HÌNH ẢNH NGƯỜI LÍNH TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

     

 Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn nghìn năm Đất Nước

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Nhiều người đã trở thành anh hùng

Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi 

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ làm ra Đất Nước.”

Trong không khí cả nước tưng bừng chào đón và kỉ niệm ngày truyền thống của quân đội ta, chúng ta xúc động và tự hào khi được bày tỏ lòng ngưỡng mộ,  niềm tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đi trước, đặc biệt là những người lính của quân đội Nhân dân Việt Nam- mà chúng ta vẫn thường gọi bằng cái tên thân mật: người lính cụ Hồ - chính họ đã và đang góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong rất nhiều những phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ, tôi xin được chia sẻ những cảm nhận của mình về 2 phương diện: đó là vẻ đẹp lý tưởng sống và tình yêu của người lính.

Nói về người lính, điều đầu tiên khiến chúng ta cảm phục và yêu mến họ chính là ở lý tưởng chiến đấu. Thực tiễn hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta đã chứng tỏ sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Quân đội ta, trước hết ở việc quán triệt, xây dựng mục tiêu lý tưởng chiến đấu.  Điều đó đã tạo nên bản lĩnh vững vàng, kiên định cùng động lực to lớn, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn quân nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết một lòng: “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Phẩm chất cao đẹp nhất của Quân đội ta là trung với Đảng, hiếu với dân đã trở thành nét truyền thống vẻ vang, bền vững; là sự giác ngộ sâu sắc và trung thành với mục tiêu lý tưởng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Một lần nữa, vẻ đẹp ấy lại được ngời sáng trong những trang thơ của văn học Việt Nam hiện đại.

Có thể nói, đã có hẳn một dòng văn học viết về người lính. Ở đó, những phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ như: sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng cao cả vì tự do độc lập của Tổ quốc được khắc họa, tô đậm:

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Nhưng tuổi hai mươi thì làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc!

(Thanh Thảo – Những người đi tới biển)

Vào mặt trận, dù nơi ấy là đạn bom ác liệt và biết rằng có thể phải hi sinh, nhưng họ vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan, ngang tàng đậm chất lính:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

(Quang Dũng – Tây Tiến)

Thậm chí, họ còn cảm thấy vui như đi trẩy hội:

Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Trường  Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây

(Phạm Tiến Duật – Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây)

Hình ảnh cả dân tộc lên đường ra trận đã trở thành biểu tượng sáng chói của tinh thần yêu nước, căm thù giặc. Trong đoàn quân ấy, thật xúc động biết bao khi là nơi hội tụ của tình yêu gia đình và tổ quốc:

Cha còn đeo quân hàm

Con đã ra nhập ngũ

Một hòn đá Trường Sơn

Cha con cùng gối ngủ.

(Trinh Đường)

Và đây là những dòng tâm sự rất thật của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (từng đạt giải nhất học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc lớp 10, năm học 1969-1970) được anh viết trong cuốn Nhật kí Mãi mãi tuổi hai mươi: “Bây giờ, càng đi lâu, mình càng thấy sự có mặt của mình trong quân đội là cần thiết, là đúng đắn. Xấu hổ biết bao nhiêu vì thanh niên trai tráng, khỏe mạnh lại suốt ngày ru rú trên cửa sổ của giảng đường đại học! Suốt ngày gìn giữ nếp áo quần, giữ bàn tay cho sạch, và soi gương làm dáng... để cho lớp thanh niên vừa nhỉnh một chút lăn lộn người ngoài  tiền tuyến, với những thằng lính Mỹ xâm lược to gấp đôi, gấp rưỡi mình! ...Một chân lý đơn giản, thật dễ hiểu. Không chỉ nhận ra, mình còn sung sướng và tự hào vì nhiệm vụ vẻ vang ấy. Chỉ tiếc rằng, mình đi chậm quá, bởi: “đất nước hành quân mấy chục năm rồi ”.

Sức mạnh phi thường ấy có được chính là nhờ truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất “Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận” (Tố Hữu) của con cháu vua Hùng. Tâm hồn người chiến sỹ hôm nay náo nức lời kêu gọi của Bác Hồ: ”Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi“. Tâm hồn ấy còn vang vọng tiếng thơ kiên cường của Lý Thường Kiệt, lời hịch sang sảng của Trần Quốc Tuấn, khí thế oai hùng của tiếng trống trận Tây Sơn, đó là ý thức mang tầm cỡ dân tộc và thời đại: “ Ta vì ta, ba chục triệu người/ Cũng vì ba ngàn triệu trên đời” – (Tố Hữu). Chính khát vọng sống đẹp đẽ đã hun đúc, khắc tạc người lính thành tượng đài mang vẻ đẹp của những anh hùng huyền thoại:

Con đứng đây dưới Trường Sơn hùng vĩ

Mười tám sức trai luyện lửa thành đồng

Chân như pha sắt, hồn pha thép

Ngẩng cao đầu thở gió biển đông

(Phan Minh Đạo)

Người lính thời đại Hồ Chí Minh không chỉ đẹp bởi lý tưởng sống vì độc lập, tự do của tổ quốc, mà họ còn là những chàng trai cô gái có trái tim giàu yêu thương. Ở họ, đó là sự kết tinh của cái bình thường và phi thường, của vĩ đại và giản dị, vừa ” Yêu thương mênh mông”,vừa” Căm hờn cháy bỏng”, ” rất mãnh liệt và cũng rất dịu dàng”.Trong phút đối mặt với thử thách, khó khăn, các anh vẫn lạc quan, vững vàng bởi tình yêu nơi hậu phương vững chắc:

Nửa đời mình trong chiếc ba lô

Tấm ảnh em trao ngày nhập ngũ

Vẫn theo tôi tháng năm khói lửa

Dọc con đường mưa lũ Trường Sơn.

Lính xa nhà chẳng quý gì hơn

Một cánh thư mang hình bạn gái

Thuyền ra đi ước mơ gửi lại

Bến sông lòng khắc khoải thời gian…

Nơi chiến trường bão đạn mưa bom,

Có tên em giữa hai trận đánh

Có niềm tin nhân đôi sức mạnh

Đêm vượt rừng nhẹ bước hành quân…

                                          (Đoàn Đức Bình  - Một nửa trong tôi)

Giữa cái gân guốc của hiện thực chiến đấu ác liệt, hình ảnh của một cô gái, một chiếc khăn tay, một lá thư viết vội … nơi hậu phương cũng đủ làm ấm lòng những người chiến sĩ nơi tuyến lửa, là động lực tạo nên sức mạnh chiến thắng. Tuổi hai mươi lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, những người lính trẻ mang theo bao ước mơ với tâm hồn giàu cảm xúc, lãng mạn. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã có những trải nghiệm để rồi nhận ra một quy luật tâm lý mang tính khái quát: “Nỗi khát vọng tình yêu. Bồi hồi trong ngực trẻ”. Và nghệ sĩ Quang Dũng cũng đã phát hiện được vẻ đẹp tinh tế, hào hoa của những chàng trai Hà thành khi phải xa thủ đô yêu dấu: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới. Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Hương hoa bưởi dìu dịu mà thanh tao như chứng nhân của tình yêu: “Chia tay vẫn chẳng nói điều gì/Mà hương thầm thơm mãi bước người đi... Là sắc đỏ trong Cuộc chia ly màu đỏ - cái màu cờ ấy như một biểu tượng, một dấu ấn sâu sắc cháy lòng nung nấu một tình yêu sắt son chờ đợi của cả người đi và người ở lại. Là chiếc nón bài thơ mà anh lính mỗi khi nhìn thấy đều gợi nỗi nhớ: “Khoảng râm là ánh sáng màu /Của tình yêu, ở trên đầu đó em”(Phạm Tiến Duật). Cũng có những người lính, họ hi sinh khi còn rất trẻ: “Chưa kịp yêu một người con gái/Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”…Tình yêu của người lính quả thực là muôn màu, nhưng có một điểm chung ở họ, ấy là sự hòa quyện giữa tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa trong tình yêu tổ quốc; họ biết đặt lợi ích của dân tộc lên trước hết: “Khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau.”, và “Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt.” (Nam Hà).

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã hiện thực hóa lý tưởng chiến đấu của người lính. Nước nhà độc lập, thống nhất; Bắc – Nam sum họp, khát vọng tình yêu và cuộc sống được vun đắp xanh tươi. Người lính trở về với cuộc sống bình dị đời thường, có những khó khăn, bỡ ngỡ trước nhịp sống hối hả của nền kinh tế thị trường, song với phẩm chất truyền thống vốn có của người lính cụ Hồ đã tạo nên sức mạnh để để họ bước tiếp vào ngày mai bằng bản lĩnh, niềm kiêu hãnh và niềm tin chiến thắng. Xin được khép lại những dòng cảm nhận về hình tượng người lính trên đây bằng một bài thơ của một nhà thơ từng mang trên mình màu xanh áo lính.  

Con được vào mẫu giáo

Bố cũng vừa nghỉ hưu

Cùng chiếc xe đạp cũ

Đón con mỗi buổi chiều.

 

Ngày xưa đi chiến đấu

Bố chưa hình dung ra

Nào ngờ im tiếng súng

Sinh con Bố đã già.

      

Bế con yêu trên tay

Lung linh nhành hoa thắm

Hương gió thu nồng ấm

Giọt nắng chiều mê say.

 

Bố về hưu hôm nay

Tạm yên phần đất nước

Nhưng làm sao hưu được

Trước cuộc đời của con ?

 

Chiếc cặp con mầu son

Ba lô cha màu lá

Cùng trên vai hối hả

Trước sóng đời mênh mông.

 

Cây bút con nhẹ không

Khẩu súng cha nặng lắm

Nhưng đều chung sắc thắm            

Những điểm mười nở hoa… 

Là thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong thời bình, chúng ta càn trân trọng và biết ơn đối với sự hi sinh của các thế hệ cha anh; chúng ta tự hào về truyền thống yêu nước và biến điều đó thành động lực, sức mạnh, không ngừng cống hiến tài năng, trí lực cho Đất Nước, để:

“Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”

                                                                                        

 

 

 

                                                    ĐoànThị Thu Phương, tổ Văn - GDCD - NN  

Từ khóa » Hình ảnh Người Lính Việt Nam