Hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" Trong Thơ - Báo Quảng Bình điện Tử
Có thể bạn quan tâm
(QBĐT) - 1. Trong các cuộc chiến tranh yêu nước chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, “Bộ đội Cụ Hồ” là nhân vật trung tâm của văn học Việt Nam nói chung và thơ nói riêng. Đồng hành cùng dân tộc trong tiến trình lịch sử vô cùng bi tráng, thơ ca cách mạng trở thành hồi kèn xung trận, cổ vũ tinh thần yêu nước nồng nàn. Như một lẽ tự nhiên, “Bộ đội Cụ Hồ” đã bước vào thi ca cách mạng rất sớm, trở thành hình tượng văn học cao đẹp, vừa anh hùng, vừa lãng mạn tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Chín năm kháng chiến chống Pháp đã sản sinh ra những bài thơ hay như Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ; Đồng chí của Chính Hữu; Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm; Tây Tiến của Quang Dũng; Nhớ máu và Tình sông núi của Trần Mai Ninh; Nhớ của Hồng Nguyên; Các anh về của Hoàng Trung Thông, Đèo Cả và Màu tím hoa sim của Hữu Loan; Đây, Việt Bắc của Trần Dần; Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ; Thăm lúa của Trần Hữu Thung; Việt Bắc và Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu... Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi; Núi Đôi của Vũ Cao dù hoàn thành sau năm 1954 vẫn mang âm hưởng của chín năm kháng chiến thánh thần. Vừa mang phôi liệu kháng chiến vừa thấp thoáng chất “tráng sĩ hào hoa” và cũng chưa thoát hẳn ảnh hưởng của thơ mới, thơ chống Pháp có sức hấp dẫn riêng.
Các tác phẩm văn học nói chung và thơ nói riêng xuất hiện trong thời kỳ chống Mỹ mang âm hưởng chủ đạo là anh hùng ca với tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược và tràn trề lòng lạc quan. Những đau thương mất mát nếu có nói đến thì nó cũng ở trong một giới hạn cho phép, cái bi không phải là ưu tiên của văn chương thời này. Cái hùng, cái đẹp vẫn vút cao, vẫn nổi trội như một xu hướng phản ánh không thể nào khác. Các nhà thơ viết về cái hùng, cái đẹp vừa tự nguyện, vừa hồn nhiên bởi hiện thực kháng chiến nhìn tổng thể quá hào hùng, đẹp đẽ đầy tính huyền thoại.
Đó là những tác phẩm thơ Quê hương của Giang Nam; Mẹ của Phạm Ngọc Cảnh; Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ; Nửa sau khoảng đời của Vũ Đình Văn; Lửa đèn, Tiểu đội xe không kính, Gửi em, cô thanh niên xung phong, Nhớ, Trường Sơn đông Trường Sơn tây của Phạm Tiến Duật; Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu; Bầu trời vuông và Hơi ấm ổ rơm của Nguyễn Duy; Cây xấu hổ và trường ca Sóng Côn Đảo của Anh Ngọc; Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân; Bài thơ về hạnh phúc của Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc); Chuyến đò đêm giáp ranh và trường ca Sức bền của đất của Hữu Thỉnh; các trường ca Bài ca chim chrao của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm...
Những năm cuối chiến tranh và vài chục năm đầu thời hậu chiến nhiều trường ca có giá trị về nội dung và nghệ thuật của thế hệ nhà thơ chống Mỹ lần lượt ra đời được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng như Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh; Những người đi tới biển của Thanh Thảo; Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu; Sông Mê Công bốn mặt của Anh Ngọc; Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo...
Sau chiến tranh, do có độ lùi về thời gian, sự cởi mở thoáng đãng trong nhìn nhận đánh giá văn học và được tiếp nhận nhiều phương pháp sáng tác mới nên các tác phẩm viết về người lính cũng đa dạng, phong phú hơn. Cũng như nhiều nhà thơ khác, những người cầm bút chiến sỹ trong tiến trình đổi mới đã bước qua thời đoạn nhận thức ban đầu với sự suy ngẫm điềm tĩnh, sâu sắc hơn về xã hội và con người để nhìn lại quá khứ một cách tỉnh táo, công bằng, sâu sắc hơn ở nhiều góc độ, phương diện, tầng nấc khác nhau. Trong ý thức, các nhà thơ xem việc viết về các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc như là trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân với đồng chí, đồng bào nhất là những người đã đổ máu vì nền độc lập, tự do, hoà bình đất nước. Bên cạnh tô đậm thêm, lý giải sâu sắc hơn về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng tập thể cao cả người cầm bút không ngần ngại phản ánh sự hy sinh mất mát to lớn của dân tộc...
Những tác phẩm thơ như trường ca Biển của Hữu Thỉnh; Điệp khúc vô danh của Anh Ngọc; Mở bàn tay gặp núi của Nguyễn Đức Mậu, Sinh ở cuối dòng sông của Nguyễn Hữu Quý; Đổ bóng xuống mặt trời của Trần Anh Thái... cũng như một số tập thơ của Phạm Ngọc Cảnh, Phùng Khắc Bắc, Vương Trọng, Nguyễn Hồng Hà, Đỗ Trung Lai, Lê Thành Nghị, Mai Nam Thắng... đã chứng mình cho điều đó...
Bộ đội Cụ Hồ hôm nay Ảnh: T.H |
2. Thời chống Pháp, hình ảnh đặc trưng của “Bộ đội Cụ Hồ” là người nông dân mặc áo lính. Họ đầu quân, vào trận từ những làng quê lam lũ, đói nghèo và kết thành đồng đội yêu thương: Quê hương anh nước mặn đồng chua/Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/anh với tôi đôi người xa lạ/Từ phương trời chẳng hẹn quen nhau/Súng bên súng đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ/Đồng chí/Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/Gian nhà không mặc kệ gió lung lay/ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính (Đồng chí - Chính Hữu). Gắn liền với hình ảnh người nông dân mang áo lính chân mộc là biểu tượng Đầu súng trăng treo lung linh mãi tới bây giờ. Khó lòng quên được những câu thơ vừa thực vừa ảo thế này: Đêm nay rừng hoang sương muối/Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo (Đồng chí-Chính Hữu). Nhà thơ Hữu Loan cũng phác thảo rất thành công hình ảnh người lính chống Pháp vừa dũng mãnh, vừa lãng mạn, thấp thoáng chất tráng sỹ hào hoa trong thi phẩm Đèo Cả: Sau mỗi lần thắng/ những người trấn Đèo Cả/ Về bên suối đánh cờ/Người hái cam rừng/ ăn nheo mắt/ Người vá áo/ thiếu kim/ mài sắt/ Người đập mảnh chai/ vểnh cằm/ cạo râu/ Suối mang bóng người/ soi/ những/ về đâu? Những con người như thế đã làm nên kỳ tích, chiến công to lớn cho dân tộc: Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Đất nước- Nguyễn Đình Thi)... Bởi thế, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ" còn tỏa sáng trong lòng dân: Anh đi bộ đội sao trên mũ/Mãi mãi là sao sáng dẫn đường (Núi Đôi- Vũ Cao).
Thời chống Mỹ, hình ảnh người lính ra trận phổ biến là những thanh niên xếp bút nghiên lên đường đánh giặc. Lớp lớp mười tám, đôi mươi Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai (thơ Tố Hữu). Đối với những người lính thời ấy không có gì cao quý hơn khi được ra chiến trường đánh giặc: Đường ra trận mùa này đẹp lắm (Trường Sơn đông, Trường Sơn tây-Phạm Tiến Duật). Hiện thực cuộc sống đậm chất huyền thoại và anh hùng ca là mảnh đất màu mỡ cho thơ toả sáng. Cuộc sống bước vào thi ca thật giản dị tự nhiên, hay hiện thực ấy đã mang chất thơ đích thực rồi: Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát/Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường; /Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét/Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương/Đêm tắt lửa trên đường/Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch/Là tiếng những đoàn quân xung kích/Đi qua (Lửa đèn - Phạm Tiến Duật-Lửa đèn). Cái sự tự tin, đĩnh đạc pha chút ngang tàng của những lái xe Trường Sơn được Phạm Tiến Duật đưa vào thơ rất sinh động: Không có kính không phải vì xe không có kính/Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi/Ung dung buồng lái ta ngồi/Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng/Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim/Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/Như sa như ùa vào buồng lái/Không có kính, ừ thì có bụi/Bụi phun tóc trắng như người già/Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha (Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Thay lời một chiến sĩ lái xe, Phạm Tiến Duật đã có bài thơ Nhớ thật ấn tượng, chỉ 4 câu thôi mà sức bùng nổ toả lan của nó chẳng bé nhỏ chút nào: Cái vết thương xoàng mà đưa viện/Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo.../Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo. Khí phách, bản lĩnh, tâm hồn người lính Trường Sơn nén chặt trong đó, chặt không thể chặt hơn được nữa; chính vì thế khi mở ra nó ào ạt mênh mông.
Sinh ra trong khói lửa đạn bom, từng phút từng giây đối mặt với mất mát hy sinh, người lính vẫn rất yêu đời và lãng mạn. Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống đã nâng cánh cho không ít bài thơ bay bổng. Chất trữ tình làm cho những bài thơ chính trị không còn khô khan và ta nhận ra trong đó chiều sâu tâm hồn dân tộc cũng như văn hoá Việt Nam.Vì sao, trong hoàn cảnh nghiệt ngã của chiến tranh, cái nhìn của người lính vẫn tươi trẻ dịu lành đến thế: Gió từng hồi se sẽ đưa nôi/ Trăng tủm tỉm như miệng người sắp hát/Qua binh trạm nhiều thang dây bậc đất/ Tiếng chim ngon như ngụm nước lưng đèo (Giấc ngủ trên đường ra trận-Hữu Thỉnh). Phải được trang bị bằng nhân sinh quan trong sáng, được chiếu dọi bởi hào quang lý tưởng cao cả con người ta mới sống đẹp đến độ huyền thoại như vậy. Cũng như, giữa sục sôi bom lửa chiến trường, dưới mái tăng (được ví là bầu trời vuông) người lính chợt trở nên mơ mộng: Mặt trời là trái tim anh/Mặt trăng vành vạnh là tình của em/Thức là ngày, ngủ là đêm/Nghiêng nghiêng hai mái hai miền quê xa (Bầu trời vuông-Nguyễn Duy). Trên vạn dặm Trường Sơn, rõ ràng không phải chỉ có những bản anh hùng ca rực lửa mà còn có những bài tình ca dịu mát với những Sợi nhớ, sợi thương của Thuý Bắc, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây của Phạm Tiến Duật: Trường Sơn tây anh đi, thương em/Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo/Muỗi bay rừng già cho dài tay áo/Rau hết rồi, em có lấy măng không?/Em thương anh bên tây mùa đông/Nước khe cạn bướm bay lèn đá/Biết lòng anh say miền đất lạ/Chắc em lo đường chắn bom thù...
Tinh thần xả thân vì Tổ quốc là nét nổi bật nhất của người chiến sĩ. Sự hi sinh của người lính dựng đắp nên tượng đài yêu nước Việt Nam. Ta nhận ra điều kỳ diệu ấy từ nhiều bài thơ trong đó không thể không kể tới Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu: Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù/Nhận cái chết cho đồng đội sống/Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng/Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi; Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân: Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/Và anh chết trong khi đang đứng bắn/Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng... Tên anh đã thành tên đất nước/Ôi Anh Giải phóng quân!/Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân...
Những người lính giữ gìn biên cương biển đảo Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng đất nước sau năm 1975 đến nay cũng được thơ ca phác họa khá nhiều. Trần Đăng Khoa viết về sự cống hiến thầm lặng của những người lính biên phòng thật xúc động: Những mùa đi thăm thẳm/Trong mung lung chiều tà/Có bao chàng trai trẻ/Cứ lặng thinh mà già/Áo lên màu mốc trắng/ Tóc đầm đìa sương bay/ Lời yêu không muốn ngỏ/E lẫn vào gió mây (Đỉnh núi). Đỗ Nam Cao có những câu thơ nghẹn ngào khi viết về sự hy sinh của 64 chiến sĩ hải quân ở Gạc Ma: Trường Sa ư với ngày thường xa thật/Đảo ở đâu tôi có hỏi đâu mà/ Điều phẫn uất là chỉ khi máu đổ/Đảo mới gần mới thật đảo của ta (Gửi quần đảo Trường Sa). Người lính hi sinh để lại đằng sau họ những chất chồng đau thương, những bộn bề vất vả của gia đình, người thân. Đừng bao giờ lãng quên điều đó như lời bài thơ Mắt sóng Trường Sa của Nguyễn Quang Hưng: Mắt người còn mãi ngang lưng chiều thu/Thổi đẫm lời nói thầm tóc xanh con nhỏ/Hiện vào những chục năm mãi mãi người vợ trẻ/Nghẹn trong cái nuốt nước khó khăn của cha/Ngân vọng câu kinh mẹ già/Con không về vá lại mái nhà/Con ở lại vòm xanh hóa mưa gọi cây mọc/Con trong cát đội bờ trên vai đá...
Đây chỉ là chấm phá rất sơ lược về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thơ của 70 năm qua. Cần có những công trình nghiên cứu kỹ càng về vấn đề này. Và đề tài chiến tranh-người lính vẫn rất hấp dẫn với các nhà thơ vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn song hành với xây dựng đất nước như mấy ngàn năm dân tộc Việt đã trải qua. Những người lính hôm nay vẫn hy vọng được đọc những tác phẩm văn chương xúc động viết cho họ, vì họ. Lòng yêu nước, sự lãng mạn và tính nhân văn thời nào cũng là phẩm chất được gìn giữ, bồi đắp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Một thời đã như thế và mãi mãi sẽ như thế!
Nguyễn Hữu Quý
Từ khóa » Hình ảnh Người Lính Cụ Hồ
-
Vẹn Nguyên Hình ảnh Người Lính Cụ Hồ
-
Hình ảnh Anh Bộ đội Cụ Hồ Trong Văn Học Việt Nam
-
Sáng Ngời Hình ảnh Người Lính Cụ Hồ - Báo Nghệ An
-
Tỏa Sáng Hình ảnh Người Lính Cụ Hồ - Báo Bình Dương Online
-
Đẹp Thêm Hình ảnh Người Lính Cụ Hồ Trong Mùa Dịch
-
Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ Trong Vùng Dịch - Học Viện Lục Quân
-
Đẹp Thêm Hình ảnh Người Lính Cụ Hồ - Báo Đồng Nai điện Tử
-
Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ Trong Thơ Tố Hữu - Báo Quân đội Nhân Dân
-
Xây Dựng Hình Tượng Bộ đội Cụ Hồ Trong Thời đại Mới
-
Tỏa Sáng Hình ảnh Người Lính Bộ đội Cụ Hồ Trong Thời Bình | Xã Hội
-
Một Biểu Tượng Tiêu Biểu Và đáng Tự Hào - Quân Khu 2
-
Tỏa Sáng Hình ảnh Người Lính Cụ Hồ Trong Bão Lũ | VOV2.VN
-
Chùm ảnh: Những Hình ảnh Xúc động Về Người Lính Bộ đội Cụ Hồ