Hình Tượng Người Lính Hải Quân Trong Một Số Trường Ca đầu Thế Kỉ XXI
Có thể bạn quan tâm
. HỒNG VÂN
Với một quốc gia có đường bờ biển dài hàng nghìn cây số như Việt Nam, biển giữ một vai trò quan trọng trong đời sống vật chất - tinh thần của cả dân tộc. Trong thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XXI, khi chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bị đe dọa, gần như ngay lập tức nền văn học nước nhà xuất hiện hàng loạt tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau viết về đề tài này với âm hưởng hào hùng, thể hiện lòng yêu nước mãnh liệt, sâu sắc. Trường ca cũng không ngoại lệ. Và một trong những điểm nhấn nổi bật của những tập trường ca viết về biển đảo quê hương hai thập niên đầu thế kỉ XXI đó là sự tập trung khắc họa hình ảnh người lính hải quân, những người mang trên vai “niềm tin và hi vọng” của cả dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Hình ảnh người lính hải quân hiện lên trước nhất với những khó khăn, gian khổ. Nơi đảo xa “đầu sóng ngọn gió”, những người chiến sĩ phải đối mặt với việc thiếu thốn nước ngọt. Nước ở đảo quý như máu, được phát theo tiêu chuẩn nên người lính phải chắt chiu từng giọt: Có cần nhắc lại không ngày dăm ca nước ngọt/ Lính cựu, tân binh đen nhẻm đen nhèm (Hạ thủy những giấc mơ - Nguyễn Hữu Quý). Nước thì thiếu nhưng biển đảo lại thừa khí hậu khắc nghiệt. Những người lính giữ đảo ngày ngày phải đối mặt với cái nắng gay gắt, với sóng, với những con gió biển mặn chát: Chiều gió muối trắng áo, trắng lưng/ Đêm gió muối trắng màn, trắng liếp (Mười bảy khúc đảo ca - Dương Thuấn). Việc phải sống trên đỉnh sóng/ neo bám giữa bão giông/ nơi mây nước trùng trùng (Hạ thủy những giấc mơ - Nguyễn Hữu Quý) đã là chuyện “thường ngày ở huyện” của những người lính hải quân. Ngoài thời tiết khắc nghiệt, những thiếu thốn về vật chất, họ còn phải đối mặt với những phút “yếu lòng” khi phải xa nhà, xa quê. Ở đảo, trong những phút giây tĩnh lặng, trào lên trong họ là nỗi nhớ da diết: Có biết chăng xa khuất đất liền ơi/ Chúng tôi nhớ đất liền da diết quá/ Chúng tôi nhớ đất liền mưa mùa hạ/ Tuổi ấu thơ tắm mát giữa sân nhà/ Nhớ mùa thu lá vàng rực như hoa/ Bông cúc nở thẹn thùng bên ngõ/ Nhớ ruộng đồng nón trắng chao sóng lúa/ Cánh cò bay bịn rịn lũy tre làng/ Đất liền ơi thương nhớ những dòng sông (Biển mặn - Nguyễn Trọng Tạo). Hành trang người lính ra đảo thật giản dị, ngoài vật dụng cá nhân là nắm đất quê hương để luôn thấy quê hương như ở kề bên cho vợi bớt nỗi nhớ: Khi ra biển bỗng nhớ đất quá thôi/ Có một người thủy thủ/ Mang nắm đất Thăng Long ngàn thuở/ Gói kĩ trong áo đi mưa (Mười bảy khúc đảo ca - Dương Thuấn). Cùng với đó là những khao khát rất đàn ông, rất đời thường của những người lính quanh năm không thấy một “bóng hồng”: Khát đôi mắt em/ Khát nụ cười em/ Đừng cười nhé, khát mùi con gái (Hạ thủy những giấc mơ - Nguyễn Hữu Quý)
Sinh hoạt văn nghệ của cán bộ, chiến sĩ trên Tàu 251, Hải đội 511, Lữ đoàn 127. Ảnh: baocantho.com.vnBên cạnh việc khắc họa những khó khăn, gian khổ, các trường ca viết về biển đảo hai thập niên đầu thế kỉ XXI còn tập trung khắc họa vẻ đẹp của người lính hải quân dưới nhiều góc độ khác nhau. Trước hết đó là vẻ đẹp của lí tưởng, của tinh thần tự nguyện xả thân vì biển đảo. Khi thiên hạ đổ xô đi tậu xe, tậu cửa/ Tậu danh/ Tậu áo, tậu quần/ Tậu bằng cấp/ Tậu vinh thì người lính hải quân chỉ tậu về mình, hai chữ “trung trinh” (Tổ quốc đường chân trời - Nguyễn Trọng Văn). Những người lính hải quân đến từ những miền quê khác nhau, có người từ phương Nam đầy nắng và gió, có người từ nơi biên cương xa xôi, có người từ mảnh đất miền Trung gian khó... nhưng họ chung/ một trái tim (Tổ quốc đường chân trời - Nguyễn Trọng Văn). Những người lính hải quân coi đảo là nhà, biển cả là quê hương. Thứ hai là vẻ đẹp của tình đồng chí đồng đội. Những người lính hải quân gắn bó keo sơn như anh em ruột thịt trong một gia đình. Họ cùng nhau chia sẻ những nỗi niềm, những tâm tư: Không ai giấu chuyện riêng tư/ Vui buồn đều cùng san sẻ (Mười bảy khúc đảo ca - Dương Thuấn), cùng nhau đoàn kết, lạc quan yêu đời, sống cuộc sống hồn nhiên, phóng khoáng như biển khơi: Thế là một đêm trên đảo/ Lính ngồi hát và nghe thơ/ Đem tất cả nồi niêu ra gõ (Mười bảy khúc đảo ca - Dương Thuấn). Vẻ đẹp khác của người lính hải quân, và cũng là vẻ đẹp được các nhà thơ tập trung khắc họa, là vẻ đẹp trong việc sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Những người lính hải quân luôn ý thức được rằng nếu để mất dù chỗ đất chỉ đủ rơi một chiếc vỏ sò cũng là có tội với cha ông, nếu để mất một mỏm đá cắm lá cờ Tổ quốc cũng là có tội với cháu con (Mười bảy khúc đảo ca - Dương Thuấn) nên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào họ vẫn luôn sẵn sàng: Vì Tổ quốc/ chúng tôi là cột mốc/ chúng tôi là trận địa tiền duyên/ chúng tôi là bệ phóng/ chúng tôi là chốt chặn xâm lăng (Hạ thủy những giấc mơ - Nguyễn Hữu Quý). Ở đây, nghệ thuật điệp cấu trúc tạo giọng điệu thơ rắn rỏi, khỏe khoắn, chắc nịch. Lời tuyên thệ của người lính hải quân hôm nay chính là sự nối tiếp lời thề “Sát Thát” trong cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông, lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người lính hải quân cũng giữ vững lời thề ấy. Họ kiên gan, bền chí thực hiện nhiệm vụ: Chúng con là đảo này/ Bồng súng canh ngày mỗi ngày/ Canh đêm từng đêm/ Làm mắt đảo lúc nào cũng mở (Nước non mặt biển - Nguyễn Quang Hưng). Và khi kẻ thù hung hăng tràn vào xâm chiếm hải đảo bóng đen tàu lạ kề bên mình lừng lững/ đêm đến rực lên chớp lửa liên thời (Ngang qua bình minh - Lữ Mai), họ đã chiến đấu kiên cường, không tiếc máu xương, không ngại ngần lấy thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo: Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn/ Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương/ Anh đã lấy thân mình làm cột mốc/ Chặn quân thù trên biển đảo quê hương (Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến). Sự hi sinh anh dũng của những người lính hải quân được khắc họa bằng những câu thơ bi tráng: Một vòng tròn lính biển kết thành hoa/ Bao bọc cờ Tổ quốc/…/ Lá cờ mang xương máu biết bao đời (Biển mặn - Nguyễn Trọng Tạo). Các anh được biển ôm vào lòng ru giấc ngủ muôn đời (Biển mặn - Nguyễn Trọng Tạo), mãi mãi bất tử, trường tồn cùng dân tộc: Máu rỏ vào nước xanh/ Nở thành muôn ngàn hoa sóng (Nước non mặt biển - Nguyễn Quang Hưng).
Người nghệ sĩ chân chính là “người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp” (K.Paustovsky). Các tác giả viết trường ca về biển đảo hai thập niên đầu thế kỉ XXI đã hoàn thành được sứ mệnh cao cả ấy với việc khắc họa hình ảnh người lính hải quân. Có thể nói, hình tượng người lính hải quân đã được họ khai khác ở cả chiều kích sử thi lẫn đời thường cá nhân, trở thành vẻ đẹp trung tâm trong những trường ca, đem đến những rung động thẩm mĩ, củng cố trong người đọc xác tín có mối tình nào hơn/ Tổ quốc (Trần Mai Ninh).
H.V
VNQDTừ khóa » Những Hình ảnh Lính Hải Quân
-
Download 101 Hình ảnh Chú Bộ đội Hải Quân đẹp Nhất Cho Bé
-
Những Hình ảnh đẹp Về Người Lính Hải Quân - Home | Facebook
-
Hình ảnh Chiến Sĩ Trường Sa Ngày đêm Canh Giữ Chủ Quyền Biển đảo
-
Hình ảnh Lính Hải Quân Luyện Tập Hiệp đồng Chiến đấu - PLO
-
Tự Hào Những Chiến Sĩ Hải Quân Nơi đầu Sóng Ngọn Gió
-
Phóng Sự Ảnh - Báo Hải Quân Việt Nam
-
Tự Hào Là Chiến Sĩ Hải Quân
-
Hình ảnh Lính Hải Quân Luyện Tập Hiệp đồng Chiến đấu
-
Quân Chủng Hải Quân, Quân đội Nhân Dân Việt Nam - Wikipedia
-
Hải Quân Nhân Dân Việt Nam Sắt Son Lời Thề Giữ Biển, đảo Tổ Quốc
-
34 Năm Sự Kiện Gạc Ma: Tri ân 'những Người Nằm Lại Phía Chân Trời'
-
Vững Vàng Người Lính Hải Quân - Báo KonTum Online
-
Cục Kỹ Thuật Hải Quân đưa Biển đảo đến Gần Dân Hơn