HLV Nguyễn Đức Thắng: 'Tôi Từng Ngại Ngùng Vì 30 Tuổi Mới Học ...

- Các bạn nghĩ tôi là người màng danh lợi? Không hề. Con người quan trọng nhất phải hiểu được bao nhiêu là đủ. Với tôi, "đủ" là khi tôi được làm điều mà mình yêu thích, chu toàn với gia đình, đầy đủ nghĩa vụ với bạn bè, họ hàng.

Đúng là sau mùa giải 2020, tôi cảm thấy khá mệt mỏi. Chặng đường mà tôi đi cùng với Bình Định diễn ra không đúng như mong đợi, nỗ lực, cố gắng của bản thân và tập thể. Tôi có cảm giác rằng Bình Định vẫn làm chưa tới cái đích mình vạch ra, dù thăng hạng ở một mùa giải đặc biệt.

Bản thân tôi xác định đến Bình Định để làm bóng đá chuyên nghiệp, giúp một CLB "địa phương" trở nên "nhà nghề". Nếu không đảm bảo tính chất đó, tôi sẽ dừng lại. Tôi có nhiều công việc, nhiều sự lựa chọn. Tôi hoàn toàn có thể về huấn luyện các bạn nhỏ ở trung tâm cộng đồng. Về nhà tôi vẫn cảm thấy vui vẻ hạnh phúc, đâu nhất thiết cần phải làm ở một CLB tại V-League. Nhưng cũng may, sau đó tôi và CLB tìm thấy chung chí hướng. Khi cả hai đã thống nhất được quan điểm làm việc thì tôi sẵn sàng tiếp tục gắn bó ngay cả khi tập thể đó còn nhiều thách thức, khó khăn trong mùa giải tới đây. Đó mới là yếu tố quan trọng hàng đầu để tôi tiếp tục với bóng đá nơi này.

- Rốt cuộc, đâu là nguyên nhân sâu xa khiến ông kết duyên với Bình Định, vốn là địa phương rời xa bóng đá đỉnh cao suốt 12 năm qua?

- Phải nói là "cái duyên". Tháng 11/2019, tôi nhận lời mời của chú Dương Ngọc Hùng (cựu HLV thủ môn đội tuyển Việt Nam và cũng là huyền thoại bóng đá Việt Nam trong những năm 1980-1990) tham dự một trận giao hữu và tiệc liên hoan tại Bình Định. Hôm đó, tôi được biết nhà tài trợ đã âm thầm ủng hộ CLB Bình Định suốt năm 2019, bao gồm chi trả ăn, ở, di chuyển và các công tác hậu cần. Điều đó làm tôi có cảm tình.

Một tuần sau, tôi nhận được điện thoại hẹn gặp họ tại TP HCM. Thông qua kế hoạch đầu tư mà họ muốn dành cho CLB Bình Định cũng như tham vọng đưa tôi về để phát triển, lấy lại niềm tin, mang lại sức sống cho bóng đá địa phương này, tôi đồng ý. Ở góc độ làm nghề, tôi cũng muốn được chung tay giúp bóng đá của một địa phương phát triển hơn.

Ban đầu, nhiều bạn bè đã hỏi tôi "Tại sao lại nhận một đội hạng Nhất như thế?". Trong thâm tâm, tôi muốn làm mới lại bản thân. Sau những năm tháng làm bóng đá đỉnh cao với Sài Gòn FC và Thanh Hoá, tôi muốn có sự thay đổi. Với những đội bóng ở V-League, tôi có sẵn các cầu thủ chuyên nghiệp, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ. Còn với Bình Định, tôi phải xây lại từ đầu. Đó vừa là thách thức, vừa là đòn bẩy và cũng là cơ hội, thôi thúc tôi tới đây.

Suy nghĩ của tôi không giống số đông. Không thể gọi bóng đá Việt Nam là bóng đá chuyên nghiệp. Có bao nhiêu nhà tài trợ đứng ra chung sức và đi cùng các đội bóng? Quá nhiều bài học trong lịch sử. Các nhà tài trợ đến rồi đi. Họ chưa xây dựng nền tảng nào cho đội bóng. Họ chỉ làm thương hiệu trên phương diện của một nhà tài trợ và sau đó kết thúc nhiệm vụ khi đạt mục đích. Còn ở đây, tôi thấy từ lãnh đạo nhà tài trợ cho đến thành viên làm việc chuyên môn đều là người con của Bình Định. Họ muốn đóng góp, xây dựng quê hương. Trên cơ sở ấy, tôi muốn cùng họ chung tay xây lại ngôi nhà bóng đá Bình Định.

- Nhân nói tới chuyện xây dựng nhân sự, đâu là tiêu chí ông đặt ra khi tuyển chọn, chuyển nhượng cầu thủ?

- Thứ nhất là niềm tin. Thứ hai, trình độ chuyên môn và tư cách đạo đức phải song hành với nhau. Năm nay, tôi lấy hai cầu thủ ngoại cho Bình Định là Ahn Byung Keon và Rimario. Với Ahn Byung Keon, tôi chưa nói chuyện với cậu ấy lần nào trước khi chiêu mộ. Nhưng tôi thấy ở Ahn phẩm chất chuyên môn và đạo đức. Người Hàn Quốc có thừa sự kỷ luật và chuyên nghiệp. Ahn là cầu thủ có tố chất bẩm sinh của một thủ lĩnh. Tôi cần điều đó ở hàng thủ Bình Định. Mùa trước, hàng thủ của chúng tôi cơ bản chơi tốt nhưng nhiều khi vẫn phải nhận những bàn thua "theo kiểu hạng Nhất".

Rimario thì đơn giản, vì hai chúng tôi đã quá hiểu nhau. Tôi có niềm tin nơi cậu ấy. Tôi đã làm việc với Rimario ở Thanh Hoá. Ngoài thời gian huấn luyện trên sân tập buổi sáng, tôi còn làm việc với cậu ấy cả buổi tối. Tôi muốn giúp cậu ấy hiểu hơn về chiến thuật, lối chơi đồng đội. Tôi muốn Rimario hiểu rằng chơi bóng tại Việt Nam khác chơi bóng ở nước ngoài ra sao. Năm ngoái, cậu ấy còn nhờ tôi tư vấn nên chọn đội bóng nào tại V-League là phù hợp. Khi Rimario đến Hà Nội, tôi đã nói nếu không thay đổi cậu ấy sẽ không thể thành công vì cách vận hành ở CLB thủ đô là hoàn toàn khác

- Nhưng Ahn hay Rimario đều là những "gương mặt cũ" ở V-League?

- Nếu để ý kỹ, các bạn sẽ thấy suốt bốn đến năm năm qua, đa số những cầu thủ tôi dùng đều là gương mặt mới. Năm 2016 là Maurice. Năm 2017, tôi đưa Marcelo về Sài Gòn FC trước khi V-League khởi tranh đúng một tuần. Rồi cầu thủ thứ hai ở mùa giải đấy là Patrick Cruz chỉ chào sân ở hiệp 2 tại vòng 2, lúc Sài Gòn gặp Đà Nẵng. Tôi chọn cầu thủ theo tiêu chí của tôi. Với Bình Định, các bạn cũng hãy đợi đi. Tôi sẽ có cầu thủ mới đấy.

Từ khóa » Nguyễn đức Thắng Hlv