HIỂU VỀ LÝ TRÍ VÀ CẢM XÚC - Trải Nghiệm Sống

Quá lý trí thì sinh hoài nghi, nghi ngờ và do dự; cảm xúc quá lại dễ sa vào si mê, nặng lòng và tự huyễn hoặc chính mình. Bất kể là mắc kẹt vào lý trí hay cảm xúc đều khiến chúng ta mất cân bằng.

Một người bạn nọ chia sẻ trong đời sống thường ngày khi đối diện với công việc và do tính chất công việc luôn đối mặt với những vấn đề bất chợt và mới mẻ đòi hỏi nhiều thử nghiệm, sáng kiến nên bên trong cậu vẫn khởi lên những do dự đúng sai dẫn đến chần chừ và thiếu quyết đoán. Cậu bình tĩnh lùi lại một bước để chiêm nghiệm lại chính mình và nhận ra rằng những do dự này đến từ mong muốn cầu toàn, phân biệt đúng sai của lý trí. Vì lý trí phân tích liệu quyết định này có cho kết quả như ý trong tương lai không nên mới rơi vào tiến thoái lưỡng nan. Thấy ra được vậy, cậu giờ đây đơn thuần hoàn thành mọi việc với tất cả khả năng bén nhạy của mình mà không còn để mong cầu đánh mất thực tại nữa.

Sự thận trọng tự nhiên để chú tâm quan sát mình thì khác với sự thận trọng của lý trí. Bởi bất cứ khi nào sự thận trọng do lý trí dẫn dắt, chúng ta đều rơi vào hoài nghi, phân tích đúng sai, được hơn, và kết quả là tâm lý trở nên căng thẳng áp lực thậm chí là sợ hãi, phiền muộn, dẫn đến một số bệnh như mất ngủ, ăn không ngon,… Do dự vốn là hiệu ứng của lý trí khi không chắc chắn rằng thành quả có như ý muốn trong tương lai hay không. Những tính toán được hơn này thuộc về tục đế. Bởi vậy, lý trí khác với trí tuệ. Bởi trí tuệ, chánh kiến, tri kiến thanh tịnh hay tuệ tri đơn giản là thấy ra sự thật nên nó không còn tính toán và do dự của lý trí nữa.

Một người cảm xúc lại thường dễ dao động trước những chuyện ở đời, đặc biệt là những chuyện có ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Người nhạy cảm xúc (sensitive) khác với người bén nhạy (tức cái biết bén nhạy của tâm rỗng lặng) ở chỗ họ dễ bị dính mắc vào những xúc cảm của chính mình, để rồi đánh mất cân bằng trong chính những cảm xúc ấy. Chẳng hạn, bị người mình yêu đối xử lạnh nhạt hoặc thiếu quan tâm, bạn nảy sinh cảm xúc tủi thân, trách cứ, để rồi cũng vì buồn bực mà rơi vào những ảo tưởng về viễn cảnh liệu họ có đang làm gì sai trái với mình, hay đang dần cạn tình với mình. Như vậy, dù là nghiêng về cảm xúc hay lý trí, thì điều dễ thấy là nó khiến người ta sinh ra sự hoài nghi và ảo tưởng những điều không đúng với sự thật.

Tất nhiên một người ngộ ra sự thật không phải là người “diệt” hay đánh mất hoàn toàn lý trí và cảm xúc, mà lúc này, họ không còn bị dính mắc hay bám chấp vào chúng nữa. Cảm xúc có khởi lên cũng bắt nguồn từ tâm lương thiện trong sáng; và lý trí giờ đây trở thành tri kiến thanh tịnh, không còn là sự phân tích đúng sai hay được hơn nữa.

Khi một người dùng lý trí để hiểu sự thật, thì đó vẫn chưa phải là cái biết thực sự, chưa phải là tri kiến, mà chỉ đơn thuần là tri thức. Tri thức nhiều thì dính mắc nhiều. Dùng lý trí nhiều thì logic đúng sai trong cuộc sống rất dễ khiến họ bị mắc kẹt. Còn người nhạy cảm thì lại đánh giá vấn đề một cách cảm tính (vẫn là theo ý chủ quan của mình), và đôi khi họ nhầm lẫn cảm tính ấy là trực giác. Nhưng trực giác, hiểu một cách đúng đắn, là tuệ tri hay tri kiến thanh tịnh, tức vẫn là một cấp độ nhận thức chính xác dựa trên sự thật, không dựa trên lý trí hay cảm xúc đơn thuần.

Trang Ps

Post Views: 277

Từ khóa » Thế Nào Là Cảm Xúc Lý Trí