HỒ DZẾNH - THƠ - Thu Tứ - Chim Việt

Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
HỒ DZẾNH - THƠ

Thu Tứ

Ngập ngừng Duyên ý Lặng lẽ Lỡ đò Mùa thu năm ngoái Hà Nội sang thu Đợi thơ Chiều Rằm tháng giêng Trở lại Tưởng chuyện ngàn sau
"Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé"! Ô hay, Hồ Dzếnh làm sao thế? Ai nấy đều cứ hễ yêu là muốn "em" đến ngay lập tức rồi mọi việc đến đâu thì đến, sao ông lại muốn ngược đời?

Thi sĩ bảo thế cho ngày mai còn đẹp, cho tình khỏi mất vui. Sao ông không nghĩ ngày mai có thể sẽ đẹp hơn, tình có thể sẽ vui hơn, nay ta hẹn mai ta... hò?! Ông vốn bi quan, yếm thế chăng? Hay sở dĩ ông muốn "tình (...) hỏng câu thề", muốn "đời (...) dang dở", là cốt để được tha hồ nhớ? Nhớ để mà làm thơ!

Thơ quả có hay làm bằng nhớ. Nhưng tha thiết tạo vốn sáng tác đến mức nài nỉ "nếu trót đi, em hãy gắng quay về", thì ngoài Hồ Dzếnh hình như chưa ai...

Người nghệ sĩ tận tụy ấy hiền lành, khiêm tốn lắm: không "chọn nắng, cầu mưa", mà "vui lòng sống trong im", vui lòng yêu chỉ để "làm thơ, đủ rồi"!

Hiền với khiêm với bi quan, chắc cơ bản tính người. Ngoài ra, chợt nghĩ rất mơ hồ: Hồ Dzếnh có đến hẳn một nửa máu Tàu, tức nhiều máu "ngoại" hơn bất cứ văn thi nhân nổi tiếng nào khác của ta, không biết liệu điều đó đã có làm cho ông tự nhiên hơi rụt rè một chút trong những sinh hoạt xã hội trên đất nước này chăng?

Máu với huyết mà làm gì. Quan trọng, là con người có thuộc vào văn hóa Việt Nam hay không. Qua những vần thơ, những trang văn, Hồ Dzếnh đã chứng tỏ được điều ấy. Cho nên bây giờ đọc lại, thấy bâng khuâng nhớ tưởng một tâm hồn và một tài năng...

Ngập ngừng

Trước Hồ Dzếnh chừng trăm rưởi năm, ở phường Bích Câu "có Trần công tử tên là Tú Uyên" cũng đứng chờ "em" mà mãi chẳng thấy em đâu:

"Trông mong đã trót giờ lâu, Ấp cây mãi thế ra màu cũng quê. Chán chiều thơ thẩn ra về, Xem tình dở tỉnh dở mê nực cười!"[1]

Công tử ấp cây sợ ấp nữa sẽ hóa... quê một cây, nên đành "thơ thẩn ra về", chân bước mà óc "dở tỉnh dở mê", nửa tin chắc có chuyện gì nửa ngờ đã bị em cho... leo cây!

Ghét leo cây như Trần Tú Uyên là bình thường, còn cầu "được" leo như Hồ Dzếnh thì từ "nghìn xưa" đến năm 1942 không thấy ai mà từ dạo ấy đến "nghìn sau" chắc lúc nào cũng hiếm...

--------

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân, Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần... Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu? Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu? Thuở ân ái mong manh như nắng lụa. Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa, Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi, Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Tôi sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ. Nếu trót đi, em hãy gắng quay về, Tình mất vui khi đã vẹn câu thề, Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở. Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ, Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...

Duyên ý

Đâu có phải hễ cứ thi sĩ thì "ngập ngừng" như Hồ Dzếnh nhỉ.[2]

Trông Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương xem: ai nấy đều hoặc "giục giã"[3) "búp lên hoa" sơm sớm hoặc khóc tới khóc lui khóc đi khóc lại vì muốn quá mà búp không lên được hoa, chứ có ai đã thấy búp rồi mà lại cầu Trời "cho tôi thoáng cảm mùi nhang, hình dung xa vắng cung đàn rồi thôi" đâu!

Ờ, nhưng dù vội vàng dù không, dù được thấy hoa dù không, rốt cục thi sĩ nào cũng ưa trầm trồ, ve vuốt nhất cái "buổi sơ đầu lưu luyến", cái "thuở ân ái mong manh như nắng lụa".[4)

Dù bao nhiêu "buổi", thường chỉ riêng buổi ấy rồi mới "lên thơ".

--------

Đừng buồn nhưng cũng đừng vui, Êm êm nắng nhẹ qua trời rộn mưa. Hỡi người, tôi nói gì chưa? Tôi đương sắp nói, hay vừa nói ra?

Trời đừng cho búp lên hoa, Cho khi gần đến, tôi xa mãi nàng; Cho tôi thoáng cảm mùi nhang, Hình dung xa vắng cung đàn rồi thôi.

Chập chờn bướm nửa, hoa đôi, Tình nên chỉ mộng khi đời sẽ thơ. Ước gì bạn mãi là cô, Để duyên hai đứa bao giờ cũng tươi.

Đừng buồn nhưng cũng đừng vui, Êm êm nắng nhẹ qua trời rộn mưa...

Lặng lẽ

"Tôi" yêu hiền lành, khiêm tốn, dễ thương quá.

"Tôi" dễ thương, chứ không ngây thơ đâu nhé. Vì "... để tin tưởng mãi rằng đời dễ tin" nghĩa là tôi biết đời vốn... khó tin.

Đời có sao cũng chẳng sao, vì tôi yêu chỉ để "làm thơ, đủ rồi"!

---------

Tôi không chọn nắng, cầu mưa, Nhớ người không cứ về trưa hay chiều.

Tôi yêu vì nắng cây reo, Bướm bay vô cớ, gió vèo tự nhiên.

Đời tình: hoa thắm thêu duyên, Tóc mây vắt mộng, mắt huyền gợi mơ.

Em là "người ấy" hay cô, Sầu chung duyên kiếp làm thơ, đủ rồi.

Tôi tin người để tin tôi, Để tin tưởng mãi rằng đời dễ tin.

Tôi vui lòng sống trong im, Hồn nương bóng gió, lời chim đến người.

- Yêu là khó nói cho xuôi,

Bởi ai hiểu được sao trời lại xanh?

Lỡ đò

"Sông xuân thao thiết màu xanh"...

Tra thử từ điển Hán Việt, thấy "thao thiết" có nghĩa "làm việc quá gắt gao, quá nóng nảy". Thế thì cũng như bao nhiêu từ Hán Việt khác, thao thiết trong câu thơ Hồ Dzếnh là tiếng Tàu đã Việt hóa rồi: sông xuân vẫn "lo" chảy nhưng không căng không sốt ruột...

"Chuyến đò thứ nhất" lỡ thì còn chuyến hai, chuyến ba..., sao đời mới lỡ có một chuyến mà "anh" đã bi quan thế, hả "anh"?

---------

Nhà em ở cách hai sông, Muốn qua bên ấy, phải vòng phía non. Lúa xanh sóng lúa reo cồn, Cây xanh dẫn lối, lối mòn cỏ tươi . Chân đi mắt ngoảnh trông trời, Khấn thầm: "Thượng đế phù tôi kịp đò, Cho tôi mang tấm tình thơ, Gởi người xa mấy lần đò ngắm trông, Sông xuân hẹn chở hết lòng, Đò xuân đem hết chờ mong tới bờ." Em ơi, anh lỡ chuyến đò, Chuyến đò thứ nhất, chuyến đò đời anh. Sông xuân thao thiết màu xanh, Sông xanh xanh quá, lòng anh lại tàn...

Mùa thu năm ngoái

Không nắng không mưa, không nóng không lạnh, không nồm không bấc, chỉ êm êm, dìu dịu, hiu hiu suốt ngày (và suốt đêm), cái thời tiết như thế mà không "nhớ nhung" thì thật phí quá!

Trời đã "sinh" thời tiết thích hợp; trời lại sinh "năm ngoái" với "chốn xa" cho "tình xa lăm lắm" về cả thời gian lẫn không gian, cho "tôi" tha hồ nhớ...

Thi sĩ say nhớ, rồi tưởng tàu cũng nhớ say như mình mà chạy "chậm quên ga"!

---------

Trời không nắng, cũng không mưa, Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung.

Chiều buồn như mối sầu chung, Lòng im nghe thoảng tơ chùng chốn xa.

Đâu hình tàu chậm quên ga, Bâng khuâng, gió nhớ về qua lá dày.

Tôi đi lại mãi chốn này, Sầu yêu nối nhịp với ngày tôi sang.

Dưới chân, mỏi lối thu vàng, Tình xa lăm lắm, tôi càng muốn yêu.

Hà Nội sang thu

Hai câu đầu trong Hà Nội Sang Thu (1980) gần giống hệt hai câu đầu trong Mùa Thu Nãm Ngoái (1942). Thì thu Hà Nội có đổi mấy đâu, mà sao không dùng lại được đôi câu thơ thu Hà Nội?

Chẳng những thu vẫn thế, mà người làm thơ chắc cũng vẫn thế, vẫn hay nhớ nhớ nhung nhung...

"Em" về trong hồn Hồ Dzếnh lúc "Hà Nội giao mùa" nãm 1980, em ấy có phải một em "tiền chiến"?

Bốn chục nãm trời, trong khoảnh khắc như mới hôm qua...

---------

Trời không nắng cũng không mưa Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung... Em còn nhớ đến quê không? Bãi dâu vẫn đợi, dòng sông vẫn chờ Bâng khuâng câu chuyện tình cờ Không mong nên hẹn, không ngờ thành thân. Rất xa bỗng hóa rất gần Dù chưa gặp mặt một lần, lạ chưa! Sáng nay Hà Nội giao mùa Hồ thu, tóc liễu, Tháp Rùa lung linh Nước non đây nghĩa đây tình Đọc thơ, em có thấy mình trong Thơ? (Hà Nội 8-1980)
Đợi thơ

Dĩ nhiên "phút linh cầu mãi" đã về, nên nay ta mới có bài thơ này của Hồ Dzếnh để ngâm nga.

Nghĩ cũng lạ. Tên người tên đất ở đâu đâu, chữ nghĩa ở đâu đâu, thế mà lại "cảm".

Nghĩ cũng không lạ. Vì tuy ở đâu đâu tới, nhưng đã "hóa" lâu rồi. Chẳng hạn, thao thiết Tàu "gắt gao, nóng nẩy" đã hóa thành thao thiết Việt bớt gắt, bớt nóng...

Thơ chỉ là từng cặp, từng cặp lục bát "rạc rời vó ngựa quá quan", thế mà cứ lẩn quẩn trong hồn người đọc, chẳng "linh" mà được thế sao.

----------

Phút linh cầu mãi không về, Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen.

Khói trầm bén giấc mơ tiên, Bâng khuâng trăng giãi qua miền quạnh hiu.

Tô Châu lớp lớp phù kiều, Trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam.

Rạc rời vó ngựa quá quan, Cờ treo ý cũ, mây dàn mộng xưa.

Biển chiều vang tiếng nhân ngư, Non xanh thao thiết, trời thu rượi sầu...

Nhớ thương bạc nửa mái đầu, Lòng nương quán khách, nghe màu tà huân.

Buồn Tư Mã, nhớ Chiêu Quân, Nét hoa thấp thoáng, ý thần đê mê.

Phút linh cầu mãi không về, Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen...

Chiều

Chiều, tất nhiên là... nhớ!

Hồ Dzếnh có lần ghi cái "nhớ chiều" của mình thành một bài thơ đầy chất nhạc (theo Thạch Lam).

Bài thơ rồi được Dương Thiệu Tước phổ thành ca khúc. Trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ, thơ thơ nhạc nhạc, tha hồ cho "sầu vạn cổ chất trong hồn" người đọc, người nghe!

---------

Trên đường về nhớ đầy Chiều chậm đưa chân ngày Tiếng buồn vang trong mây...

Chim rừng quên cất cánh Gió say tình ngây ngây Có phải sầu vạn cổ Chất trong hồn chiều nay?

Tôi là người lữ khách Màu chiều khó làm khuây Ngỡ lòng mình là rừng Ngỡ hồn mình là mây Nhớ nhà châm điếu thuốc Khói huyền bay lên cây...

Rằm tháng giêng

Hồ Dzếnh lại về "Chân trời cũ". Cũ lắm, vì vào "ngày xưa còn nhỏ" ấy, "chị tôi vào lễ trong chùa" bị "trai trẻ" trêu, "vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi"!

Thời gian chỉ một chiều, tất cả mọi người đều phải bước về phía tương lai.

Đa số thường bước hướng mặt về phía trước, bước tới tương lai.

Có một số ít lại thường bước hướng mặt về phía sau, tức bước lui về tương lai!

---------

Ngày xưa còn nhỏ, ngày xưa Tôi đeo khánh bạc, lên chùa dâng nhang Lòng vui quần áo xênh xang Tay cầm hương, nến, đinh vàng mới mua Chị tôi vào lễ trong chùa Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên: "Lòng thành lễ vật đầu niên, Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng!" Chị tôi phụng phịu má hồng Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi Tam quan, ngoài mái chị ngồi Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn Quẻ thần, thánh mách mà khôn: Số nàng chồng đắt, mà con cũng nhiều.

Chị tôi nay đã xế chiều Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ Hằng năm tôi đi lễ chùa Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn Chỉ hơi thấy vắng trong hồn Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ Chân đi, đếm tiếng chuông chùa Tôi ngờ năm tháng thời xưa trở về...

Trở lại

Hồ Dzếnh hình như đi chưa xa, thế mà trở lại "xứ bâng khuâng" cũng không tài nào được.

Thực ra có ai về đó được đâu. Người tha hồ "lui hồn lại", nhưng đời không có số de, lúc nào cũng hùng hục "lăn trầm" tới mà thôi...[5)

---------

Trời trong đến nỗi không mây, Cây im đến nỗi bóng đầy mặt sân. Tôi về giữa xứ bâng khuâng, Nghe thơ lục bát reo vần nhớ xưa.

Chạy dài lớp bí giàn dưa, Vẳng nghe dấu cũ, hồn mơ đường tàn. Mộng lòng xây giữa nhân gian: Một gian nhà nhỏ, mấy giàn trầu không.

Những người tôi vẽ chưa xong, Thi nhau trên bức bình phong méo đầu. Phẳng lì ngõ trước, ao sau, Đêm đêm cá đớp trăng sầu, đêm đêm.

Con người tôi gọi bằng Em, Nhớ tôi nhưng cũng thành duyên lâu rồi. Mộng tàn, nước chảy, mây trôi, Tôi lui hồn lại nhưng đời đã xa.

Tưởng chuyện ngàn sau

Đáy huyệt trông lên Trần gian hững hờ Thân nát hồn đau Vô bến vô bờ...

Húp mấy thìa cháo lú cho quên, còn đi đầu thai mau mau, hồn hỡi hồn ơi!

---------

Nằm đây, tưởng chuyện ngàn sau, Lung linh nến cháy hai đầu áo quan. Gió lìa cánh lá không vang, Tin ta vĩnh quyết trần gian hững hờ! Bao nhiêu dáng ảnh tôn thờ, Xa nhau lâu quá bây giờ lạnh nhau. Người về gối rét, nằm đau, Nghe trên thước đất phai màu nhớ thương. Chiều nào mây vọng hồn chuông, Ngừng chân đôi kẻ trên đường mải mê. Nghe tin ta lỗi câu thề, Nghìn thu xa vắng, ra về trước ai. Ngậm ngùi nhớ trắng rừng mai, Cảm thương sông nước, ghi bài điếu tang! Ngựa gầy bóng gió mênh mang, Cờ đen lối cũ, cây vàng nẻo xa... Ta nằm trong ván trông ra, Tủi thân vì thấy người hoa vẫn cười! Ta toan... giận dỗi xa đời, Chợt hay: khăn liệm quanh người vẫn thơm! Nát thân, không nát nổi hồn, Lẩn trong cái chết vẫn còn cái đau!
_______________

(1) Xem Bích Câu kỳ ngộ.

(2) HD có bài Ngập Ngừng.

(3) XD có bài Giục Giã.

(4) Lời trong bài Ngập Ngừng.

(5) Trịnh Công Sơn có ca khúc tên Vết Lăn Trầm.

Từ khóa » Thơ Tình Hồ Dzếnh