Hình Tượng Rồng Trong Ca Dao, Tục Ngữ, Thành Ngữ

(GD&TĐ) - Rồng là con vật thần thoại, chỉ có trong trí tưởng tượng của người phương Đông. Rồng là biểu tượng cho nhà vua, cho những gì cao quý nhất. Trở thành rồng, hoá rồng là ước mơ của nhiều người trong xã hội phong kiến, quan niệm ấy được thể hiện khá rõ nét trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Vì vậy hình tượng rồng trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, rất phong phú, đa dạng, nhiều mầu, nhiều vẻ.

Hình tượng rồng trên tranh thêu (Ảnh: Internet)
Hình tượng rồng trên tranh thêu (Ảnh: Internet)

Hình tượng con rồng trong ca dao được thể hiện ở nhiều dạng thức. Thứ nhất, đó là những câu ca dao nói về sự cao quý của loài rồng, nói về ước mơ thành rồng, hoá rồng, gần rồng.

"Một ngày tựa mạn thuyền rồng Còn hơn một kiếp ở trong thuyền chài"

Câu ca dao trên đã phản ánh ước mơ của các cô gái thời xưa muốn được lấy vua, để trở thành hoàng hậu, hoàng phi, cung tần, mỹ nữ, được sống trong nhung lụa, bạc vàng. Nó cũng phản ánh tâm lý của nhiều người, cả nam lẫn nữ, muốn được gần vua chúa, muốn được dựa vào vua chúa để hương cảnh phú quí, giầu sang. Nhưng không phải tất cả các ước mơ ấy đều trở thành hiện thực.

"Trứng rồng tưởng nở ra rồng Ai ngờ lại nở ra dòng liu điu"

Câu ca dao này đã phản ánh nỗi chán chường, thất vọng của nhân dân khi con cháu vua chúa lại bất tài, ngu dốt, thậm chí là hôn quân bạo chúa (liu điu là loài rắn nước). Thứ hai, đó là những câu ca dao dùng hình ảnh "rồng vàng" để chỉ những người xuất chúng, có tài kinh bang tế thế, những người khôn ngoan, thông minh.

Câu ca dao: "Vĩnh Long có cặp rồng vàng/ Nhất Bựi Hữu Nghĩa nhị Phan Tuẫn thần", ca ngợi hai người anh hùng, hai bậc hào kiệt của tình Vĩnh Long thời chống giặc Pháp xâm lược cuối thế kỷ 19.

Bài ca dao: "Nước đường mà đựng chậu thau Cái mâm chữ triện đựng rau thài lài Tiếc em da trắng, tóc dài Bác mẹ gả bán cho người đần ngu Rồng vàng tắm nước ao tù Người khôn ở với người ngu bực mình".

Là nói về nỗi khổ của những cô gái trẻ, đẹp, thông minh bị cha mẹ gả bán cho những chàng trai kém cỏi, ngu đần. Thứ ba, đó là những câu ca dao mượn hình ảnh "rồng phượng", "rồng mây" để chỉ tình yêu nam nữ.

"Nhớ chàng như nhớ lạng vàng Khát khao về nết, mơ màng về duyên Nhớ chàng như bút nhớ nghiên Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông Nhớ chàng như vợ nhớ chồng Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây"

Bài ca dao trên nói về tình yêu đằm thắm, nỗi nhớ thương của cô gái đối với chàng trai mà cô yêu mến.

Bài ca dao:

"Mấy khi rồng gặp mây đây Để rồng than thở với mây vài lời Nửa mai rồng ngược mây xuôi Biết bao giờ lại nối lời rồng mây"

Đã nói lên nỗi lo lắng, buồn rầu của cô gái khi phải xa cách người yêu.

Câu ca dao:

"Khi xưa thì đắp chiếu chung Vì ai ném gạch cho rồng xa mây"

Là lời oán trách của cô gái đối với kẻ chia uyên, rẽ thúy khiến cho đôi lứa phải xa nhau. Câu ca dao:

"Phụng với rồng cũng đồng nhan sắc Trách ai làm phụng bắc rồng nam"

Cũng là lời oán trách kẻ đã chia đường ngăn lối khiến cho đôi trai gái phải lìa xa. Thứ tư, đó là những câu ca dao có hình ảnh con rồng được nói đến trong các ngành nghệ thuật. Bài ca dao:

"Chín cột anh chạm chín rồng Nơi thì rồng ấp, nơi thì rồng leo Chín cột anh chạm chín mèo Con thì bắt chuột con leo xà nhà"

Là nói về sự khéo léo, tài hoa của người thợ chạm khắc gỗ, đã tạo nên những hình ảnh, những chi tiết, những mô- típ nghệ thuật tài hoa, làm cho khung cảnh ngôi nhà thêm sinh động, mỹ lệ… Hình ảnh con rồng trong tục ngữ, thành ngữ rất phong phú. Đó là những câu tục ngữ, thành ngữ mượn hình ảnh con rồng để nói về vận hội, cơ may của con người.

Rồng mây gặp hội: Nói về cơ hội may mắn gặp lúc thuận lợi giúp con người để thực hiện được ý đồ, mong ước của mình.

Xưa kia, câu tục ngữ này thường dùng để chỉ lúc người học trò gặp kỳ thi để đỗ đạt.

Long vân khánh hội: Hội mây rồng, hội rồng gặp mây. Thường chỉ 3 trường hợp: Người học trò đi thi đỗ đạt; Vua sang gặp tôi hiền; Nghiệp đế vương.

"Thưa rằng lương cả bao dọng Tấn Dương được thấy mây rồng có phen" Nguyễn Du (Truyện Kiều)

Rồng đến nhà tôm: Người giầu sang phú quí đến nhà kẻ nghèo khó, hèn mọn

Đây thường là câu nói đùa khi có bạn lâu ngày đến nhà mình.

Rồng rộng theo nạ, quạ theo gà con: (rồng rộng là cá chuối con mới nở, nạ là mẹ). Cá chuối con theo mẹ là đúng nhưng quạ theo gà con là để cắp đi ăn thịt.

Câu này là để cảnh tỉnh mọi người. Hãy cẩn thận, cảnh giác, đừng để kẻ ác chỉ rình cơ hội làm hại mình.

Vân tòng long, phong tòng hổ. Mây theo rồng, gió theo hổ. Ý nói thời cơ, vận hội đến với anh hùng, hào kiệt những người có chí khí.

Long hành, hổ bộ: Đi như rồng, bước đi như hổ. chỉ người có phong thái của bậc đế vương.

Đó là những câu tục ngữ, thành ngữ nói về hình ảnh con rồng trong văn học nghệ thuật.

Rồng bay phượng múa: Người tài hoa có cách viết phóng khoáng, không gò bó.

Trổ rồng, chạm phượng: Ngoài nghĩa đen chạm khắc con rồng, con phượng còn chỉ cách làm, cách tô điểm rườm rà.

Rồng chầu mặt nguyệt: hình ảnh con rồng chầu về mặt trăng

Lưỡng long chầu nguyệt: Hình ảnh hai con rồng ở hai bên phải, trái chầu về mặt trăng trong các bức điêu khắc ở đình, chùa, đền thờ.

Đó là những câu tục ngữ, thành ngữ có hình ảnh con rồng để nói về khí hậu thời tiết:

"Rồng đen lấy nước thì mưa Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày"

Câu tục ngữ, cũng là cao dao này, nói về hai hiện tượng thời tiết : Rồng đen chỉ mây đen kéo đến thì trời sẽ đổ mưa, con rồng trắng là chỉ lốc xoáy, hiện tượng khí xoáy tụ, có thể làm đổ nhà cửa, cây cối, cuốn cả đồ vật lên cao. Đây là một hiện tượng bất thường, một tai hoạ về thời tiết.

Hình ảnh con rồng trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ rất phong phú, đa dạng. Đầu xuân tìm hiểu về vấn đề này cũng rất thú vị và bổ ích.

Đặng Trần TụyHội Văn nghệ Dân gian Hà Nội Thôn Tiên Hội, xã Đông Hội huyện Đông Anh, Hà Nội

Từ khóa » đôi Rồng ấp Là Gì