Hiểu Về Chữ “Bạn” Trong đạo Phật (Tỳ Kheo Thích Nhân Tánh)
Có thể bạn quan tâm
Trên thế gian này, không có bất kỳ sự tồn tại nào mang ý nghĩa độc lập mà có thể xuất hiện, muốn tồn tại được chính là nhờ vào các mối quan hệ hỗ tương tạo nên, hay theo Phật giáo gọi đó là do nhân duyên hội tụ đầy đủ. Trong cuộc sống, chắc chắn xung quanh mỗi người đều được bao trùm bởi rất nhiều mối quan hệ và một trong những mối quan hệ đặc biệt quan trọng, mà mỗi người đã sinh ra trên đời ít nhiều ai cũng có, đó là bạn bè. Vì sao bạn bè lại quan trọng như vậy? Có lẽ, theo Phật giáo, sự hiện hữu của một người hay con đường tương lai của người đó như thế nào, cao sang hay thấp hèn, thành công hay thất bại, giàu hay nghèo,… đều phụ thuộc vào vô số điều kiện tạo nên, tất cả những điều kiện đó, Phật giáo gọi chung là “Những người bạn”. Vì vậy, những người bạn này đóng vai trò quan trọng, chi phối đến toàn bộ đời sống mỗi chúng ta. Cho nên, chữ “bạn” tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng thấu hiểu đúng ý nghĩa thật sự. Bởi theo Phật giáo, nội hàm chữ “bạn” vượt ngoài định nghĩa thông thường của thế gian. Để rõ hơn, chúng ta cần đề cập đến ý nghĩa chữ “bạn” theo một vài khía cạnh khác nhau.
Ý NGHĨA CHỮ BẠN
Thế gian thường quan niệm, bạn là những người có mối quan hệ xung quanh mình, rất gần gũi, thân thiện, thêm bạn thì bớt thù. Nói đến khái niệm “bạn”, thông thường mọi người còn hiểu theo nghĩa tích cực là những người bạn lành, cùng chung chí hướng, chia sẻ vui buồn với mình. Tuy nhiên, chữ “bạn” ở đây lại mang nghĩa trung lập, bản thân nó chỉ nói lên mối quan hệ giữa người với người, giữa đoàn thể với đoàn thể; tùy theo tính từ, danh từ đi theo nó mà ngữ nghĩa cũng thay đổi khác đi, như: Bạn tốt, bạn xấu, bạn đời, bạn đạo, bạn học, bạn đồng minh,…
Chúng ta có thể hiểu được gì qua lời dạy của cổ đức: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, hay “Sanh ra ta là cha mẹ, tác thành ta là bạn bè”. Giả sử hiểu theo nghĩa thông thường, chữ bạn ở đây hàm nghĩa chỉ cho những người bạn cùng chung chí hướng, những người bạn chí cốt tâm giao, những người bạn hiện hữu bằng xương bằng thịt luôn song hành bước đi cùng mình trong cuộc sống. Nếu hiểu như vậy, quả thật vẫn chưa toát lên được nội hàm của những lời dạy trên. Bởi lẽ, không ai có thể đi cùng mình suốt con đường phạm hạnh, dù là người bạn nào chăng nữa thì cũng chỉ cùng ta đi hết một chặng đường và nhiều nhất là đi hết cuộc đời này. Để vấn đề trên được rõ ràng hơn, có lẽ chúng ta cần quan tâm đến một ngữ nghĩa mới hơn về chữ “bạn” theo lời Phật dạy.
Dưới nhãn quan Phật giáo, chữ “bạn” không đơn thuần để chỉ những người bạn như đã nêu trên mà nó còn hàm nghĩa rất rộng. Trên một phương diện nào đó, chữ “bạn” còn chỉ cho lục thân quyến thuộc của chúng ta, như: Ông bà, cha mẹ, anh em,… Điều này được Đức Phật đề cập đến trong bài kinh Tương Ưng Bộ, Phẩm Già – Người Bạn như sau: “Ai bạn người ở nhà? Bạn ở nhà là mẹ” [1]. Khách quan mà nói, lục thân quyến thuộc ngoài vai trò huyết thống, đôi lúc còn đóng vai những người bạn đồng hành với ta trong cuộc sống. Như trên phương diện tu học, họ chính là những người bạn đồng tu, đồng học, cùng ta đi trên một chiếc thuyền giải thoát. Vì vậy, trong các đạo tràng tu học, người ta thường gọi nhau là pháp hữu, đạo hữu, tức là những người bạn pháp, bạn đạo cùng đi chung một chí hướng, một lý tưởng giải thoát. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nhìn nhau với một thái độ ngang hàng, người nhỏ không kính người trên, con không kính cha,… mà để chúng ta hiểu đúng hơn về ý nghĩa chữ “bạn”.
Có một lần, Tôn giả Ānanda nghĩ thầm, để thành tựu toàn bộ đời sống phạm hạnh của mình thì một nửa là nhờ những người bạn lành, một nửa là tự mình nỗ lực tu tập. Sau đó, Tôn giả Ānanda liền đem suy nghĩ ấy bạch với Đức Phật, Đức Phật mỉm cười hoan hỷ với lời dạy rằng: “Chớ có nói vậy, này Ānanda! Chớ có nói vậy, này Ānanda! Toàn bộ Phạm hạnh này, này Ānanda, là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình” [2]. Rõ ràng, qua lời kinh Đức Phật xác quyết rằng, toàn bộ đời sống phạm hạnh của chúng ta đều nhờ vào những người bạn lành.
Chính Thái tử Tất-đạt-đa sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ-đề mới viên thành Phật quả. Vậy trong thời gian đó, ai là những người bạn lành giúp Ngài thành tựu đạo quả? Có phải chăng, đó chính là nhờ niềm tin, nhờ tinh tấn, nhờ nguyện lực, nhờ giới, nhờ thiền định, nhờ trí tuệ,… Để hiểu rõ điều này, trong một bài kinh khác, bài kinh Tương Ưng Bộ, Phẩm Già – Người Bạn Đức Phật cũng có dạy: “Cái gì làm người bạn? Tín thành làm người bạn. Công đức tự mình làm, là bạn cho đời sau” [3]. Rõ ràng, đoạn kinh trên như hàm ý minh chứng rằng, chính niềm tin, công đức Ba-la-mật nhiều đời tu tập Giới, Định, Tuệ,… là những bạn lành giúp Thái tử Tất-đạt-đa tiến lên quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ngay trong kiếp cuối cùng của Ngài. Như vậy, dưới góc nhìn tổng thể của Phật giáo, chữ “bạn” ở đây còn được hiểu là toàn bộ những gì ta thấy, ta nghe, ta ngửi, ta nếm, ta xúc chạm và ta suy tư hay nói gọn hơn, đó chính là sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), là đối tượng mà sáu căn của mỗi người luôn chật chờ đón nhận.
Hằng ngày, chúng ta tiếp xúc những gì, nghe đọc những gì, ngửi nếm những gì, suy tư những gì… đó chính là những “người bạn” của chúng ta. Nếu ta thường xuyên lướt web, đọc báo, xem phim, hay suy tư đầy bất thiện,… thì đây chính là những người bạn đưa chúng ta về cảnh giới sa đọa. Bởi lẽ, khi tiếp xúc với những đối tượng này, chúng không có khả năng giúp chúng ta hướng thượng, ly tham, buông bỏ mà lại gia tăng thêm hận thù, luyến ái, chấp thủ. Trái lại, những người bạn có khả năng giúp chúng ta hướng thượng, ly tham, buông bỏ như xem kinh, nghe pháp, nhớ nghĩ điều lành, ngồi thiền, sống có chánh niệm, có chánh tín,… thì càng ngày những người bạn này sẽ giúp chúng ta tăng trưởng đời sống phạm hạnh. Điều này lại một lần nữa đã được Đức Phật xác quyết qua một bài kinh khác như sau: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỳ kheo, như làm bạn với thiện” [4].
Như vậy, toàn bộ các pháp thiện hay ác đều có thể trở thành bạn của chúng ta, nhưng chính chúng ta lại là người có quyền quyết định nên làm bạn với thiện pháp hay ác pháp. Dù bạn thiện hay bạn ác, thì những người bạn này không chỉ tác động bản thân ngay trong đời sống hiện tại, mà chính nó sẽ theo chúng ta đến tận nhiều đời vị lai. Làm bạn với những pháp thiện, càng ngày chúng ta càng như những đóa hoa tô đẹp cho cuộc đời; bao nhiêu khó khăn gian nan vất vả cũng nhờ làm bạn với thiện pháp mà dễ dàng lướt qua. Cũng chính thiện pháp là người bạn công đức tác động, chi phối, kết thành đời sống tốt đẹp hơn của chúng ta ở các đời sau này.
Trong thời đại công nghệ thông tin tiên tiến như hiện nay, việc tiếp xúc với những điều xấu hay tốt trên mạng xã hội cực kì dễ dàng. Chỉ cần một cú click chuột, chúng ta có thể truy cập vô vàn trang mạng bổ ích, mang ý nghĩa hướng thượng; nhưng cũng một click chuột đó lại hướng chúng ta đi vào những thế giới tối tăm như đồng nghĩa với vô minh và tội lỗi. Nhưng lạ thay, con người thường có xu hướng chìm theo dục vọng của bản thân, thích tìm đọc những điều xấu hơn là điều tốt và từ đó chúng ta dễ dàng kết bạn với những gì mà chúng ta bắt gặp. Cứ một lần tiếp xúc là một lần mối quan hệ lại được thắt chặt và chính chúng ta là tác nhân cốt cán cho việc làm đó. Lâu dần, việc tiếp xúc đó biến thành hành động, thì cũng chính chúng ta là người phải thọ nhận kết quả. Theo đó mà suy, cuộc đời của chúng ta như thế nào đều tùy thuộc vào việc chúng ta tiếp xúc thường xuyên với đối tượng nào trong đời sống thường nhật. Đâu đó, trong sâu thẳm tâm thức, câu nói từ ngàn xưa: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” như mang ý nghĩa minh chứng toàn bộ vấn đề nêu trên. Vì vậy, cuộc đời mỗi người trở nên “đen hay sáng” đều tùy thuộc vào việc chúng ta tiếp xúc với “mực hay đèn”, bởi chính nó là người bạn của ta vậy. Chúng ta nên thân cận với những người bạn hiền lương, hướng thượng, để ngày càng tinh tấn trên con đường gạn độc tham sân si.
Tỳ kheo Thích Nhân Tánh
Chú thích và tài liệu tham khảo:
* Tỳ kheo Thích Nhân Tánh – Tăng sinh hệ Cử nhân Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] Thích Minh Châu dịch, kinh Tương Ưng Bộ, Chương Tương Ưng Chư Thiên, VI. Phẩm Già, Người Bạn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.998.
[2] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng, tập V, Đại Phẩm, Chương Tương Ưng Đạo, Phẩm Vô Minh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr.11.
[3] Thích Minh Châu dịch, kinh Tương Ưng Bộ, Chương Tương Ưng Chư Thiên, VI. Phẩm Già, Người bạn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.48.
[4] Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng Chi Bộ, tập I, Chương Một Pháp, Phẩm Làm bạn với thiện, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr.30.
Download QR 🡻Từ khóa » Theo đạo Phật Là Gì
-
Thế Nào Là Một Người Theo đạo Phật ? Làm Thế Nào để Trở Thành Một ...
-
Đạo Phật Và Những Người Theo đạo Phật Tin Vào Những điều Gì ?
-
Phật Giáo – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đạo Phật Là Gì, Đạo Phật Có Phải Là Tôn Giáo Không?
-
Đạo Phật Là Gì? Thực Hành đạo Phật Trong đời Sống Như Thế Nào?
-
Theo đạo Phật Là Như Thế Nào - Xây Nhà
-
Đôi Nét Về đạo Phật Và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam - BAN DÂN VẬN
-
Đạo Phật Là Gì? Phật Giáo Có Phải Là Một Tín Ngưỡng Không?
-
Vài Nét Về Cách Xưng Hô Trong đạo Phật | Sở Nội Vụ Nam Định
-
3 Vấn đề đức Tin Trong đạo Phật - Bookdown
-
10 Vấn đề Nhân Vị Trong đạo Phật - Bookdown
-
Hạnh Phúc Và Hạnh Phúc Thực Sự Theo Quan điểm Phật Giáo
-
Những Người Theo Đạo Phật Được Gọi Là Gì?
-
Vì Sao Tôi Theo đạo Phật - Chùa Hoằng Pháp