Hồ Chí Minh Với Việc đi Tìm Chân Lý Thời đại: “Muốn Cứu Nước Không ...
Có thể bạn quan tâm
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân xâm lược, nhân dân bị hai tầng áp bức nặng nề, người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm bộc lộ tinh thần yêu nước, thương dân mới, có chí muốn cứu giúp nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than. Anh tích cực tham gia các hoạt động cứu nước do các nhà cách mạng tiền bối tổ chức. Trong quá trình đó, Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ nhiều về con đường cứu nước của Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…, chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên. Dù rất quý trọng và khâm phục lòng yêu nước, đánh giá cao những cống hiến của họ, nhưng với một dự cảm chính trị thiên tài, Nguyễn Tất Thành nhận thấy ở các con đường cứu nước ấy còn có nhiều hạn chế và bế tắc về mục tiêu và phương pháp. Anh quyết định đi tìm con đường cứu nước mới.
Việc Nguyễn Tất Thành chọn hướng đi sang phương Tây, sang một nền văn minh mới khác với văn minh phương Đông, sang tận nơi có cái gọi là “Tự do”, “Bình đẳng”, “Bác ái” mà người Pháp thực dân tuyên truyền để tìm hiểu ngọn nguồn của chế độ thực dân đô hộ dân tộc Việt Nam, và cũng là để học hỏi tinh hoa thế giới, sau về giúp đồng bào, đó là một đột phá mới trong tư duy chính trị lúc bấy giờ.
Trong thời gian 10 năm đầu, từ 1911 đến 1920, Nguyễn Tất Thành vừa phải tìm việc làm để kiếm sống, vừa tự học tập và tham gia hoạt động yêu nước ở nước ngoài. Anh đã đi qua nhiều nước, nhiều châu lục; ở đâu anh cũng quan sát, so sánh, nhận xét, đi sâu tìm hiểu thực chất, không dừng lại ở hình thức bên ngoài. Vì thế, điều mà nhiều người yêu nước Việt Nam lúc đó không phát hiện được thì Nguyễn Tất Thành đã nhận ra: Ở đâu trên thế giới cũng có kẻ giàu, người nghèo, cũng có kẻ bóc lột và người bị bóc lột, bị áp bức. Ở các nước chính quốc hay các nước bị thuộc địa vẫn có những người Pháp, người Mỹ tốt và cũng có những người Pháp, người Mỹ không tốt; cũng có người da trắng áp bức, bóc lột và những người da trắng bị áp bức, bóc lột.Anh đi đến kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”[1]. Khi sang Mỹ, tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng, Nguyễn Tất Thành nhìn thấy ở cách mạng Mỹ có một số giá trị tích cực, nhưng vẫn nhận xét đó là cuộc cách mạng “không đến nơi”, không triệt để vì không nói gì đến giải phóng tầng lớp nhân dân lao động. Ở Pháp, nghiên cứu cách mạng tư sản Pháp, nghiên cứu bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, Anh cũng tìm thấy được một số giá trị tích cực, nhưng cũng phê phán tính chất nửa vời, không triệt để của nó.
Tháng 6 năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã cùng Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường viết bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm tám điểm gửi Hội nghị Véc xây (hội nghị của các nước thắng trận sau Chiến tranh thế giới thứ nhất) nhằm kêu gọi các nước giúp đỡ sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, nhưng không được hội nghị xem xét. Bản Yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc[2] càng nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Sau này, Người viết: “Chủ nghĩa Uyn xơn chỉ là trò bịp bợm lớn”[3] và “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”[4]. Phân tích cách mạng tư sản Mỹ 1776 và cách mạng tư sản Pháp 1791, Nguyễn Ái Quốc đi đến kết luận: Không thể đi theo con đường cách mạng tư sản vì con đường đó không giải phóng dân tộc thuộc địa, không giải phóng nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột; những cuộc cách mạng kiểu đó, sớm muộn thì nhân dân phải làm cách mạng một lần nữa mới xong.
Thế rồi, điều gì đến phải đến. Như một tất yếu lịch sử, vào một ngày tháng 7 năm 1920, đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo (Pháp), Nguyễn Ái Quốc lập tức bị cuốn hút vì tính chất cách mạng triệt để của nó, vì nó đã giải đáp thỏa đáng những điều mà bấy lâu nay anh hằng mong ước, đợi chờ.
Luận cương của V.I.Lênin như luồng ánh sáng chiếu rọi vào trí tuệ và tâm hồn của Nguyễn Ái Quốc, đem đến cho anh một nhãn quan chính trị mới. Nhà lãnh đạo Đảng, nhà lý luận chính trị Trường Chinh nhận xét: “Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa đến với Người như một ánh sáng kỳ diệu nâng cao về chất tất cả những hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người hằng nung nấu”[5]. Từ đó, anh hoàn toàn tin theo V.I.Lênin và quyết đi con đường cách mạng mà V.I.Lênin đã vạch ra. Từ lập trường của một người yêu nước, anh chuyển sang lập trường của một người cộng sản. Sau này, Người kể lại rằng: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin.…Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[6]. Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc tìm đường sang nước Nga, trực tiếp nhìn thấy những thành quả to lớn của Cách mạng Tháng Mười đem lại cho giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác, Người càng quyết tâm theo con đường đã chọn.
Sau khi tìm được con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc, đúng như ước nguyện khi Người ra đi. Người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc, tổ chức lực lượng vũ trang, vận động nhân dân đấu tranh giành độc lập, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, đưa nhân dân lao động từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ, từng bước đưa đất nước lên chủ nghĩa xã hội để xóa bỏ tận gốc bóc lột, bất công. Thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong 15 năm đấu tranh giành chính quyền, trong 30 năm kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ 1976 đến nay, cũng như bài học thành công và chưa thành công của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỷ XX đã khẳng định sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn.
Năm 1967, trong bài viết cho Báo Pravđa (Liên Xô) nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát một số vấn đề có tính quy luật về cách mạng giải phóng dân tộc. Người chỉ rõ: “Trong thời đại ngày nay, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trong phạm vi toàn thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của các dân tộc gắn liền với sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của phe xã hội chủ nghĩa và của phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa”[7].
Luận điểm "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản" là một luận điểm nền tảng của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; định hướng phương hướng, đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2 năm 1930, trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng”, Đảng đã đề ra quan điểm "làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Quan điểm này được Đảng ta phát triển trong Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930, đặc biệt là được thể hiện rất rõ trong Đại hội II của Đảng năm 1951, khẳng định cách mạng Việt Nam mang tính chất cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng tiếp tục khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản với việc xác định nhiệm vụ của cách mạng cả nước là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, giải phóng miền Nam, đưa miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi thống nhất đất nước, hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, năm 1976, tại Đại hội IV Đảng ta chủ trương đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng tiếp tục khẳng định con đường phát triển của dân tộc Việt Nam là đi lên chủ nghĩa xã hội; khẳng định mục tiêu lớn của thời đại là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[8]. Việc Đảng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là vì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Bằng việc nêu lên luận điểm mang tầm chân lý thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm phong phú lý luận Mác - Lênin về cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin trở nên phổ biến đối với mọi dân tộc trên thế giới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong bài “Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh”, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Trường Đảng Êtiôpia Têshôm Kêbêđe đã viết: “Những tư tưởng của Hồ Chí Minh có ảnh hưởng to lớn trong việc khuyến khích và cung cấp tri thức cho các lãnh tụ của giai cấp công nhân và các nhà cách mạng ở Á, Phi và Mỹ Latinh giải quyết một cách triệt để vấn đề dân tộc”[9].
Hiện nay, tuy cách mạng vô sản thế giới đang đứng trước những thách thức to lớn do sự chống phá quyết liệt của chủ nghĩa tư bản; không ít dân tộc gặp khó khăn trong việc chọn định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội do tác động tiêu cực của tình hình sau khi Liên Xô tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Tuy vậy, nhiều nước ở châu Á, Phi, Mỹ Latinh vẫn giương ngọn cờ độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội dưới nhiều hình thức. Trong khi một số mô hình chủ nghĩa xã hội ở một số nước Đông Âu sụp đổ, một số mô hình chủ nghĩa xã hội mới - sản phẩm của quá trình đổi mới chủ nghĩa xã hội - như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba với những thành tựu to lớn, khẳng định sức sống của chủ nghĩa xã hội đổi mới, trở thành tấm gương sáng để các dân tộc khác noi theo. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các dân tộc dù có khó khăn, phức tạp, nhưng theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa tư bản đã từng có vai trò lịch sử trong các thế kỷ trước, cho dù hiện nay vẫn còn khả năng tồn tại do biết lợi dụng sự phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ và bóc lột các nước thuộc thế giới thứ ba, nhưng nó đã bộc lộ những khiếm khuyết và mâu thuẫn nội tại không thể giải quyết; đã và đang bộc lộ những hạn chế không thể khắc phục nổi trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc, giai cấp, vấn đề xóa bỏ chế độ người bóc lột người, chiến tranh, bảo vệ môi trường, bảo đảm công bằng, bình đẳng xã hội, chăm lo phát triển con người, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Do bản chất của mình, ngày nay, chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn không từ bỏ chính sách thực dân xâm lược với nhiều biến tướng mới rất tinh vi và xảo quyệt nhằm bóc lột các nước kém phát triển, chậm phát triển. Những cuộc chiến tranh và can thiệp quân sự của các nước phương Tây vào các quốc gia độc lập có chủ quyền trong những thập niên 90 của thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI, đặc biệt gần đây, cuộc tấn công quân sự của Liên quân do NATO lãnh đạo chống Libi, cho dù cố che đậy với những lý do gì, thì về thực chất vẫn là các cuộc xâm lược nhằm mục đích phân chia lại thị trường thế giới, giành giật tài nguyên, môi trường, duy trì hoặc áp đặt ảnh hưởng của họ lên các nước đang lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình, ngăn cản quá trình vận động, phát triển lên chủ nghĩa xã hội của các quốc gia đã giành được độc lập, buộc các quốc gia này phải phụ thuộc vào chủ nghĩa tư bản.
Bài học lịch sử trong thế kỷ XX và thập kỷ đầu của thế kỷ XXI cảnh tỉnh chúng ta rằng, còn chủ nghĩa tư bản là còn nguy cơ bị xâm lược; độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, sự thống nhất đất nước còn bị đe dọa. Do đó, chủ nghĩa tư bản quyết không phải là sự lựa chọn của nhân loại trong thời đại ngày nay. Chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội thì độc lập dân tộc mới được giữ vững, nhân dân lao động mới được giải phóng thực sự. Đó cũng chính là chân lý thời đại mà cách đây 100 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được ở chủ nghĩa Mác - Lênin trên hành trình đi tìm đường cứu nước, cứu dân của mình.
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 1, tr. 266.
[2] Khi viết bản Yêu sách của nhân dân An Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, tên Nguyễn Ái Quốc được dùng từ đó.
[3] Hồ CHí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 1, tr. 416.
[4] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb ST, H. 1975, tr. 33.
[5] Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sự nghiệp vĩ đại, gương sáng đời đời, Nxb ST, H. 1980, tr. 11.
[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 10, tr. 128.
[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 12, tr. 304-305.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 70.
[9] Dẫn theo sách"Hồ Chí Minh - Một người châu Á của mọi thời đại”, Nxb CTQG, H. 2010, tr. 218.
Từ khóa » Nó Dùng Những Người Vô Sản Da Trắng để Chinh Phục Những Người Vô Sản Các Thuộc địa
-
Bài Viết Của Nguyễn Ái Quốc, Nhan đề Đông Dương Và Thái Bình ...
-
Nhà Báo Cách Mạng Quốc Tế Nguyễn Ái Quốc
-
Sự Phát Triển Sáng Tạo Của Hồ Chí Minh Về Vấn đề Dân Tộc Và Giải ...
-
Về Con đường Cách Mạng Vô Sản Qua Một Số Tác Phẩm Của Nguyễn ...
-
Nhà Báo Cách Mạng Quốc Tế Nguyễn Ái Quốc - Báo Biên Phòng
-
KIEM-TRA - TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG KHOA KHOA HỌC CƠ ...
-
Sự Sáng Tạo Của Nguyễn Ái Quốc Trong Hành Trình Tìm đường Cứu ...
-
Những Sáng Tạo Của Hồ Chí Minh Về Vấn đề Dân Tộc Thuộc địa Và ...
-
Nguyễn Ái Quốc Bàn Về Vai Trò Quốc Tế Cộng Sản Với Cách Mạng An ...
-
Nguyễn Ái Quốc Với Sơ Thảo Lần Thứ Nhất Những Luận Cương Về Vấn ...
-
Sơ Thảo Luận Cương Của V.I.Lênin - Bước Ngoặt Trong Hành Trình ...
-
Sự Khác Biệt Trong Con đường Cứu Nước Của Nguyễn Ái Quốc
-
[PDF] Lần đầu Tiên Báo Cờ đỏ Của đảng Cộng Sản Bỉ đăng Một Bài Viết Của ...
-
Tìm Hiểu Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Một Số Vấn đề Quốc Tế (tiếp)