Hình Vẽ Kỳ Lạ Trên Vách Núi Cửa Chùa: Miêu Tả Những Hình Phạt ...
Có thể bạn quan tâm
Cuối tháng 5 vừa qua, PGS.TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học) đã đến khảo cứu tại vách đá Cửa Chùa. Ông khẳng định: Từ khoảng 1.000 năm trước, tác giả bức tranh vẽ trên vách núi (gọi là "nham họa" hoặc "nhai bích họa") lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam này, đã dùng mực thổ hoàng vẽ quang cảnh buổi hành hình kinh sợ, nhằm bày tỏ thái độ bất bình của mình với thời cuộc…
Như chúng tôi đã từng đưa tin trên Chuyên đề ANTG từ những khám phá ban đầu, bức họa độc đáo được vẽ trên vách đá núi Cửa Chùa, nằm trong khu bảo tồn sinh thái ngập nước Vân Long, chỉ cách trung tâm Tp Ninh Bình chừng 17km, cách Hà Nội chừng 82km. Lần này, khi chúng tôi đến Vân Long, cùng hợp đoàn với những người làm công tác nghiên cứu, quản lý ngành văn hóa, du lịch của Ninh Bình, gồm TS Đặng Công Nga (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình); Ths Nguyễn Ngọc Luyên, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ninh Bình; ông Lê Phương Trình, Bí thư Đảng ủy xã; ông Lê Văn Súng, Chủ tịch UBND xã Gia Vân… cùng tham gia chuyến khám phá.
Chừng 20 phút chèo đò, chúng tôi đã đến vách đá khổng lồ có những hình thù khá lạ mắt màu đỏ nhạt ấy. PGS. TS Trình Năng Chung quan sát, đo đạc, rồi nói: "Với những yếu tố như bức tranh được vẽ bằng bột thổ hoàng trộn nhựa cây trên vách đá vôi dựng tự nhiên không vạt bào nhẵn, gần chân vách đá có nguồn nước lớn, chính xác đây là một bức nhai bích họa. Còn tại sao bức họa ẩn trong vách núi chỉ hiện ra khi trời mưa hoặc hắt nước vào, chính là do vách đá đã bị nhiệt độ của lò vôi của chúng ta dùng thời "hợp tác xã" tác động mạnh làm biến chất đi, khiến đá khô kiệt, nét vẽ mờ dần.
Khi mưa xuống, nước phản ứng với đá vôi sẽ tái hiện lại những màu sắc nguyên sơ của mực thổ hoàng. Sự xâm hại vô ý của con người hiện đại đã làm biến đổi bức tranh của người xưa, làm cho nó trở nên kỳ lạ, bí ẩn, nhiều người còn cho là chữ ma, chữ quỷ. Nếu không có biện pháp tích cực bảo vệ, rất có thể toàn bộ bức hình sẽ biến mất vĩnh viễn vì những tác động đó".
Các nhà khoa học đang nghiên cứu những hình vẽ trên vách đá Cửa Chùa (Gia Viễn, Ninh Bình). |
Tiến đến bức hình đỏ rõ nét ở giữa vách đá, vẽ một người đàn ông to lớn, đầu tròn, mắt tròn, tai dựng, mặt mũi kỳ dị cổ quái, dáng hung tợn, tay trái cầm thanh gươm nhọn, tay phải cầm cây chùy lớn cán dài, TS Đặng Công Nga và PGS.TS Trình Năng Chung cẩn thận dùng thước đo đạc. Từ chỏm đầu đến chân hình người trung tâm này cao 50cm, bề ngang bức hình (từ thanh gươm đến chiếc chùy) là 32cm. Cây chùy dài 19cm, thanh gươm dài 26cm, chỗ rộng nhất ở lưỡi gươm là 2,5cm.
PGS.TS Trình Năng Chung đặc biệt chú ý vào phần bụng của nhân vật trung tâm này, rồi chỉ vào hai đường chéo từ cổ xuống bụng hình người như sợi dây đeo: "Tôi cho rằng những nét vẽ trước bụng này là hình một chiếc đầu lâu, hoặc một chiếc mặt nạ người, được đeo trước bụng bằng hai sợi dây. Còn đây nữa, dưới hai chân bức hình là hai hình người khác nhỏ hơn, đang bị dẫm lên? Điều này cho thấy, đây là hình vẽ tả thực về một người đàn ông có quyền sinh sát trong tay, có thể là một viên đao phủ đeo mặt nạ khi hành hình phạm nhân. Hoặc, người họa sĩ cố tình vẽ treo lên cổ viên đao phủ chiếc đầu lâu, để người xem dễ nhận biết".
Ngoài nhân vật đó, phía dưới bức tranh cũng còn một vài nhân vật được vẽ tương tự, với kích thước nhỏ hơn, có tác động trực tiếp đến các hình người còn lại. Lại có hai người đứng túm tay và chân một người khác tư thế song song mặt đất, lại có người như đang xô đẩy nhau. Ở vị trí cao nhất trong nhóm hình nhỏ này đặc tả một người đàn ông đang ngồi chễm chệ trên chiếc ghế lớn, có tựa lưng, đầu đội mũ, hai bên có dáng như che lọng, như đang quan sát hoạt động của cả nhóm người còn lại. "Tôi cho rằng, đây là bức tranh miêu tả quang cảnh buổi tra tấn hay hành hình tội nhân. Những viên đao phủ có vẻ mặt rất hung dữ, chân giẫm lên thân xác người khác, tay quăng xé người khác, có vũ khí sát thương. Những tội nhân được vẽ đơn giản hơn, không có vũ khí và tư thế rất bị động".
Những hình vẽ trên vách đá Cửa Chùa. |
Mở rộng tìm hiểu những hình nét xung quanh bức tranh, các nhà nghiên cứu chú ý tới bốn chữ nho nhỏ, viết dọc, dưới góc trái của bức tranh. Có hai chữ bị mờ và mất nét, TS Đặng Công Nga và cô cán bộ trẻ Nguyễn Thị Vân đoán đọc là "Đại (đồ?) thạch (động?)" (nghĩa là "bức tranh lớn trong động đá"?). Hơi khuất về bên phải bức tranh chừng 5m, có thêm một số chữ Hán viết bằng mực thổ hoàng. Ai cũng nhíu mày, dò đọc từng nét, từng bộ chữ. Chữ được chữ mất, nhưng hai chữ "bất bình" thì còn khá rõ nét. Cùng trao đổi, thảo luận hồi lâu, mọi người tạm thời thống nhất mấy đáp án, có thể chủ nhân của dòng chữ muốn để lại một thông điệp, đại ý rằng: "Những hình phạt này gây bất bình trong thiên hạ" hoặc "đây là nơi giải quyết chuyện bất bình trong thiên hạ", hay "bất bình với những chuyện trong thời cuộc"… Tuy nhiên, những ý kiến trên vẫn chỉ là dự đoán.
Khi bàn về niên đại của những hình vẽ, đã có vài ý kiến khác nhau. Sau hồi lâu suy nghĩ, PGS.TS Trình Năng Chung cho biết: "Xét trong bối cảnh lịch sử, không gian văn hóa của vùng đất Gia Viễn - Hoa Lư đến nay vẫn còn dấu ấn rất đậm nét của các vương triều Đinh, Tiền Lê suốt 1.000 năm qua. Đặc biệt, đây là quê hương của Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng, người lập nên nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên của Việt Nam. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù luật pháp chưa thành văn bản, nhưng nhà Đinh - Tiền Lê rất coi trọng hình pháp. Những hành động chống lại nhà nước trung ương, phá rối trật tự an ninh xã hội đều bị trừng trị nặng.
Sử cũ cho biết, Vua Đinh cho đặt các vạc dầu lớn, nuôi hổ dữ để trừng trị người chống đối. Dưới thời Vua Lê Đại Hành, các quan tả hữu có lỗi nhỏ cũng giết đi hoặc đánh từ 100 đến 200 roi. Có thể cho rằng, bấy giờ hình pháp rất hà khắc. Luật tập quán vẫn thịnh hành. Đặc biệt dưới thời Vua Lê Long Đĩnh, ông vua này lại thích được chứng kiến những trò hành hình dã man, như đốt người, xẻo thịt, thả người trôi sông, bắt trèo cây cao rồi chặt đổ cho người rơi xuống chết. Sử cũ còn chép có lần vua róc mía trên đầu sư, giả vờ lỡ tay làm đầu sư bị thương chảy máu rồi cả cười... Những điều đó khiến tôi nghĩ, có rất nhiều khả năng, nội dung bức tranh miêu tả quang cảnh những buổi hành tội thảm khốc có liên quan tới giai đoạn lịch sử này. Đặc biệt có cảnh một người ngồi trên chiếc ghế có ngai, miệng nhoẻn cười đang quan sát đoàn người hành hình khiến tôi cứ liên tưởng tới cách hành xử của ông vua Lê Long Đĩnh".
Trầm ngâm một lát, ông nói thêm: "Không gian xung quanh khu vực Vân Long trước đây 1.000 năm khá hẻo lánh, thâm u với núi rừng, lau lách. Tôi cứ suy nghĩ mãi về 2 chữ "bất bình" đọc được trong dòng chữ Hán chữ được chữ mất. Rất có thể chủ nhân của bức họa đã cố tình tìm vào nơi hoang vắng ít dấu chân người, vẽ nên bức tranh thời cuộc, bày tỏ nỗi lòng u uẩn, bất mãn với những biện pháp xử lý hà khắc, tùy tiện của chính quyền đương thời". Rồi ông nói thêm: "Những ý kiến trên mới chỉ là suy nghĩ bước đầu có tính giả thuyết công tác. Cần phải nghiên cứu thấu đáo hơn những hình vẽ này và cần phải có nhiều nhà nghiên cứu cùng tham gia".
Trên đường chèo đò rời đầm nước Vân Long, mọi người tiếp tục trở trăn với những suy nghĩ, và cùng thừa nhận rằng, bức họa trên vách đá Cửa Chùa vẫn còn quá nhiều bí ẩn. Họ cùng hẹn sẽ còn tiếp tục trở lại mái đá Cửa Chùa nghiên cứu thêm, liệu thông điệp từ ngàn năm trước có phải là "nỗi bất bình với những hình phạt thảm khốc?"
Từ khóa » Hình Vẽ Vách đá
-
Cách Vẽ Một Vách đá Mới Nhất 2022 - Vẽ.vn
-
Dấu Tích Người Xưa Trên Vách đá - Báo Thanh Hóa
-
Loạt Tranh 12.500 Năm Tuổi Trên Vách đá Dài 13 Km - VnExpress
-
Trích đoạn Vẽ Cây Trên Vách Núi đá -Tú Lâu Đài Tháng 4/2021
-
Vẽ Người Trên Vách Đá - Bản Vẽ Bút Chì Dễ Dàng - YouTube
-
Những Bức Tranh Trên Vách đá - Báo Đại Đoàn Kết
-
Hình Vẽ Bí ẩn Trên Vách Hang Hé Lộ điều Thú Vị Về Người Tiền Sử
-
Phát Hiện Bích Họa Người Xưa Trên Vách Núi
-
Những Bức Tranh Hang động Cổ Xưa Nhất Của Người Việt - Trí Thức VN
-
Phát Hiện Bức Họa Người Xưa Trên Vách Núi ở Thanh Hóa - Tiền Phong
-
Hình ảnh Vách đá PNG, Vector, PSD, Và Biểu Tượng để Tải Về Miễn Phí
-
Help Me Please Làm ơn Chỉ Dùm
-
Phong Cảnh Nghệ Thuật đẹp Như Tranh Vẽ - Vách đá Bên Bờ Biển.