Hở Eo Tử Cung: Dấu Hiệu, Nguyên Nhân, Khi Nào Cần Khâu Eo?
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- 1. Hở eo tử cung là gì?
- 2. Nguyên nhân nào dẫn đến hở eo tử cung?
- 3. Cách nhận biết hở eo tử cung
- 4. Chẩn đoán và xử trí hở eo tử cung
- 5. Chăm sóc sau khâu eo tử cung gồm những gì?
- 6. Khi nào thì được cắt chỉ khâu?
- 7. Phòng ngừa hở eo tử cung
Người mẹ khi từng được chẩn đoán hoặc nghi ngờ hở eo tử cung thường rất lo lắng về tình trạng của mình. Những câu hỏi liên tục được đặt ra. Liệu chúng có ảnh hưởng đến đứa bé không? Liệu tôi có thể tiếp tục mang thai nữa không? Tôi phải làm gì để tốt nhất cho con tôi? YouMed hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp người mẹ có được phần nào câu trả lời, giúp giảm đi nỗi lo lắng cho mẹ.
1. Hở eo tử cung là gì?
Cổ tử cung có hình dạng giống như chiếc bánh rán có lỗ ở giữa, mở đường vào bên trong tử cung. Nó như một cái kênh nằm ở đáy tử cung và nối tử cung với âm đạo.
Trong quá trình mang thai, nhờ độ dày cố tử cung và lỗ giữa được đóng kín bằng nút nhầy, thai được nuôi dưỡng tốt ở bên trong tử cung. Khi mang thai đủ tháng, cổ tử cung bắt đầu ngắn lại (mỏng hơn) và lỗ ở cổ tử cung mở ra (giãn ra), thuận tiện cho em bé chào đời. Đây là một phần của quá trình chuyển dạ bình thường.
Vào khoảng 3 tháng giữa thai kỳ, thai trong bụng mẹ bắt đầu lớn lên đáng kể và tạo được sức ép lên cổ tử cung. Với một cổ tử cung suy yếu, xảy ra tình trạng mỏng và giãn dần quá sớm, không thể giữ được thai trong buồng tử cung, gây sẩy thai cho mẹ. Tình trạng này được gọi là hở eo tử cung.
Theo thống kê, tần xuất hở eo tử cung chiếm khoảng 0,5% số phụ nữ mang thai và khoảng 8% phụ nữ có tiền sử sẩy thai vào 3 tháng giữa thai kỳ.
Xem thêm bài viết: Viêm cổ tử cung: Dấu hiệu, điều trị, phòng ngừa?
2. Nguyên nhân nào dẫn đến hở eo tử cung?
Hở eo tử cung thường xảy ra vào 3 tháng giữa hoặc đầu 3 tháng cuối thai kỳ, tùy thuộc vào mức độ suy yếu của cổ tử cung.
Nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc có các yếu tố nguy cơ gây hở eo tử cung, bao gồm:
- Cổ tử cung bị tổn thương do nong thai ở những lần phá thai trước.
- Bị rách cổ tử cung trong quá trình sinh ở thai kỳ trước.
- Phẫu thuật có liên quan đến cố tử cung như: khoét chóp, cắt đoạn cổ tử cung, …
- Viêm cổ tử cung trong quá trình mang thai.
3. Cách nhận biết hở eo tử cung
Hở eo tử cung có thể không gây bất kỳ dấu hiệu nào trong thời kỳ đầu mang thai. Tuy nhiên, một vài phụ nữ sẽ có những dấu hiệu mờ nhạt, thường xuất hiện vào khoảng tuần thứ 14 đến 20 trong thai kỳ. Chúng bao gồm:
- Cảm giác có áp lực đè ở vùng chậu.
- Có cơn co thắt tử cung nhẹ.
- Đau bụng hoặc đau lưng.
- Chảy máu âm đạo nhẹ.
- Thay đổi màu sắc dịch tiết âm đạo.
Vào khoảng tháng thứ 4 đến thứ 6 thai kỳ, lúc này áp lực buồng ối tăng, đè lên cổ tử cung. Trong hở eo tử cung, cổ tử cung suy yếu sẽ không giữ được thai. Tình trạng này gây sẩy thai đột ngột mà không có dấu hiệu đau bụng hay chảy máu âm đạo báo trước. Sản phụ tự nhiên vỡ ối kèm có cơn gò mạnh, thai bị tống xuất ra ngoài rất nhanh. Do đứa bé còn non tháng nên thường khó sống sau sanh. Lần mang thai sau có khuynh hướng bị sẩy sớm hơn so với lần trước.
Xem thêm: Giảm đau khi sinh: Bạn đã biết cách chưa?
4. Chẩn đoán và xử trí hở eo tử cung
Chẩn đoán sẽ được dựa trên tiền sử mang thai và kiểm tra độ dài cổ tử cung qua siêu âm. Hoặc có dấu hiệu hở eo tử cung rõ ràng xuất hiện ở ba tháng giữa thai kỳ.
Khi hở eo tử cung được xác định, người mẹ sẽ được cho nhập viện và tiến hành khâu eo lại. Điều này giúp giữ được em bé trong bụng mẹ đến khi chào đời, ở thời điểm phù hợp.
Tùy vào hoàn cảnh chẩn đoán mà sẽ quyết định phương pháp khâu eo tử cung có được thực hiện hay không và thời điểm khâu eo là khi nào.
Có 3 cách để chẩn đoán và nêu ra hướng xử trí của từng cách:
4.1. Chẩn đoán dựa trên tiền sử mang thai trước đó
Chẩn đoán hở eo tử cung được dựa trên tiền sử phụ nữ có sẩy thai hoặc sinh non ở ba tháng giữa thai kỳ mà không có hoặc chỉ có ít dấu hiệu báo trước (chảy máu, đau bụng, thay đổi dịch âm đạo,…). Và tình trạng này xảy ra trong 2 thai kỳ liên tiếp. Ngoài ra, phụ nữ có các yếu tố nguy cơ như đã đề cập (ở mục II), sẽ giúp củng cố thêm cho giá trị chẩn đoán. Thông thường các ca sẩy thai xảy ra trước 24 tuần thai.
Hướng xử trí:
Người mẹ sẽ được vào bệnh viện khâu eo tử cung khi mang thai trở lại. Khâu eo sẽ được thực hiện sớm, vào khoảng tuần thứ 12 đến 14 của thai kỳ. Phương pháp sẽ thực hiện sau khi đã tầm soát bất thường thai nhi ở ba tháng đầu.
Tham khảo thêm bài viết: Cẩm nang dành cho mẹ bầu: 18 điều cần lưu ý khi mang thai
4.2. Chẩn đoán dựa trên siêu âm
Những phụ nữ có tiền sử sẩy thai ở 3 tháng giữa sẽ được tầm soát đo chiều cao tử cung ở thai kỳ sau, qua thiết bị siêu âm. Điều này được thực hiện vào khoảng tuần thứ 14 mang thai, và liên tục kiểm tra mỗi 2 tuần/lần cho đến tuần thứ 24.
Chẩn đoán hở eo tử cung xác định khi chiều dài cổ tử cung ≤ 25 mm trước 24 tuần thai.
Hướng xử trí:
Người mẹ sẽ được khâu eo tử cung càng sớm càng tốt ngay khi được chẩn đoán qua siêu âm trước 24 tuần thai. Bên cạnh đó, phương pháp này chỉ được thực hiện khi thỏa hết các điều kiện khâu eo. (Được đề cập ở phần 4.3 – Hướng xử trí)
4.3. Sự xuất hiện đột ngột dấu hiệu hở eo tử cung
Hở eo tử cung được chẩn đoán khi thăm khám âm đạo ở 3 tháng giữa thai kỳ, có xảy ra hiện tưởng cổ tử cung mỏng đi và có thể đã mở từ 2 cm trở lên. Bác sỹ dễ dàng thấy màng ối khi cổ tử cung mở. Trong trường hợp này, người mẹ sẽ được kiểm tra xem có cơn co thắt tử cung hay không. Nếu ối vẫn còn, thực hiện xét nghiệm dịch ối xem có nhiễm trùng hay chưa. Dựa vào kết quả kiểm tra, bác sỹ tiên lượng và quyết định hướng xử trí tiếp theo.
Hướng xử trí:
Người mẹ sẽ được khâu eo tử cung khi được phát hiện dưới 24 tuần thai. Ngoài ra, người mẹ chỉ được khâu khi thỏa các điều kiện sau:
- Không có cơn co thắt tử cung.
- Không chảy máu từ tử cung.
- Đảm bảo không có nhiễm trùng ối, viêm màng ối, ối đã vỡ.
- Cổ tử cung còn đóng hoặc đã mở dưới 4 cm.
- Không ghi nhận viêm nhiễm âm đạo, viêm nhiễm cổ tử cung.
5. Chăm sóc sau khâu eo tử cung gồm những gì?
Người mẹ sau khi khâu eo sẽ cần được:
- Theo dõi cơn co thắt tử cung, tình trạng đau bụng, ra máu hoặc nước âm đạo.
- Nghỉ ngơi tại giường 12 – 24 giờ.
Nếu không có bất thường gì sau theo dõi 24 giờ, người mẹ sẽ được xuất viện tiếp tục dưỡng thai.
Tham khảo bài viết: Khâu cổ tử cung khi mang thai là như thế nào?
Ngoài ra, bác sỹ có thể khuyên bạn:
- Có chế độ ăn uống hợp lý.
- Tránh giao hợp, đứng lâu, mang vật nặng.
- Siêu âm đo chiều dài cổ tử cung định kỳ.
- Dùng thuốc dưỡng thai do bác sỹ kê đơn và kháng sinh dự phòng (nếu cần).
- Cần khám ngay khi có các dấu hiệu như: đau bụng, ra máu/ nước âm đạo,…
6. Khi nào thì được cắt chỉ khâu?
Người mẹ sẽ có chỉ định cắt chỉ khâu khi tuổi thai khoảng 37 tuần.Tuy nhiên, trường hợp mẹ có dấu hiệu chuyển dạ sớm hơn thời gian này, bác sĩ sẽ cắt chỉ ngay lập tức để tránh rách đứt cổ tử cung do chỉ khâu.
7. Phòng ngừa hở eo tử cung
Bạn không thể ngăn ngừa tình trạng này, nhưng bạn có thể làm nhiều điều khác để thúc đẩy thai kỳ đủ tháng và khỏe mạnh như:
Khám thai sớm ngay khi biết mình có thai và khám thai định kỳ.
Điều quan trọng, khi có tiền sử sẩy thai, bạn cần khai báo rõ với bác sỹ Sản khoa để được hướng dẫn theo dõi, và điều trị. Nếu cần thiết, bác sỹ sẽ đề nghị bạn nhập viện khâu eo tử cung ở thời điểm phù hợp.
Hãy có một chế độ ăn uống lành mạnh.
Khi mang thai, bạn sẽ cần nhiều axit folic, canxi, sắt và các chất dinh dưỡng cần thiết khác. Hãy hỏi bác sỹ các thực phẩm nên dùng và loại thuốc bổ sung nào nên sử dụng.
Quản lý tăng cân khi mang thai.
Đạt được số cân nặng phù hợp có thể hỗ trợ sức khỏe của bé. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạn sẽ tăng khoảng 10 – 12,5 kg trong thai kỳ. Việc quản lý cân nặng sẽ bắt đầu vào tháng thứ tư thai kỳ. Kể từ tháng thứ tư, trung bình mỗi tháng bạn sẽ tăng khoảng 1,5 – 2kg.
Bạn nên thăm khám tại các cơ sở Sản phụ khoa càng sớm càng tốt khi có các dấu hiệu chuyển biến như: đau bụng, chảy máu âm đạo, chảy nước âm đạo, thay đổi dịch tiết âm đạo, v.v.
Hở eo tử cung là một trong những nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp. Vì vậy, việc quản lý thai kỳ sớm để được xử trí khâu eo kịp thời là vô cùng cần thiết.
Sinh viên Y khoa: Nguyễn Hoàng Yến
Từ khóa » Eo Tử Cung Như Thế Nào
-
Hở Eo Cổ Tử Cung Khi Mang Thai Có Nguy Hiểm Không? | Vinmec
-
Hở Eo Tử Cung: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị
-
Hở Eo Tử Cung Là Gì Và Những Nguyên Nhân Gây Bệnh?
-
Hở Eo Tử Cung Là Bệnh Gì? Có ảnh Hưởng đến Thai Nhi Không?
-
Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Phương Pháp điều Trị Hở Eo Tử Cung
-
Hở Eo Tử Cung Là Gì, Có Nguy Hiểm Không? | TCI Hospital
-
HỞ EO CỔ TỬ CUNG: NỖI LO CỦA MẸ BẦU - Bệnh Viện AIH
-
Sớm Nhận Diện Hở Eo Tử Cung để Kịp Thời điều Trị - Hello Bacsi
-
Tiền Sử Sinh Non, Mang Thai Lần Thứ 3 đang Khâu Eo Cổ Tử Cung Làm ...
-
HỞ EO CỔ TỬ CUNG - Bệnh Viện Sản Nhi An Giang
-
Suy Yếu Cổ Tử Cung - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia - MSD Manuals
-
Bất Thường ở Tử Cung Có ảnh Hưởng đến Khả Năng Mang Thai Không?
-
Khâu Eo Tử Cung Trong Dự Phòng Sanh Non