Hình ảnh Bệnh Tay Chân Miệng ở Trẻ Em Và Các Cấp độ Bệnh | Hapacol

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây lan. Bệnh có 4 cấp độ khác nhau và tùy vào mỗi cấp độ sẽ có cách chữa bệnh tay chân miệng thích hợp. Trong đó, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường là cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả nhất. Cùng tham khảo các hình ảnh trẻ bị tay chân miệng để có hướng xử lý nhé

MỤC LỤC NỘI DUNG

  • 1. Hình ảnh bệnh chân tay miệng ở trẻ em
  • 2. Các cấp độ bệnh tay chân miệng và cách điều trị
    • Các cấp độ bệnh tay chân miệng
    • Cách chữa tay chân miệng
  • 3. Đâu là cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả nhất?
    • Rửa tay cẩn thận
    • Khử trùng các khu vực chung
    • Dạy trẻ cách giữ vệ sinh sạch sẽ
    • Cách ly trẻ bị bệnh hay người chăm sóc trẻ bị bệnh

1. Hình ảnh bệnh chân tay miệng ở trẻ em

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm, chủ yếu do loại virus mang tên Coxsackievirus A16 gây ra, phổ biến ở trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ hơn 5 tuổi. Bệnh tương đối nhẹ nhưng dễ lây lan nếu tiếp xúc gần với người bệnh và đôi khi vẫn có thể xảy ra những biến chứng nghiêm trọng.

Sốt thường là dấu hiệu tay chân miệng đầu tiên, kế đến sẽ xuất hiện tình trạng trẻ bị đau họng, biếng ăn, mệt mỏi,…Vậy, trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt có sao không?

Để biết trẻ có mắc bệnh tay chân miệng hay không, cha mẹ có thể căn cứ vào các vết loét trong miệng và/hoặc các nốt phát ban trên bàn tay và bàn chân của trẻ.

Một số hình ảnh tay chân miệng ở trẻ em:

Hình ảnh trẻ bị chân tay miệng với nốt phát ban trên bàn tay

Hình ảnh bệnh tay chân miệng với nốt phát ban trên bàn tay

Hình ảnh bệnh chân tay miệng ở trẻ em với nốt phát ban ở bàn chân

Hình ảnh bệnh tay chân miệng biểu hiện qua nốt phát ban ở bàn chân

Những nốt phát ban này có màu đỏ, thường phẳng hoặc gồ lên, không gây đau ngứa nhưng một số có thể kèm theo bọng nước có đường kính 2 – 10mm. Ngoài tay và chân, các nốt phát ban cũng có thể xuất hiện trên những bộ phận khác của cơ thể như mông, đầu gối,…

Hình ảnh trẻ bị tay chân miệng biểu hiện các nốt phát ban có thể kèm theo bọng nước

Các nốt phát ban có thể kèm theo bọng nước, đường kính 2 – 10 mm

Các vết loét thường xuất hiện trên vòm miệng, niêm mạc miệng, niêm mạc má, lợi, lưỡi,… gây khó chịu trong sinh hoạt, đau khi ăn uống.

Hình ảnh bé bị tay chân miệng với vết loét ở miệng

Các vết loét ở miệng khiến trẻ khó chịu và gây đau khi ăn uống

Hiện tại, vẫn chưa có thuốc trị tay chân miệng đặc hiệu. Cha mẹ cần khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên và tránh để trẻ tiếp xúc gần với người bệnh nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

2. Các cấp độ bệnh tay chân miệng và cách điều trị

Các cấp độ bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng được chia thành 4 cấp độ khác nhau tùy thuộc vào triệu chứng, quá trình phát triển và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chi tiết về 4 cấp độ bệnh tay chân miệng như sau:

– Cấp độ 1

Tay chân miệng độ 1 là cấp độ nhẹ nhất nên có thể theo dõi và điều trị ngay tại nhà. Dấu hiệu nhận biết bé bị tay chân miệng độ 1 là sự xuất hiện của những vết loét bên trong miệng hoặc tổn thương trên da ở dạng mẩn đỏ hoặc bọng nước.

– Cấp độ 2

Bắt đầu có biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ. Bệnh tay chân miệng cấp độ 2 được chia thành 2 cấp độ nhỏ hơn, bao gồm:

  • Bệnh tay chân miệng cấp độ 2a: Xuất hiện một trong những biểu hiện như: giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám; sốt cao trên 39°C hoặc sốt kéo dài hơn 2 ngày; nôn ói, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.
  • Bệnh tay chân miệng cấp độ 2b: Có các biểu hiện thuộc 1 trong 2 nhóm sau:
    • Nhóm 1: Giật mình trên 2 lần/30 phút, giật mình ghi nhận lúc khám; bệnh sử có giật mình kèm theo hiện tượng: ngủ gà ngủ gật, sốt cao trên 39°C nhưng không hạ sốt, mạch đập nhanh trên 150 lần/phút.
    • Nhóm 2: Chân tay run, ngồi không vững, đi loạng choạng; rung giật nhãn cầu, lác mắt; yếu hoặc liệt chi (tay, chân); liệt thần kinh sọ: nuốt sặc hoặc thay đổi giọng nói,…

– Cấp độ 3

Những triệu chứng thường gặp như:

  • Mạch nhanh trên 170 lần/phút khi trẻ nằm yên, trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt;
  • Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc lạnh ở một số điểm như tay, chân, má,…
  • Huyết áp tăng;
  • Nhịp thở nhanh, thở bất thường,…

– Cấp độ 4

Bệnh nhân có biểu hiện trụy mạch, sốc, tím tái, thở dốc, ngưng thở, huyết áp không ổn định.

Cách chữa tay chân miệng

Dựa trên mỗi cấp độ bệnh mà sau khi thăm khám, các bác sĩ sẽ áp dụng cách trị tay chân miệng thích hợp và hiệu quả nhất.

Đối với cấp độ 1-2

Bé bị tay chân miệng độ 1 và 2 có thể được theo dõi và điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, bệnh nhân cũng cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, nên cho trẻ tái khám mỗi ngày hoặc 2 ngày/lần trong 8 – 10 đầu của bệnh. Trường hợp trẻ phát sốt, phải nhanh chóng hạ sốt và tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.

Có thể được điều trị tại nhà khi bé bị tay chân miệng độ 1 và 2

Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 và bệnh tay chân miệng cấp độ 2 có thể được điều trị tại nhà

Đối với cấp độ 3-4

Điều trị bệnh tay chân miệng ở cấp độ 3 và cấp độ 4 cần đặc biệt lưu ý vì ở giai đoạn này, diễn biến của bệnh có thể nguy hiểm hơn nếu không được xử lý kịp thời. Cần cho trẻ điều trị nội trú tại đơn vị hồi sức tích cực để được chăm sóc và chữa tay chân miệng đúng cách. Trong quá trình điều trị, trẻ sẽ được theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác…

3. Đâu là cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả nhất?

Bệnh tay chân miệng dễ lây lan qua nhiều con đường khác nhau: nước bọt, phân, giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi,… hay tiếp xúc gián tiếp qua bàn tay, vật dụng có chứa virus. Do đó, cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả nhất là tránh sự lây lan bằng việc giữ vệ sinh cá nhân và môi trường. Một số cách phòng bệnh tay chân miệng đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả như:

Rửa tay cẩn thận

Thường xuyên rửa tay đúng cách, đặc biệt là sau khi cho trẻ đi vệ sinh hoặc thay tã, trước khi chuẩn bị thức ăn và khi cho trẻ ăn. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng gel hoặc nước rửa tay diệt khuẩn.

Bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan

Cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả là rửa tay thường xuyên và đúng cách

Khử trùng các khu vực chung

Tạo thói quen làm sạch các bề mặt và khu vực có nhiều người qua lại bằng xà phòng và nước, sau đó sử dụng dung dịch sát khuẩn. Các trung tâm chăm sóc trẻ em nên tuân theo lịch trình nghiêm ngặt về việc làm sạch và khử trùng tất cả các khu vực chung, bao gồm cả các đồ dùng chung như đồ chơi, vì virus có thể sống trên những đồ vật này trong nhiều ngày. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh núm vú giả cho trẻ.

Dạy trẻ cách giữ vệ sinh sạch sẽ

Bao gồm rửa tay đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không mút tay hay ngậm bất kỳ vật gì, biết che miệng khi ho hoặc hắt hơi, thường xuyên tắm rửa, vệ sinh thân thể để loại bỏ các vi khuẩn gây hại. Ngoài ra, hãy dạy trẻ giữ vệ sinh nơi công cộng và hạn chế đụng vào các đồ vật, bề mặt nơi công cộng.

Cách ly trẻ bị bệnh hay người chăm sóc trẻ bị bệnh

Vì bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan nên trẻ bị bệnh và người chăm sóc trẻ cần tránh tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ nhằm hạn chế bệnh lây lan ra cộng đồng.

Bài viết liên quan:

Bạn nên làm gì khi trẻ bị tay chân miệng lần nữa?

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Nguồn tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hand-foot-and-mouth-disease/symptoms-causes/syc-20353035

Từ khóa » Hình ảnh Hà ăn Chân