Hình Xăm Bị Ngứa: “Vạch Mặt” 7 Nguyên Nhân Phổ Biến - Hello Bacsi

Da là cơ quan lớn nhất trong cơ thể. Vai trò của da là bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân ngoại lai. Khi xăm lên da, kim xăm sẽ phá vỡ “tấm khiên” này. Khi da bạn sẽ bắt đầu quá trình tự lành, có thể bị ngứa, đỏ, sưng và các triệu chứng khác. Trong đa số trường hợp, cảm giác hình xăm bị ngứa nhẹ sẽ giảm dần theo thời gian.

Trường hợp nhận thấy cơn ngứa vẫn dai dẳng hoặc xuất hiện các triệu chứng khác ở vị trí hình xăm (cả mới lẫn cũ), bạn cần hiểu lý do để kịp thời khám và chữa trị. Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn tham khảo 7 nguyên nhân phổ biến khiến vị trí da có hình xăm bị ngứa.

Da bị ngứa sau khi xăm có bình thường không?

Thực tế thì hình mới xăm bị ngứa nhẹ là bình thường. Việc xăm hình tác động trực tiếp lên da, phá vỡ cấu trúc vùng da được xăm. Cơ thể xem đây là một loại vết thương tương tự như vết cắt hoặc vết xước nên sẽ tiến hành quá trình tự chữa lành vùng da này. Trong thời gian đó, cảm giác ngứa sẽ thường xuyên xuất hiện.

Người xăm hình cần để ý đến hình xăm mới và chăm sóc hình xăm đúng cách trong vài tuần đầu. Việc này giúp đảm bảo cơ chế “lành da” diễn ra bình thường. Nếu có triệu chứng khác xuất hiện hoặc nếu cảm giác ngứa trở nên tồi tệ hơn, bạn cần cẩn thận. Đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác.

7 nguyên nhân phổ biến khiến hình xăm bị ngứa và cách xử lý

1. Quá trình làm lành da bình thường

Sau khi xăm, da sẽ bắt đầu hình thành vảy và da non. Quá trình này có thể gây ngứa, thậm chí gây kích ứng. Bạn cần hạn chế cào, gãi lên da để tránh gây ra kích thích hay tệ hơn là nhiễm trùng. Khi gãi, da sẽ dễ để lại sẹo và làm biến dạng hình xăm. Chắc hẳn bạn sẽ không muốn tự tay làm hỏng một tác phẩm mà mình đã bỏ khá nhiều tiền để sở hữu.

Sau khi xăm, bạn sẽ nhận được một loại thuốc mỡ để bôi lên vùng da vừa bị tác động. Các thợ xăm cũng sẽ khuyên bạn không nên tiếp xúc trực tiếp vùng da này với nước. Cơn ngứa sẽ giảm dần trong vòng 1–2 tuần.

Nếu tình trạng ngứa kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn, bạn có thể cân nhắc đến các yếu tố dưới đây.

2. Hình xăm bị ngứa do nhiễm trùng

Khi xăm hình, kim xăm trực tiếp đâm thủng da. Bạn cần đảm bảo thợ xăm sử dụng các dụng cụ vô trùng, kim xăm một lần hoặc được tiệt trùng đúng cách trước khi xăm cho bạn. 

Việc sử dụng các dụng cụ hoặc mực không vô trùng có thể đưa vi khuẩn hoặc các sinh vật khác vào cơ thể. Thợ xăm cũng không nên pha trộn các thành phần không vô trùng vào mực, chẳng hạn như nước máy. Tất cả những hành động này đều có thể gây nhiễm trùng. Hãy tìm hiểu quá trình khử trùng của các thợ xăm trước khi bạn quyết định xăm mình. Nếu thấy không đảm bảo vệ sinh, đừng tiếp tục thực hiện. Bạn sẽ không biết chiếc kim nhỏ từ máy xăm có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm những căn bệnh hiểm nghèo đến mức nào.

Các triệu chứng của nhiễm trùng có thể bao gồm:

  • Vùng da đỏ lên, lan rộng ra
  • Xuất hiện các vệt đỏ dài trên da
  • Cơn đau nhức kéo dài
  • Da bị sưng tấy và ngứa
  • Sốt
  • Ớn lạnh

Nếu không điều trị, tình trạng nhiễm trùng từ hình xăm có thể trở nên tồi tệ hơn. Hãy đi khám ngay nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm trùng sau khi xăm.

3. Dị ứng

Mực xăm có chứa các thành phần có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người. Đôi khi, dị ứng khiến hình xăm lâu ngày bị ngứa, từ vài tháng hoặc nhiều năm sau khi xăm.

Cơ thể mỗi người có xu hướng bị dị ứng với 1 màu mực cụ thể. Tuy nhiên, Học viện Da liễu Hoa Kỳ cho biết mực màu đỏ gây ra phản ứng dị ứng nặng nhất. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng màu đỏ của hình xăm có thể chứa các kim loại độc hại như nhôm, sắt. Những kim loại này có thể kích hoạt phản ứng dị ứng, chẳng hạn như viêm da tiếp xúc.

Mực đỏ có thể là nguyên nhân khiến hình xăm bị ngứa

Một phản ứng dị ứng nhẹ có thể gây ra những tình trạng như:

  • Ngứa
  • Đỏ da
  • Nổi các nốt như mụn
  • Da bị phồng rộp
  • Đóng vảy và bong da
  • Hình xăm chảy dịch

Trường hợp dị ứng nhẹ, các triệu chứng sẽ hết dần. Ngược lại, nếu bạn không thấy đỡ hơn sau vài ngày, hãy đến bệnh viện da liễu để kiểm tra. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng. Hãy ngay lập tức gọi cấp cứu nếu bạn thấy có các triệu chứng như:

  • Nổi mề đay
  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Nhịp tim nhanh
  • Tức ngực
  • Da sưng tấy nặng… 

4. Dị ứng ánh nắng

Một số người cảm thấy hình xăm bị ngứa thực tế có thể đang bị dị ứng với ánh sáng mặt trời. Phản ứng này xảy ra ngay sau khi xăm hoặc trong vòng vài giờ. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Nổi các nốt nhỏ, ngứa
  • Mề đay
  • Da bị đỏ
  • Da bị sưng, phồng rộp

Nếu bị dị ứng dạng này, bạn cần tránh để hình xăm trực tiếp tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Sau khi xăm, hình xăm sẽ thường được bọc 1 lớp màng bảo vệ. Hãy giữ nguyên lớp bảo vệ này trong vài giờ hoặc theo khoảng thời gian mà thợ xăm khuyến cáo, đặc biệt với các hình xăm ở vị trí dễ nhìn thấy bên ngoài áo quần bình thường hay hình xăm kích thước lớn. Ngoài ra, hãy đảm bảo lớp màng bảo vệ được thay mới thường xuyên. Bạn cũng nên chọn mặc các loại quần áo có chỉ số chống nắng UPF cao khi ra ngoài trời.

Khi hình xăm đã lành hoàn toàn, bạn có thể thoa kem chống nắng kháng nước có chỉ số SPF 30 hoặc cao hơn mỗi khi đi nắng. Một điều nên lưu ý là đừng tự thoa kem chống nắng nếu chưa hỏi qua ý kiến của thợ xăm. Các thợ xăm sẽ cho bạn lời khuyên về loại kem chống nắng phù hợp.

5. Bệnh chàm

Bệnh chàm là tình trạng gây ra viêm, đỏ, ngứa hoặc nứt nẻ da. Có rất nhiều yếu tố có thể gây phát chàm như dị ứng, khô da hoặc những chất kích ứng, chẳng hạn như nước hoa. Hình xăm không hẳn là tác nhân gây ra bệnh chàm. Tuy nhiên, chàm có thể bùng phát tại khu vực da có hình xăm sau nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, khiến hình xăm lâu ngày bị ngứa.

Những người bị bệnh chàm cần cân nhắc ý kiến của bác sĩ trước khi có dự định xăm. Ngoài ra, hãy bàn với thợ xăm về việc sử dụng loại mực dành cho da nhạy cảm. Những tiệm xăm uy tín có thể cung cấp hướng dẫn chăm sóc sau xăm, cũng như thuốc mỡ hỗ trợ quá trình lành thương trên da.

Nếu bệnh chàm phát triển trên hoặc xung quanh một hình xăm mới, hãy hỏi thợ xăm về các loại kem dưỡng ẩm cho da có hình xăm để màu mực không bị ảnh hưởng. Tránh sử dụng các sản phẩm có mùi thơm hoặc chứa cồn, vì những loại này có thể làm cho bệnh chàm nặng hơn.

Nếu các triệu chứng chàm không cải thiện trong vòng vài ngày, bạn cần đi khám da liễu ngay.

6. Bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công các tế bào da khỏe mạnh. Điều này khiến các tế bào da tái tạo quá nhanh, hình thành các mảng đỏ và có vảy trên da. Chúng thường gây ngứa và đau cho người bệnh.

Một trong những tác nhân được biết đến của bệnh vảy nến là chấn thương da. Tổ chức Bệnh vảy nến Quốc gia Hoa Kỳ (National Psoriasis Foundation) cho biết: ngay cả những vết thương nhỏ như mũi kim tiêm vắc-xin cũng có thể kích thích bệnh vảy nến ở một số người quá mẫn. Do đó, việc xăm hình cũng có thể khiến bệnh vảy nến xuất hiện, vì phải dùng kim xăm tác động trực tiếp vào da.

7. Ung thư da

Hiện vẫn không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa hình xăm và ung thư da. Do đó, việc hình xăm bị ngứa có liên quan đến ung thư da là cực kỳ thấp. Tuy nhiên, ung thư da có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên da, bao gồm cả những vùng có hình xăm. Việc hình thành mảng ngứa, đỏ trên da cũng là một triệu chứng của ung thư da.

Nếu đã loại bỏ tất cả các nguyên nhân tiềm ẩn khác khiến hình xăm bị ngứa, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra nguy cơ ung thư da.

Hình xăm bị ngứa phải làm sao, chăm sóc thế nào?

Tình trạng hình xăm bị ngứa sẽ không còn đáng lo khi bạn chăm sóc da sau xăm đúng cách

Hướng giải quyết tình trạng hình xăm bị ngứa sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ngứa. Nếu bị bệnh chàm hoặc vảy nến hay có phản ứng dị ứng, hãy nhanh chóng đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu. Thực hiện đúng các hướng dẫn chăm sóc vùng da sau xăm sẽ giúp hạn chế tối đa các trường hợp xấu ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và hình xăm nói riêng. Do đó, việc bị ngứa cũng sẽ không còn đáng quan ngại.

Một số cách giảm tình trạng hình xăm bị ngứa trong quá trình da tự làm lành mà bạn có thể tham khảo áp dụng là:

  • Tránh làm trầy xước hình xăm
  • Không được bóc lớp mài đang bong
  • Tránh sử dụng khăn lau mạnh hoặc tẩy tế bào chết
  • Bôi kem hoặc thuốc mỡ sau khi xăm. Có thể bảo quản kem ở ngăn mát tủ lạnh để làm dịu chỗ ngứa khi bôi
  • Tránh sử dụng sản phẩm gây kích thích lên hình xăm
  • Bảo vệ hình xăm khỏi ánh nắng mặt trời
  • Tránh để vùng da có hình xăm tiếp xúc với nước trong khoảng thời gian được yêu cầu
  • Nếu có phản ứng dị ứng nhẹ, có thể uống thuốc trị dị ứng theo chỉ định của bác sĩ
  • Chườm lạnh cũng có thể giúp giảm ngứa. 

Hãy nhanh chóng đi khám nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:

  • Sốt
  • Da phồng rộp
  • Chảy dịch, có thể có mủ
  • Vùng da bị đỏ lan rộng
  • Da bị sưng tấy nhiều hơn
  • Cảm giác ngứa ngày càng nặng hơn
  • Đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn không cải thiện sau một vài tuần

Việc xác định đúng nguyên nhân hình xăm bị ngứa quyết định 70% kết quả điều trị, nhưng bạn cần tránh cào gãi chỗ ngứa. Chúc bạn có những trải nghiệm thú vị nhưng vẫn an toàn khi quyết định sở hữu một hình xăm mới!

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Hình Xăm Nổi Nốt Ngứa