Hiệu Quả Từ Những Mô Hình Trồng Lâm Sản Ngoài Gỗ

Các sản phẩm LSNG là một trong những nguồn thu nhập quan trọng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho các hộ gia đình kể cả hộ nghèo, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân sống ở miền núi nước ta, đặc biệt là các hộ gia đình sống tại vùng đệm các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Theo ước tính, tại các địa phương có sản xuất các sản phẩm LSNG chủ yếu, thu nhập trung bình của hộ gia đình từ các sản phẩm này chiếm tỷ trọng khoảng 32-35% tổng thu nhập kinh tế của hộ gia đình. Trong đó, các hộ gia đình khá giả chiếm tỷ trọng cao nhất. Do đó, sản xuất các sản phâm LSNG chính ở nước ta đã thu hút hàng trăm nghìn lao động khu vực miền núi tham gia, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo đói ở miền Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh...

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, một số loài có diện tích trồng lớn và có sản lượng khai thác đạt giá trị cao như: Quế: diện tích lên tới 137.000 ha, sản lượng khai thác ước đạt 32.000 tấn vỏ khô/năm; Thảo quả có diện tích 35.500 ha, sản lượng khai thác ước đạt 5.300 tấn quả khô/năm; Ba kích có sản lượng khai thác đạt 650 tấn củ tươi/năm.... Một số loài dược liệu khác cũng cho sản lượng và giá trị cao như đảng sâm, đương quy, hồi... Hiện nay đã hình thành nên nhiều vùng chuyên canh và giá trị của lâm ngoài gỗ ước đạt trên 3.300 tỷ đồng/năm.

Trong những năm qua, Trung tâm khuyến nông Quốc gia cũng đã chú trọng đến công tác chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các mô hình lâm sản ngoài gỗ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các lớp tập huấn, các diễn đàn, tọa đàm và các mô hình trình diễn về lâm sản ngoài gỗ, điển hình như các mô hình : Mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ làm dược liệu (ba kích, kim tiền thảo, hà thủ ô, sa nhân tím, đinh lăng, khôi tí, đảng sâm, đương quy...) tại các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Gia Lai, Đắk Nông; Mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ làm thực phẩm (mắc ca, sơn tra, tre bát độ, quế, trám ghép, giổi ăn hạt...) tại các tỉnh như Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Thanh Hóa, Phú Yên...; Mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ làm nguyên liệu: mây K83, luồng... được triển khai tại các tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa...

Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông đã mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình, chính vì vậy đã có nhiều hộ hộ dân trên địa bàn vùng dự án mở rộng diện tích, hình thành các vùng trồng tập trung, tạo khối lượng hàng hóa lớn cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Các loài lâm sản ngoài gỗ cần ưu tiên phát triển đối với sinh kế của người dân tại các vùng đệm như: ba kích, sa nhân, trà hoa vàng, tam thất hoang, sâm nam, đảng sâm, sâm lai châu, quế, ba kích...

Sản xuất LSNG giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng, đóng góp vào thu nhập kinh tế của các địa phương miền núi, nâng cao tỷ trọng cơ cấu sản xuất của ngành lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế của các địa phương ở miền núi. Hơn nữa, phát triển LSNG, trong đó có mây, tre, quế, hồi, thảo quả,... cũng có ý nghĩa trong việc góp phần đảm bảo an toàn lương thực, chăm sóc sức khoẻ, cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho vùng miền núi./ 

Từ khóa » Go Lâm Sản