mỹ sau bình thường hóa, tạo tiền đề và động lực để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai quốc gia phát triển nhanh chóng về mọi mặt mà hai bên cùng có lợi, đặc biệt là về kinh tế.

Qua 26 năm, kim ngạch thương mại song phương Việt - Mỹ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021.

Một tốc độ tăng trưởng hiếm thấy trong quan hệ thương mại song phương.

Trong số các đối tác kinh tế của Việt Nam, tính đến cuối năm ngoái, mới chỉ có 2 quốc gia vượt mốc 100 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều với Việt Nam mà Hoa Kỳ xếp thứ hai, sau Trung Quốc. Riêng lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2021.

Với gần 1.150 dự án đang hoạt động và tổng vốn đăng ký hơn 10,3 tỷ USD (lũy kế đến cuối năm 2021), Hoa Kỳ xếp thứ 11 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam,

Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt hơn 4.587 tỷ USD, gấp gần 7 lần so với nước ta. Xét trong mối tương quan ấy mới thấy hết tầm vóc của thương mại Việt Nam, khi lọt vào top 10 đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ.

Quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ nói chung và quan hệ thương mại giữa hai nước nói riêng đã tiến những bước dài và nhanh.

Thủ tướng: Việt Nam muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Mỹ

Hiệu quả từ một tầm nhìn - Ảnh 1

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 5, diễn ra ngày 8/3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có “bước phát triển đáng mừng”, “đạt được nhiều tiến triển thực chất, toàn diện, trên cả bình diện song phương và đa phương, trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau”; trong đó “hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư tiếp tục là một trong những trụ cột và động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước”.

Những tiến triển tích cực của quan hệ Việt – Mỹ và những lợi ích cụ thể về nhiều mặt mà mối quan hệ này mang lại là một ví dụ điển hình, minh chứng cho hiệu quả của một tầm nhìn chiến lược từ cách đây hơn 30 năm, theo chủ trương “thêm bạn, bớt thù” để mở rộng không gian hợp tác quốc tế. Với tầm nhìn đó, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của chúng ta được giải phóng khỏi tư duy “chọn bên”, thấy trước xu thế phát triển tất yếu của hội nhập kinh tế trên phạm vi toàn cầu, xác định chuẩn xác đường lối đối ngoại theo quan điểm hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau.

Thành công bước đầu của chủ trương này đã tạo cơ sở và niềm tin để Đại hội VIII của Đảng (1996) định hình chính sách đối ngoại của đất nước theo hướng “tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá và đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

Thực tiễn là thước đo chuẩn xác. Những thành tựu kinh tế - xã hội và vị thế quốc tế của đất nước sau hơn ba thập kỷ thực hiện chính sách Đổi mới của Đảng đã khẳng định hiệu quả của một tầm nhìn về đường lối đối ngoại của quốc gia.

Từ khóa » Ví Dụ Về Hợp Tác Song Phương