Hình Thái Xã Hội Của Thời Xuân Thu Chiến Quốc | Nghiên Cứu Lịch Sử

Bách Gia chư tử ( Ảnh mình họa)

Bách Gia chư tử ( Ảnh mình họa)

Trích từ tác phẩm Bách Gia Chư Tử Thảo Đường Cư Sĩ Trần Văn Hải Minh

I- Sơ lược sự kiện lịch sử thời xuân thu, chiến quốc

1. Thời Xuân Thu.

[722-479 trước T.L.]. Nhà Châu, sau khi dời đô về phía Đông, các đời vua suy nhược, chư hầu tự do, phóng túng, người xưng Công, kẻ xưng Bá, tranh giành đánh nhau không ngớt, trong nước rất rối loạn, nhơn dân hoặc phải làm binh lính , hoặc phải chịu ảnh hưởng của chiến tranh thật vô cùng khốn khổ.

Đức Khổng Tử ở vào thời đại hổn độn ấy, làm sách Sử ký nước Lỗ, kể những sự việc xảy ra ở nước ấy từ đời vua Lỗ Ẩn Công năm đầu [tức năm thứ 49 đời vua Châu Bình Vương ] đến Lỗ Ai Công năm thứ 14 [tức năm thứ 39 đời vua Châu Kính Vương] cọng 242 năm, gọi tên sách là Xuân Thu

Người đời sau nhân đó gọi thời đại ấy là Xuân Thu.

Đầu nhà Châu, số chư hầu hơn 1000 [gọi là chư hầu, nhưng thực tế chỉ là những bộ lạc với tù trưởng, và nhà Châu như là người lãnh tụ của các bộ lạc ấy] nhà Châu suy lần, chư hầu thôn tính lẫn nhau, đến lúc nầy, chỉ còn độ hơn 1 phần 10 nhưng trong sử sách chỉ thấy mấy nước là :

1. Nước Tề, ở Đông Nam huyện Xương Lạc, tỉnh Sơn Đông ngày nay.

2. Nước Sở, thuộc huyện Giang Lăng, tỉnh Hồ Bắc ngày nay.

3. Nước Tấn thuộc huyện Giáng, tỉnh Sơn Tây ngày nay.

4. Nước Tần, thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây ngày nay.

5. Nước Lỗ, thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông ngày nay.

6. Nước Vệ, thuộc huyện Kỳ, tỉnh Hà Nam ngày nay.

7. Nước Tống, thuộc huyện Thương Khâu, tỉnh Hà Nam ngày nay.

8. Nước Yên, thuộc Đại Hưng, đất Kinh Triệu ngày nay.

9. Nước Trịnh, thuộc huyện Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam ngày nay.

10. Nước Tào, thuộc huyện Định Đào, tỉnh Sơn Đông ngày nay.

11. Nước Trần, thuộc huyện Hoài Dương, tỉnh Hà Nam ngày nay.

12. Nước Thái, thuộc huyện Tân Thái, tỉnh Hà Nam ngày nay.

Trong 12 nước chư hầu kể trên thì có các nước Tề, Tấn, Tần, Sở, Tống là lớn và mạnh hơn hết. Đến sau có nước Việt, thuộc huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang ngày nay, và nước Ngô, thuộc huyện Ngô, tỉnh Giang Tô ngày nay, nổi lên cùng các nước chư hầu khác tranh hùng.

Bấy giờ tuy nhà Châu đã suy, chính lệnh thiên tử không được chư hầu tuân theo nữa, nhưng ân đức các tiên vương chưa phai hẳn trong trí người, nên nhân tâm còn theo. Vì thế, chư hầu nào có mưu lược, thường lấy cớ ” Tôn phò nhà Châu, đánh dẹp giặc rợ ” để làm minh chủ sai khiến thiên hạ.

Làm được minh chủ các chư hầu thì gọi là Bá. Đời Xuân Thu có 5 chư hầu kế tiếp nhau làm minh chủ, gọi là Ngũ Bá, đó là Hoàn Công nước Tề, Văn Công nước Tấn, Trương Công nước Tống, Trang Công nước Sở, Mục Công nước Tần.

Hoàn Công nước Tề là dòng dõi ông Thái công Vọng, nguyên huân, của nhà Châu, nhờ có tướng là Quản Trọng, biết dùng kẻ hiền năng, tu chỉnh việc vỏ bị, khai mỏ, đúc tiền, lấy nước biển làm muối, nước Tề thành phú cường, chư hầu đều phục

Nước Linh Chi [Sơn Nhung] cử đại binh quấy nhiễu nước Yên, Hoàn Công đem binh sang cứu, lấy được địa giới Linh Chi, và nước Cô Trúc, cho cả nước Yên. Hoàn Công lại đem quân chư hầu đi đánh các rợ Di, Địch cứu nước Hình bị Bắc địch xâm chiếm, sai đắp thành cho Vệ, vì nước nầy bị rợ vào giết vua và cướp phá.

Nước Sở không chịu cống nhà Châu, Hoàn Công đi đánh : trước sau Hoàn Công hội chư hầu 9 lần, làm cho ai nấy đều thần phục thiên tử.

Nhưng sau khi Quản Trọng chết, ông dùng bọn tiểu nhân như Thọ Điêu, Dịch Nha, Khai Phương, lại ham vui chơi, trễ nải việc nước, nên uy quyền suy lần.

Đến lúc ông chết, các công tử tranh nhau kế vị, trong nước rối loạn, bá nghiệp lại về Văn Công nước Tấn.

Văn Công nước Tấn là dòng dõi ông Đường Thúc Ngu, em vua Châu Thành Vương, vì chuyện trong nước phải trốn tránh ở ngoài, khi lên ngôi đã 62 tuổi.

Ông dùng các ông Thiệu Thôi, Hồ Yển, Tiên Trẩn hết sức sửa sang việc nước. Bấy giờ nước Trung Hoa bị Di, Địch quấy nhiễu luôn.

Xích Địch vào nhà Châu, Tương Vương phải chạy qua đất Trịnh, Văn Công hội chư hầu đi đánh dẹp và rước thiên tử về ngôi. Lại đại phá quân Sở ở Thành bộc, rồi hội chư hầu vào chầu vua Tương Vương mà ăn thề tôn nhà vua, không được hại lẫn nhau.

Văn Công mất, con là Tương Công kế vị, đánh được quân Tần ở đất Hào [Lạc Ninh, tỉnh Hà Nam ngày nay]. Truyền vài đời đến Niên Công là bậc anh minh, dùng những người hiền năng như Hàn Quyết, Triệu Võ, Nguỵ Giáng cùng nước Sở tranh hùng, bá nghiệp rất thạnh.

Về sau, con cháu kế làm minh chủ, có những bề tôi lão thành phụ tá, nên cơ ngiệp còn hơn 100 năm nữa. Bấy giờ, Tần, Sở tuy mạnh và có ý dòm ngó Trung Nguyên, nhưng không xâm lấn được.

Mục Công nuớc Tần là hậu duệ ông Ích, nhà Châu dời về phương Đông, cho nhà Tần đất Tây Châu, nên nước Tần được rộng thêm.

Đến đời Mục Công có Bá Lý Hề làm tướng, chăm lo việc chánh trị, đánh đuổi rợ Tây nhung, mở nước rộng thêm ngàn dặm, rồi làm Bá rợ nầy ở phương Đông, vì nước Tấn đương mạnh, chưa thể cùng tranh ngôi minh chủ được.

Tương Công nước Tống là hậu duệ ông Vi Tử đời Thương, sau khi Hoàn Công nước Tề chết, ông định thay làm minh chủ nên hội chư hầu ở Lộc thượng, nhưng việc không thành, sau lại hội ở đất Hu, ông bị nước Sở bắt.

Được tha về, ông đem quân đi đánh nước Sở, thua, bị thương rồi chết.

Trang Vương nước Sở từ khi mới lên ngôi, đã say đắm tửu sắc không thiết gì đến việc nước. Sau nhờ gián thần khuyên can, đổi tánh nết, rất được lòng dân. Ông diệt nước Dung, đánh nước Tống, đánh rợ Lục hồn, rồi đến Lạc ấp [kinh đô nhà Châu] xem binh bị nhà Châu, có ý dòm ngó Châu thất.

Ông phá quân Tấn ở đất Bi rồi làm Bá chủ chư hầu. Truyền đến Bình Vương vì nghe lời sàm thần, giết hiền thần Ngũ Xa, con Xa là Ngũ Viên [tức Ngũ Tử Tư] qua cầu cứu nước Ngô, đem quân về đánh, Sở Vương thua bỏ chạy, may nhờ có viện binh của Tần mới giữ nước được.

Mấy năm cuối đời Xuân Thu, vua nước Ngô là Hạp Lư, Phù Sai, vua nước Việt là Câu Tiển lại là những Bá chủ xuất sắc.

Hạp Lư, Tôn thất nhà Châu, dùng vong thần nước Sở là Ngũ Tử Tư, đánh nước Sở, đại thắng, oai danh lừng lẫy Trung quốc, nhưng về sau đánh với Câu Tiển bị thương rồi chết.

Câu Tiển là hậu duệ vua Thiếu Khương nhà Hạ, thắng Hạp Lư rồi, sau ông bị con Hạp Lư là Phù Sai đánh thua, và vây ở Cối Kê [nay thuộc Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang] phải hạ mình xin hoà.

Từ đó, trong 10 năm trời, ông cùng bầy tôi là Phạm Lãi, Văn Chủng, hết sức mưu tính việc báo thù. Bấy giờ Phù Sai rất kiêu ca, đang tranh hùng với chư hầu, Câu Tiển thừa dịp vào nước Ngô, đánh dứt Phù Sai, thanh thế chấn động khắp mọi nơi.

Các Bá chủ kế tiếp nhau ra oai, xưng hùng, xuống lịnh, khi đó Thiên tử chỉ là hư vị, đã không dám hỏi đến họ, mà nhiều khi lại phải nhờ đến họ để can thiệp vào việc riêng của mình, các chư hầu nhỏ thì nương vào nước mạnh để nhờ che chở.

Tranh giành để lập công danh, các Bá chủ khi hoà, khi chiến, nay minh, mai hội, làm tao nhiễu cả thiên hạ cho đến đời Chiến Quốc.

2. Đời Chiến Quốc.

[403-221 trước T.L.]. Cuối thời Xuân Thu các chư hầu đua nhau mở mang bờ cõi, nước càng mạnh lần. Đã phú quí rồi, tự nhiên tập thành cái thói an lạc, việc chánh trị đều giao cho bầy tôi, họ Điền ở nước Tề, sáu quan Khanh ở nước Tấn, vì chuyên quyền mà thành mạnh lần.

Sau Điền Hoà đoạt nước Tề, Hàn Kiều, Ngụy Tư, Triệu Tịch, chia nhau nước Tấn, và đều được nhà Châu phong làm chư hầu.

Bốn nước nầy và Tần, Sở, Yên cùng nhau đối địch, đều thích việc chiến tranh, danh tuy lấy nhà Châu làm chủ, nhưng thật ra đều là những nước độc lập.

Từ đó, 7 nước đánh nhau liên miên, đời gọi thời gian ấy là Chiến Quốc, và 7 nước ấy là Thất hùng.

Thất hùng là :

1. Ở nước Tần, sau Mục Công hơn 10 đời, đến Hiếu Công, có tướng là Thương Ưởng biến đổi các pháp chế, chăm nom việc cày cấy, ngoài lo việc chinh phạt, nên nước trở nên giàu mạnh, từ đó, vua Tần hùng cứ đất Quan Trung mà mưu thôn tính các chư hầu ở Sơn Đông [Quan Trung tức là Thiểm Tây ngày nay. Vì nằm trong 4 cửa ải : Hàm cốc, Tân quan, Tiêu quan, Võ quan nên gọi là Quan Trung].

2. Nước Sở, dưới đời Chiêu Vương, tuy bị quân Ngô đánh bại, nhưng chẳng bao lâu lại thạnh lên được.

Sau đó, Huệ Vương diệt được nước Trần, nước Thái, Giản Vương diệt nước Lữ, đến đời Uy Vương, Sở có một giải đất ở phương Nam, đất rộng dân đông, nước rất cường thạnh.

3. Nước Yên là đất nhà Châu, phong cho người đồng họ là Triệu Công Thích. Đời Xuân Thu, thế nước còn yếu, đến đời Chiến Quốc, chiếm được phía Bắc nước Tề, rồi cùng chư hầu tranh hùng ở mặt Nam.

4. Điền Hoà tiếm nước Tề, truyền đến cháu nội là Uy Vương, nước được đại trị, các chư hầu không dám phạm đến. Sau nước Ngụy đánh nước Hàn, Chiêu Hầu là vua nước Hàn đến cầu cứu nước Tề, Tề Tuyên Vương sai Điền Kỵ, Tôn Tẩn đi đánh Ngụy, đại thắng ở Mã Lăng, giết tướng là Bàng Quyên và bắt được thái tử Thần.

Đất nước Tề [nay thuộc huyện Lâm Tri, tỉnh Sơn Đông] giáp biển, có núi non hiểm trở, giàu, đông dân, nên là nước có thế lực nhứt trong số các chư hầu thời bấy giờ.

5. Nước Triệu là do Triệu Tích chiếm một phần đất của nước Tấn [nay thuộc huyện Đàm Đan, tỉnh Trực Lệ] mà lập lên, rồi lấy hiệu là Liệt hầu, đô ở Hàm Đan.

Sau nước Triệu thắng nước Tề, đánh được Ngụy và đất Trung Sơn [nay thuộc huyện Địch, tỉnh Trực Lệ] nên càng thêm mạnh.

6. Nước Ngụy, do Ngụy Tư đồng họ với nhà Châu, chiếm một phần đất của nước Tấn [nay thuộc huyện Giải, tỉnh Sơn Tây] mà dựng lên rồi lấy hiệu là Văn hầu, đô ở An ấp. Văn hầu dùng Bộc tử Hạ, Điền tử Phương làm thầy, sai Nhạc Dương đánh Trung Sơn, dùng Ngô Khởi làm tướng đánh dẹp, làm cho nước Tần không dám dòm ngó đến phương Đông. Đến con là Võ hầu, nhiều lần đánh nước Tề, nước Triệu, phá được quân Sở, lừng lẫy một thời.

7. Nước Hàn là của Hàn Kiều, cũng đồng họ với nhà Châu, chiếm một phần đất của nước Tấn [nay thuộc huyện Võ, tỉnh Hà Nam] mà dựng nên, lấy hiệu là Cảnh hầu, đô ở Dương quắc.

Từ đời Cảnh hầu đến Văn hầu, đánh nước Trịnh, lấy được Dương thành [phía Nam đất Đăng phong, tỉnh Hà Nam] đánh nước Tống, bắt được vua, và đánh nước Tề.

Chiêu hầu dùng Thân Bất Hại làm tướng, trong sửa sang việc chính giáo, ngoài ứng đối với các chư hầu, nên nước trị, binh cường.

*

Bảy nước trên, mỗi nước hùng cứ một phương, nhưng địa thế nước Tần thắng lợi hơn, vì Tần có cửa quan Hàm Cốc [nay ở Tây Nam, đất Linh bảo, tỉnh Hà Nam] đóng cửa quan lại mà giữ, thì quân chư hầu không đánh mình được, mở cửa quan ra mà đánh, thì quân chư hầu không cự lại được.

Bấy giờ có người nước Triệu là Tô Tần, hiểu rõ hình thế thiên hạ, xướng lên thuyết ” Hợp Tung “, cùng nhau liên hiệp để chống lại Tần.

Lại có Trương Nghi là bạn của Tô Tần, đã cùng Tần học với Quỉ Cốc tiên sinh, xướng lên thuyết ” Liên Hoành ” khuyên các nước cùng nhau liên hiệp với Tần.

Tô, Trương đem thuyết mình đi giảng giải với các chư hầu rồi đều được giàu sang.

Tô được đeo ấn 6 nước, Trương thì 2 lần làm tướng nước Tần. Từ đó phong trào du thuyết rất thạnh, các nước nuôi hàng ngàn biện sĩ, mỗi người chủ trương một phương sách. Rồi khi phân, khi hợp, khi chiến, khi hoà, can qua không dứt, quốc lực hao mòn.

Tựu trung, như Khương Vương nước Tống, Mân Vương nước Tề, đều vì ham dùng binh mà bị diệt ; Chủ Phụ nước Triệu, Chiêu Vương nước Yên thì dùng binh được nhiều thành tích. Còn nhóm Liêm Pha [tướng nước Triệu], Triệu Xa [tướng nước Triệu], Nhạc Nghị [tướng nước Yên] nhờ chinh chiến mà nổi danh một thời.

Tuy rằng nước nào cũng vì thời thế bắt buộc, nhưng vì đánh nhau mãi mà nước yếu nghèo, thù ghét nhau càng lắm, chỉ làm cho nước Tần dễ thôn tính mà thôi.

3. Nhà Châu diệt vong.

Nhà Tần dùng kế của Tư Mã Thác, lấy được Ba Thục nên nước càng giàu mạnh, bèn đánh nước Ngụy, phá nước Hàn, nước Sở. Trong hơn 50 năm, năm nào cũng xuất binh, làm cho các chư hầu ở Sơn Đông rất là khốn đốn. Đến đời Chiêu Vương, Tương Vương nhờ tướng quân là Bạch Khởi và kế ” Viễn giao cận công ” của Phạm Tuy nên thường đánh phá được các chư hầu.

Chỉ trận đánh nước Triệu, bị quân liên hiệp của Xuân Thân nước Sở và Tín Lăng nước Ngụy đánh thua, nhưng nước Tần không vì thế mà suy, mà chí xâm lược lại càng hăng hái.

Nhà Châu ngày càng suy yếu, vua Noãn Vương sợ bị Tần diệt, nên cùng chư hầu hợp quân đánh Tần, quân Tần liền vào nhà Châu và chiếm hết đất.

Vua Noãn Vương xin hàng, Tôn thất nhà Châu là Đông Châu Quân lại cùng chư hầu mưu đánh Tần, bị Tần đem an trí ở đất Dương Nhân [ở phía Tây Lâm nhữ, tỉnh Hà Nam ngày nay]. Nhà Châu mất từ đó. Bấy giờ là năm đầu Trang Tương Vương nhà Tần.

Nhà Châu từ đời vua Võ Vương đến đó, được 37 đời, cọng 874 năm [1134-247 trước T.L.].

II- Tổ chức văn hoá xã hội thời nhà Châu là một di sản quí báu cho thời xuân thu chiến quốc

Thời Xuân Thu Chiến Quốc đã thừa hưởng được một gia tài quí báu về vật chất lẫn tinh thần của thời nhà Châu, thế nên muốn tìm hiểu tình hình văn hoá xã hội thời Xuân Thu Chiến Quốc, chúng ta cũng nên tìm hiểu tình hình thời nhà Châu để hiểu rõ hơn tình hình xã hội của thời sau.

Tìm hiểu tình hình văn hoá xã hội, tức tìm hiểu tổ chức xã hội của thời ấy và nếp sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần của dân chúng thời đó.

Sau đây chúng tôi trình bày sơ lược về tổ chức trong chánh quyền dưới thời nhà Châu :

Nếp sinh hoạt về vật chất lẫn tinh thần của nhà Châu là noi theo hai đời nhà Hạ, nhà Thương trước, gom góp được tất cả những tinh tuý của đời trước để phát triển thêm và mở đầu cho một nền sinh hoạt sáng lạn cho đời sau.

Đây là một thời kỳ rất quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.

 Về tổ chức xã hội

1. Quan Chế

Dưới thời nhà Hạ có 3 quan công, 9 quan khanh và 27 đại phu với 81 ngươn sĩ, 2 quan tướng [tả tướng và hữu tướng], 6 quan thái [thái tể, thái tòng, thái sử, thái chúc, thái sĩ, thái bốc], 5 quan tư [tư đồ, tư mã, tư không, tư sĩ, tư khấu], 6 quan phủ [tư thổ, tư mộc, tư thủy, tư thảo, tư khí, tư hoá], 5 quan công (thổ công, kim công, thạch công, thú công, thảo công].

Đến thời nhà Châu có các quan tam công, lục cô, lục quan, cùng phân công nhau lo việc chánh.

Đời nhà Hạ, nhà Ân Thương, vì chưa có sách vở rõ ràng nên không thể tìm hiểu được một cách chính xác quan chế dưới thời ấy như thế nào, chỉ biết sơ là triều đình thời ấy còn hình thức như một bộ lạc, mà các quan là những người giúp việc cho tù trưởng để lo gìn giữ trật tự, và lo việc sanh sống cho những người trong bộ lạc [như có những người lo về việc làm giỗ, lo gìn giữ vật dụng v.v…]

Đến thời nhà Châu, quan chế thì có : thái sư, thái phó, thái bảo, đó là tam công, rồi đến thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo, đó là tam cô. Trở lên, đều là những chức quan ” luận đạo “, trong triều đình, chọn những người có đức để cử vào chức ấy, cũng như những chức cố vấn của chúng ta ngày nay, và đó không phải là chức quan hành chánh.

Về các Bộ trưởng hành chánh thì có Lục quan, cũng như Quốc vụ viện ngày nay, gồm có Trủng tể tức là Thiên quan, nắm quyền chánh trị trong nước, đứng đầu trăm quan, trông nom ” 4 biển ” cũng như Hành chánh viện trưởng ngày nay [thủ tướng].

Kế đó là Tư đồ, tức Địa quan, coi về giáo dục trong nước, kiêm cả phần giáo dục và hướng dẫn về chánh trị, y như Bộ trưởng giáo dục và nội vụ ngày nay.

Quan Thái bá, tức Xuân quan, trông nom về việc tế lễ, hoà trên dưới, thời xưa rất chú trọng về tôn giáo cho nên phải cử một đại thần để lo riêng về việc ấy.

Quan Tư mã là Hạ quan, chỉ huy quân lính, lo việc an ninh trong nước, cũng như ngày nay Tổng trưởng bộ quân lực, kiêm Tham mưu trưởng.

Quan Tư khấu là Thu quan, nắm pháp luật, cũng như ngày nay là Bộ trưởng bộ tư pháp.

Quan Tư không là Đông quan, xem về việc đất đai, xét về thiên thời địa lợi và cuộc sống của dân, như Bộ trưởng Nông, Công, Thương ngày nay.

Tổ chức nầy bắt đầu từ thời kỳ đầu của nhà Châu, rồi lần lần về sau, trải qua các đời : Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh được gọi là Lục bộ thượng thơ, phân công nhau để lo việc cai trị chung trong nước.

Thuộc hạ của 6 chức quan kể trên, mỗi bộ có 60 người, cọng tất cả là 360, thể theo đúng độ của vòng tròn trời đất. Tên gọi các chức quan thì cũng noi theo đời trước, chỉ có sửa đổi chút ít cho hợp mà thôi.

Ví như quan Trủng tể, thì dưới thời Ân Thương, gọi là Thái tể, còn Tông bá thì ngày xưa gọi là Thái công ; trong Thiên quan thì có thêm Tể phu, Nữ quan và Yêm nhơn ; Xuân quan thì thêm quan Côn Xa ; Hạ quan thì thêm quan Thái bộc…Những chức quan mới nầy đặt ra là để phục dịch riêng cho vua, mất cả tánh chất trước kia, vì sự lợi ích cho dân mà mới đặt ra chức quan.

Ngoài ra cũng còn các quan : Khanh, Đại phu, cũng đều noi theo Hạ.

2. Địa phương chế

Sau khi vua Nghiêu bình nạn Hồng Thủy [nạn lụt lội do sông Hoàng Hà gây nên] liền phân chia đất đai làm 12 châu…dưới thời nhà Hạ lại sắp lại thành 9 châu, rồi nhà Ân noi theo nhà Hạ mà không có gì thay đổi.

3. Điền chế

Về chế độ thuế khóa ruộng đất, dưới thời Đường Ngu [từ 2205 trước T.L. về trước] không có tài liệu gì để tìm hiểu được, là vì sau trận Hồng Thủy, nông nghiệp chưa phát triển được.

Dưới thời nhà Hạ, kể ruộng 50 mẫu [mẫu ta] làm một gian, 10 gian làm một tổ, mỗi gia đình được lãnh 1 gian ruộng.

Dưới thời nhà Ân Thương, thi hành phép tỉnh điền, chia ruộng thành 9 khu, mỗi khu là 70 mẫu, xung quanh là tư điền, giữa là công điền, 8 gia đình cùng nhau hợp sức cày cấy phần ruộng xung quanh, luôn cả khu ruộng công ở giữa.

Dưới thời nhà Châu cũng vẫn còn giữ y theo chế độ đó, nhưng mỗi khu lại rộng thêm được đến 100 mẫu. Về cách phát ruộng, thì đến 20 tuổi là được lãnh đến 60 tuổi thì trả lại.

Vị thành niên thì gọi là dư phu, được lãnh 25 mẫu ruộng, đến khi lớn có gia đình thì lãnh phần ruộng 100 mẫu.

Về trạch [ruộng riêng] cũng do quan cấp : mỗi người được 5 mẫu, 2 mẫu rưởi thì ở ngoài, còn 2 mẫu rưởi thì ở rong ấp, dân chúng có điền trạch tư hữu, số đất lại qui định đồng đều, cho nên ai cũng có việc làm mà không bị thất nghiệp, giàu nghèo cũng không quá chênh lệch, nghĩ rằng trong xã hội ngày nay cũng chưa chắc là đã tổ chức được chu đáo đến mức ấy, nhưng có điều đáng tiếc là lúc đó chỉ mới thi hành được ở các vùng đông tây gần thủ đô, chớ chưa thi hành được trong khắp nước.

4. Chế độ thuế má

Dưới thời nhà Hạ có phép Cống, tức là mấy năm nộp một lần, đánh vào số lợi tức của 5 mẫu ruộng riêng.

Dưới thời nhà Ân có phép Trợ, tức là nhờ dân giúp cày cấy khoảnh công điền, tức là lấy số huê lợi của công điền làm thuế.

Dưới thời nhà Châu thì dùng phép Triệt, tức là dùng luôn 2 phép Cống và Trợ. Những nơi nào xa xôi hẻo lánh, những năm mất mùa không có cách gì để xem xét được thì dùng phép Trợ để lấy thuế, còn những nơi gần gũi, có thể xem xét mùa được hay thất thì dùng phép Cống.

Ba cách đánh thuế ấy đều đánh trên lúa, ngoài ra lại còn thu thuế ” làm xâu ” [tức lực dịch].

Mỗi năm chánh quyền đều cần sức dân để làm những việc ích lợi công cộng, nhưng hạn định không quá 3 ngày trong một năm nếu năm nào bị mất mùa thì được giảm bớt.

Lại có thuế đánh vào lụa vải và đất tư, mỗi gia đình mỗi năm phải nộp một số lụa vải theo qui định và đất ruộng bỏ hoang thì bị phạt.

Núi, đầm, rừng sơn, cửa ải, chợ cũng đều đánh thuế. Thuế núi và đầm đánh với mục đích là gìn giữ tài nguyên, vườn sơn đánh thuế là để cho dân tiết kiệm, đánh thuế chợ là để dân giữ vốn và có ý hạn chế việc buôn bán. Tất cả các sắc thuế trên đều đặt ra với mục đích làm cho dân tiết kiệm, chớ không phải để làm hại dân, lợi cho vua.

5. Binh chế

Dân là binh mà quan là tướng, ở hương lý thì 5 nhà là một Tỷ, có Tỷ trưởng. Năm Tỷ là một Lư, có Lư thủ. Bốn Lư là một Tộc, có Tộc sư. Năm Tộc là một Đảng, có Đảng chánh. Năm Đảng là một Châu, có Châu trưởng. Năm Châu là một Hương, Hương có Đại phu.

Ở Toại [cách xa kinh đô chừng 100 dặm] thì 5 nhà là một Lân, Lân có Trưởng.

Năm Lân là một Lý có quan Tể. Bốn Lý là một Tán, có Trưởng Tán. Năm Tán là một Bỉ có chức Sư. Năm Bỉ là một Huyện có chức Chánh. Năm Huyện làm một Toại, có Đại phu.

Đó là tổ chức dân chúng lúc bình thường, nếu lúc cần binh lính thì mỗi nhà đưa một người, lính của Tỷ hay là Lân gọi là một Ngũ, có người Trưởng, đó là chức Hạ sĩ ở triều đình.

Binh lính của Lư, Lý gọi là một Lưỡng, Lưỡng có Tư mã chỉ huy, đó là chức Trung sĩ ở triều đình.

Binh lính của Tộc và Tán thì gọi là Tốt, có quan Chánh, đó là chức Thượng sĩ ở triều.

Binh lính của Đảng và Bỉ thì gọi là Lữ, có chức Sư, đó là Hạ đại phu ở triều.

Binh lính của Hương và Toại, gọi là Quân, có chức Sư, tức là quan Khanh ở triều.

Thiên tử có 6 quan Khanh, tức là có 6 quân, đó là biên chế theo luật định, còn về trưng tập quân dụng thì tổ chức như sau :

Vuông một dặm thì gọi là Tỉnh, mỗi tỉnh có 8 nhà, 4 tỉnh làm 1 Ấp, 4 ấp làm 1 Khâu, 4 Khâu làm 1 Điện.

Mỗi Khâu phải nộp ngựa trâu 1 con, bò 3 con. Mỗi Điện phải nộp 4 ngựa trâu, binh xa 1 chiếc, trâu 12 con, giáp sĩ 3 người, bộ tốt 72 người và lính khuân vác 25 người.

Dưới thời nhà Châu gọi việc binh là xâu thuế cũng vì việc thu góp ấy.

Thuở ấy dùng khí giới có cung tên, đao kiếm, cái mâu, cái kích, mũi nhọn đều làm bằng sắt.

Áo giáp thì làm bằng da thú, mũ thì làm bằng da hoặc bằng đồng, thời gian còn có thể bị sung vào lính là từ 20 đến 60 tuổi. Dân ở kinh đô thời gian phục dịch là 6 tháng sẽ được thay thế, suốt đời chỉ đi phục dịch 1 lần. Dân của chư hầu thì phục dịch một năm mới được thay thế, suốt đời chỉ phục dịch vài ba lượt, về phương pháp và thời gian huấn luyện thì chọn vào lúc không có làm mùa để khỏi làm trở ngại việc cày cấy.

Mũ sắt thời chiến quốc

Mũ sắt thời chiến quốc

Áo giáp da

Áo giáp da

kiem sat

6. Hình chế

Về dân sự thì có mấy loại khác nhau, nếu người và người đụng chạm thì lấy người hàng xóm làm chứng, tranh tụng về đất đai thì lấy họa đồ của vua làm chứng cớ, về việc vay mượn thì lấy giấy tờ làm chứng cớ, về việc buôn bán trao đổi thì lấy giao kèo làm chứng, tất cả đều do Sử quan ghi chép giùm.

Việc kiện tụng, trước hết phải nộp bó tên, tiền thế chân để tránh những vụ kiện cáo điêu ngoa, trừng phạt thì trước răn dạy rồi sau mới xử phạt, và phải được quan Đại phu và người dân trong vùng đồng ý.

Lúc quyết án tử hình thì quan Sĩ sư nhận lãnh tờ tuyên cáo để chọn ngày thi hành án.

Người thuộc hoàng tộc, kẻ có chức tước và đàn bà, được khỏi thọ hình ở chợ.

Hình chế thì có Mặc [bôi mực vào mặt] Tỉ [cắt mũi] Phỉ [chặt chân] Cung [thiến] Đại tịch [xử tử] tất cả gọi là ngũ hình. Những hình phạt nầy có từ thời Đường Ngu. Đời Tam đại [Hạ Thương Châu] noi theo, rồi lại có thêm mấy cách gia hình khác như : cạo đầu, cắt tai, đóng gông, lưu đày và cũng có thể thức chuộc tội.

Những người có hành động phương hại đến làng xóm thì bị đóng gông, rồi làm sai dịch ở nhà quan hoặc lâu hoặc mau tùy theo tội trạng.

Hình phạt cũng có những trường hợp giảm khinh như người già, trẻ nít, kẻ ngu, mất trí.

Cuối năm, tập trung lại tất cả những việc xử hình, gọi là ” pháp lệ ” để sau nầy tham khảo trong việc xét xử.

Những người có chức tước cao, thì không vào ngục, mà kẻ bầy tôi phải thay thế…đó là chế độ của giai từng quí tộc thống trị.

7. Chế độ tuyển cử

Các quan Đại phu ở hương lý, chọn người ưu tú đưa lên cho quan Tư đồ, đó gọi là tuyển sĩ, rồi quan Tư đồ lại tuyển những người ưu tú hơn để đưa lên nhà học gọi là tuấn sĩ.

Nếu đã được tiến cử lên quan Tư đồ, thì dù cho còn ở trong hnương lý cũng được miễn làm sai dịch, khỏi đóng thuế, khi lên đến nhà ” Học ” rồi thì khỏi đi lính, hai điều tuyển chọn đó gọi là ” tạo sĩ”.

Sau đó lại chọn những người ưu tú trong số tạo sĩ, đưa lên cho quan Tư mã, gọi là ” tiến sĩ “.

Quan Tư mã xét tài rồi ban cho tước lộc. Nếu kẻ từ hương lý đi lên, thì Đại phu tiến cử, quan Tư đồ dùng.

Quan lại ở vùng xa kinh đô [toại] thì do nhà Quốc học tiến cử cho quan Đại nhạc chánh chọn, quan Đại tư mã dùng.

Các bậc Đại phu, kẻ sĩ thì phép tuyển cử phải lấy đức hạnh và đạo nghệ làm chủ.

8. Chế độ học hiệu

Dưới thời Hữu Ngu, nhà đại học gọi là Thượng tường, nhà tiểu học gọi là Hạ tường. Chữ tường có nghĩa là nuôi dưỡng

Dưới thời nhà Hạ, tiểu học gọi là Tây tự, nhà đại học gọi là Đông tự.

Dưới thời nhà Ân, thì tiểu học gọi là nhà Tả học, đại học gọi là Hữu học.

Dưới thời nhà Châu, chế độ học hiệu có phần tinh tế hơn, và cũng có tài liệu để tìm hiểu được.

Chế độ học hiệu nhà Châu có những đặc điểm sau đây :

– Các loại trường

Có trường Hương học [trong hương lý] và Quốc học.

Rồi trong hai loại trường kể trên lại còn chia ra các trường lớn nhỏ, cao thấp khác nhau.

– Địa chỉ

Nhà Tiểu học của Thiên tử thì ở phía Đông cung vua, nhà Tiểu học của chư hầu thì ở phía trái của phía Nam cung điện. Nhà Tiểu học của thứ dân thì cất đâu cũng được, còn nhà Đại học của Thiên tử thì ở giữa nước, nhà Đại học của chư hầu thì ở ngoài thành.

Nhà Đại học của Thiên tử cũng có ở ngoài thành phía Tây, đó là dành cho thứ dân.

– Tên trường

Nhà Đại học trong nước có 5 tên gọi : ở giữa gọi là Tịch Ung, theo chế độ nhà Châu, còn ở phía Nam gọi là Thành quân, là theo chế độ Hoàng đế, ở phía Đông gọi là Đông tự, theo chế độ nhà Hạ, ở phía Tây gọi là Cổ Tông, theo chế độ nhà Ân, ở phía Bắc gọi là Thượng tường, theo chế độ nhà Ngu.

Ở hương lý thì có nhà Hiệu, ở châu thì có nhà Tự, ở đảng thì có nhà Tường, đó là dùng danh xưng của các đời trước.

Về Tiểu học, thì trong xóm có nhà Thục. Nhà Đại học của chư hầu gọi là Phán cung.

– Tài liệu dạy học

Tài liệu dạy học nhắm mục đích dạy dỗ đức hạnh, kính mến người già làm chủ.

Bậc Đại học dạy ” Lục nghệ ” và đạo tu kỷ, trị nhơn. Bậc Tiểu học thì dạy làm vặt vạnh trong nhà và những lễ nghi thông thường.

Về quân sự thì tập đi đứng, nhận tù binh. Ở cấp Đại học cũng có dạy quân sự để khích lệ tinh thần thượng võ và lòng khí khái.

– Về học trò

Ở nhà Quốc học thì nhận thái tử, các thế tử của vương tử và hoàng hậu, các đích tử của khanh, đại phu, ngươn sĩ, và các tuấn sĩ trong nước được chọn đưa đến.

Ở hương lý thì nhận con cái của thứ dân, nhà Hương học của vua thì nhận các cống sĩ của chư hầu và những người được chọn trong hương lý đưa lên.

– Thầy dạy

Ở trường Quốc học thì có Sư bảo, Đại nhạc chánh, Tiểu nhạc chánh, Đại tư, Tiểu tư, Thái sư và Đại tư thành đó là những giáo sư phụ trách dạy ở trường Quốc học.

Ở Hương học thì chọn chững người có đức hạnh đạo nghệ làm thầy.

Ở cấp Tiểu học cũng có phong tục đổi con để dạy dỗ lẫn nhau.

– Về tuổi tác

Ở bậc Tiểu học thì từ 8 đến 14 tuổi, bậc Đại học thì 15 đến 24 tuổi.

9. Chế độ thực nghiệp

Dưới thời nhà Châu, nhà cầm quyền rất trọng Thực nghiệp nên đặt để những qui tắc chặt chẽ, rõ ràng.

– Về nông nghiệp

Thiên tử tự đi cày cấy, mở ruộng để làm gương cho thứ dân, lại lập ra những chức việc để trông nom về nông nghiệp như Đạo nhơn, Điền tuấn. Những người có đất bỏ hoang bị phạt, người không đủ sức làm, được giúp đỡ, lại hướng dẫn cho dân việc chọn thời tiết, chọn giống và cách bón phân, cho nên thời ấy nền nông nghiệp rất thạnh.

– Nghề tơ tầm

Các bà hậu phi cũng nuôi tầm, ươm tơ để làm gương cho thứ dân, bên cạnh nhà luôn luôn có trồng dâu, lúc có kén, cứ xem dâu trồng nhiều hay ít để nộp thuế.

– Nghề lâm sản

Có đặt các viên chức như Sơn ngu, Lâm hoành để trông nom, đốn cây phải đúng mùa, đúng qui tắc đã định, mùa Đông thì đốn Dương mộc, mùa Hạ thì đốn Âm mộc để nuôi dưỡng cây.

-Nghề thủy sản

Có đặt các viên chức : Xuyên hoành, Trạch ngu để trông nom, bắt cá cũng phải có mùa có qui tắc.

Đến lúc rái tế cá xong mới được xuống sông bắt cá, và cũng cấm loại lưới nhặt để dưỡng cá con.

– Khoáng nghiệp

Có đặt viên chức trông nom, muốn khai mỏ thì phải được hướng dẫn đúng chỗ, đúng lúc.

– Công nghiệp

Có thợ ngọc, thợ chạm, thợ bạc, thợ mộc, thợ da, và các loại viên chức để hướng dẫn các nghề ấy.

– Thương nghiệp

Có đặt viên chức trông nom về chợ để hướng dẫn trong việc buôn bán và chỉ dẫn những điều ngăn cấm…

Khuyên dân chúng không nên xa hoa, cấm điều dối trá, hàng hoá xấu tốt không cho làm lẫn lộn, giá cả phải bình thường.

Vàng ngọc, những vật dụng trong triều đình, tôn miếu, những áo giáp khí giới đều bị cấm buôn bán, nhà buôn đi qua xứ khác phải đóng thuế quan [cửa ải] ai trốn thuế hàng hóa bị tịch thu.

Trong 9 điểm kể trên, chỉ có Điền chế, chế độ trường học và chế độ thực nghiệp là quan trọng hơn hết, và cũng nhờ những điểm đó mà nền văn hoá xã hội nhà Châu mới được vững vàng sáng lạn.

Nhờ Điền chế ấy mà dân có hằng sản và có hằng sản thì có hằng tâm, có cơm no áo ấm tất nhiên giữ được đạo đức cho con người và trật tự cho xã hội

Trường học nhiều, học trò được ưu đãi thì nền giáo dục phổ cập, lễ nghĩa phát huy và nền thực nghiệp hưng thạnh thì đời sống dễ dàng, xạ hội không rối loạn, khỏi cần dùng đến hình phạt.

Nhà Châu hưng thạnh được một thời gian dài hơn 400 năm, thật ra không phải là một điều ngẫu nhiên, và đó cũng là một điểm rất quan trọng cần cho chúng ta chú ý suy nghĩ.

III- Tình hình văn hóa xã hội dưới thời xuân thu chiến quốc

Thời Xuân Thu Chiến Quốc đã thừa hưởng được một di sản quí báu về văn hóa xã hội của thời Tây Châu, trong khi đó thì nền chánh trị của Trung Hoa thời ấy cũng có những biến chuyển lớn lao quan trọng, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nền văn hoá xã hội đã sáng lạn ấy.

Dưới đây là những đặc điểm của nền văn hóa xã hội thời Xuân Thu Chiến Quốc.

A. Chế độ

1. Quan chế

Lúc ấy chế độ địa phương tập quyền đã phát triển mạnh, chế độ phong kiến lung lay và tan rã lần.

Chế độ Quận huyện lớn mạnh, quan chế địa phương dưới thời nầy có các quan : Tể, Doãn, Công, Đại phu, danh xưng tuy khác nhau, nhưng chức quyền thì giống nhau, đó đều là những chức quan hành chánh ở Huyện.

Ở nước Lỗ, Huyện có quan Tể, cũng như phần trước đã viết : Khổng Tử làm quan Tể đất Thành, Tử Cao làm quan Tể đất Phi v.v…

Ở nước Sở thì gọi là Công, như Diệp công, Trần công, Thái công và cũng gọi là Doãn.

Ở nước Tấn thì gọi là Đại phu…

Dưới thời Chiến Quốc cũng có chức Thú, đó là người phụ trách hành chánh ở Quận. Còn quan chế ở trung ương của các nước thì có 3 quan Khanh, chỉ có phân nửa số Lục quan của Thiên tử : đó là các quan Tư đồ, Tư mã, Tư không.

Ở các nước, như nước Tấn có các quan Thượng, Hạ quân, Tướng tá, ở nước Sở có Lịnh doãn, Tư mã, nước Tần có Tả, Hữu Thứ trưởng, nước Tống có Hữu sư, Tả sư, Tư thành, Tư khấu…Danh xưng tuy khác nhau, nhưng cũng đều là chấp chánh đại thần.

Đến thời Chiến Quốc, các chức trên đều được gọi là Tướng, sau đó lại được tôn là Tướng quốc, cũng y như Quốc vụ tổng lý hay Thủ tướng ngày nay.

Về quân sự thì gọi là Tướng quân cũng như chức Tổng tư lịnh bây giờ.

2. Điền chế Thuế vụ

Dưới thời Xuân Thu có phép đánh thuế vào mẫu ruộng Sử chép : đời Lỗ Tuyên công, năm thứ 15, đánh thuế vào mẫu ruộng ngoài số ruộng công điền, mức thuế là 1 phần 10 trong số hoa lợi, nếu cọng thêm với hoa lợi của công điền thì thuế tăng lên gấp đôi.

Về chế độ nộp quân dụng thì y theo thời trước, căn cứ theo tỉnh điền để nộp số ngựa, xe trận, trâu và người lao công, nếu có thay đổi, thì chỉ đôi chút mà thôi.

Đến thời Chiến Quốc, nhà Tần dùng chánh sách của Thương Ưởng bỏ tỉnh điền, mở rộng bờ cõi để chiêu dụ dân chúng và quan không được lãnh ruộng, để cho dân được tự do mua bán ruộng làm của riêng.

Chánh sách thuế khóa cũng thay đổi, cứ tính theo số mẫu ruộng mà tính thuế, cứ để cho dân tự do canh tác, bao nhiêu cũng được, không hạn chế diện tích, vì thế mà đất đai ngày càng mở rộng thêm, mà cũng vì thế mà đi lần đến chỗ dân chúng giàu nghèo rất cách biệt nhau.

3. Binh chế

Cũng theo thời trước, thời Xuân Thu trưng binh trong nông dân, mà trong chiến tranh thì dùng xa chiến làm chủ. Nước Tấn là lớn hơn cả, lúc toàn thạnh, giáp xa có đến 4 ngàn chiếc, mỗi chiếc có 75 người theo, cọng chung quân số có đến 30 vạn người.

Đến thời Chiến Quốc, mới bắt đầu dùng cách mộ lính. Triệu Võ Linh ăn mặc theo người Hồ, tập cỡi ngựa bắn cung, đa số các nước bắt chước theo, vì thế Trung quốc bắt đầu dùng kỵ binh từ lúc ấy.

Quân số ở các nước lớn, mỗi lần huy động toàn lực, có đến mấy mươi vạn hay 100 vạn, xe ngựa có đến cả ngàn hay cả vạn chiếc vì thế quân chế và chiến thuật có thay đổi nhiều hơn trước, quân số cũng gia tăng, và cũng từ đó thế lực của Trung quốc đã áp đảo được các vùng xung quanh.

4. Hình chế

Dưới thời Xuân Thu cũng noi theo Ngũ hình thời trước, nhưng các hình thức cắt tai, cắt mũi, xâm mặt, đóng gông chỉ thi hành trong giới dân chúng còn hàng quí tộc thì khỏi.

Lớp quí tộc có tội thì bị đày, đến thời Chiến Quốc, quân quyền rộng lớn thêm, thì hình pháp lại càng chặt chẽ hơn.

Dưới thời nhà Tần có hình phạt liên can đến 3 họ, 7 họ, 10 họ…lại có hình phạt chém ngang lưng, ngựa xé xác v.v…

Nước Sở có hình phạt giết cả gia đình, nước Tề có hình phạt phanh thây, nước Triệu có Di hình [giết cả 9 họ]. Tóm lại hình phạt chỉ do sự tùy thích của vua chúa mà thi hành chớ không chiếu theo luật pháp thành văn hay tập quán gì cả, vì thế mà hình pháp lần lần đi đến chỗ hết sức tàn khốc.

– Tuyển chọn nhơn tài

Dưới thời Xuân Thu, đời đời ăn lộc, đời đời làm quan, cha truyền con nối, đó là chánh thể chuyên chế của quí tộc, mặc dù chế độ tuyển cử đã có đặt ra, nhưng lại không dùng.

Dưới thời Chiến Quốc, việc cạnh tranh rất kịch liệt, được lòng kẻ sĩ thì nên nghiệp Bá, mất lòng kẻ sĩ thì cơ nghiệp tiêu tan, vì thế các bậc vua chúa, và các bậc đại thần đều hạ mình đem lễ vật trọng hậu để tiếp đón du sĩ, bất luận thân sơ, bất luận mới cũ, nếu ai có tài, mặc dù là kẻ thù cũng tìm cách dùng cho được…và mặc dù đó là kẻ tà vạy cũng không bỏ, dùng được càng nhiều người càng tốt.

Dưới thời Tề Tuyên Vương, nhóm Tắc Hạ, đông đến mấy ngàn người, trong số đó có đến phân nửa số người thuộc thành phần trung và hạ lưu trong xã hội. Sau đó, đến những năm cuối thời Chiến Quốc, Mạnh thường quân Điền Văn nước Tề, Tín lăng quân Công tử Vô Kỵ nước Ngụy, Ngụy Thắng nước Triệu, Xuân thân quân Hoàng Yết nước Sở, mỗi người nuôi kẻ sĩ trong nhà, có đến mấy ngàn.

Trong số tân khách đông đảo ấy, mặc dù là bình dân, nếu có một nghề sở trường là có thể nhờ đó mà được phú quí, vì đó mà chế độ giai cấp quí tộc bị lung lay, tiếp theo quần hùng chia nhau cát cứ địa phương, mỗi người đều có chủ quyền riêng và chọn người cai trị theo ý mình, nhờ đó mà kẻ sĩ muốn tìm hiển vinh, nếu đến nước nầy không được thì lại di sang nước khác.

Có người, ngày hôm qua là kẻ đào vong lang thang, nhưng ngày hôm nay đã trở thành một Tể tướng quyền cao, tước trọng.

Tô Tần, Trương Nghi, Thương Ưởng, Phạm Thư, v.v…có kẻ là người đã từng bị phạm tội, có kẻ là người đi trốn tránh, đều là những người tầm thường, chỉ trong một sớm một chiều mà thành danh tướng văn hay võ của một nước lớn, đó là chuyện thường, không một ai lấy làm lạ.

*

Trong thời gian ấy các ngành Học thuật phát đạt một cách mạnh mẽ dị thường, nước Trung Hoa, trải qua mấy ngàn năm lịch sử, các môn như triết học, văn học, khoa học, mỹ thuật và các ngành kỹ nghệ khác, ngoài ra việc từ ngoại quốc du nhập vào, đại đa số đều được phát sinh ra trong thời gian nầy.

Cũng từ lúc đó, văn tự lần lần phát triển, từ lối văn tự tượng hình đi đến lối đại triện và tiểu triện, nhờ đó mà tiết kiệm được thời gian và trí nhớ của con người, và việc ghi chép học tập được dễ dàng rất nhiều.

Lúc ấy, chế độ học hiệu của thời xưa cũng bị suy tàn, phong trào tư nhân dạy học phát triển mạnh. Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử và các Chư Tử khác, ai ai cũng dạy học trò, số đệ tử đông có đến cả ngàn, mở phong trào dạy tư cho đến đời sau.

Kết quả của phong trào dạy học ấy là kẻ sĩ càng lúc càng nhiều, nhiều hơn số học trò trong các trường nhà quan.

Điều nên chú ý là việc dạy trong các trường quan cứ y theo qui củ cũ, còn tư nhơn dạy học thì mỗi người theo chủ trương riêng của mình, có chỗ hay mà cũng có chỗ dở, đó là đặc điểm của nền giáo dục dưới thời Chiến Quốc.

Nhờ phong trào dạy học ấy mà kẻ sĩ rất đông, phong trào du hiệp thạnh hành, thích giúp đỡ người hoạn nạn, dù cho mình có tan xương, nát thịt cũng vui lòng. Những gương như Trinh Anh, Dự Nhượng nước Tấn, Lạn Tương Như, Mao Toại nước Triệu, Kinh Kha, Điền Quang, Phàn Ô Kỳ, Cao Tiệm Ly của nước Yên v.v…đều là những người tầm thường mà nổi danh trong thiên hạ.

Họ trọng nghĩa, xem cái chết nhẹ như lông hồng, và có lẽ phong thái ấy lưu truyền đến nước Nhựt mà biến thành môn Võ sĩ đạo.

B. Lễ Giáo

1. Chế độ gia tộc

Dưới thời Chiến Quốc, chế đoọ gia tộc phát triển thêm, việc cùng họ kết hôn bị cấm, các lễ hỏi cưới đểu lần lần hoàn bị, trong khi đó thì chế độ đa thê lạ thịnh hành.

Thiên tử có 3 bà phu nhơn, 9 bà tần, 27 thế phụ, 81 ngự thê, còn chư hầu thì một lần cưới đến 9 vợ. Nhà sĩ, Đại phu thì tự do nuôi tỳ, thiếp, pháp luật không ngăn cấm.

Thời ấy, địa vị người phụ nữ trongxã hội rất thấp kém, đàn ông xem đàn bà như nô tỳ, thường thường, vì một lý do nhỏ mọn cũng có thể để vợ, đó là chuyện không có gì lạ…người đàn bà bị để bỏ, pháp luật không cấm tái giá.

Lúc ấy, cũng có nạn tảo hôn, đồng thời phong tục lã lơi cũng lưu hành, đãng phụ, du tử, công nhiên cợt nhã mà không ai thấy chướng tai gai mắt, nhứt là ở nước Trịnh, rồi kế đó là nước Vệ, rồi sau là nước Trần, và các nước khác cũng có tật ấy nhiều hay ít.

2. Chế độ dòng dõi

Đến đời Chiến Quốcchế độ dòng dõi được hoàn bị thêm, dưới thời Thái Cổ, trai gái lộn xộn, con chỉ biết mẹ, mà không biết cha là ai rồi sau đó, lần lần mới có cưới hỏi thành vợ chồng, dòng dõi được rõ ràng.

Từ vợ chồng, rồi có cha con, anh em, luân lý cũng được qui định từ đó.

3. Lễ Tang tế

Chế độ gia tộc phát triển hoàn bị, đó là đặc điểm về tổ chức gia đình xã hội Trung Hoa, vì thế tang lễ cũng rất long trọng.

Đến thời nhà Châu, tang lễ đã hoàn bị, từ tang phục cho đến quan khách, cúng tế, việc gì cũng có thứ lớp và tỉ mỉ.

Từ Thiên tử cho đến thứ dân, tang lễ cũng được phân biệt rõ ràng.

Dưới thời Xuân Thu mới có tục tuẩn táng, Tần Mục Công chết, đem 3 đứa con của Tử Xa thị chôn theo…dưới thời Chiến Quốc, tục tuẩn táng còn ghê gớm hơn, vua chúa chết, có lúc tuẩn táng theo đến mấy trăm người, thật là một điều vô cùng tàn nhẫn, sau đó tục tuẩn táng được thay bằng hình nộm cho đến bây giờ cũng vẫn còn thấy ở một vài nơi.

Về tế lễ cũng lần lần hoàn bị hơn trước, ngoài việc tế Thiên thần, Địa kỳ, còn việc tế lễ người đã mất. Thiên tử thì tế lễ 7 miếu, chư hầu 5 miếu, đại phu 3 miếu v.v…đó là tế lễ người trước đã qua đời, thứ dân thì không lập miếu chỉ tế lễ ở nhà trong.

4. Việc bói toán và thuyết thần tiên

Việc bói toán rất thạnh hành trong thời kỳ nầy, trong nước có việc gì quan trọng, là bói toán. Ngoài ra, khi gặp vật gì thay đổi lạ lùng, hoặc nằm chiêm bao, hay nghe lời đồng dao, mà xét việc kiết hung, họa phước.

Đến cuối thời Chiến Quốc thì chuyện thần tiên rất thạnh hành. Trâu Viễn xướng xuất thuyết Âm Dương rồi sau đó, các tay phương sĩ ở vùng Yên, Tề, lại bày ra những chuyện thần tiên quái đản, để mê hoạc các vì vua chúa.

Lúc đó Tề Ung vương và Tuyên vương, Yên Chiêu vương v.v…rất tin thuyết thần tiên của bọn Phương sĩ nên sai người ra biển để tìm thần tiên, cho rằng người tiên có thứ thuốc trường sanh bất tử, nhưng sau cùng chẳng tìm được gì cả, đó là một biến động thất thường trong ngành tôn giáo, học thuật.

5. Dân phong các nước

Phong tục dân chúng trong các nước giống nhau, đại để nước Lỗ thì chuộng Lễ, nước Tề chạy theo lợi, nước Việt tin quỉ thần, nước Tần thì chuộng công, Trịnh Vệ thì phong tục thiếu đoan chính.

Vùng Trâu, Lỗ ở cạnh sông Thù, Tứ, thích đạo Nho, theo Lễ nghĩa, sợ tội, xa lánh điều tà. Vùng Tam hà thì đất hẹp người đông nên dân chúng cần kiệm lo làm việc. Vùng Yên, Triệu thì nhiều kẻ sĩ khảng khái, thích bi ca. Lương, Tống thì trung hậu có nhiều bực quân tử, còn giữ được tục tốt của tiên vương, nước Sở thì khắc bạc, trí trá và ít tín nghĩa.

Đại để, vì địa lý và khí hậu các nước không đồng, lịch sử và di truyền của từng nước cũng khác nhau, thế nên phong tục, tính chất của dân chúng cũng có khác, đến khi nước Tần thống nhứt thì dân phong các nơi mới lần lần thống nhứt.

*

Trở lên là lược qua về hoàn cảnh lịch sử và tình hình văn hóa xã hội dưới thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Nhận xét về sự phát triển mạnh mẽ của nền học thuật lúc ấy, sử gia Vương đồng Linh có mấy ý kiến :

” Thời đại học thuật toàn thạnh của Trung Quốc, chính là ở vào thời Chiến Quốc, mà điểm xuất phát là ở vào thời kỳ cuối đời Xuân Thu, các môn phái sánh vai nhau tuyên truyền phổ biến học thuyết mình, đó là một hiện tượng đặc biệt hiếm có trong lịch sử Trung Hoa mà có lẽ luôn cả trên thế giới.

Tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng ấy, có mấy ý kiến sau đây :

1. Nhờ sức tiềm tàng phong phú

Một tập thể người lúc mới gầy dựng, thì phải từ chỗ tối tăm đi lần đến nơi sáng lạng, trình độ văn minh, không phải do một sớm một chiều mà thành tựu được. Căn cứ theo sách vở xưa đã ghi chép, từ lúc Hoàng đế, Nghiêu, Thuấn trở đi, thì nền văn hóa của Trung Hoa đã bắt đầu gầy dựng, rồi đến đời nhà Hạ, nhà Ân, và đến đời nhà Châu thì trung ương tập quyền đã hình thành và nền văn hóa cũng bắt đầu thống nhứt.

Trải qua một thời gian khá dài, nước Trung Hoa từ trạng thái man dã đã bước sang nếp sống văn minh, xã hội có tổ chức, nếp sống tinh thần phát triển mạnh, chính nhờ sức súc tích lâu dài, phong phú mà nền văn hóa Trung Hoa mới bộc phát một cách huy hoàng sáng lạn như thế.

2. Do nơi xã hội biến thiên

Từ đời Nghiêu, Thuấn đến lúc Châu sơ, rồi kế đó là nhà Châu dời sang phương Đông, cho đến cuối đời Xuân Thu, nước Trung Hoa đã trải qua nhiều biến thiên trọng đại.

Từ địa vực chánh trị cho đến dân tâm, phong tục, tất cả đều biến đổi và tiến bộ, sau mỗi lần phát minh về phương tiện giao thông và phương tiện sanh sảnh, rồi cũng từ đó mà học thuật tư tưởng tiến bộ theo, nền học vấn giai từng quí tộc lan rộng đến giới bình dân, đó cũng là điều kiện cho nền văn hóa phát triển mạnh.

3. Nhờ tư tưởng, ngôn luận tự do

Tư tưởng, ngôn luận mở đường cho chánh trị, quốc gia thống nhứt, tư tưởng ngôn luận được thống nhứt đúng theo ý nguyện của dân chúng thì nền văn hóa giáo dục cũng thống nhứt và phát triển mạnh.

Nhà Châu, với nền chánh trị thuần nhứt, chánh quyền trung ương vững mạnh, vì thế học thuật tư tưởng vững vàng, nhưng đến khi chánh quyền yếu kém, xã hội suy đồi thì học thuật, tư tưởng cũng bị tan rã theo.

Chánh quyền vững mạnh, học thuật tư tưởng được khuyến khích nâng đỡ, cho tự do phát triển đó là một điều kiện quan trọng làm cho nền văn hóa phát triển mạnh.

4. Nhờ đường sá giao thông tiện, kinh tế phát triển.

Dưới thời Xuân Thu Chiến Quốc, các nước tiếp xúc nhau nhiều hơn trước, hoặc do chiến tranh, hay do các cuộc liên lạc giao thông ngoại giao, nhờ vậy mà giao thông ngày càng mở rộng.

Giao thông dễ dàng, con người đi đó đi đây, được gần gủi tiếp xúc nhau tất nhiên kiến thức được trao đổi và mở rộng.

Trong thời gian nầy sự sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, và thương nghiệp cũng bắt đầu lớn lên làm cho sự sống con người được thoãi mái hơn trước, đó cũng là một điều kiện quan trọng cho sự phát triển văn hóa.

5. Nhân tài được trọng dụng

Các nước tranh nhau, muốn có kẻ hiền tài, để cho nước giàu dân mạnh, và cũng sợ người giỏi qua nước khác gây nên tai vạ cho mình thế nên các nước đua nhau đón rước nhân tài.

Nước Tề có lúc chứa cả ngàn tân khách, đó cũng là một nguyên nhân làm cho nền học thuật, văn hóa phát triển mạnh.

6. Nhờ văn tự phát triển, và có lụa vải để thay thế thẻ tre

Văn tự phát triển, việc ghi chép dễ dàng, khỏi phải dùng lối chữ tượng hình. Văn tự phát triển đến mức có thể ghi những sự kiện trừu tượng của tư tưởng, rồi kế đó sự phát minh ra viết, vải lụa dùng để ghi chép tiện lợi, dễ cất, dễ đem đi, đó cũng là một điều kiện làm cho văn hóa, học thuật phát triển.

7. Và sau cùng, nhờ nền giáo dục phổ cập đến dân gian

Như phần trên đã viết, nhờ sách vở và việc học tập từ trong nhà quan đi lần ra dân chúng và được phổ biến rộng rãi thành phong trào đó cũng là một nguyên nhân chính làm cho văn hoá, học thuật phát triển mạnh.

IV. Tổng kết

Nhận xét chung về tình hình văn hóa, học thuật, tư tưởng lúc ấy, giáo sư Tiền Mục có những tổng kết như sau :

Thời Xuân Thu suốt một thời gian dài 240 năm, một mặt đó là thời kỳ rất rối loạn và khẩn trương nhưng có một mặt khác đó là cũng là thời kỳ nền văn hóa quí tộc của thời xưa phát triển đến một cao điểm chưa từng có, vì thế cho nên nền văn hóa lúc đó được hậu thế ngưỡng mộ và tôn trọng.

Tóm lại, giai từng quí tộc lúc ấy đã có những tư tưởng, hiểu biết về nền tôn giáo của thời xưa khá đúng đắn, mặc dù tin tưởng quỉ thần nhưng họ cũng nghĩ rằng : Đạo trời, không xa với đạo người…vì thế đối với cuộc sống, họ có những quan niệm khá rõ ràng, chính xác.

Lúc đó, mặc dù trên phương diện quốc tế, giữa nước nầy với nước kia, luôn luôn có những vụ xung đột binh đao, nhưng xu hướng chung là tất cả đều trọng hòa bình, cố gắng tránh việc binh đao và giữ tín nghĩa.

Về phương diện ngoại giao, các nước cũng giữ được phong thái văn nhã, tiêu biểu được cho nền văn hóa khá cao của thời phong kiến lúc bấy giờ. Lúc đó có nhiều khi chỉ làm một bài thi, chỉ viết một phong thơ mà giải quyết được những vấn đề chánh trị gay go, thật là một điều hết sức tốt đẹp.

Cho đến khi phải đánh nhau, mặc dù trong chiến tranh cũng vẫn còn giữ được tánh chất nhơn, đạo, giữ được tín nghĩa, biết khiêm nhượng, tạo thành một nét đặc biệt cho phong thái chánh trị lúc ấy. Vào thời nầy, đạo đức, nhơn nghĩa lễ trí tín, được tôn trọng hơn là sức mạnh của võ lực, đó là điểm khác biệt giữa thời Xuân Thu và Chiến Quốc.

Trong pho Tả truyện, mặc dù ghi rất ít về chánh trị nội bộ của các nước, nhưng lại ghi rất nhiều về việc sinh hoạt tư riêng của giai từng quí tộc thời ấy, qua sử liệu kể trên, lớp người quí tộc thời ấy thấy xa hiểu rộng, tinh thần khoáng đạt, nhơn cách hoàn bị, rất đáng cho người đời sau tôn kính và noi theo.

Nói chung, dưới thời Xuân Thu, nền văn hóa quí tộc của nước Trung Hoa xưa, đã phát triển đến một điểm rất cao, rất tốt đẹp, rất sáng lạn.

Rồi đến lúc giai từng quí tộc bị tan rã, để nhường chỗ lại cho giai từng bình dân, và tự nhiên nền văn hóa cũ cũng phải tự nhiên biến đổi để nhường chỗ lại cho một nền văn hóa khác hợp thời hơn.

Thời Chiến Quốc, có thể nói là môät thời kỳ chiến tranh sát phạt, với những cuộc giao thiệp dối trá lừa đảo, tàn nhẫn, tiêu biểu cho giai từng quí tộc bị đọa lạc, trong khi đó thì từ giới bình dân đã bắt đầu xuất hiện một nền học thuyết, tư tưởng mới đó là thời đại hoàng kim của nền văn hoá Trung Quốc.

Phân tích kỹ, thì nền văn hóa ấy có thừa hưởng được những di sản tốt đẹp của nền văn hóa quí tộc cũ để phát triển thêm theo đúng đường lối của mình.

Vì thế chúng ta có thể nói, giới bình dân không phá hoại hẳn nền móng cũ, mà chỉ nương theo đó xây dựng cái mới cho hợp với giai từng mình hơn, và đó cũng là điểm mà các nhà học giả Trung Quốc bảo rằng : Nền văn hóa, học thuật của Trung Quốc từ xưa cho đến nay như chỉ có một phái nối tiếp nhau, và cũng nhờ điểm đó mà nền văn hoá Trung Quốc mới uyên thâm.

Nguồn bài đăng

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
  • Thêm
  • Email
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Thời Kỳ Xuân Thu Chiến Quốc