Hình Thái Của Họ Gừng (Zingiberaceae Lindl.) ở Việt Nam Và Các đặc ...

Vì vậy, việc nghiên cứu phân loại họ Gừng ở nước ta một cách có hệ thống là điều vô cùng cần thiết. Nhưng việc nghiên cứu các mẫu vật khô của họ Gừng rất khó khăn, vì cụm hoa và hoa thường mọng nước, sau khi ép khô rất khó phân tích. Vì vậy, việc nghiên cứu hình thái và các đặc điểm đặc biệt nhận biết các chi ngoài thiên nhiên là một bước quan trọng để có thể định loại các loài trong họ Gừng ở Việt Nam.

Nội dung và phương pháp nghiên cứu

Tìm hiểu đặc điểm hình thái họ Gừng qua các đại diện có ở Việt Nam. Phân tích so sánh các chi, căn cứ vào những đặc điểm như dạng sống, lá bắc, lá bắc con, vị trí cụm hoa, hoa, màu hoa, bộ nhị, bộ nhụy, quả… để chọn ra những đặc điểm dễ nhận dạng ngoài thiên nhiên.

Phương pháp được sử dụng là phương pháp hình thái so sánh. Trong phương pháp này, chúng tôi căn cứ chủ yếu vào các đặc điểm như dạng sống, vị trí cụm hoa, màu sắc, mùi vị. Đây là những đặc điểm ổn định ít phụ thuộc vào sự thay đổi của điều kiện sinh thái và dễ nhận biết ngoài thiên nhiên.

Kết quả nghiên cứu

Đặc điểm hình thái họ Gừng (Zingiberaceae Lindl.)

Dạng sống

Các cây trong họ Gừng (Zingiberaceae) gồm những cây thảo nhiều năm thường sống nơi đất ẩm, dưới tán cây hay tán rừng, hiếm khi phụ sinh (Cautleya gracilis, Hedychium bousigonianum, Hedychium poilanii). Rễ nhỏ, hình sợi, đôi khi đầu rễ phình to lên thành dạng củ (Curcuma, Kaempferia, Stahlianthus…). Thân rễ to, nạc, nằm ngang, chứa nhiều chất dự trữ, có khi rất ngắn hoặc chỉ mang hoa, thân được tạo thành do các bẹ lá ôm chặt lấy nhau tạo thành thân giả, rất ngắn hoặc không có (Distichochlamys, Kaempferia…) hay cao 1-3m, đôi khi cao tới 4-5m (Alpinia, Amomum…), không phân nhánh. Cây thường có mùi thơm hay có mùi hắc như một số loài trong chi Zingiber.

Lá: Lá của các cây trong họ Gừng là lá đơn, mọc cách, các lá xếp thành hai hàng, thường hướng lên trên, đôi khi nằm ngang gần như song song với mặt đất (Kaempferia galanga, K. pulchra); có khi lá chỉ là bẹ lá dạng vảy. Lá gồm các phần là: bẹ lá, cuống lá, lưỡi lá và phiến lá: Bẹ lá: Mở đến gốc, phần dưới bẹ lá thường ôm chặt lấy nhau làm thành thân giả. Cuống lá: Cuống lá không có hay có, ngắn hay dài (có thể dài tới 25cm), hình lòng máng nông hoặc sâu. Lưỡi lá (thìa lìa): Là phần giữa bẹ lá và cuống lá, từ bẹ lá kéo dài lên. Lưỡi dày hay mỏng dạng màng, đầu nguyên hay xẻ 2, cụt ngang, dài 1-2 mm tới vài cm. Phiến lá: Hình mác, hình trứng hẹp, bầu dục, ít khi gần tròn (Kaempferia pulchra), gốc phiến nhọn, hình nêm hay gần tròn; đầu phiến thường nhọn, đôi khi thót nhỏ thành dạng đuôi, hiếm khi tròn. Thông thường, phiến lá mầu xanh, nhưng ở một vài loài trong một số chi, mặt trên lá có đốm trắng loang lổ (Stahlianthus) hay dọc gân chính mặt trên nâu đỏ (Curcuma) hoặc mặt dưới nâu đỏ (Distichochlamys, Stahlianthus, Zingiber).

Cụm hoa: Cụm hoa mọc trên ngọn thân có lá hay từ thân rễ sát mặt đất, tách biệt với thân có lá, hoặc từ giữa các bẹ lá. Cụm hoa dạng chùy, chùm hay bông. Cuống cụm hoa mọc từ thân rễ ở một số chi được bao phủ bởi các bẹ lá dạng vảy thưa hay dày. Cụm hoa thường không phân nhánh, trừ một số ít loài trong các chi Globba, Alpinia, Elettaria, Elettariopsis.

+ Lá bắc: Lá bắc thường có dạng vảy, hình bầu dục, hình mác hay mác-thuôn, bao lấy lá bắc con và hoa, đôi khi lá bắc bao lấy truyền thể (Bulbil). Các lá bắc dính với nhau ở nửa dưới làm thành dạng túi (Curcuma), hay thành dạng chuông (Stahlianthus), hoặc xếp lợp lên nhau. Ở một vài chi, những lá bắc ở phía dưới của cụm hoa là những lá bắc bất thụ (không chứa hoa), thường có mầu sắc, hay những lá bắc này phát triển rất to bao lấy cả cụm hoa khi non gọi là lá bắc tổng bao (nhưng thường sớm rụng). Đôi khi lá bắc không có hoặc sớm rụng.

+ Lá bắc con: Nằm trong lá bắc và đính gần sát gốc lá bắc, bao lấy hoa. Lá bắc con dạng vảy hay dạng ống, có gốc dính sát với bầu. Đôi khi lá bắc con không có hoặc sớm rụng.

Hoa: Hoa lưỡng tính, mẫu 3, bầu hạ, đối xứng hai bên, có mầu sắc, kích thước trung bình hoặc lớn. Các hoa đính trên cụm hoa dày đặc hay thưa thớt, hoa đơn độc hay vài hoa trong một cụm nhỏ (Cincinnus) đính vào trục cụm hoa. Hoa gồm các bộ phận:

+ Đài: Có các lá đài dính với nhau ở phần dưới thành hình ống, phần trên chia 2-3 thùy ngắn hay dài giống dạng răng, hoặc xẻ chữ V - đầu trên chia 2-3 thùy dạng răng.

+ Tràng: Dính với nhau ở phần dưới thành hình ống, phần trên chia 3 thùy, thùy lưng thường to hơn 2 thùy bên, phía đầu lõm ít nhiều dạng mũ.

+ Bộ nhị: Chỉ có một nhị sinh sản duy nhất, ở phía trong thùy lưng của tràng, gồm có chỉ nhị dạng bản mỏng hay dày, phía trên đính hai bao phấn hướng trong, mở bằng khe dài dọc theo ô bao phấn. Bao phấn có hay không có phần phụ của trung đới, nếu có thì kéo dài lên phía trên tạo thành mào, không bao lấy vòi nhụy, xẻ thùy hay nguyên, hay bao lấy vòi nhụy kéo dài (Zingiber), hoặc kéo dài ở 2 phía cạnh ngoài hai bao phấn thành dạng cánh (Globba). Đôi khi bao phấn không có phần phụ nhưng ở gốc mỗi bao phấn kéo dài xuống phía dưới tạo thành cựa (Curcuma). Cánh môi đối diện với nhị, do 3 nhị bất thụ dính lại với nhau biến thành, thường to, có màu sặc sỡ. Hai nhị lép còn lại nằm ở hai bên gốc cánh môi, dạng cánh tràng không dính với cánh môi (Hedychium), hay dính với cánh môi ở phía dưới (Zingiber), hoặc tiêu giảm thành dạng răng, dạng vảy hay tiêu giảm hoàn toàn.

+ Bộ nhụy: Bộ nhụy hợp nguyên lá noãn (Syncarpous) hay hợp bên lá noãn (Paracarpous). Một vòi nhụy mảnh, nằm dọc theo rãnh phía trong chỉ nhị, qua khe giữa 2 bao phấn; núm nhụy nhô lên phía trên đầu 2 bao phấn, trừ ở chi Zingiber, vòi nhụy kéo dài vượt quá đầu 2 bao phấn và được phần phụ trung đới của bao phấn kéo dài bao lấy. Ngoài 1 nhụy hữu thụ duy nhất, còn có các vòi nhụy lép đính trên đỉnh bầu, hình dùi hay bản ngắn. Bầu hình cầu, bầu dục, hình trụ hay đôi khi hình phễu. Bầu 3 ô hay 1 ô, noãn đảo, nhiều, đính noãn trụ giữa hay đính noãn bên.

Quả: Quả nang chẻ ô, đôi khi quả mọng, quả nạc, thường hình cầu, bầu dục, đường kính từ 0,2cm đến 2-3(4)cm, đôi khi quả có ngấn giữa (Alpinia galanga), hay có dạng quả giác (quả cải) (Siliquamomum tonkinense), hoặc quả có gờ nổi theo chiều dọc (Elettaria, Elettariopsis). Vỏ quả có lông hay không, có gai mềm, gai phân nhánh hay không, hay vỏ quả có cánh dạng quả khế.

Các đặc điểm nhận biết các chi trong họ Gừng (Zingiberaceae Lindl.)

Theo các nghiên cứu gần đây, họ Gừng ở Việt Nam có 19 chi với khoảng 136-145 loài. Sau đây là các chi thuộc họ Gừng (Zingiberaceae) có ở Việt Nam với các đặc điểm dễ nhận biết ngoài thiên nhiên.

Chi 1. Alpinia Roxb. – Riềng, Sẹ

Đặc điểm: Cây thảo cao 1-3(4)m. Cụm hoa trên ngọn thân có lá, lá bắc màu nâu hay trắng, cánh môi có màu trắng-vàng, trắng-đỏ, vàng-đỏ sặc sỡ, thường to rộng hơn các thùy tràng, phía đầu xẻ thành 2-3 thùy hay nguyên. Phần lớn quả hình cầu, đôi khi có hình bầu dục rộng, hiếm khi là hình thoi (Alpinia oxymitra).

Nơi sống: Phần lớn các loài trong chi này ưa bóng, ưa ẩm, mọc dưới tán rừng, dưới bóng các cây khác, nhưng có số ít loài vẫn phát triển tốt ở nơi ít bóng. Trên thế giới có khoảng 230 loài, phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Châu Á, một số ít ở Úc và quần đảo Thái Bình Dương. Việt Nam có 27-30 loài.

Chi 2. Amomum Roxb. nom. cons. – Sa nhân, Thảo quả

Đặc điểm: Cây thảo lâu năm, cao 1-2-3(4-5)m. Cụm hoa mọc từ thân rễ sát mặt đất hay từ ngay gốc của thân có lá; cánh môi có màu trắng, vàng hay đỏ. Quả nang thường có 3 dạng: Vỏ quả nhẵn, vỏ quả có gai mềm và vỏ quả có cánh giống như dạng quả khế.

Nơi sống: Thường mọc ven suối, dưới tán rừng ẩm, chỉ phát triển tốt và ra hoa quả ở những nơi nhiều bóng và ẩm. Trên thế giới có khoảng 150 loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á và Úc. Việt Nam có 21-23 loài.

Chi 3. Boesenbergia Kuntze – Bồng nga truật

Đặc điểm: Cây thảo nhỏ. Cụm hoa mọc giữa các bẹ lá, ít hoa. Mỗi lá bắc chứa một lá bắc con và một hoa, nhị lép bên thường rộng hơn thùy tràng, cánh môi hình trứng ngược rộng, rộng hơn thùy tràng và nhị lép, lõm sâu hình túi, phía gốc hẹp.

Nơi sống: Mọc hoang dại và được trồng nhiều nơi ở Việt Nam, cây ưa bóng, ưa ẩm, thường mọc ven nương rẫy, dưới tán rừng. Trên thế giới có khoảng 50 loài, phân bố ở Châu Á. Việt Nam có 1 loài.

Chi 4. Caulokaempferia K. Larsen – Đại bao khương

Đặc điểm: Cây thảo mảnh cao 30-50cm. Cụm hoa trên ngọn thân có lá, ít hoa. Các lá bắc xếp hai hàng, mỗi lá bắc bao một cụm nhỏ (Cincinnus) có 1-4 hoa. Chỉ nhị rất ngắn, phần phụ trung đới kéo dài thành mào rộng, cong ngược lại, nhị lép bên dạng cánh tràng rộng.

Nơi sống: Thường mọc nơi vách đá ẩm có nước rỉ xuống, ở độ cao 1200-1600m. Trên thế giới có khoảng 10 loài, phân bố ở vùng nhiệt đới Châu Á, vùng tây - nam dãy Himalaya ở Mianma, Trung Quốc, Thái Lan. Việt Nam có 1 loài .

Chi 5. Cauley (Benth.) Royle ex Hook. f. – Cầu ly

Đặc điểm: Cây thảo nhỏ, mảnh, cao 20-80cm. Cụm hoa trên ngọn thân có lá, thường có 2-10 hoa đính thưa. Mỗi lá bắc chỉ bao một hoa. Hoa thường có màu vàng, hai thùy tràng bên dính 1/2 ở phía gốc với cánh môi; nhị lép bên dạng cánh tràng, cánh môi dạng nêm rộng, xoè ra, đầu rách mép. Quả hình cầu.

Nơi sống: Cây phụ sinh, nơi râm mát dưới tán cây khác. Trên thế giới có 5 loài, phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Nepal, Butan, Trung Quốc, Thái Lan. Việt Nam có 1 loài.

Chi 6. Curcuma L. nom. cons. – Nghệ

Đặc điểm: Cây thảo, cao 1-2m, thân rễ có nhánh, dày, nạc, có mùi thơm. Cụm hoa mọc từ thân rễ hay giữa các bẹ lá, đôi khi hoa xuất hiện trước lá. Các lá bắc dính với nhau ở 1/2 chiều dài phía dưới và làm thành dạng túi, phần trên xòe ra, phía đầu các lá bắc có màu sắc khác nhau, gốc mỗi bao phấn kéo dài xuống phía dưới thành dạng cựa. Bầu 3 ô.

Nơi sống: Cây thảo ưa bóng, mọc dưới tán rừng ẩm, ven suối, ven nương rẫy, sinh trưởng tốt trên đất giàu dinh dưỡng, đất phù sa, nhiều mùn ẩm, thoát nước, không được chịu úng. Trên thế giới có khoảng 50 loài, chủ yếu ở vùng nhiệt đới Châu Á, 1 loài ở Úc. Việt Nam có 18-20 loài.

Chi 7. Distichochlamys M. F. Newman – Gừng đen

Đặc điểm: Cây thảo nhỏ, các bẹ lá không ôm lấy nhau tạo thành thân giả, rễ nhỏ. Mặt dưới phiến lá nâu nhạt, nâu đỏ; cuống lá dài 15-25cm. Cụm hoa có cuống, mọc giữa các bẹ lá, ít hoa. Hoa màu vàng, cánh môi hình trứng rộng đầu hay gần hình tam giác ngược, xẻ sâu hay nông thành 2 thùy. Bầu 3 ô.

Nơi sống: Cây thảo ưa bóng, ưa ẩm hay mọc ven suối, dưới tán rừng. Đây là chi đặc hữu của Việt Nam. Chi này có 3 loài, mới chỉ phát hiện thấy ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Chi 8. Elettaria (L.) Maton – Trúc sa, Tiểu đậu khấu

Đặc điểm: Cây thảo cao 2-3m. Cụm hoa mọc từ thân rễ, trục mảnh, dài, rủ xuống, có nhánh ngắn. Mỗi lá bắc bao 1 cụm nhỏ (Cincinnus) có 3-4 hoa. Hoa trắng-tím, có cuống ngắn, cánh môi hình thoi, đầu 3 thùy, thùy giữa rách mép. Quả hình trứng, có gờ nổi dọc.

Nơi sống: Cây ưa bóng, mọc dưới tán rừng ẩm. Trên thế giới có 3 loài, phân bố ở Ấn Độ, Xrilanka, Singapo, Lào, Campuchia, Nam Mỹ. Ở Việt Nam có 1 loài gặp ở miền Bắc.

Chi 9. Elettariopsis Baker – Tiểu đậu

Đặc điểm: Cây thảo 1m. Cụm hoa mọc từ thân rễ. Mỗi lá bắc bao 1 cụm nhỏ (Cincinnus) có 1-2 hoa. Hoa có đài màu trắng hoặc hồng, chỉ nhị ngắn, rộng, phần phụ trung đới kéo dài thành hình vuông. Quả hình cầu, mầu nâu đỏ, có gờ theo chiều dọc hay không.

Nơi sống: Thường mọc nơi đất mùn ẩm, ven đường mòn trong rừng, dưới tán cây. Trên thế giới có khoảng 12 loài, phân bố ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia, Inđônêxia. Việt Nam có 2 loài.

Chi 10. Etlingera Giseke – Ét ling

Đặc điểm: Cây to cao đến 4-5m. Cụm hoa mọc từ thân rễ, dạng bông hay đầu, xếp theo vòng cầu đồng tâm trên một đế phẳng, thường có vài hoa nở đồng thời xòe ra. Cánh môi dạng lưỡi dài.

Nơi sống: Ven rừng, ven suối, sườn đồi nơi ẩm. Trên thế giới có khoảng 70 loài, phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Malaysia, Thái Lan, bắc Úc. Việt Nam có 5 loài.

Chi 11. Gagnepainia K. Schum. – Găng ba

Đặc điểm: Cây thảo nhỏ, đầu rễ phình lên thành củ. Lá chỉ phát triển thành dạng bẹ lá, không có phiến và lưỡi lá. Cụm hoa xuất hiện trước lá, dưới cụm hoa là các bẹ lá dạng vảy hẹp. Cánh môi chia 3 thùy rõ ràng, thùy giữa dạng chỉ, hai mép cuộn vào nhau theo chiều dọc giống dạng ống, trừ phần gốc xòe ra giống dạng tai, 2 thùy bên to, dạng xoan rộng hay bầu dục.

Nơi sống: Cây thảo thường mọc nơi đất mùn ẩm, ven suối, sườn đồi, dưới tán rừng. Mới gặp ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Có 3 loài trên thế giới, phân bố ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á. Việt Nam có 2 loài.

Chi 12. Geostachys (Baker) Ridl. – Địa sa

Đặc điểm: Cây thảo cao 0,8-1 m. Cụm hoa mọc sát gốc thân có lá, ít hoa. Lá bắc sớm rụng; lá bắc con dạng ống, gần như hình thoi, bao lấy 1 cụm nhỏ (Cincinnus) có 3-4 hoa. Bầu hình trứng. Quả nang, thuôn.

Nơi sống: Thường mọc nơi đất mùn ẩm sườn đồi, ven suối, dưới tán rừng. Trên thế giới có 5 loài, phân bố chủ yếu ở Malaysia, Thái Lan. Việt Nam có 2 loài.

Chi 13. Globba L. – Lô ba

Đặc điểm: Cây thảo nhỏ, mảnh, cao 0,2-0,9(1,5)m. Cụm hoa trên ngọn thân có lá. Mỗi lá bắc bao một cụm nhỏ (cincinnus) trong có vài hoa, hoặc bao 1 truyền thể (bulbil), bao phấn có hay không có phần phụ kéo dài thành dạng cánh nhọn ở các cạnh ngoài, nhị lép bên dạng cánh tràng, cánh môi cong ngược lại.

Nơi sống: Cây thảo ưa bóng, ưa ẩm, thường mọc dưới tán rừng, ven suối, dọc khe núi, có thể gặp ở độ cao tới 1000m. Có khoảng 100 loài, phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, 1 loài ở Úc. Việt Nam có 14 loài.

Chi 14. Hedychium Koen. – Ngải tiên, Bạch diệp

Đặc điểm: Cây thảo cao 1-2(3)m, đôi khi phụ sinh, lưỡi lá thường dài, rất mỏng. Cụm hoa trên ngọn thân có lá, mỗi lá bắc bao lấy một cụm nhỏ (Cincinnus) có 1-4 hoa, nhị lép bên dạng cánh tràng, rộng hơn thùy tràng, gốc không dính với cánh môi. Hoa chỉ có một màu trắng, vàng hay đỏ, thường có mùi thơm. Quả nang hình cầu, mở bằng 3 van.

Nơi sống: Thường mọc ven nương rẫy, sườn đồi, núi, dưới tán rừng, đặc biệt ven suối. Có khoảng 50 loài, phân bố chủ yếu ở Châu Á, ngoài ra còn có ở Châu Phi (Madagascar). Việt Nam có 12 loài, 1 thứ.

Chi 15. Hornstedtia Retz. - Gỉa sa nhân

Đặc điểm: Cây thảo cao 1-2(4)m. Cụm hoa mọc từ thân rễ, gần gốc thân giả, hình trứng hay thoi, cuống cụm hoa ngắn. Các lá bắc xếp lợp, những lá bắc ở dưới và ngoài cùng dày, bất thụ, mầu đỏ, lá bắc hữu thụ ở phía trên, chứa 1 hoa. Quả nang gần hình cầu, gần như 3 góc, nhẵn, mở đến gần gốc.

Nơi sống: Mọc nơi đất ẩm, ven đường mòn, ven suối, bờ đá ẩm. Có khoảng 60 loài ở vùng nhiệt đới Châu Á. Việt Nam mới phát hiện được 1 loài.

Chi 16. Kaempferia L. – Địa liền, Thiền liền

Đặc điểm: Cây thảo nhỏ, đầu rễ thường phình lên thành dạng củ. Thân giả rất ngắn hoặc không có, phiến lá đôi khi có đốm màu hay hồng ở mặt dưới. Cụm hoa đầu, mọc giữa các bẹ lá hay ở đất từ thân rễ, hoa xuất hiện trước hay sau khi có lá. Nhị lép bên dạng cánh tràng, cánh môi trắng hay hồng, đôi khi có đốm và màu khác ở gần gốc cánh môi.

Nơi sống: Cây thảo thường sống nơi đất mùn ẩm, ven nương rẫy, trong hốc đá, dưới tán rừng. Trên thế giới có khoảng 50 loài, phân bố ở vùng nhiệt đới Châu Á. Việt Nam có 8 loài.

Chi 17. Siliquamomum Baill. – Sa nhân giác

Đặc điểm: Cây thảo cao 1-2m. Cụm hoa chùm, trên ngọn thân có lá, hoa thưa. Hoa có cuống dài, gần đầu có khớp. Quả nang dài dạng quả cải, dài gấp nhiều lần rộng.

Nơi sống: Thường mọc ở các sườn núi ẩm ở độ cao 800-1500m. Chỉ có 1 loài duy nhất, phân bố ở Việt Nam và Trung Quốc.

Chi 18. Stahlianthus Ktunze – Tam thất gừng

Đặc điểm: Cây thảo, gần như không thân, đầu rễ phình lên thành dạng củ. Cụm hoa dạng đầu, thường được bao bởi một lá bắc tổng bao hình chuông.

Nơi sống: Cây thảo thường mọc nơi ẩm, ven nương rẫy, khe suối, hốc khe nơi ẩm. Trên thế giới có 6 loài, phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan. Việt Nam có 2 loài.

Chi 19. Zingiber Boehm. – Gừng, Khương

Đặc điểm: Cây thảo cao đến 2-3m. Cụm hoa hình nón hẹp, mọc từ thân rễ sát mặt đất hay trên ngọn thân có lá. Đặc điểm dễ nhận biết nhất là 2 mép phần tiếp nối giữa cuống lá và bẹ lá giống như khuỷu (đầu gối); phần phụ của trung đới kéo dài và cong ở đầu, bao lấy vòi nhụy. Toàn cây thường có mùi hắc.

Nơi sống: Ven suối, dưới tán rừng, ven đồi, hay còn được trồng. Trên thế giới có khoảng 150 loài, chủ yếu phân bố ở vùng Châu Á nóng ẩm. Việt Nam có 14-17 loài.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Tiến Bân, 2005: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, 3: 487-508. NXB. Nông nghiệp.2. Nguyễn Quốc Bình, 1994: Tạp chí Sinh học, 16(4) [CĐ]: 143-145. Hà Nội.3. Nguyễn Quốc Bình, 1995: Tạp chí Sinh học, 17(4) [CĐ]: 135-137. Hà Nội.4. Văn Võ Chi, Dư­ơng Đức Tiến, 1978: Phân loại học Thực vật, 461-464. NXB. Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội.5. Phạm Hoàng Hộ, 1993: Cây cỏ Việt Nam, 3(1): 534-572. Mekong Printing, Santa Ana, USA.6. Phạm Hoàng Hộ, 2000: Cây cỏ Việt Nam, 3: 432-461. NXB. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.7. Gagnepain F. in Lecomte, 1908: Flore Générale de L’Indo-Chine, 6: 25-121. Paris.8. Schumann K., 1904: Das Pflanzenreich 20. Heft. (IV 46): 1-458. Leipzig.9. Smith R. M., 1990: Notes from the Royal Botanic Garden Edinburgh, 47(1): 1-175.

Nguyễn Quốc BìnhBảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Viện KH&CN Việt Nam

(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)

Từ khóa » Hoa Họ Gừng